Thứ nhất, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành khác nhau, bao gồm: Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Tài Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
- Về chế tài hình sự, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 217a Bộ luật Hình sự về tội kinh doanh theo phương thức đa cấp để có cơ sở xử lý sớm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để thu lợi bất chính.
- Về chế tài hành chính, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thay Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
Trong đó, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp đã được quy về một văn bản, đảm bảo thuận lợi cho các cơ quan quản lý trong công tác xử lý vi phạm.
Thứ hai, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan đơn vị liên quan trong nội bộ Bộ Công Thương cũng nhưng các đơn vị, lực lượng liên quan tại địa phương.
Tại các địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã ban hành quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với sự tham gia của các lực lượng liên quan như: công an, thuế, y tế, quản lý thị trường, thanh tra Sở Công thương.
Thứ ba, tăng cường công tác tập huấn cho các địa phương về các quy định pháp luật mới. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Công Thương đã tổ chức hơn 10 đợt tập huấn cho cán bộ, công chức thực hiện quản lý nhà nước về bán hàng đa cấp trên cả 03 miền Bắc, Trung, Nam.
Thứ tư, công tác cảnh báo, tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện thường xuyên, đa dạng về phương thức thực hiện để thông tin đến được đông đảo người dân (đăng tải trên website của Bộ Công Thương, tuyên truyền qua các kênh truyền thanh, truyền hình quốc gia, các diễn đàn báo chí…).
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được thực hiện hiệu quả. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai 65 đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp.
Hoạt động thanh, kiểm tra không chỉ tập trung vào phương thức kinh doanh mà còn thanh kiểm tra về chất lượng hàng hóa, điều kiện kinh doanh các hàng hóa là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 doanh nghiệp và xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Hiệu quả của công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được phản ánh thông qua những chuyển biến sau:
- So với con số 67 doanh nghiệp năm 2016 thì đến tháng 9 năm 2020 chỉ còn 21 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động hợp pháp; 46 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự chấm dứt hoạt động vì kém hiệu quả, giảm 68%.
- Năm 2016 có đến 1,3 triệu người tham gia thì đến nay chỉ còn khoảng hơn 644.996 người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, trong đó có chưa đến 311.668 người có hoạt động bán hàng và phát sinh hoa hồng, còn lại chủ yếu là ký hợp đồng để được mua hàng với giá chiết khấu mà không tham gia bán hàng.
- Mặc dù số lượng doanh nghiệp và số lượng người tham gia giảm, doanh thu của ngành bán hàng đa cấp lại có xu hướng gia tăng.
Giai đoạn 2016 – 2017 doanh thu toàn ngành đạt khoảng 8.000 tỷ/năm; năm 2018 đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng/năm.
Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2019 của các doanh nghiệp đạt khoảng 12.575 tỷ đồng, tăng hơn 1.793 tỷ đồng (tăng 16%) so với năm 2018 và tăng 4.247 tỷ đồng (tăng 35%) so với năm 2017.
Tính đến hết tháng 6 năm 2020, tổng doanh thu bán hàng đa cấp trên toàn thị trường đạt khoảng 6.776 tỷ đồng, bằng 54% doanh thu của năm 2019, tăng 17% so với tổng doanh thu cùng kỳ của ngành năm 2019.