TÓM TẮT:
Trong các hình phạt được quy định trong pháp luật hình sự, tù chung thân là hình phạt nghiêm khắc sau hình phạt tử hình đối với người phạm tội. Lịch sử phát triển pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới, quy định tội phạm và hình phạt được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở sự thay đổi của kinh tế - xã hội và trên cơ sở thực tiễn của tình hình tội phạm của thời kì đó của mỗi quốc gia. Đối với Việt Nam, BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) đã có những sửa đổi, bổ sung, quy định mới nói chung, hình phạt tù chung thân nói riêng phần nào kế thừa những quy định của pháp luật hình sự trên thế giới. Bài viết phân tích hình phạt tù chung thân trong pháp luật hình sự của một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ khóa: Hình phạt, tù chung thân, pháp luật hình sự thế giới, Bộ luật Hình sự 2015, Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Tù chung thân là hình phạt tù mà người bị kết án phải sống phần đời còn lại của mình trong nhà tù, được áp dụng đối với những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ như: Tội giết người, lạm dụng trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng, cưỡng dâm, phản quốc, buôn người, cướp của dẫn đến chết người... Trên thế giới, tồn tại hai hình thức tù chung thân là tù chung thân có thể được ân giảm và tù chung thân không thể được ân giảm (không thể được phóng thích hoặc tù suốt đời). Đối với những quốc gia áp dụng hình phạt tù chung thân có thể được ân giảm, người bị kết án có thể được phóng thích sớm nếu đáp ứng đủ điều kiện và thời gian chấp hành án mà pháp luật của mỗi nước quy định, ví dụ như: cải tạo tốt, có nhiều tiến bộ, lập công lớn… Điều 110 Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế quy định đối với những tội phạm nghiêm trọng (ví dụ: tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng), người bị kết án tù chung thân phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm thì mới được xét giảm án. [1]
2. Tổng quan về hình phạt tù chung thân một số nước trên thế giới
Hình phạt tù chung thân không tồn tại trong tất cả các quốc gia. Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên trên thế giới bỏ hình phạt tù chung thân bằng cải cách nhà tù của Sampaio E Melo vào năm 1884. Hiện nay cũng có rất nhiều quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tù chung thân và điều này được quy định rõ trong Hiến pháp, ví dụ như Brazil, Khoản 19 Điều 84 Hiến pháp Brazil quy định thời gian tối đa của hình phạt tù là 30 năm. Một số nước châu Âu đã bãi bỏ hình phạt tù chung thân, đó là: Serbia, Croatia, Tây Ban Nha, Bosnia và Herzegovina, Bồ Đào Nha. Trong đó, chỉ có Bồ Đào Nha quy định thời gian tối đa của hình phạt tù là 25 năm, các nước còn lại đều là 40 năm. Ở châu Á, Nepal là quốc gia duy nhất xóa bỏ hình phạt tù chung thân. Ở châu Phi, Cộng hòa Congo cũng xóa bỏ hình phạt tù chung thân và quy định thời gian tối đa của hình phạt tù là 30 năm. Ở Nam và Trung Mỹ, Honduras, Nicaragua, El Salvador, Costa Rica, Venezuela, Colombia, Uruguay, Bolivia, Ecuador và Cộng hòa Dominica đã xóa bỏ tù chung thân. Hình phạt tù tối đa ở Honduras là 40 năm; 50 năm ở Costa Rica; 60 năm ở Colombia; 30 năm ở Nicaragua, El Salvador, Bolivia, Uruguay và Venezuela; và 25 năm ở Ecuador. Trang web http://en.wikipedia.org đã thống kê khoảng 24 quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tù chung thân[2].
Phần lớn các quốc gia có hình phạt tù chung thân đều không áp dụng hình phạt này với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, ở một số ít quốc gia trên thế giới, vẫn áp dụng hình phạt tù chung thân không thể được ân giảm đối với người chưa thành niên phạm tội (độ tuổi quy định là người chưa thành niên ở các quốc gia có sự khác nhau). Đó là các quốc gia: Antigua và Barbuda, Argentina, Australia, Belize, Brunei, Cuba, Saint Vincent và Grenadines, quần đảo Solomon, Sri Lanka và Hoa Kỳ. Trong số các quốc gia này, chỉ có Hoa Kỳ hiện có người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt này. Năm 2009, Human Rights Watch đã thống kê có khoảng 2.589 người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù chung thân không thể được ân giảm ở Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ, năm 2009, đã có một dự thảo Luật Bãi bỏ hình phạt tù chung thân không thể ân giảm đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, dự thảo này đã không được thông qua bởi sự phản đối của những người thực thi pháp luật. Năm 2010, qua trường hợp phạm tội của Graham Florida, Tòa án tối cao Hoa Kỳ đã ra phán quyết chỉ áp dụng hình phạt tù chung thân không được ân giảm đối với người chưa thành niên phạm tội giết người cấp độ vi phạm nghiêm trọng[3].
2.1. Hình phạt tù chung thân trong pháp luật một số nước ASEAN
Theo Điều 29 Bộ luật Hình sự Lào: "Tù chung thân có thể không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi hoặc phụ nữ có thai vào thời điểm phạm tội". Nhà làm luật dùng từ "có thể" nghĩa là vẫn có khả năng áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người dưới 18 tuổi hoặc phụ nữ có thai vào thời điểm phạm tội.
Theo Luật Hình sự của Philippines, hình phạt tù chung thân được quy định như sau: "Người nào bị kết án về hình phạt tù chung thân sẽ được ân xá sau khi đã chấp hành hình phạt được 30 năm, trừ khi người này, vì lý do hành vi của mình hoặc các lý do nghiêm trọng khác mà người đứng đầu ngành Hành pháp cho rằng không đáng để ân xá". Điều 41 Bộ luật Hình sự Philippines quy định: Người bị tòa án tuyên phạt tù chung thân hoặc tù dài hạn sẽ bị áp dụng kèm hình phạt bổ sung tước năng lực pháp luật suốt đời. Năm 2006, Philippines đã bãi bỏ án tử hình nên tù chung thân là loại hình phạt cao nhất trong hệ thống hình phạt hình sự ở quốc gia này. Tù chung thân có thể áp dụng kèm theo hình phạt bổ sung là phạt tiền. Ví dụ Điều 114 Bộ luật Hình sự Philippines quy định "người nào là công dân Philippines mà có hành vi tham gia quân đội kẻ thù hoặc hỗ trợ họ chống lại Nhà nước Philippines thì bị phạt từ tù dài hạn đến tù chung thân và bị phạt tiền đến 20.000 pesos".[4]
Theo Luật Hình sự Malaysia, tù chung thân được áp dụng đối với tội phạm nghiêm trọng và chủ yếu áp dụng đối với loại tội phạm như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội giết người, hiếp dâm hoặc tội phạm ma túy. Malaysia chia hình phạt tù chung thân thành 2 loại: "tù 20 năm với khả năng giảm 1/3 thời hạn chấp hành hình phạt nếu có sự cải tạo tốt" và "tù trọn đời" (áp dụng cho tới khi phạm nhân chết mới thôi). Người chưa thành niên phạm một tội mà hình phạt áp dụng trong trường hợp người đã thành niên phạm tội này là tử hình thì người chưa thành niên phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt tù chung thân với thời hạn "theo ấn định của Nhà vua" (mà không có bất cứ giới hạn nào) (theo Luật Trẻ em năm 2001 của Malaysia).
2.2. Hình phạt tù chung thân trong pháp luật một số nước khác trên thế giới
Bộ luật Hình sự của Liên bang Nga được Đu-ma quốc gia thông qua ngày 24/11/1995, có hiệu lực kể từ ngày 1/3/1996 đã quy định bổ sung thêm nhiều loại hình phạt mới trong hệ thống hình phạt, trong đó có hình phạt tù chung thân. Điều 58 Bộ luật Hình sự Nga hiện hành quy định: Tù chung thân chỉ được quy định là hình phạt lựa chọn với tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng và có thể áp dụng trong trường hợp Tòa án thấy không cần áp dụng tử hình; không áp dụng tù chung thân với phụ nữ, người chưa đủ 18 tuổi và nam giới trên 65 tuổi. Tù chung thân hoặc tù 25 năm là hình phạt thay thế hình phạt tử hình trong trường hợp đặc xá (Điều 60 Bộ luật Hình sự). Trong phần các tội phạm, Bộ luật Hình sự Nga hiện hành quy định 3 tội có thể áp dụng hình phạt tù chung thân, gồm: Tội giết người (Điều 106), Hành vi khủng bố (Điều 273) và Diệt chủng (Điều 349). Người bị kết án tù chung thân phải chấp hành hình phạt tại trại cải tạo chế độ đặc biệt (Điều 59 Bộ luật Hình sự). Người đang chấp hành hình phạt tù chung thân có thể được ra tù trước thời hạn, nếu tòa án thấy rằng họ có thể tự cải tạo, không cần tiếp tục chấp hành hình phạt và thực tế người này đã chấp hành được 25 năm tù (Điều 80 Bộ luật Hình sự)[5].
Theo Pháp luật Hình sự Cộng hòa Liên bang Đức, hình phạt tù là hình phạt cao nhất trong hệ thống hình phạt (Đức đã xóa bỏ hình phạt tử hình năm 1987). Hình phạt tù có thể là tù chung thân hoặc tù có thời hạn. Song, trong Phần chung của Bộ luật Hình sự Đức, hình phạt tù được quy định chung mà không được tách ra, cụ thể với lý do hình phạt tù chủ yếu được quy định là hình phạt tù có thời hạn; trường hợp được quy định là tù chung thân chỉ có tính cá biệt. Bộ luật Hình sự Đức quy định: "Hình phạt tù là hình phạt tù có thời hạn nếu luật không quy định cụ thể là tù chung thân" (Khoản 1 Điều 38). Tù chung thân được áp dụng đối với các tội: Tội phản quốc, giết người, diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh. Hình phạt tù chung thân có thể được quy định là hình phạt cao nhất (ví dụ: Điều 211 Bộ luật Hình sự về tội giết người) hoặc có thể quy định là hình phạt lựa chọn (ví dụ: Điều 80 Bộ luật Hình sự về tội chuẩn bị chiến tranh xâm lược). Hình phạt tù chung thân không áp dụng đối với người chưa thành niên[6].
Ở Canada, tội phạm và hình phạt được quy định không chỉ ở Bộ luật Hình sự mà còn tồn tại ở rất nhiều đạo luật chuyên ngành. Về hình phạt, trong các văn bản pháp luật chuyên ngành của Canada có quy định tội phạm và hình phạt, chỉ có 3 loại hình phạt chính có thể được áp dụng đối với người phạm tội, đó là phạt tiền, tù có thời hạn và tù chung thân. Trong đó, phạt tiền và phạt tù có thời hạn chiếm tỉ lệ tuyệt đối (99%) và tương đương nhau; hình phạt tù chung thân chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, khoảng 1% và chỉ được áp dụng đối với một số ít tội phạm đặc biệt nguy hiểm như: Tội buôn bán bất hợp pháp chất ma túy (Điều 4 (1) Đạo luật về kiểm soát ma túy 1985); tội chiếm hữu chất ma túy với mục đích buôn bán (Điều 4 (2) Đạo luật về kiểm soát ma túy 1985); tội phạm được thực hiện bởi người chỉ huy (Điều 73 Đạo luật về quốc phòng năm 1985).[7]...
Bộ luật Hình sự Trung Quốc năm 1979, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005 quy định người phạm tội bị kết án tù chung thân bị giam giữ trong trại tù, tất cả những người có khả năng lao động đều phải tham gia lao động, được giáo dục và cải tạo (Điều 46). Người bị kết án tù chung thân phải bị tước các quyền lợi chính trị suốt đời (Điều 57). Nếu trong thời gian chấp hành hình phạt, người phạm tội tuân thủ đúng quy định của trại giam, chịu sự cải tạo giáo dục, hối cải hoặc lập công sẽ được giảm nhẹ hình phạt, nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành hình phạt là không dưới 10 năm. Đối với người được chuyển từ hình phạt tù chung thân thành hình phạt tù có thời hạn, thời hạn chấp hành hình phạt bổ sung tước quyền lợi chính trị là 3 năm đến 10 năm. Bộ luật Hình sự Trung Quốc chỉ quy định là "Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai khi bị xét xử" (Điều 49). Có nghĩa là, tù chung thân là hình phạt có thể áp dụng đối với cả hai đối tượng này khi phạm tội cũng như khi xét xử[8].
Theo Bộ luật Hình sự Trung Quốc, có 68/250 điều luật trong phần các tội phạm cụ thể quy định có áp dụng chế tài là tù chung thân. Các tội phạm có chế tài là tù chung thân tập trung vào các nhóm tội: Xâm phạm an ninh quốc gia; xâm phạm an toàn công cộng; các tội sản xuất và bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tội buôn lậu; xâm phạm trật tự quản lý tiền tệ; tội gian dối tiền tệ; xâm phạm quản lý chứng từ thu thuế; tội gây rối loạn trật tự thị trường; xâm phạm quyền tự do thân thể, quyền dân chủ của công dân; xâm phạm tài sản; tội buôn lậu, mua bán, vận chuyển và sản xuất chất ma túy; tội gây nguy hại cho lợi ích quốc phòng; tội tham ô, hối lộ; tội vi phạm chức trách của quân nhân.
3. Một số kiến nghị giải pháp quy định về hình phạt tù chung thân
Thứ nhất, về khái niệm hình phạt tù chung thân: Hình phạt tù chung thân là hình phạt tù tước quyền tự do của người bị kết án đến hết đời, được áp dụng đối với người phạm tội có tính nguy hiểm đặc biệt lớn cho xã hội, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình và không áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên phạm tội. Hình phạt tù chung thân được quy định trong Bộ luật Hình sự và do Tòa án nhân danh Nhà nước quyết định.
Thứ hai, bên cạnh những đặc điểm chung của hình phạt, hình phạt tù chung thân còn có những đặc điểm riêng.
Là một loại hình phạt trong hệ thống hình phạt, hình phạt tù chung thân có những đặc điểm chung của hình phạt. Các đặc điểm chung đó là: 1) Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước; 2) Hình phạt gắn liền với tội phạm; 3) Hình phạt do tòa án áp dụng đối với người bị kết án; 4) Hình phạt phải được quy định trong Luật Hình sự; 5) Hình phạt chỉ được áp dụng đối với cá nhân người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm. Bên cạnh đó, hình phạt tù chung thân có những đặc điểm riêng vốn có của nó như: 1) Mức độ nghiêm khắc của hình phạt tù chung thân trong hệ thống hình phạt chỉ đứng sau hình phạt tử hình; 2) Hình phạt tù chung thân là hình phạt duy nhất trong hệ thống hình phạt để thay thế hình phạt tử hình; 3) Hình phạt tù chung thân không có tính linh hoạt trong áp dụng.
Thứ ba, vai trò của hình phạt tù chung thân là việc bảo đảm các điều kiện cần thiết mà trước hết là trật tự xã hội, để xã hội tồn tại và phát triển. Vai trò này của hình phạt tù chung thân đã xác định mục đích mà nó nhằm đạt đến là đảm bảo công bằng xã hội và phòng ngừa tội phạm.
Thứ tư, trên cơ sở khái niệm, đặc điểm, vai trò của hình phạt tù chung thân, chúng ta có thể phân biệt rõ ràng, rành mạch giữa hình phạt tù chung thân với các hình phạt chính khác trong hệ thống hình phạt.
Thứ năm, qua những quy định hiện hành về hình phạt tù chung thân của một số nước trên thế giới và tổng quan tình hình áp dụng hình phạt tù chung thân trên thế giới, chúng ta thấy vẫn còn có một số ít quốc gia áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên phạm tội. Và hình phạt này thường được áp dụng đối với người phạm tội giết người hoặc tội phạm liên quan đến chiến tranh.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Phạm Văn Beo (2005), “Một số vấn đề về khái niệm hình phạt”, Tạp chí NN và PL, (11)
[2] Cao Thị Oanh (2009), “Nghiên cứu so sánh các quy định của Luật Hình sự Singapore và Luật Hình sự Việt Nam”, Tạp chí Luật học, (12)
[3] Abhishek Mohanty, “Retributive Theory of Punishment: A Critical Analysis”, http://www.lawctopus.com/academike/retributive-theory-of-punishment-acritical-analysis/. Truy cập lúc 10h ngày 24/1/2016
[4] Dương Tuyết Miên (2009), “Chế định hình phạt theo quy định của pháp luật hình sự một số nước Asean”, Tạp chí Tòa án Nhân dân. (15)
[5] Trường ĐH Luật Hà Nội, Bộ luật Hình sự Liên bang Nga, NXB Công an nhân dân; (2011)
[6] A. Krishna Kumari (2007), “Role of theories of punishment on the policy of sentencing”, ICFAI University, Hyderabad, A.P India; (Electronic copy of this paper is available at: http://ssrn.com/abstract=956234)
[7] Trịnh Quốc Toản (2001), “Tìm hiểu hệ thống hình phạt trong Bộ luật Hình sự mới của Cộng hòa Pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (05)
[8] Trần Quang Tiệp (2004), “Vai trò của gia đình trong việc thi hành các loại hình phạt không tước tự do và các biện pháp tư pháp”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật (02)
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Trần Văn Độ (1994), Quan niệm về hình phạt, trong chuyên đề: Bộ luật Hình sự: thực trạng và phương hướng đổi mới, Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, Hà Nội.
- Dương Tuyết Miên (2009), “Chế định hình phạt theo quy định của pháp luật hình sự một số nước Asean”, Tạp chí Tòa án nhân dân. (15)
THE PROVISIONS OF THE CRIMINAL LAW IN THE WORLD
AND LESSONS FOR VIETNAM
Ph.D Student. MAC MINH QUANG
School of Law, Vietnam National University, Hanoi
ABSTRACT:
Among the penalties provided for in criminal law, life imprisonment is a severe penalty after the death penalty for an offender. History of criminal law development of some countries in the world, criminal regulations and penalties are amended and supplemented on the basis of socio-economic changes and on the practical basis of criminal situation violations of that period of each nation. For Vietnam, the 2015 Criminal Code, amended and supplemented in 2017 (hereinafter referred to as the 2015 Criminal Code) has amended, supplemented, new regulations in general, and the life imprisonment penalty in particular inherited somewhat. the provisions of the criminal law in the world.
Keywords: Penalty, life imprisonment, world criminal law, Criminal Code 2015, Vietnam.