Hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm trong cảnh báo sớm phòng vệ thương mại

Thời gian tới, bên cạnh mở rộng hoạt động cảnh báo sớm đến các thị trường mới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành hàng có nguy cơ cao bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Tạp chí Công Thương đã có những trao đổi cụ thể với ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương về vấn đề này.
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nói về hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm trong cảnh báo sớm phòng vệ thương mại
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

TCCT: Để ứng phó với những xu hướng phức tạp của các vụ việc phòng vệ thương mại, được biết, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả các hoạt  trong đó có hoạt động Cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý.

Xin ông cho biết, cơ chế vận hành của các hoạt động cảnh báo sớm này như thế nào? 

Ông Chu Thắng Trung: Phòng vệ thương mại là biện pháp rất phổ biến được các nền kinh tế, các quốc gia thành viên WTO thường xuyên áp dụng trong trao đổi thương mại toàn cầu. Khi tham gia vào trong các trao đổi thương mại như vậy, chúng ta cũng cần xác định rằng việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại nước nhập khẩu là một xu thế tất yếu có thể gặp phải.

Tuy nhiên, tùy từng sản phẩm, ngành hàng, hay thị trường xuất khẩu mà khả năng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là khác nhau, có những ngành hàng - như ngành thép - thì nguy cơ sẽ cao hơn và một số ngành hàng khác có nguy cơ thấp hơn.

Vấn đề là khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng và tăng với tốc độ rất nhanh, thì câu hỏi đặt ra là cần phải xác định việc xử lý và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó các cuộc điều tra phòng vệ thương mại như thế nào cho có trọng tâm, trọng điểm và hỗ trợ đúng vào những ngành hàng xuất khẩu sang những thị trường có nguy cơ cao?

Đó là suy nghĩ của chúng tôi khi xây dựng hệ thống cảnh báo sớm

Vậy cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm này như thế nào?

Việc đầu tiên là chúng tôi sẽ phải quan sát, theo dõi toàn bộ hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước trên thế giới đã phát sinh những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nào, với những ngành hàng nào của tất cả các nước chứ không chỉ với Việt Nam.

Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có sự thu hẹp lại phạm vi và đánh giá xem trong số những mặt hàng, sản phẩm đã bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như vậy thì những mặt hàng nào mà chúng ta đang xuất khẩu, theo dõi xem hoạt động xuất khẩu mặt hàng đó của chúng ta có đang tăng trưởng nhanh, có kim ngạch lớn và có thị phần đáng kể tại thị trường nhập khẩu không? Từ tốc độ tăng trưởng và thị phần đó sẽ suy ra được sức ép cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đối với các sản phẩm tương tự tại thị trường nhập khẩu đang tăng lên; trong khi những ngành hàng, sản phẩm đó đã từng phải sử dụng đến biện pháp phòng vệ thương mại đối với nước khác. Khi đó thị trường nhập khẩu sẽ viện dẫn ra sức ép cạnh tranh của hàng hóa từ Việt Nam để một lần nữa sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm đối phó với hàng hóa xuất khẩu của ta.

Đó là nguyên lý khi chúng tôi xây dựng hệ thống cảnh hàng sớm.

Bên cạnh việc thu thập và phân tích các dữ liệu thông tin như vậy, hệ thống cảnh báo sớm cũng dựa thêm vào những nguồn thông tin khác mà chúng ta có được, ví dụ như thông tin gửi về từ hệ thống hơn 60 các thương vụ tại các thị trường xuất khẩu chính của chúng ta liên quan đến những nguy cơ, khả năng xảy ra điều tra phòng vệ thương mại, những xung đột giữa hàng hóa xuất khẩu của ta với hàng hóa tại thị trường sở tại.

Chúng tôi cũng thông qua hệ thống những đối tác, cơ quan, tổ chức làm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại có được những thông tin tương tự như vậy rất sớm, về việc liệu một mặt hàng xuất khẩu nào đó của chúng ta có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại hay không.

Trên cơ sở tổng hợp tất cả những thông tin như vậy thì chúng tôi có đánh giá dựa trên những tiêu chí nhất định để định kỳ đưa ra những danh sách những mặt hàng có nguy cơ bị tiến hành điều tra phòng vệ thương mại, thông báo cho các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội và kể cả các cơ quan quản lý nhà nước có sự chuẩn bị trước về tâm thế, nguồn lực để khi mà chẳng may nguy cơ đó thực sự xảy ra thì chúng ta xử lý một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đối với các mặt hàng xuất khẩu của chúng ta.

TCCT: Sau thời gian thực hiện, kết quả ban đầu của các hoạt động cảnh báo sớm này đã đạt được như thế nào? Đặc biệt, những hoạt động này đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam giữ được lợi thế như thế nào? 

Ông Chu Thắng Trung: Sau khi có Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã tiến hành tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện dựa trên những tiền đề đã có về cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại và xây dựng thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh. Hệ thống này hiện đang tiến hành theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu của chúng ta sang các thị trường, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu chủ yếu, cũng là những thị trường thường xuyên có các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, như Hoa Kỳ, EU, Canada, Australia, Ấn Độ,... 

Trong quá trình đó, chúng tôi định kỳ lọc ra những mặt hàng nào có nguy cơ cao, có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại. Danh sách này được cập nhật thường xuyên, và đến nay thì có những mặt hàng sau khi chúng tôi đưa ra cảnh báo một thời gian thì trên thực tế đúng là nước nhập khẩu họ đã tiến hành các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đó của chúng ta. 

Đối với ngành thép có những mặt hàng như các sản phẩm ống thép, thép chống ăn mòn, thép chống gì. Ngành gỗ có những mặt hàng như gỗ dán, tủ gỗ,… đều là những sản phẩm chúng ta đã có đánh giá và xác định nguy cơ từ trước trước khi vụ việc xảy ra. Hoặc với ngành nhôm có sợi dây cáp nhôm, nhôm định hình,… Hay cả những mặt hàng chế biến, chế tạo như lốp xe, pin năng lượng mặt trời, đệm mút, mật ong,…

Trên cơ sở đó, ngay lập tức chúng tôi đã thông báo cho các doanh nghiệp, tiếp cận với các doanh nghiệp để cung cấp thông tin cũng như trao đổi trước với các doanh nghiệp, các hiệp hội về khả năng, nguy cơ xảy ra và những công việc mà các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị trước. Chúng tôi cũng khuyến nghị doanh nghiệp là khi tham gia các vụ việc đó thì cần phải có sự tích cực, chủ động. Khi đó, nước nhập khẩu đã tiến hành điều tra thì họ sẽ vẫn có những kết luận ảnh hưởng đến xuất khẩu của chúng ta, nhưng mức độ tác động và ảnh hưởng được giảm thiểu đi rất nhiều. 

Ví dụ như trong một só vụ việc chống lẩn tránh của chúng ta, thì với sự tham gia tích cực và chủ động, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng cơ chế tự chứng nhận, tự xác nhận. Với cơ chế này thì về cơ bản xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường mục tiêu đó không bị ảnh hưởng nhiều. 

Trong một số vụ việc khác chúng ta cũng được hưởng mức thuế rất thấp và thậm chí là không bị áp thuế. Như vụ lốp xe của chúng ta thì khi doanh nghiệp tham gia và trả lời câu hỏi đầy đủ, có doanh nghiệp đã không bị áp thuế chống trợ cấp; hay trong vụ việc với mật ong thì mặc dù mức thuế cuối cùng vẫn ở mức cao nhưng cũng giảm hơn rất nhiều so với cáo buộc ban đầu của nguyên đơn.

Tất cả những điều đó thể hiện hiệu quả tích cực của hệ thống cảnh báo sớm mà chúng ta đã xây dựng. Đây cũng là những tín hiệu rất đáng khích lệ để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hệ thống này.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương

TCCT: Lợi thế của cảnh báo sớm với các doanh nghiệp đã rõ ràng. Tuy nhiên, trước những xu hướng mới trong bối cảnh có nhiều biến động, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông có khuyến cáo cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tận dụng nguồn thông tin cảnh báo sớm để hạn chế được những rủi ro và tận dụng lợi thế tại các thị trường xuất khẩu? 

Ông Chu Thắng Trung: Bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại là nhằm đến các hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng nhập khẩu, hoặc là do hàng nhập khẩu gia tăng với khối lượng đột biến không thể lường trước được. Trên cơ sở đó nước nhập khẩu sẽ áp dụng các biện pháp tương ứng. Tuy nhiên, trong các vụ việc, mà đặc biệt là những vụ việc trong thời gian trước đây, thì chúng tôi quan sát thấy là đối tượng doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại có rất nhiều doanh nghiệp không phải là do chúng ta có những hành vi cạnh tranh không công bằng như vậy, mà là do doanh nghiệp chưa hiểu hết được những quyền lợi, nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện, do đó có tâm lý e dè và ngại hợp tác, ngại cung cấp thông tin theo yêu cầu cơ quan điều tra, cũng như không đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu, quy định về thời hạn, về việc cung cấp thông tin như các diễn giả vừa đề cập đến. Do đó, việc một số doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trước đây có phần lý do nhiều hơn là do cơ quan điều tra của nước nhập khẩu xác định là do doanh nghiệp không hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ, chứ không phải là do doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không công bằng.

Và vì không hợp tác, không hợp tác đầy đủ thì họ sẽ sử dụng những dữ liệu khác. Những dữ liệu đó thường là dữ liệu rất bất lợi cho phía doanh nghiệp xuất khẩu. Hệ thống cảnh báo sớm của chúng tôi ra đời thì để đưa ra những cảnh báo từ sớm, từ xa như vậy để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị trước, và trong thời gian chuẩn bị trước đó thì chúng tôi khuyến nghị doanh nghiệp cần phải làm những việc sau:

Đầu tiên, khi đã xác định được nguy cơ đối với sản phẩm của mình xuất khẩu sang một thị trường nhất định, doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, về quy định phòng vệ thương mại để hiểu được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

Các nội dung này bao gồm pháp luật của nước sở tại về phòng vệ thương mại; những nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chung trên thế giới thể hiện trong các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới,... 

Thứ hai, doanh nghiệp cũng cần xác định một tâm thế là khi mà chẳng may nguy cơ đó thực sự xảy ra thì cần phải cân nhắc việc chủ động tham gia, chủ động chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Đó là cơ hội mà cơ quan điều tra của nước nhập khẩu cung cấp cho chúng ta để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Thứ ba, khi đã xác định được nguy cơ thì doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà lại, kiểm tra lại hệ thống kế toán, hệ thống sổ sách chứng từ,… để đảm bảo hệ thống sổ sách chứng từ, kế toán của doanh nghiệp được hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh được. Khi vụ việc xảy ra ta phải cung cấp thông tin của chúng ta, cũng có thể cơ quan điều tra sẽ sang xác minh những thông tin đó, thì sổ sách doanh nghiệp là một vấn đề rất quan trọng. 

Thứ tư, doanh nghiệp cũng cần có sự phối hợp, thông qua sự tập hợp của các hiệp hội, để cùng chia sẻ thông tin, cùng đối phó với nguy cơ chung. Các ngành hàng đều đã có những bước đi vậy, như nhôm, thép, thủy sản,… Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tư vấn, chia sẻ những thông tin mà chúng tôi nắm được, để giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước năng lực cần thiết.

Cuối cùng, thông qua đánh giá được nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh của mình sao cho cân đối, hài hòa, tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. Một thị trường có thể nói là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp, đem lại những lợi ích rất lớn, nhưng trong bối cảnh nhiều rủi ro xảy ra phòng vệ thương mại mà không có phương án B, phương án thay thế hoặc giải pháp nào đó thì cũng sẽ rất rủi ro cho doanh nghiệp.

 

TCCT: Vậy Bộ Công Thương có định hướng như thế nào trong thời gian tới để hỗ trợ năng lực cho các doanh nghiệp, tổ chức cũng như nâng cao hiệu quả của các thông tin cảnh báo sớm, giúp doanh nghiệp giữ được lợi thế trong quá trình xuất khẩu hàng hóa?

Ông Chu Thắng Trung: Việc đầu tiên mà chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm là trang bị, nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, trên cơ sở thông tin từ hệ thống cảnh báo sớm, chúng tôi sẽ làm việc này một cách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những ngành hàng, những lĩnh vực có nguy cơ cao. Chúng tôi sẽ tiếp xúc trực tiếp với các hiệp hội và phối hợp với các đơn vị của VCCI, các địa phương tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, thông tin về phòng vệ thương mại, về hệ thống cảnh báo sớm để nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng.

Thứ hai, đối với hệ thống cảnh báo sớm, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, chúng tôi đã có kế hoạch để tiếp tục mở rộng hơn nữa, có thể cảnh báo bằng những thông tin cập nhật nhất ở các thị trường khác, ngoài những thị trường như chúng tôi đã có cảnh báo như là Hoa Kỳ, Canada hoặc Úc, sang cả những thị trường ở Đông Nam Á, Thổ Nhĩ Kỳ,… khi mà cùng với sự phát triển kim ngạch xuất khẩu thì chúng ta thấy là ngoài những thị trường truyền thống ra thì tại những thị trường mới cũng có thể sẽ xuất hiện các biện pháp phòng vệ thương mại

Thứ ba, dù để đánh giá hiệu quả thì không biết bây giờ hệ thống cảnh báo sớm có nhiều biện pháp mà chúng tôi dự đoán đúng là tốt hơn, hay là những gì mà chúng tôi dự đoán không thành hiện thực thì tốt hơn, khi có thể nguy cơ chúng ta đã giảm được nhưng vẫn có những vụ việc xảy ra trong thực tế, thì chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng với các doanh nghiệp, Hiệp hội nhằm tư vấn kỹ hơn, giải thích kỹ hơn về những bước, những vấn đề chúng ta phải làm để đáp ứng đúng quy trình, thủ tục điều tra của phía nước nhập khẩu, qua đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Chúng tôi đã xây dựng một số hướng dẫn cụ thể về những vấn đề mang tính kỹ thuật mà chúng tôi biết là các doanh nghiệp sẽ gặp phải trong quá trình tham gia các vụ việc điều tra, ví dụ như cách thức tham gia vào vụ việc từ đầu đến cuối như thế nào, kể cả những việc rất đơn giản như là nộp hồ sơ lên cho cơ quan điều tra nước ngoài như thế nào cho đúng, cho đủ, cho hợp lệ,… 

Cùng với đó, trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục theo dõi quy trình và hoạt động điều tra của cơ quan điều tra nước ngoài để đảm bảo quy trình, hoạt động điều tra tuân thủ đúng theo quy định pháp luật của họ và tuân thủ đúng theo các nguyên tắc và quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nếu như có vấn đề chúng ta thấy chưa phù hợp thì Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại cũng sẽ có những trao đổi bằng nhiều hình thức với phía cơ quan điều tra của nước ngoài để làm sao bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam.

Với những hoạt động như vậy thì tôi cũng rất mong là các doanh nghiệp của chúng ta có thể vượt qua được các thách thức về phòng vệ thương mại và tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu bền vững vì sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng cũng như của nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thy Thảo (thực hiện)