Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

ThS. Bùi Lệ Giang (Khoa Quản trị văn phòng - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

Tóm tắt:

Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST) được Chính phủ coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục. Để thực hiện được tốt nhất việc DNKNST, cần có phương hướng và giải pháp thực hiện cụ thể hơn nữa, sự quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Việc thực hiện đồng loạt các nhóm giải pháp sẽ tác động trực tiếp và có hiệu quả cao đến DNKNST. Với việc tham gia hàng loạt các FTA thế hệ mới, việc hỗ trợ DNKNST sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DNKNST có cơ hội tiếp cận với vốn, với thị trường quốc tế, nhằm tránh trường hợp DNKNST bị “chết” từ trong chính thị trường Việt Nam khi không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Bài viết bàn về việc cần có những giải pháp hỗ trợ DNKNST trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Chính sách, môi trường pháp lý, chiến lược khởi nghiệp, doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, khi khởi nghiệp sáng tạo (KNST) thực sự trở thành trào lưu mạnh mẽ, các biện pháp hỗ trợ các DNKNST của Chính phủ ngày càng đa dạng và tập trung hơn, cả về mục tiêu, cách thức triển khai lẫn quy mô hỗ trợ. Lý do đằng sau các nỗ lực hỗ trợ DNKNST của Chính phủ ngày nay, bên cạnh các mục tiêu truyền thống, còn có áp lực của cách mạng công nghiệp 4.0, định hướng tương lai kinh tế số và nhu cầu đổi mới, thậm chí tái cơ cấu nền kinh tế, để cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế kết nối toàn cầu. Một điều dễ nhận thấy khi rà soát các tài liệu về DNKNST là ở hầu khắp các nước, DNKNST thường gặp phải những vấn đề khá tương tự nhau. Xem xét kỹ hơn từ góc độ nguyên nhân sẽ cho thấy sự tương đồng này có lý do xuất phát từ các đặc điểm rất đặc trưng của các DNKNST, dù là ở nền kinh tế đang phát triển hay đã phát triển, đó là những khó khăn về tài chính; khó khăn trong quản trị kinh doanh; khó khăn trong tuân thủ các thủ tục hành chính. Do đó, cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để thúc đẩy DNKNST.

2. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

 Một là hoàn thiện chính sách, môi trường pháp lý

Hoàn thiện việc xây dựng chiến lược khởi nghiệp quốc gia: Tùy vào thế mạnh riêng, mỗi quốc gia và địa phương cần chọn cho mình những lĩnh vực ưu tiên phù hợp, sau đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động hiệu quả. Nhà nước cần nghiên cứu kỹ để có thể đưa ra một chiến lược quốc gia hỗ trợ tích cực cho hoạt động khởi nghiệp, phù hợp với các chính sách khác của quốc gia cũng như chính sách quốc tế, đồng thời vẫn chú trọng vào các lĩnh vực, ngành mục tiêu khởi nghiệp.

Chiến lược khởi nghiệp quốc gia phải được thực hiện mạnh mẽ, nơi bắt đầu là từ các trường đại học, để trong một tương lai rất ngắn chúng ta sẽ có một thành phố khởi nghiệp và sau một thời gian ngắn, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia khởi nghiệp.

Cải thiện môi trường kinh doanh là điều kiện vô cùng quan trọng để hỗ trợ các DNKNST trong chiến lược khởi nghiệp quốc gia. Cải thiện môi trường kinh doanh giúp DNKNST thành công trong hội nhập kinh tế trước những cạnh tranh gay gắt hiện nay. Điều này đảm bảo cho việc phát triển các thị trường yếu tố sản xuất một cách lành mạnh, linh hoạt, giảm thiểu chi phí giao dịch, nhất là đối với thị trường bất động sản, thị trường tài chính...

Tối ưu hóa môi trường pháp lý: Việt Nam cần tạo lập cơ chế, chính sách hỗ trợ DNKNST, như: Cần có nhận thức đầy đủ, quan điểm toàn diện, coi trọng vai trò và vị trí của DNKNST trong phát triển kinh tế - xã hội; Đồng thời, hoàn thiện xây dựng thể chế, chính sách cho DNKNST, sớm hoàn thiện, cụ thể hóa hơn về DNKNST trong Luật DNNVV; Xây dựng chính sách hỗ trợ DNKNST một cách toàn diện, có sự tham gia của các tổ chức tài chính, ngân hàng và các cơ quan nhà nước.

Song song với ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ, cần sớm thiết lập hệ thống (cơ quan, tổ chức) để triển khai và thực thi cơ chế chính sách này; Hỗ trợ xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ cho DNKNST, nâng cao việc chỉ đạo và dịch vụ công của Chính phủ dành cho các DNKNST. Đặc biệt, tăng cường vai trò của Nhà nước trong xây dựng quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các DNKNST với các DN lớn và các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Cần có chính sách tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển các kỹ năng: Hiện nay, môi trường khởi nghiệp Việt Nam còn quá trẻ so với thế giới, nhưng có nhiều tiềm năng để khởi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Nhà nước cần quan tâm đến các chính sách đẩy mạnh giáo dục, như: tài trợ các chương trình đào tạo khởi nghiệp, đào tạo miễn phí trong ngành lên kế hoạch kinh doanh, đào tạo sau đại học về khởi nghiệp, học vị thạc sĩ. Ngoài ra, cần thay đổi hệ thống giáo dục, các biện pháp giáo dục, thay đổi tổ chức các trường đại học và toàn bộ hệ thống trường trung học, nâng cao kiến thức khởi nghiệp. Cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học theo hướng gắn với giáo dục - đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để bản thân mỗi người hình thành ý chí tự thân lập nghiệp.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo bền vững từ trường phổ thông thông qua giáo dục khởi nghiệp; Cần đưa chương trình giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy trong các chương trình học trung học phổ thông, đặc biệt là trong giáo dục cao đẳng, đại học. Gần đây, một số trường đại học đã thiết kế, giảng dạy các bộ môn liên quan đến giáo dục khởi nghiệp, giúp cho sinh viên nắm bắt cơ hội khởi nghiệp và quản lý điều hành DNKNST. Cải cách hệ thống đào tạo, đặc biệt là đào tạo khởi nghiệp tại các trường, các trung tâm đào tạo…, cụ thể là mời những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, các doanh nhân trẻ giảng dạy, để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, để đem đến những bài học quý cho những doanh nhân tương lai khi bắt đầu khởi nghiệp.

Hệ thống giáo dục cũng phải có những chuyển biến mạnh về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo, giảng dạy, để giảm thiểu tinh thần học để làm “thầy”, làm “quan”; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp để học sinh ra trường biết chọn hướng đi thích hợp với khả năng của mình; khơi gợi khả năng sáng tạo thay vì cách học “nhồi sọ”, một chiều như hiện tại vốn chỉ tạo ra những con người thụ động, phục tùng và ỷ lại vào người khác... Có thể thấy, hệ thống giáo dục là một trong những mắt xích quan trọng nhất trong hệ thống các yếu tố nuôi dưỡng và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp hiện đang là điểm rất yếu ở Việt Nam.

Chính phủ cần tiến hành các biện pháp thúc đẩy nhanh việc triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, hướng vào các hoạt động phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ nhằm hỗ trợ tốt nhất về môi trường công nghệ cho DNKNST.

Hai là tăng cường hỗ trợ tài chính

Đây là nhóm biện pháp nhằm giúp các DNKNST vượt qua khó khăn được cho là lớn nhất: thiếu vốn.

Hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ: Nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển DNKNST để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng các DNKNST, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đồng thời qua đó thu hút khối tư nhân đầu tư vào DNKNST. Việc làm này sẽ thu hút không chỉ DNKNST và nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam và còn cả trong khu vực và trên toàn thế giới.

Biện pháp này rất đa dạng, phụ thuộc vào nguồn lực của Chính phủ, cũng như đặc điểm vận hành hệ thống ở mỗi giai đoạn phát triển. Thông thường sẽ bao gồm:

- Các khoản hỗ trợ tài chính cho các DNKNST: Các hỗ trợ này thường dưới dạng khoản tài trợ trực tiếp vào các startups (thường ở giai đoạn “ươm mầm” (seeds), ý tưởng hoặc giai đoạn đầu của quá trình phát triển sản phẩm). Chính phủ có thể thực hiện hỗ trợ tiền mặt, dựa trên cân đối thu, chi NSNN, Chính phủ nghiên cứu, xem xét giải pháp hỗ trợ các DNKNST thông qua hỗ trợ một lượng tiền mặt theo một tỷ lệ nhất định trên vốn tự có của DNKNST.

- Các khoản cho vay, bảo lãnh tín dụng: Chính phủ đứng ra bảo lãnh tín dụng cho những DNKNST đi kèm các cam kết về sử dụng khoản vay, vốn đối ứng tối thiểu. Ví dụ, các khoản tín dụng dành cho DNKNST từ các quỹ, tổ chức tín dụng của Nhà nước hoặc các biện pháp bảo lãnh cho các DNKNST vay tín dụng tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng tư nhân.

- Các khoản đầu tư mạo hiểm: Việc đầu tư này có thể được thực hiện thông qua các quỹ đầu tư Nhà nước hoặc đầu tư gián tiếp thông qua việc phối hợp đầu tư với các nhà đầu tư/quỹ đầu tư tư nhân hoặc cung cấp các chương trình bảo lãnh đầu tư cho các nhà đầu tư/quỹ đầu tư tư nhân đầu tư vào DNKNST.

- Miễn, giảm các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước: Ở nhóm biện pháp này, Nhà nước hỗ trợ startup thông qua việc giảm các nghĩa vụ về tài chính phải nộp của DNKNST (ví dụ miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm các mức đóng góp cho bảo hiểm xã hội…).

- Phát triển thêm các kênh huy động vốn cho DNKNST, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành cho các DNKNST, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội góp phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho DNKNST. Mô hình này đã rất thành công trong việc hỗ trợ cho DNKNST, góp phần giảm bớt áp lực huy động nguồn tài chính - thường là gánh nặng đối với các DNKNST mới thành lập. Cần xây dựng một thị trường vốn chuyên dành cho các DNKNST. Việc xây dựng một thị trường chứng khoán tập trung cung cấp vốn cho các DNKNST, tách bạch với thị trường niêm yết có thể có lợi đặc biệt đối với nền kinh tế đang tăng trưởng của Việt Nam. Thị trường này sẽ cung cấp cơ hội cho DNKNST có thể tiếp cận các nguồn vốn với những tiêu chuẩn đặt ra ở mức thấp hơn, chẳng hạn tiêu chuẩn công khai về đặc tính của sản phẩm, báo cáo đánh giá tác động của sản phẩm đến thị trường, báo cáo triển vọng của sản phẩm…

Ba là hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng

Xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các Bộ, ngành, địa phương có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp, trong đó hỗ trợ một phần kinh phí sửa chữa và áp dụng mức phí ưu đãi trong khai thác cơ sở hạ tầng (diện tích, không gian sẵn có) tại các địa điểm thuận lợi cho cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ưu tiên khu vực gần các trường đại học, tổ chức kinh tế, tài chính; hỗ trợ kinh phí lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ Internet miễn phí trong Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thu hút tư nhân đầu tư sửa chữa, trả phí khai thác cơ sở hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cần thiết và tổ chức quản lý, khai thác Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cung cấp các dịch vụ đào tạo, huấn luyện, tư vấn; kết nối đầu tư, khách hàng; cung cấp nguồn nhân lực, không gian làm việc, thiết bị dùng chung cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Bốn là, tăng cường truyền bá tạo động lực, cảm hứng

Giải pháp này được biết tới chủ yếu thông qua các hoạt động mang tính chất bề nổi, truyền thông rộng rãi, qua đó tạo cảm hứng, thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, xây dựng nhận thức, văn hóa tích cực của xã hội đối với startup, lựa chọn các startup mục tiêu để tập trung hỗ trợ hiệu quả. Nhóm biện pháp này được sử dụng hầu như ở tất cả các nước, với ưu điểm là chi phí thấp, nhưng lại tạo hiệu quả lan tỏa rộng:

- Các cuộc thi, giải thưởng cho các startup.

- Các hoạt động quảng bá, truyền thông (chuyên mục báo chí)… nhằm tăng cường nhận thức của công chúng đối với startup.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động giáo dục đào tạo

Giải pháp này bao gồm các biện pháp nhằm xây dựng các kỹ năng mà các DNKNST thường bị hạn chế, qua đó thúc đẩy và tạo thuận lợi cho việc khởi nghiệp sáng tạo. Về cơ bản, nhóm giải pháp về thông qua giáo dục để phát triển DNKNST thường bao gồm:

- Các chương trình đào tạo, hướng dẫn khởi nghiệp tại các trường đại học, các cơ sở giáo dục bậc cao (đào tạo, tập huấn các kiến thức kinh doanh, các kỹ năng, điều kiện, quy trình để sinh viên có thể khởi nghiệp).

- Các chương trình đào tạo kỹ năng quản trị, quản lý tài chính, lao động… cho các sáng lập viên của các DNKNST.

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo Tin tức, 2019. “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam”. Retrieved 2nd May 2019, from https://baotintuc.vn/kinh-te/hoan-thienthe-che-va-cac-nen-tang-phat-trien-kinh-te-so-tai-viet-nam-20190502154027763.htm
  1. Bruyat, C., and Julien, P. A. 2001. “Defining the filed of research in entrepreneurship”, Journal of Business Venturing
  1. Cafef, 2017. “Việt Nam dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ 2 về thái độ tích cực với khởi nghiệp". Retrieved 1st May 2019, from http://cafef.vn/viet-nam-dan-dau-the-gioi-ve-tinh-than-khoi-nghiep-dung-thu-2-vethai-do-tich-cuc-voi-khoi-nghiep-20171001152829632.chn

SUPPORTING INNOVATIVE STARTUPS

BUI LE GIANG

Faculty of Office administration

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

Developing innovative start-up (IS) businesses is considered by the Government as the primary objective. In order to best incentivize developing innovative star-ups, there should be more specific directions and drastic solutions from the political system. The simultaneous implementation of the solution groups will have a direct and highly effective impact on IS. By joining a series of new generation FTAs, IS will have more opportunities to have access to capital and to the international market. This will help prevent IS from being paralyzed in domestic market if IS are not able to compete with foreign enterprises. The article discusses the need for solutions to support innovative startups in the current period.

Keywords: Policy, legal environment, startup strategy, entrepreneurship, innovative start-up.