Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo giao thương trực tuyến Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề “Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực đồ gỗ”. Hội thảo do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) và các cơ quan liên quan tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng 16/12 tại Hà Nội.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2021 và là dịp để rà soát, phân tích những khó khăn cũng như thảo luận về phương hướng và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển thị trường trong lĩnh vực đồ gỗ.
Thị trường mới tiềm năng
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, đây là một hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ kết nối, trao đổi trực tuyến về khả năng hợp tác, chuẩn bị sẵn sàng khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thông qua Hội nghị, Cục trưởng Vũ Bá Phú kỳ vọng, các bên sẽ cùng trao đổi cởi mở, tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu, năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp hai nước, góp phần củng cố mối quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ngày một vững mạnh.
Thông tin về thị trường Hoa Kỳ tiềm năng, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới và đang phục hồi rất nhanh sau thời gian chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 năm 2020. Theo đó, kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng liên tục kể từ Quý IV/2020 đến nay. Riêng 9 tháng năm 2021, trị giá hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ đã đạt 2.000 tỷ USD.
Đối với ngành đồ gỗ nội thất, trong 10 tháng năm 2021, Hoa Kỳ đã nhập khẩu từ Việt Nam trị giá 7,2 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam đang là đối tác cung ứng lớn nhất, chiếm khoảng 40% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Hoa Kỳ.
Theo ông Bùi Huy Sơn, có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, đồ gỗ Việt Nam vào Hoa Kỳ. Đơn cử như, nhu cầu tiêu dùng của người dân tại đây đang tăng, đặc biệt trong những tháng cuối năm, chuẩn bị các dịp lễ lớn.
Không những vậy, xu hướng làm việc tại nhà vẫn đang phổ biến và có thể kéo dài thêm nên chi tiêu cho đồ gỗ, nội thất gia đình dự kiến tiếp tục tăng.
Về chính sách, ông Bùi Huy Sơn cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về hợp tác kiểm soát nguồn gốc gỗ trong khi Hoa Kỳ đang đẩy mạnh chi đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn là khu vực sử dụng nhiều sản phẩm đồ gỗ nội thất. Bên cạnh đó, sản phẩm đồ gỗ từ Trung Quốc đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam tiếp tục bị đánh thuế nhập khẩu sẽ đẩy một số đơn hàng chuyển hướng sang thị trường Việt Nam.
Chung quan điểm, ông Tom Russell, chuyên gia trong ngành nội thất, Tổng biên tập Home News Now cho rằng, thị trường Hoa Kỳ còn rất nhiều dư địa cho sản phẩm từ gỗ và nội thất khi lĩnh vực xây dựng, nhà ở tại đây đang tăng trưởng tốt. Doanh thu của các hệ thống cửa hàng bán sản phẩm gỗ, nội thất trong tháng 11/2021 đã tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhu cầu mua sắm của người dân đã phục hồi và sẽ gia tăng khi Chính phủ thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng.
“Các nhà nhập khẩu và bán lẻ Hoa Kỳ đang tìm kiếm đối tác có năng lực và đáng tin cậy, trong khi đó, Việt Nam có lợi thế tốt về lao động có tay nghề, nguồn nguyên liệu đảm bảo nhu cầu sản xuất ổn định, bền vững được nhiều thị trường công nhận, đánh giá cao”, ông Tom Russell thông tin thêm.
...nhưng nhiều rào cản
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ông Tom Russell cũng khuyến cáo, ngành gỗ nội thất Việt Nam cũng đang đối mặt với một số thách thức như nguy cơ phòng vệ thương mại hay tình trạng tắc nghẽn logistics trên quy mô lớn.
“Hoa Kỳ là thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt đối với minh bạch thông tin và cạnh tranh thương mại công bằng”, ông Tom Russell cảnh báo và khuyến nghị, mặc dù Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về kiểm soát nguồn gốc gỗ, song một số sản phẩm của Việt Nam như gỗ ván từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ hay gỗ thanh và viền dải gỗ vẫn có nguy cơ điều tra khi có dấu hiệu bất thường.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Chủ tịch HAWA, Phó Giám đốc Công ty Scansia Pacific cũng chia sẻ, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đang cấp tốc khôi phục hoạt động sản xuất để tận dụng mùa mua sắm của các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ. Năm 2021, mặc dù việc xuất khẩu bị trì trệ trong thời gian giãn cách xã hội nhưng Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của ngành đồ gỗ, nội thất Việt Nam, chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhằm thích ứng với những yêu cầu và xu hướng tiêu dùng của thị trường này, các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển bền vững từ nguyên liệu đến hệ thống quản trị, lao động và môi trường. Đồng thời, đầu tư cho khâu kỹ thuật, chuyển đổi số, tự động hóa để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; phát triển sản phẩm mới và điều chỉnh cách đóng gói để phù hợp với xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.
Chia sẻ kinh nghiệm khai thác thị trường Hoa Kỳ, bà Lê Thúy Luy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ Trường Thành cho hay, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ lớn, sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam cũng được người tiêu dùng ưa chuộng và đáng giá cao. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có có yêu cầu cao, tỉ mỉ từng chi tiết đến bao bì, quy cách đóng gói sản phẩm.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, yêu cầu về tính năng sản phẩm nội thất đã thay đổi rất nhiều so với trước. Trong khi đó, hạn chế của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là chậm nắm bắt các xu hướng thịnh hành, chủ yếu gia công hàng loạt là chính.
“Muốn khai thác hiệu quả thị trường này trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp phải tích cực cập nhật thông tin nhu cầu cũng như thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có hàm lượng kỹ thuật, sáng tạo cao hơn; tối ưu được tính năng sử dụng và đa dạng hóa sản phẩm từ nội thất, ngoại thất đến ván sàn, hàng trang trí…”, bà Lê Thúy Luy nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, ông Bùi Huy Sơn cũng khuyến nghị, thị hiếu của người tiêu dùng Hoa Kỳ liên tục thay đổi, do đó các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hàm lượng kỹ thuật trong các sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng, nhu cầu tiêu dùng mới, chú trọng tính hợp pháp và sự an toàn, thân thiện với môi trường; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử từ khâu xúc tiến, quảng bá đến tiêu thụ sản phẩm để khắc phục những bất cập trong bối cảnh dịch bệnh.
Về lâu dài, ngành gỗ và nội thất phải phát triển các mô hình liên kết sản xuất với các nhà cung cấp nguyên liệu và đơn vị phân phối, tiêu thụ theo chuỗi. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng nên thường xuyên đánh giá các nguy cơ về cạnh tranh không lành mạnh, chuyển tải hàng hóa để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.