TÓM TẮT:
Bài viết sẽ phân tích rõ hơn một số nội dung lý luận liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp (bảo hiểm thất nghiệp), phân tích thực trạng quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp hiện hành và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp. Từ những cơ sở thực tiễn, tác giả đề xuất một số giải pháp khắc phục và hoàn thiện những hạn chế từ các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp hiện hành.
Từ khóa: bảo hiểm thất nghiệp, người lao động, thất nghiệp.
1. Đánh giá chung về những quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp
1.1. Ưu điểm
Thứ nhất, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật Việc làm 2013 đã cụ thể hóa sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với người lao động (NLĐ), hỗ trợ NLĐ thất nghiệp giải quyết những khó khăn trong cuộc sống khi họ không có nguồn thu nhập. Những quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm 2013 với những điều khoản cụ thể, rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể như NLĐ, NSDLĐ, Nhà nước đã thể hiện sự tương đồng và phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng về sự quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của NLĐ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định:“Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân”, phù hợp với pháp luật quốc tế, liên quan đến chính sách bảo vệ NLĐ. Từ khi bảo hiểm thất nghiệp ra đời, đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm tạo ra chỗ dựa cho NLĐ nếu họ rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, đồng thời đây cũng là công cụ hiệu quả để tạo ra động lực cho NLĐ tích cực lao động, sản xuất, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Điểm khác biệt rõ rệt giữa những quy định về bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật BHXH 2006 với những quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm 2013, đó là đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã được mở rộng hơn, quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định rõ ràng hơn đặc biệt với NLĐ. Vì vậy, những quy định trên đã dần dần đi vào đời sống, là biện pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho NLĐ và NSDLĐ, ngoài ra những quy định về bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm 2013 đã góp phần bảo đảm giải quyết tốt những vấn đề an sinh xã hội. Với những thuận lợi đó, trong những năm gần đây, số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp tăng rất nhanh. Nếu như vào năm 2009, mới chỉ có gần 6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thì đến thời điểm năm 2019, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã lên đến 13 triệu người.
Thứ hai, đối với thực tiễn, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp hiện nay đã có những quy định phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, cơ cấu lao động, tình hình quỹ bảo hiểm thất nghiệp, số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp được quy định trong Luật Việc làm 2013 và các văn bản khác đã có sự tập trung giúp đỡ NLĐ mang tính chất ổn định, lâu dài hơn và không chỉ dừng lại ở các chính sách hỗ trợ thất nghiệp, đó là các chế độ như tư vấn hỗ trợ, hỗ trợ việc làm, học nghề, đây là những giải pháp đưa NLĐ quay trở lại làm việc rất hiệu quả. Nhiều trường hợp NLĐ được hỗ trợ học nghề đã có việc làm mới, thu nhập cao hơn. Như vậy, Luật Việc làm 2013 không chỉ chú trọng các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua chi trả trợ cấp thất nghiệp (TCTN), mà còn ngăn ngừa, giảm tỷ lệ thất nghiệp qua các chế độ khác của bảo hiểm thất nghiệp. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng được mở rộng hơn so với những quy định trong Luật BHXH 2006, đồng thời những quy trình, thủ tục để hưởng các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp cũng được quy định rõ ràng và đơn giản để tạo thuận lợi cho NLĐ hưởng quyền lợi của mình. Tất cả những quy định trên đã làm cho những quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp từng bước đi vào cuộc sống, hỗ trợ thiết thực cho cả NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ).
1.2. Hạn chế
Thứ nhất, còn nhiều hạn chế trong các quy định và thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Những năm gần đây, bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào đời sống nhân dân lao động, nhưng nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp của một bộ phận NLĐ và NSDLĐ chưa cao. Mặc dù được tuyên truyền các nội dung về pháp luật bảo hiểm thất nghiệp, nhưng nhiều NLĐ chưa nắm rõ thông tin về chính sách, quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp, còn nhiều trường hợp NLĐ khai báo không đúng về trạng thái việc làm, dẫn đến gian dối hưởng TCTN. Còn đối với NSDLĐ, tình trạng nhiều doanh nghiệp nợ, trốn đóng, không hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm thất nghiệp còn diễn ra phổ biến và kéo dài.
Thứ hai, những quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều hạn chế và cần được hoàn thiện trong thời gian tới. Trong đó, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp mặc dù đã được mở rộng hơn so với các Luật BHXH 2006, tuy nhiên những quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp là NLĐ vẫn còn hẹp hơn khi so với các nước trên thế giới như Đức, Đan Mạch... Ở Việt Nam, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp quy định NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam, còn đối với NLĐ nước ngoài và người không quốc tịch làm việc trên lãnh thổ Việt Nam cũng không là đối tượng tham gia bắt buộc bảo hiểm thất nghiệp mặc dù lao động nước ngoài ở Việt Nam hiện nay có số lượng tương đối lớn, và họ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vì họ là những NLĐ có tay nghề, chuyên môn cao. Bên cạnh đó, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp chưa có những quy định để giám sát chặt chẽ, chưa có đủ công cụ để quản lý, vì vậy xuất hiện nhiều tiêu cực như trốn, nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nhiều trường hợp NLĐ đang đi làm những vẫn được hưởng chế độ TCTN hoặc có sự thỏa thuận với NSDLĐ để hưởng TCTN bất chính. Việc thực hiện các chế độ của bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều hạn chế, trong cơ cấu chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp, TCTN vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. Nhiều NLĐ chỉ nghĩ rằng họ nhận được khoản tiền hỗ trợ để giải quyết khó khăn tạm thời, nhưng còn những chế độ như tư vấn việc làm, đào tạo nghề... thì NLĐ không chú ý đến nhiều, trong khi đây là những chế độ vô cùng hiệu quả để đưa NLĐ trở lại làm việc.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp
Thứ nhất, pháp luật bảo hiểm thất nghiệp cần mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Hiện nay, theo quy định của pháp luật bảo hiểm thất nghiệp của Việt Nam, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại điều 43 Luật Việc làm 2013. Những quy định tại điều 43 Luật Việc làm 2013 đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp so Luật BHXH 2006. Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định đó vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của NLĐ trong điều kiện kinh tế - xã hội như hiện nay. Vì vậy, yêu cầu mở rộng thêm NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ bao gồm NLĐ có quan hệ lao động. Những lĩnh vực đang hình thành số lượng lớn NLĐ như: người giao hàng hay còn gọi là shiper, lái xe Uber, Bee, Grap, những người thực hiện các hoạt động kinh doanh online... hiện nay hoàn toàn có khả năng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng trong Luật Việc làm 2013 chưa quy định đóng bắt buộc. Bên cạnh NLĐ, một số NSDLĐ như ở các khu vực kinh tế nông nghiệp và trang trại, hộ gia đình kinh doanh có thuê lao động hoàn toàn có khả năng đóng bảo hiểm thất nghiệp những pháp luật chưa quy định, vì vậy cần bổ sung thêm các đối tượng này bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ hai, cần bổ sung thêm các chế độ hỗ trợ NLĐ của bảo hiểm thất nghiệp.
NLĐ khi mất việc làm bước đầu đã có sự hỗ trợ về tài chính từ chế độ TCTN, ngoài ra một phần trong số đó được đào tạo nghề, dạy nghề, nâng cao trình độ theo chế độ của bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều NLĐ dù đã có gắng tìm kiếm việc làm, nhưng không hoặc không thể tìm kiếm việc làm mới, hoặc họ có hướng lao động khác. Vì vậy, NLĐ sẽ tiến hành các hoạt động buôn bán, kinh doanh, gọi chung là “strar-up”, hay là khởi nghiệp mang tính tự phát. Một số NLĐ khác nỗ lực học một nghề mới để có thu nhập. Sau khi có tay nghề, NLĐ bắt đầu các hoạt động tự kinh doanh, làm ăn. Tuy nhiên, những hoạt động này của NLĐ chủ yếu thiếu nguồn vốn, thiếu cả kỹ năng kinh doanh, vì bản thân NLĐ đã bị mất thu nhập và không có tài sản tiết kiệm. Do đó, để tạo điều kiện hơn nữa cho NLĐ mất việc làm có vốn để kinh doanh và bắt đầu khởi nghiệp, Nhà nước cần có sự hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu cho NLĐ. Việc thực hiện hỗ trợ phải được tiến hành dựa trên những điều kiện và có sự giám sát của cơ quan chức năng về hiệu quả sử dụng vốn vay. Việc thực hiện vay vốn được thực hiện thông qua nguồn kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với lãi suất ưu đãi cho NLĐ. Đây cũng là cách hiệu quả để tăng kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vừa bảo đảm có lợi cho NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ ba, tăng mức hỗ trợ học nghề cho người lao động mất việc làm.
Quy định mức hỗ như trong luật Việc làm 2013 và Quyết định Số: 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa thật phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Khi giá cả hàng hóa trên thị trường liên tục tăng cao. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của NLĐ. Vì vậy, cần tăng mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ để họ yên tâm tham gia học nghề. Cụ thể, đối với khóa học nghề đến 3 tháng với mức hỗ trợ là 6 triệu đồng/người/tháng, còn đối với khóa học trên 3 tháng thì mỗi tháng mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người/tháng.
Thứ tư, sửa đổi điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định các trường hợp không được hưởng TCTN
Trong 5 nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp mỗi nguyên tắc đều có ý nghĩa riêng, là những nguyên tắc mang tính chất định hình của bảo hiểm thất nghiệp, việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp phải tuân theo những nguyên tắc trên. Tuy nhiên, bảo hiểm thất nghiệp trước hết phải mang đặc trưng của bảo hiểm nói chung nên không thể nằm ngoài sự chi phối của nguyên tắc hưởng thụ theo mức đóng, tức là NLĐ đóng mức cao sẽ hưởng cao, NLĐ đóng ít thì hưởng ít, NLĐ không đóng thì không được hưởng, cùng với đó là nguyên tắc có đóng có hưởng của bảo hiểm. Vì vậy, NLĐ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cần được hưởng quyền lợi xứng đáng với những gì mình đã đóng góp. Tuy nhiên hiện nay, Điều 49 Luật Việc làm 2013 quy định các trường hợp không được hưởng TCTN trong đó có trường hợp chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV để “Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng” thì không được hưởng TCTN. Như vậy, NLĐ chấm dứt HĐLĐ như trường hợp nêu trên thì họ không chịu tác động của hiện tượng thất nghiệp, về bản chất họ không bị thất nghiệp. Dù họ đã được hưởng một khoản tiền hàng tháng theo quy định của BHXH. Tuy nhiên, việc pháp luật hiện hành có những quy định như vậy là chưa phù hợp với các nguyên tắc của bảo hiểm nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng và chưa bảo đảm sự công bằng giữa các chủ thể tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Vì bản chất là những NLĐ này đã đóng phí bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ và đúng thời gian yêu cầu nhưng không được hưởng. Vì vậy, những quy định này cần sửa đổi bổ sung theo hướng khi chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV để hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng thì NLĐ được chi trả một lần từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ một số tiền nhất định tương ứng với những gì NLĐ đã đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ năm, sửa đổi mức phí đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Hiện nay, theo quy định của Luật Việc làm 2013, các chủ thể tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp là nhà nước, NSDLĐ và NLĐ. Mức đóng mà pháp luật quy định là chia đều 1%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Nhà nước vẫn duy trì việc đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã xuất hiện những điều chưa phù hợp, vì đóng phí bảo hiểm thất nghiệp là nhằm hỗ trợ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian đầu quỹ mới thành lập, còn nhiều khó khăn. Sau thời gian dài thực hiện, nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ NLĐ và NSDLĐ đã tương đối ổn định, có kết dư và được sử dụng cho các hoạt động đầu tư sinh lời. Chính vì vậy, cần xác định thời điểm và có lộ trình rõ ràng, chi tiết để rút dần vai trò của Nhà nước trong việc hành thành quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước cần thực hiện lũy thoái mức hỗ trợ khi quỹ bảo hiểm thất nghiệp này dần đi vào ổn định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO;
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội XIII.
- Giang Văn Dân (2018). Giáo trình Bảo hiểm, Nhà xuất bản Tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Quốc hội (2006). Luật Bảo hiểm xã hội 2006.
- Quốc hội (2013). Luật Việc làm 2013.
- Quốc hội (2019). Bộ luật Lao động 2019.
- Trần Thị Thúy Lâm (2004). Một số vấn đề về Bảo hiểm thất nghiệp. Tạp chí Luật học, số 4, 20-27.
- Xuân Đức 2019. Chính sách Bảo hiểm nhân thọ đến gần hơn với người lao động, Báo Nhân dân, truy cập tại https://nhandan.vn/bhxh-va-cuoc-song/chinh-sach-bao-hiem-that-nghiep-gan-hon-voi-nguoi-lao-dong-363542/xem 7/5/2023.
Improving the effectiveness of regulations on unemployment insurance
Le Thanh Son1
Nguyen Ngoc Hai1
1Military Academy of Logistics
Abstract:
This paper analyzes some theoretical contents about unemployment insurance, the current regulations on unemployment insurance, and the practical enforcement of regulations on unemployment insurance. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the effectiveness of regulations on unemployment insurance.
Keywords: unemployment insurance, workers, unemployment.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2023]