Tóm tắt: Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu, quá trình đó tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Để không bị “tụt hậu” trong quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam cần có những điều chỉnh trong chính sách kinh tế vĩ mô và vi mô để có thể tận dụng được những cơ hội, hạn chế những thách thức của quá trình này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tăng cường nội lực hay nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước chính là chìa khóa để Việt Nam đạt được thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bài viết này chỉ tập trung nghiên cứu về pháp luật hỗ trợ đầu tư với vai trò là một trong những chính sách kinh tế. Trong đó, bài viết sẽ chỉ ra sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật hỗ trợ đầu tư trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, phân tích thực trạng pháp luật hỗ trợ đầu tư và từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật hỗ trợ đầu tư, góp phần xây dựng hệ thống chính sách kinh tế hợp lý để Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Từ khóa: Hỗ trợ đầu tư, hội nhập, hội nhập kinh tế, pháp luật hỗ trợ đầu tư. |
- Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật hỗ trợ đầu tư ở Việt Nam hiện nay
Nhìn chung, thành công trong những năm qua của Việt Nam chủ yếu dựa vào sự gia tăng đầu tư vốn và lợi thế nhân công giá rẻ (CIEM và ACI, 2010), mà vốn đầu tư được coi là động lực phát triển của nền kinh tế. Nói cách khác, thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư vốn, do vậy, hệ thống pháp luật đầu tư đã được xây dựng nhằm khuyến khích và thu hút vốn đầu tư, trong số đó có những quy định về hỗ trợ đầu tư. Những quy định về hỗ trợ đầu tư lần đầu xuất hiện cùng với sự ra đời của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994, từ đó nó đã trở thành một phần của chính sách thu hút vốn đầu tư.
Mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư vốn đã tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cho Việt Nam, trong suốt những năm 1990 đến năm 2007, tốc độ tăng trưởng được duy trì ở mức cao khoảng 7% - 8%, và giai đoạn từ năm 2008 đến nay tốc độ tăng trưởng được giữ ở mức 5%-6% (số liệu của Tổng cục Thống kê). Nhưng về lâu dài mô hình này là không bền vững và thực tế là nó đang mất dần tính hiệu quả, thậm chí là gây ra một số nguy cơ cho nền kinh tế Việt Nam. Có một số lý do giải thích cho vấn đề này như sau: Một là, do lợi thế so sánh về chi phí lao động sẽ dần mất đi bởi một số quốc gia khác cũng đã và đang tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế bằng cách cung cấp nhân công giá rẻ, dẫn đến khả năng thu hút vốn giảm trong khi Việt Nam chưa xây dựng được lợi thế so sánh mới; Hai là, do tỷ lệ tiết kiệm nội địa thấp và có xu hướng giảm sẽ dẫn đến mức độ phụ thuộc vào dòng vốn FDI của Việt Nam ngày càng tăng; Ba là, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện nay chủ yếu sản xuất phục vụ chuỗi giá trị toàn cầu, không liên kết nhiều với nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp trong nước lại yếu kém không đủ khả năng liên doanh với bên nước ngoài nên mục tiêu tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến sẽ không đạt được thông qua thu hút vốn FDI; Bốn là, cơ cấu đầu tư theo ngành ở Việt Nam hiện không cân đối, không chú trọng đầu tư các ngành tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chủ yếu là mở rộng quy mô mà không đầu tư chuyên sâu để nâng cao năng suất nền kinh tế (CIEM và ACI, 2010). Tất cả những lý do đó cho thấy, việc tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư vốn, tức là lấy việc gia tăng vốn đầu tư là động lực cho sự phát triển trong thời gian tới là không hợp lý.
Trong khi đó, càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Việt Nam càng phải đối mặt với cả những cơ hội và các thách thức mà quá trình hội nhập đưa đến. Theo tác giả Phạm Quốc Trụ (2011), hội nhập kinh tế quốc tế đem lại 10 lợi ích và 7 bất lợi cho Việt Nam và để hội nhập kinh tế quốc tế thành công thì Việt Nam phải tranh thủ các lợi ích, đồng thời loại bỏ những bất lợi này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra để hội nhập kinh tế quốc tế thành công, Việt Nam phải có những chính sách nhằm xây dựng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước (hay doanh nghiệp nội địa), cụ thể là phải nâng cao năng suất lao động, trình độ quản trị sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Cải thiện năng lực của doanh nghiệp nội địa cũng là giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn FDI và tận dụng lợi ích mà dòng vốn này mang lại (Trần Văn Thọ, 2016), đó là tiếp cận và tiếp nhận các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý kinh tế hiện đại, từ đó hạn chế nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa và ngày càng phụ thuộc vào các quốc gia khác. Nghĩa là để không bị tụt hậu trong quá trình hội nhập, Việt Nam phải tạo dựng được những động lực phát triển mới, một trong những động lực đó chính là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa, trong đó để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần phải nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường.
Như trên đã nêu, pháp luật về hỗ trợ đầu tư đã được hình thành và phát triển như là một trong những chính sách để thu hút vốn đầu tư, tuy nhiên trong tình hình và điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc thu hút vốn đầu tư không thể tiếp tục được coi là trọng tâm trong chính sách phát triển, thay vào đó Việt Nam phải có những chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa. Do vậy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật về hỗ trợ đầu tư là cần thiết để những quy định này trở thành chính sách nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa.
- Thực trạng pháp luật về hỗ trợ đầu tư ở Việt Nam
Hiện nay, Luật Đầu tư 2014 với tư cách là nguồn luật chung điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, đã đưa ra những quy định về hỗ trợ đầu tư rất đơn giản và ngắn gọn trong 3 Điều luật là Điều 19, Điều 20 và Điều 21. Trong đó, Điều 19 xác định tên của bảy hình thức hỗ trợ đầu tư, còn Điều 20 và Điều 21 là các quy định cụ thể hơn về hình thức hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Hình thức hỗ trợ đầu tư được Luật Đầu tư 2014 xác định gồm bảy hình thức: (1) Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án; (2) Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; (3) Hỗ trợ tín dụng; (4) Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, nội thị; (5) Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; (6) Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; (7) Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh Luật Đầu tư 2014, thời gian qua Nhà nước Việt Nam đã ban hành và từng bước bổ sung, hoàn thiện nhiều đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, quy định về tín dụng, quy định về khoa học, công nghệ, về chuyển giao công nghệ, về đất đai… tương ứng với các lĩnh vực hỗ trợ đầu tư được nêu trong Luật Đầu tư 2014, các đạo luật này chính là nguồn luật chuyên ngành quy định cụ thể về các điều kiện và cách thức thực hiện các hình thức hỗ trợ đầu tư hiện nay. Tóm lại, pháp luật hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam là tập hợp các quy định xác định các hình thức hỗ trợ đầu tư trong Luật Đầu tư 2014 (luật chung) và các quy định về cách thức thực hiện các hỗ trợ đầu tư trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật Khoa học và Công nghệ 2013, Luật Công nghệ cao 2008, Luật Chuyển giao công nghệ 2006; Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục đại học 2012 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014; Luật Đất đai; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và các văn bản dưới luật khác… Quy định pháp luật về hỗ trợ đầu tư hiện nay có thể khái quát như sau:
Hỗ trợ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là hình thức hỗ trợ được thực hiện dưới hình thức đầu tư công hoặc huy động, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư nhằm nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ cho tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, theo đó các công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội thường được xây dựng và nâng cấp thông qua hình thức hợp đồng BT, BOT, BTO, PPP. Việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao được phân cấp thực hiện theo Điều 20, 21 Luật Đầu tư 2014; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư và Luật Công nghệ cao 2008.
Hình thức hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã được thực hiện gắn liền với chính sách phát triển giáo dục. Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục đại học 2012 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đều xác định hoạt động giáo dục phải gắn với nhu cầu và để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, theo đó Nhà nước chủ trương ưu tiên chi ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp và gia tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng huy động, khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đào tạo; thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư thành lập các trường giáo dục nghề nghiệp và các trường đại học ở Việt Nam. Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các quỹ hỗ trợ đào tạo để sử dụng vào mục đích đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.
Hỗ trợ tín dụng là hình thức hỗ trợ để giúp đỡ giải quyết khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam. Hình thức này được quy định cụ thể trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, theo đó một số quỹ tài chính đặc biệt như Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập và thực hiện hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các nhà đầu tư được vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Nhà nước có các chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay và khuyến khích các quỹ do tư nhân thành lập góp vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh là hình thức được xác lập trên cơ sở Luật Đất đai 2013, Luật này cho phép các nhà đầu tư tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh nhờ được giao đất, hoặc cho thuê đất của Nhà nước, hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất khác. Các hỗ trợ này còn thực hiện thông qua việc Nhà nước cho lập ra các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội sẵn có để các nhà đầu tư thuê, thực hiện dự án. Việc thành lập và quản lý các khu vực này được quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 164/2013/NĐ-CP). Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ tài chính cho việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, nội thị tại Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010.
Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ được Nhà nước thực hiện thông qua các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ để cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ, việc thành lập và tổ chức quản lý các tổ chức này được điều chỉnh bởi Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Nhà nước còn có chính sách truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ được giao trách nhiệm chính, và các tổ chức, cá nhân được khuyến khích thực hiện hoạt động này. Nhà nước cũng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về khoa học và công nghệ để cung cấp thông tin khoa học, công nghệ nhằm phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất và kinh doanh của các tổ chức, các nhân. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng được giao nhiệm vụ triển khai các Chương trình quốc gia để hỗ trợ khoa học, kỹ thuật như Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia (theo Luật Chuyển giao công nghệ 2017).
Hỗ trợ phát triển thị trường là sự hỗ trợ để giải quyết khó khăn về thị trường sản phẩm đầu ra cho các doanh nghiệp với việc tổ chức thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương phụ trách thực hiện. Chương trình này gồm các hoạt động xúc tiến thương mại thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương 2017. Để hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, Nhà nước cũng đã thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển do Nhà nước thực hiện bằng cách đảm bảo năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ; đồng thời xây dựng, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, những vấn đề này được quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Cụ thể là Nhà nước sẽ đặt hàng, giao nhiệm vụ khoa học, công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ. Để tăng cường năng lực nghiên cứu trong nước, Luật này cũng đưa ra quy định về hội nhập quốc tế trong nghiên cứu và phát triển; và quy định về việc sử dụng ngân sách nhà nước mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ để phục vụ nghiên cứu và phát triển…
Ngoài ra, đối với đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực được khuyến khích (như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn) cũng nhận được những hỗ trợ đầu tư thực hiện theo quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và một số Nghị định của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trong lĩnh vực được khuyến khích nhận được nhiều hỗ trợ hơn các trường hợp khác.
Như vậy, các hình thức hỗ trợ đầu tư hiện nay đa dạng và có tính thu hút, khuyến khích đầu tư. Trong số các hình thức hỗ trợ đầu tư đó có hình thức hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ phát triển thị trường là những hình thức có thể giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tuy vậy, mục đích nhằm nâng cao năng suất lao động của các hình thức hỗ trợ này chưa thực sự rõ ràng, do đó các quy định về cơ chế thực hiện hỗ trợ không chú trọng tính hiệu quả của hoạt động hỗ trợ trong việc nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đây cũng chính là cơ sở cho những kiến nghị hoàn thiện pháp luật hỗ trợ đầu tư hiện hành được đề xuất trong phần tiếp theo của bài viết này.
- Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam
Từ những phân tích ở trên có thể thấy không phải hình thức hỗ trợ đầu tư nào cũng có tác động trực tiếp và có hiệu quả cao trong việc tạo ra những điều kiện cần thiết cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thành công của Việt Nam. Các hình thức hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất không trực tiếp giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hơn nữa chi phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đòi hỏi rất cao. Vậy, hoàn thiện pháp luật hỗ trợ đầu tư gắn với hội nhập kinh tế quốc tế cần tập trung vào hoàn thiện các quy định về hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng.
Về hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cần bổ sung quy định về hỗ trợ đào tạo kiến thức kỹ thuật để nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng kỹ thuật và công nghệ mới cho các doanh nghiệp. Các hỗ trợ đào tạo về quản trị sản xuất, kinh doanh cần thiết phải mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp nội địa, có thể thực hiện bằng cách tổ chức hội thảo giới thiệu mô hình quản trị hiệu quả, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp hoặc tổ chức các khóa học chuyên sâu về quản trị sản xuất, kinh doanh (có thu phí nếu không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp). Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo cần phải chú trọng việc nâng cao chất lượng của toàn hệ thống giáo dục quốc dân, từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học, nhằm tạo ra một nền tảng kiến thức cơ bản cho người lao động, song song với việc nâng cao chất lượng của hệ thống các cơ sở đào tạo nghề, cũng như chất lượng đào tạo đại học.
Về hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, cần chú trọng phổ biến, giới thiệu thông tin về các công trình khoa học kỹ thuật, các sản phẩm công nghệ mới trong nước và trên thế giới cho các doanh nghiệp trong nước, nhằm giúp họ tìm kiếm giải pháp công nghệ, khoa học phù hợp với điều kiện của mình. Đồng thời, cần bổ sung quy định xác định trách nhiệm của các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ trong việc cung cấp thông tin khoa học và công nghệ, trong đó tổ chức công lập phải đóng vai trò chính và khuyến khích sự tham gia tích cực của các tổ chức ngoài công lập. Về hỗ trợ chuyển giao công nghệ, cần có quy định cụ thể về việc dùng ngân sách nhà nước để mua công nghệ từ nước ngoài và phổ biến công nghệ đó cho các doanh nghiệp trong nước, và những quy định khuyến khích việc chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức khoa học cho các doanh nghiệp trong nước.
Về hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, cần bổ sung các quy định pháp luật để thiết lập cơ chế kết nối và đẩy mạnh việc kết nối giữa các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển công nghệ mới với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước hoặc nước ngoài, để các bên hợp tác trong nghiên cứu và phát triển tạo ra những sản phẩm mới có giá trị thương mại cao hoặc những công nghệ, kỹ thuật mới có tính ứng dụng cao trong sản xuất, kinh doanh.
Về hỗ trợ phát triển thị trường, cần bổ sung những quy định để thiết lập cơ chế kết nối và thúc đẩy việc kết nối giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trong nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng ngành, lĩnh vực, để các bên có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về thị trường, cũng có thể kết nối để các doanh nghiệp này trở thành đối tác, khách hàng của nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung quy định xác định đầu mối cung cấp các thông tin thị trường, thông tin pháp luật, chính sách cho các doanh nghiệp; quy định thống nhất cách thức cung cấp thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp, trong đó các thông tin kinh tế - xã hội cần được chuẩn hóa và công khai đầy đủ, để giúp các doanh nghiệp dự đoán quy mô thị trường, xu hướng phát triển thị trường, từ đó lập ra xây dựng phương án kinh doanh khả thi.
Về hỗ trợ tín dụng, cần bổ sung quy định để thiết lập cơ chế giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng dự án kinh doanh có tính khả thi trong quá trình họ thực hiện thủ tục để được hỗ trợ tín dụng, vì chính thông qua đó sẽ giúp các doanh nghiệp này nâng cao năng lực quản lý và triển khai dự án kinh doanh, từ đó nâng cao ý nghĩa của hình thức hỗ trợ này trong việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, cần có quy định khác nhau về các mức lãi suất và thời hạn tín dụng cho từng trường hợp hỗ trợ tín dụng, nếu là khoản tín dụng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp thì cần quy định mức lãi suất thấp và thời hạn vay dài hơn so với trường hợp tín dụng dành cho vốn lưu động, như vậy vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, cũng như đảm bảo lợi ích của phía ngân hàng cho vay.
Ngoài những kiến nghị nêu trên, để đảm bảo phát huy hiệu quả của các hỗ trợ đầu tư, còn cần phải có những quy định chung về cơ chế thực hiện hỗ trợ đầu tư như sau: Một là, cần đặt ra những yêu cầu về kết quả kinh doanh phải đạt được của các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, coi đó là điều kiện để tiếp tục nhận được hỗ trợ khác, đó cũng là cách để các doanh nghiệp phải tích cực và nỗ lực sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước. Hai là, cần quy định phân cấp trách nhiệm hỗ trợ đầu tư gắn liền với phân cấp quản lý dự án đầu tư để đảm bảo tính kịp thời, đúng đối tượng và đảm bảo tính hiệu quả kinh tế của hỗ trợ đầu tư, đồng thời với đó phải xác lập cơ chế giám sát thực hiện hỗ trợ đầu tư, để tránh tạo ra sự tùy tiện trong việc áp dụng pháp luật hỗ trợ đầu tư và tránh hình thành lợi ích nhóm từ việc trao quyền phê duyệt, quyết định hỗ trợ đầu tư cho các cơ quan nhà nước. Ba là, cần xác định những lĩnh vực, ngành kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh để tập trung nhiều nhất sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực đó, nhưng cũng phải đảm bảo xây dựng môi trường kinh doanh tự do, cạnh tranh bình đẳng để tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả và được đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.
Tóm lại, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế, trong đó có pháp luật về hỗ trợ đầu tư. Pháp luật về hỗ trợ đầu tư phải được hoàn thiện để giúp tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đây là điều kiện để Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Cụ thể, là cần phải tập trung hoàn thiện các quy định về hỗ trợ trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ phát triển thị trường… và tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh tự do, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Chính phủ (2007), Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, Hà Nội.
- Chính phủ (2008), Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Hà Nội.
- Chính phủ (2013), Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Hà Nội.
- Chính phủ (2013), Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Hà Nội.
- Chính phủ (2015), Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, Hà Nội.
- CIEM & ACI (2010), Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam, Hà Nội.
- Quốc hội (2005), Luật số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005 về Giáo dục, Hà Nội.
- Quốc hội (2006), Luật số 07/2017/QH14 ngày 19/6/2017 về Chuyển giao công nghệ, Hà Nội.
- Quốc hội (2008), Luật số 21/2008/QH12 ngày 13/11/2008 về Công nghệ cao, Hà Nội.
- Quốc hội (2012), Luật số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 về Giáo dục đại học, Hà Nội.
- Quốc hội (2013), Luật số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 về Khoa học và công nghệ, Hà Nội.
- Quốc hội (2014), Luật số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 về Đầu tư, Hà Nội.
- Quốc hội (2014), Luật số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014 về Giáo dục nghề nghiệp, Hà Nội.
- Quốc hội (2017), Luật số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 về Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hà Nội.
- Quốc hội (2017), Luật số 05/2017/QH14 ngày 12/6/2017 về Quản lý ngoại thương, Hà Nội.
- Tran Van Tho (2016), Cú sốc thời gian và Kinh tế Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.
- Phạm Quốc Trụ (2011), Hội nhập quốc tế: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, 85 (6), 15-19.
IMPROVING THE INVESTMENT INCENTIVE POLICIES IN THE CONTEXT OF THE ECONOMIC INTERNATIONAL INTEGRATION Master. Dao Thu Ha Faculty of Law, National Economics University Tóm tắt: International economic integration is an inevitable trend, creating both opportunities and challenges for developing countries such as Vietnam. In order not to be left behind in the economic integration, it is necessary for Vietnam to adjust its macroeconomic and microeconomic policies to take advantage of the opportunities while minizing the challenges of the trend. Many studies show that enhancing the internal force of the country - in other words, improving the competitiveness of domestic enterprises plays a key role in Vietnams successes when the country integrates into the international economy. This article focuses on analyzing investment incentive policies of Vietnam as economic policies. The article is to indicate the need for improving investment incentive policies in the context of the country’s current international integration process and analyzing current situations of the investment incentive policies, thereby proposing some recommendations to improve the investment incentive policies, contributing to develop an appropriate system of economic policies to help Vietnam to integrate into the international integration successfully. Keywords: Investment incentives, economic integration, investment incentive policies. |