Hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

ThS. NCS. TRẦN CÔNG THỊNH (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Những năm qua, công tác thi hành án dân sự đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn một số lượng án chưa được thi hành, chậm thi hành, án bị đình chỉ,... Việc này đã làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến trật tự, ổn định xã hội, nhất là đặt trong bối cảnh toàn cầu hoá, trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bài viết chỉ ra một số tồn tại trong các quy định của luật thi hành án dân sự cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới.

Từ khoá: thi hành án dân sự, chấp hành viên, thời hiệu yêu cầu thi hành án, cưỡng chế kê biên, cách mạng công nghiệp 4.0.

1. Đặt vấn đề

Trong lịch sử, con người đã chứng kiến 3 cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (khoảng năm 1784) diễn ra khi loài người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (khoảng năm 1870 đến khi thế chiến thứ nhất nổ ra). Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần này là việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn... Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (năm 1969), xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc với nhau. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra từ những năm 2000, gọi là cuộc cách mạng sốthông qua các công nghệ như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC),... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được mô tả là sự ra đời của một loạt các công nghệ mới, kết hợp tất cả các kiến thức trong lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học, và ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống pháp luật, kinh tế - xã hội đất nước ta.

Bản án, quyết định dân sự của Tòa án mặc dù có hiệu lực pháp luật nhưng trong nhiều trường hợp mới chỉ khẳng định rõ được quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Để các quyền và nghĩa vụ đó được thực thi trong thực tế, trong nhiều trường hợp còn phụ thuộc vào việc các chủ thể có tự nguyện thi hành, nghiêm chỉnh tuân thủ phán quyết của Tòa án hay không. Trong trường hợp chủ thể có nghĩa vụ chây ỳ, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ thì đồng nghĩa với việc quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể vẫn chưa được bảo đảm, tất yếu dẫn đến thủ tục yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Thi hành án dân sự là làm cho các bản án, quyết định dân sự được đưa ra thi hành[1]; thi hành án dân sự là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống; có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định.

Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 (được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 64/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015). Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện luật, công tác thi hành án dân sự đã có những chuyển biến tích cực[2], hiệu quả công tác thi hành án dân sự được tăng cường, nâng cao; số vụ việc thi hành án xong với số tiền, tài sản thu được năm sau cao hơn năm trước, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác thi hành án vẫn còn những hạn chế nhất định. Số lượng án chậm thi hành, chưa được thi hành, án bị cộng dồn, chuyển từ năm này sang năm khác vẫn chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số bản án, quyết định có điều kiện thi hành[3]. Bài viết đã chỉ ra một số tồn tại trong các quy định của luật thi hành án dân sự cũng như đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới.

2. Những vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 23 của Luật Thi hành án dân sự 2008, việc ra quyết định thi hành án do thủ trưởng cơ quan thi hành án thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới, việc ra quyết định thi hành án là do tòa án (thẩm phán) thực hiện[4]. Việc này theo tác giả là hợp lý vì “bản chất của thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp, là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, do đó, Tòa án phải có trách nhiệm đến cùng với bản án, quyết định mà mình ban hành; không để tình trạng cắt khúc, tách rời các giai đoạn tố tụng làm hạn chế mối quan hệ giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án dân sự, giữa Tòa án với cơ quan thi hành án”.

Mặt khác, cơ quan thi hành án dân sự hiện nay trực thuộc Bộ Tư pháp - là cơ quan hành chính nhà nước, do đó quyết định do cơ quan thi hành án đưa ra là một loại quyết định hành chính, không thuộc đối tượng kiểm sát của Viện Kiểm sát nhân dân. Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 quy định “Viện Kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”[5].  Nhưng tại khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định: “Viện Kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật”. Hay “Viện Kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân”[6]. Như đã phân tích, quyết định thi hành án dân sự là một quyết định hành chính, nếu Viện Kiểm sát nhân dân kháng nghị là không đúng chức năng. Do đó theo tác giả, cần quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thi hành án.

Thứ hai, về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự.

Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định: “Trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.” Trước đây, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 chưa quy định quyền yêu cầu thi hành án dân sự của người phải thi hành án dân sự, nhưng xuất phát từ thực tiễn thi hành Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993, trong nhiều trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, người được thi hành án không làm đơn yêu cầu thi hành án ngay sau khi có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trong khi đó, người phải thi hành án đã có điều kiện thi hành, hơn thế, mong muốn nhanh chóng thực hiện xong nghĩa vụ của mình.

Vì vậy, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 đã được bổ sung quy định người phải thi hành án cũng có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án và đến nay Luật Thi hành án dân sự năm 2008 vẫn duy trì quy định này. Mục đích của việc bổ sung quy định này là nhằm khuyến khích ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người phải thi hành án cũng như để đảm bảo quyền lợi của họ trong trường hợp cần thiết (ví dụ: nếu thi hành án xong thì họ sẽ được xác nhận và đảm bảo thủ tục xuất nhập cảnh, hoặc để làm điều kiện xét giảm án phạt tù).

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có nên giới hạn thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với người phải thi hành án hay không? Thực tiễn áp dụng cho thấy, có những trường hợp người phải thi hành án vì nhiều lý do khách quan và chủ quan mà họ đã không hoặc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hạn luật định. Sau thời hạn 5 năm họ mới làm đơn yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án có chấp nhận và giải quyết hay không? Chúng ta cùng xem xét trường hợp sau:

Bản án hình sự sơ thẩm số 169/HSST ngày 31/5/2006 của Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên phạt bị cáo Hồ Nguyên Hưng hình phạt chung thân do bị cáo Hưng đã thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản đối với nạn nhân là chị Hoàng Thị Tình; Tòa cũng buộc bị cáo Hưng phải bồi thường cho gia đình nạn nhân do ông Hoàng Xuân Tới đại diện số tiền 96.400.000 đồng. Hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo luật định, bản án, quyết định của Tòa án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Trong suốt 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, không có bên đương sự nào làm đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền bồi thường 96.400.000đ.

Đến ngày 22/8/2019, bà Trần Thị Phấn là mẹ đẻ của Hồ Nguyên Hưng được ủy quyền mới đến cơ quan Thi hành án xin được tự nguyện thi hành án khoản tiền 96.400.000 đồng theo bản án. Căn cứ theo quy định của Luật Thi hành dân sự, thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết từ lâu. Người yêu cầu thi hành án là bà Trần Thị Phấn được sự ủy quyền hợp lệ theo quy định của pháp luật dân sự. Xét về động cơ thực tế cùa việc bà Trần Thị Phấn yêu cầu được thi hành án thay cho con, là để Hồ Nguyên Hưng được hưởng thêm tình tiết xét giảm án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Luật Đặc xá.

Đối với người được thi hành án là ông Hoàng Xuân Tới, ông Tới trình bày lý do đã không yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền bồi thường 96.400.000 đồng là vì Hồ Nguyên Hưng đã bị tuyên phạt chung thân; mặt khác bản thân Hồ Nguyên Hưng cũng không có tài sản, điều kiện để bồi thường nên gia đình ông chưa làm đơn đề nghị; thêm vào đó ông Tới cũng trình bày là do không biết đến quy định pháp luật về thời hiệu yêu cầu thi hành án nên đã không thực hiện quyền lợi của cho gia đình mình.

Câu hỏi đặt ra là, trong trường hợp này cơ quan thi hành án sẽ làm gì? sẽ giải thích cho đương sự là đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án và không nhận đơn yêu cầu thi hành án[7] hay sẽ chấp nhận đơn yêu cầu thi hành án của bà Trần Thị Phấn?

Theo quan điểm của tác giả, mặc dù thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết từ lâu, tuy nhiên, nguyên tắc của pháp luật thi hành án là luôn khuyến khích các đương sự tự nguyện thi hành án. Trong trường hợp này lại là sự tự nguyện của gia đình người phải thi hành án có sự ủy quyền của người phải thi hành án xin được nộp tiền để thi hành án, vì vậy, cần ghi nhận sự tự nguyện này để chấp nhận yêu cầu thi hành án. Nếu được chấp thuận việc nộp khoản tiền bồi thường để thi hành án thì Hồ Nguyên Hưng có cơ hội được xem xét miễn giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá 2018[8]. Việc chấp thuận này không chỉ có lợi cho người được thi hành án, người phải thi hành án mà còn thu thêm một khoản phí thi hành án nộp vào ngân sách nhà nước, đồng thời bản án được thi hành một cách triệt để.

Quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là cần thiết, tuy nhiên, thời hiệu này chỉ nên áp dụng đối với người được thi hành án, còn đối với nguời phải thi hành án thì không nên quy định thời hiệu. Như vậy, người phải thi hành án cũng như gia đình của họ không bị giới hạn thời gian khi muốn thực hiện trách nhiệm của mình khi có điều kiện thi hành án bằng hình thức tích cực lao động sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm một khoản tiền thi hành án. Việc không quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án sẽ tạo điều kiện cho họ có thêm cơ hội để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình (và cũng để tạo điều kiện cho người phải thi hành án hình sự được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong các đợt xét giảm án hình sự).

Thứ ba, về hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự

Khoản 1 Điều 31 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định về hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự như sau: “Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói, hoặc gửi đơn qua bưu điện. Người yêu cầu phải nộp bản án, quyết định, tài liệu khác có liên quan; Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp, hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Thi hành án thì đương sự có 2 cách để nộp đơn yêu cầu thi hành án, đó là trực tiếp nộp (hoặc trực tiếp trình bày tại cơ quan thi hành án) hoặc gửi đơn qua dịch vụ bưu điện. Tuy nhiên, khi so sánh với việc gửi đơn khởi kiện của đương sự trong vụ án dân sự[9] và của người khởi kiện trong vụ án hành chính[10] có thể thấy cách thức nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự trong Luật Thi hành án “vừa thiếu lại vừa yếu”.

Bộ uật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định cách thức nộp đơn rộng hơn (3 hình thức: nộp đơn trực tiếp; gửi đơn qua dịch vụ bưu chính; gửi đơn trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử). Điều này cũng phù hợp với thực tiễn đời sống, bởi lẽ trong những năm gần đây, dịch vụ nhận, gửi, chuyển phát thư tín, tài liệu, hàng hóa ngày càng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng.

Nếu như trước đây, bưu điện gần như là đơn vị duy nhất thực hiện chức năng chuyển phát thì trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, rất nhiều các cá nhân, cơ quan, tổ chức cũng được phép tham gia hoạt động trong lĩnh vực này. Nói cách khác, dịch vụ giao nhận, chuyển phát thư tín, tài liệu, hàng hóa đã được xã hội hóa (dịch vụ bưu chính) với sự tham gia hoạt động của đông đảo các đơn vị, tổ chức của tư nhân cũng như của Nhà nước. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể khi tham gia vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nói chung cũng như tạo thuận lợi cho các chủ thể của các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính nói riêng khi họ muốn khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhằm bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Bên cạnh đó, việc quy định hình thức gửi đơn trực tuyến qua cổng thông tin điện tử trong Bộ luật Tố tụng dân sự cũng như Luật Tố tụng hành chính cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đương sự hoặc người khởi kiện trong việc yêu cầu Tòa án kịp thời tiếp nhận và xử lý các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của mình. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển về khoa học kỹ thuật, về hạ tầng công nghệ thông tin của đất nước ta trong những năm gần đây, cũng là để hiện thực hoá các chủ trương, chính sách của Nhà nước ta[11] và của chính Bộ Tư pháp[12] đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

          Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự trong thi hành án dân sự, cũng như để tương thích với các quy định của pháp luật tố tụng nói chung, tố tụng dân sự nói riêng (pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật thi hành án dân sự có sự gắn kết với nhau, trong nhiều trường hợp có thể coi thi hành án dân sự là một giai đoạn kế tiếp của tố tụng dân sự), thì cần phải sửa đổi quy định về hình thức nộp đơn yêu cầu thi hành án dân sự.

Thứ tư, về việc kê biên quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 110 Luật Thi hành án dân sự 2008: “Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”. Tuy nhiên, việc kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản hay đất làm muối), đa số những người phải thi hành án là người trực tiếp lao động sản xuất trên mảnh đất đó và thu nhập của họ có được là từ hoạt động sản xuất đó, ngoài ra họ không còn bất kỳ tài sản hoặc thu nhập nào khác. Do đó, việc kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó để thi hành án sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người phải thi hành án, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

 Trước đây, theo quy định tại Điều 4 Nghị định 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án “trường hợp người phải thi hành án là người trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối mà nguồn sống chủ yếu của họ là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó và được UBND cấp xã nơi có đất được kê biên xác nhận thì khi kê biên, Chấp hành viên phải để lại cho người phải thi hành án diện tích đất nhất định đủ đảm bảo cho họ sản xuất để có lương thực sinh sống trong 6 tháng đối với người sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất làm muối; trong 12 tháng đối với người sử dụng đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản hoặc đất nông nghiệp khác”.

Nhưng Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014, Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành mới được ban hành lại không quy định về nội dung này. Vì vậy, việc kê biên xử lý tài sản của người phải thi hành án trong các trường hợp này rất khó khăn, nhiều trường hợp không thi hành được vì sự thiếu hợp tác của đương sự và chính quyền địa phương. Nếu có cưỡng chế thi hành án thành công cũng ảnh hưởng đến trật tự xã hội và quyền sống tối thiểu của người dân, làm giảm hiệu quả thực hiện bản án, quyết định của Tòa án.

Do đó, theo tác giả, để đảm bảo điều kiện sống tối thiểu của người phải thi hành án, cần bổ sung vào Luật Thi hành án dân sự quy định “phải để lại cho người phải thi hành án diện tích đất đủ đảm bảo cho họ sản xuất để sinh sống trong một thời hạn nhất định trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của người phải thi hành án là người trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối”.

3. Một số đề xuất hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam

3.1. Đề xuất sửa đổi các quy phạm pháp luật thi hành án dân sự

Thứ nhất, cần quy định Tòa án là cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thi hành án thay vì quy định hiện hành là thẩm quyền ban hành quyết định thi hành án thuộc về thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Như đã phân tích ở trên, bản chất của thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp, là giai đoạn cuối cùng của quá trình tố tụng, do đó, Tòa án phải có trách nhiệm đến cùng với bản án, quyết định mà mình ban hành. Không để tình trạng cắt khúc, tách rời các giai đoạn tố tụng làm hạn chế mối quan hệ giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án dân sự, giữa Tòa án với cơ quan thi hành án.

Thứ hai, quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự là 5 năm đối với đương sự là cần thiết, tuy nhiên, thời hiệu này chỉ nên áp dụng đối với người được thi hành án, còn đối với nguời phải thi hành án thì không nên quy định thời hiệu. Như vậy, người phải thi hành án cũng như gia đình của họ không bị giới hạn thời gian khi muốn thực hiện trách nhiệm của mình, khi có điều kiện thi hành án bằng hình thức tích cực lao động sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm một khoản tiền thi hành án. Việc không quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án sẽ tạo điều kiện cho họ có thêm cơ hội để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm (và cũng để tạo điều kiện cho người phải thi hành án hình sự được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước trong các đợt xét giảm án hình sự).

Từ những phân tích nêu trên, tác giả đề xuất nên sửa đổi khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự theo hướng tách riêng thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự của người được thi hành án và thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự của người phải thi hành án, cụ thể như sau:

+ Thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự của người được thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

+ Không quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người phải thi hành án dân sự tự nguyện thi hành án mà người được thi hành án không nhận thì số tiền (tài sản) đó sẽ được sung công quỹ Nhà nước.

Thứ ba, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự trong thi hành án dân sự, cũng như để tương thích với các quy định của pháp luật tố tụng nói chung, nhất là tố tụng dân sự nói riêng (pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật thi hành án dân sự có sự gắn kết với nhau, trong nhiều trường hợp có thể coi thi hành án dân sự là một giai đoạn kế tiếp của tố tụng dân sự), tác giả đề xuất khoản 1 Điều 31 Luật thi hành án dân sự cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

Đương sự tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng một trong các phương thức:

  1. Nộp đơn trực tiếp hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan thi hành án dân sự;
  2. Gửi đơn đến cơ quan thi hành án dân sự theo đường dịch vụ bưu chính;
  3. Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thi hành án dân sự (nếu có).

Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn tại cơ quan thi hành án, hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp người yêu cầu gửi đơn bằng phương thức gửi trực tuyến quan cổng thông tin điện tử thì ngày yêu cầu là ngày gửi đơn.

Thứ tư, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người phải thi hành án bị kê biên quyền sử dụng đất, tác giả đề xuất sửa đổi Điều 110 Luật Thi hành án dân sự 2008 theo hướng như sau: “Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của người phải thi hành án là người trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì phải để lại cho người phải thi hành án diện tích đất đủ đảm bảo cho họ sản xuất để sinh sống trong một thời hạn nhất định”.

3.2. Một số đề xuất khác

  • Tiếp tục triển khai và hoàn thiện phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS trong Hệ thống các cơ quan THADS.
  • Triển khai, khai thác sử dụng có hiệu quả các phần mềm quản lý cán bộ thi hành án dân sự.
  • Nghiên cứu xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử thông tin người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án.
  • Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và triển khai một số phần mềm, ứng dụng nội bộ về các lĩnh vực như giải quyết khiếu nại tố cáo, thi đua khen thưởng, phần mềm quản lý kho vật chứng,...
  • Xây dựng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin về làm việc tại Tổng cục và các cơ quan THADS; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin trong hệ thống THADS. Hàng năm, tổ chức các lớp bồi dưỡng các kỹ năng về công nghệ thông tin cho đội ngũ công chức, viên chức trong toàn Hệ thống THADS (lồng ghép nội dung trong các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các công chức của các cơ quan THADS).

3. Kết luận

Thi hành án dân sự là khâu cuối của quá trình tố tụng, nhằm hiện thực hóa những phán quyết của Tòa án vào thực tiễn cuộc sống; có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định. Do vậy, hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là rất cần thiết và là tất yếu khách quan.

Để đáp ứng được các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quá trình hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và nhất là Tổng cục Thi hành án dân sự cần quan tâm đến những vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng được những yêu cầu và thách thức của đất nước và của ngành thi hành án dân sự trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tư pháp cần tiếp tục quan tâm hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật; xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng; hoàn thiện thể chế, quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Nguyễn Công Bình (2007). Sách chuyên khảo Luật Thi hành án dân sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. NXB Công an Nhân dân, Hà Nội. Trang 11.

[2] Báo cáo của Bộ Tư pháp, trong giai đoạn 2005-2018, công tác THADS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số việc đã giải quyết xong (thi hành xong, ủy thác, đình chỉ, trả đơn, miễn thi hành án) trên tổng số việc có điều kiện thi hành chiếm tỉ lệ trung bình 83% hàng năm.

[3] Báo cáo của Trung tâm Thống kê, quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin trực thuộc Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp thì trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng số bản án, quyết định phải thi hành là 862.337 vụ (bao gồm 286.252 vụ được chuyển từ năm 2019 sang); tổng số có điều kiện thi hành là 688.838 vụ, trong đó đã thi hành xong được 500.323 vụ, chiếm 72,63%.

[4]Chính phủ (2008), “Thông tin về pháp luật thi hành án dân sự của một số nước”, Tài liệu tham khảo phục vụ xây dựng Luật Thi hành án dân sự, Dự án Luật Thi hành án dân sự, Hà Nội (tại Trung Quốc, Luật Tố tụng dân sự trao nhiều thẩm quyền cho  trong thi hành án dân sự được áp dụng biện pháp cưỡng chế để Tòa án thực hiện được nhiệm vụ, như cưỡng chế trong việc triệu tập, phạt tiền khi có vi phạm nghiêm trọng như hủy hoại tài sản, dùng vũ lực cản trở việc thi hành án. Tại Indonesia, Tòa án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để bảo đảm việc thi hành và có thể ấn định khoản tiền phạt đối với người phải thi hành án không chấp hành việc thi hành án. Tại Nhật Bản, Tòa thi hành và Chấp hành viên phân chia chức năng, vai trò tùy theo loại việc thi hành dân sự. Tại Ba Lan, Chấp hành viên của Tòa án là một công chức công phối hợp làm việc với Tòa án cấp quận/huyện có thẩm quyền cưỡng chế thi hành án dân sự. Ở Singapore, việc tổ chức thi hành án dân sự do Tòa án đảm nhiệm; các nhân viên thi hành án thuộc Bộ phận thi hành án của Tòa án vừa có nhiệm vụ thi hành án, vừa có nhiệm vụ tống đạt giấy tờ, thực hiện các lệnh bắt giữ; khi có bản án, người được thi hành án đến gặp người phải thi hành án để xem xét khả năng thi hành án của họ và yêu cầu họ phải thi hành; nếu người phải thi hành án không thi hành, người được thi hành án muốn được thi hành phải có đơn yêu cầu thi hành án gửi Toà án…).

[5] Khoản 1 Điều 107 Hiến pháp năm 2013.

[6] Điều 160 Luật Thi hành án dân sự 2008.

[7] Điều 30 Luật Thi hành án dân sự và Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP.

[8] Khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá 2018.

[9] Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

[10] Điều 119 Luật Tố tụng hành chính 2015.

[11] Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.

[12] Bộ Tư pháp,Tổng cục THADS đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án về ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống THADS, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nhiệm vụ cụ thể, có lộ trình, giải pháp cho cả giai đoạn (từ 2015 đến 2020) và đối với từng năm cụ thể (như: Quyết định số 3416/QĐ-BTP ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan THADS giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 1700/QĐ-BTP ngày 24/9/2015 ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan THADS giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 1701/QĐ-BTP ngày 24/9/2015 ban hành Kế hoạch giai đoạn 2015-2016 triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan THADS giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 1396/QĐ-TCTHADS ngày 30/12/2016 về phê duyệt kế hoạch triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS năm 2017, Quyết định số 465/QĐ-TCTHADS ngày 20/3/2018 ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS năm 2018, Quyết định số 509/QĐ-TCTHADS ngày 03/5/2019 về phê duyệt kế hoạch triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS năm 2019, Quyết định số 248/QĐ-TCTHADS ngày 20/3/2020 về phê duyệt kế hoạch triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS năm 2020…).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2013). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
  2. Quốc hội (2015). Bộ Luật Tố tụng dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm
  3. Quốc hội (2008). Luật Thi hành án dân sự 2008.
  4. Quốc hội (2008). Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2008.
  5. Quốc hội (2015). Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
  6. Quốc hội (2014). Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
  7. Quốc hội (2014). Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014.
  8. Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
  9. Bộ Chính trị (2020). Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
  10. Chính phủ (2015). Nghị định số 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự.
  11. Chính phủ (2020). Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 16/4/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
  12. Bộ Tư pháp (2016). Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANNTC-VKSNDTC ngày 01/08/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
  13. Học viện Tư pháp (2018). Giáo trình nghiệp vụ thi hành án dân sự, NXB Tư pháp.
  14. Khoa Luật - Trường Đại học Quốc gia Hà Nội (2019). Kỷ yếu Hội thảo: Luật học trước biến đổi của thời đại, Hà Nội.
  15. Nguyễn Công Bình (2007). Sách chuyên khảo Luật Thi hành án dân sự Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. NXB Công an Nhân dân, Hà Nội.

 

STRENGTHENING VIETNAM’S LAW ON CIVIL JUDGMENT ENFORCEMENT TO MEET REQUIREMENTS OF INDUSTRY 4.0

Ph.D’s student TRAN CONG THINH

Lecturer, School of Law, Vietnam National University - Hanoi Campus

ABSTRACT:

The civil judgment enforcement in Vietnam has achieved many encouraging results. However, there are still a large number of sentences that have not been executed, delayed execution or sentences suspended. This issue has affected human rights, citizen's rights, and social order and stability, especially in the context of Vietnam’s integration process and the Industry 4.0. This paper points out some shortcomings in Vietnam’s Law on civil judgment enforcement and proposes some solutions to strengthen the law to meet requirements of current situation.

Keywords: civil judgment enforcement, enforcers, limitations for requesting judgment enforcement, distraining land use rights, Industry 4.0.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2021]