Nâng cao vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan về công tác thi hành án dân sự

ThS. LÊ DOÃN LÂM (Khoa Chính trị - Luật, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Công tác thi hành án dân sự những năm gần đây đã tạo được sự chuyển biến rõ nét thông qua thành quả giải quyết án hàng năm. Có được kết quả khả quan như vậy nhờ sự phối hợp có hiệu quả của nhiều cơ quan, ban ngành đoàn thể.

Bài viết phân tích một số vụ việc điển hình có vướng mắc, khó khăn trong khi thi hành án, từ đó kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao vai trò của chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan về công tác thi hành án dân sự.

Từ khóa: Thi hành án dân sự, chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan, pháp luật.

1. Đặt vấn đề

Quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác thi hành án dân sự và Công văn số: 2118/UBND-NCPC ngày 14/4/2017 của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về chỉ đạo các Sở, ban, ngành thuộc cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện tốt việc quản lý hoạt động thi hành án dân sự trên địa bàn.

Trên cơ sở thực hiện theo Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT/BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, quy định hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự; để triển khai thực hiện.

Tuy thời gian qua, việc chỉ đạo và công tác phối hợp giữa các ban, ngành đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều vụ việc khó khăn, vướng mắc cần được phối hợp giải quyết.

2. Công tác phối hợp trong thi hành án dân sự

            Công tác thi hành án dân sự những năm gần đây đã tạo được sự chuyển biến rõ nét thông qua thành quả giải quyết án hàng năm. Có được kết quả khả quan như vậy là nhờ sự phối hợp có hiệu quả của nhiều cơ quan, ban ngành đoàn thể. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức với các hoạt động của chấp hành viên, cơ quan thi hành án vẫn còn tồn tại những hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết việc thi hành án. Dưới đây là một số công tác phối hợp trong thực tiễn của hoạt động thi hành án dân sự.

2.1. Trường hợp nội dung bản án tuyên khó thi hành

Có những bản án Tòa tuyên kê biên tài sản là quyền sử dụng đất của đương sự để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, nhưng nội dung tuyên không rõ vị trí thửa đất, số lô, số thửa và không có trích lục bản đồ địa chính của thửa đất gửi kèm bản án, quyết định để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành. Một số đương sự không có các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, cơ quan quản lý đất đai tại địa phương chưa đồng bộ, do vậy vẫn còn có khó khăn đối với hoạt động thi hành án của chấp hành viên, cơ quan thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên tiến hành xác minh địa chỉ, nhân thân của đương sự, trên thực tế không có đối tượng như bản án đã tuyên, đã tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án của chấp hành viên.

2.2. Phối hợp của cơ quan, ban, ngành và UBND cấp xã trong công tác thi hành án dân sự

Tại Điều 175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, (được sửa đổi, bổ sung năm 2014); đã quy định cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã (chính quyền cơ sở) đối với công tác thi hành án dân sự. Kết quả của công tác thi hành án dân sự có sự đóng góp, phối hợp thực hiện của nhiều ban, ngành, đoàn thể. Song, đối với một vài trường hợp, việc thực hiện của công chức ở cơ sở và vai trò phối hợp thực hiện công tác thi hành án của các cơ quan, ban, ngành chưa quyết liệt, có lúc vẫn còn xem nhiệm vụ thi hành án dân sự là nhiệm vụ chỉ của riêng cơ quan thi hành án. Do đó, hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự vẫn còn có phần thụ động.

Để giải quyết xong hoàn toàn một việc thi hành án dân sự phức tạp, chấp hành viên phải thực hiện nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau, từ việc thông báo, tống đạt các giấy tờ, quyết định thi hành án, đến việc xác minh điều kiện nhân thân, tài sản của các đương sự và áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án. Chỉ một trong các khâu phối hợp thực hiện chưa đạt yêu cầu, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình thi hành án, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết. Do vậy, chấp hành viên, cơ quan thi hành án rất cần sự phối hợp cao hơn nữa của các cơ quan hữu quan, các tổ chức đoàn thể trong toàn bộ hệ thống chính trị để công tác thi hành án dân sự đem lại hiệu quả cao nhất, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ và sự mong đợi của toàn xã hội.

3. Một số vụ việc điển hình có vướng mắc, khó khăn trong thi hành án

Trong những năm vừa qua, công tác thi hành án dân sự còn gặp những vụ việc khó khăn, vướng mắc, mà trong quá trình thi hành án đã họp Hội đồng Chấp hành viên, họp liên ngành, họp Ban Chỉ đạo THADS cho đến nay vẫn chưa giải quyết được hết. Do vậy, trong bài viết này chỉ nêu lên vụ việc điển hình, góp phần làm rõ vai trò phối hợp trong công tác thi hành án dân sự là rất quan trọng, rất cần sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành và cả hệ thống chính trị. Cụ thể các trường hợp khó khăn, vướng mắc như sau:

- Trường hợp liên quan trực tiếp đến một thửa đất, có 2 giấy chứng nhận thế chấp 2 ngân hàng khác nhau.

 - Diện tích đất thực tế sử dụng, giữa Bản đồ hiện trạng vị trí với diện tích đất được cấp giấy chứng nhận có sự chênh lệch lớn.

- Không cập nhật, áp được ranh giới của giấy chứng nhận trên lên bản đồ hiện trạng, lý do hiện trạng hiện nay đã thay đổi so với hiện trạng tại thời điểm cấp giấy, nên không có đủ cơ sở để thực hiện.

- Việc cung cấp thông tin xác minh không chính xác. Từ việc cung cấp này đã nhầm lẫn cho Chấp hành viên và đã tiến hành kê biên, phát mãi. Đến khi phát hiện thì đất thuộc về chủ sử dụng khác, không phải đối tượng thi hành án,…

- Trường hợp quyền sử dụng đất theo bản án của Tòa án tuyên hoán đổi nền đất sử dụng, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chưa có phương án bố trí nền tái định cư đối với đương sự.

4. Nâng cao vai trò phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương

Để hoạt động THADS có hiệu quả cần có sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy Đảng và UBND các cấp. Trên cơ sở đó, các kế hoạch quý, năm của Cấp ủy và UBND cấp huyện đều xác định được nhiệm vụ THADS là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và khó khăn đề nghị các ngành, các cấp phải phối hợp chặt chẽ với Chi cục THADS giải quyết dứt điểm những vụ việc có khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, hạn chế thấp nhất những vụ việc tái chiếm lại tài sản sau cưỡng chế chuyển giao. Hàng năm, Chủ tịch UBND cấp huyện cần có văn bản chỉ đạo các Ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với đơn vị thực hiện công tác THADS.

Các thành viên Ban Chỉ đạo THADS cấp huyện phụ trách Ngành, lĩnh vực, thì chỉ đạo sát sao các công chức thực hiện tại địa bàn cấp xã và phối hợp với Chi cục trưởng để giải quyết khó khăn vướng mắc trong công tác THADS tại địa bàn được giao phụ trách. Đối với loại án có điều kiện thi hành thì tiến hành vận động đối tượng phải thi hành án tự nguyện thi hành hoặc thân nhân tự nguyện nộp tiền thay. Ban Chỉ đạo thường xuyên chỉ đạo Chi cục THADS và UBND cấp xã rà soát đối tượng phải thi hành án là đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên trên địa bàn. Trên cơ sở đó, Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo cho các ngành và UBND cấp xã, nơi có đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên trong đơn vị mình phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án, không dây dưa kéo dài. Định kỳ hàng tuần, Chi Cục trưởng Chi cục THADS có báo cáo kết quả về Thường trực Ban Chỉ đạo cấp huyện để theo dõi, chỉ đạo kịp thời, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS.

5. Vai trò phối hợp với các cơ quan, ban, ngành đoàn thể có liên quan

Với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp: Viện Kiểm sát nhân dân thường xuyên thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, giúp cho cơ quan và chấp hành viên kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành. Đặc biệt, trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án, định giá tài sản, tiêu hủy tang vật được Viện Kiểm sát nhân dân cử kiểm sát viên tham gia kiểm sát đầy đủ, phối hợp tốt với cơ quan thi hành án trong công tác đề nghị xét miễn, giảm tiền phạt, án phí theo quy định của pháp luật.

 Với Tòa án nhân dân cùng cấp: Việc chuyển giao bản án, quyết định từ Tòa án nhân dân cho cơ quan thi hành án cơ bản được thực hiện kịp thời, tạo thuận lợi cho các cơ quan thi hành án tiếp nhận, thụ lý, đưa bản án, quyết định ra thi hành theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình tổ chức, có nhiều trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ ràng, có sai sót về số liệu, đơn vị có văn bản yêu cầu giải thích thì Tòa án đã kịp thời ra văn bản giải thích, đính chính, tháo gỡ được những tồn tại, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án của chấp hành viên. Trong công tác xét miễn, giảm án phí, tiền phạt theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân cấp huyện đã tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp tốt với đơn vị đã tiến hành xét miễn, giảm đạt kết quả cao.

Phối hợp với Công an cấp huyện: Lực lượng công an thường xuyên tham gia phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án khi có yêu cầu bảo vệ cưỡng chế thi hành án hoặc xác minh nhân thân của người phải thi hành án. Trước khi tham gia bảo vệ, lãnh đạo công an đã cử lực lượng tiến hành khảo sát địa bàn cưỡng chế, lập kế hoạch bảo vệ cưỡng chế phù hợp với đặc điểm, tình hình, từng đối tượng và từng vụ việc cụ thể. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, nhiều vụ việc cưỡng chế kịp thời ngăn chặn và làm hạn chế hành vi chống đối của đương sự đối với người thi hành công vụ, bảo vệ an toàn tính mạng của những người tham gia cưỡng chế và các tài sản có liên quan đến việc thi hành án.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn: Các cơ quan chuyên môn như Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý Đô thị, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội,… trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đã tạo điều kiện thuận lợi giúp cho cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành nhiệm vụ, như: Cử người tham gia cưỡng chế, kê biên, định giá tài sản để thi hành án, lập thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, xác nhận quyền sở hữu tài sản, cung cấp thông tin liên quan đến tài sản,…

Phối hợp với các tổ chức tín dụng ngân hàng: Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức tín dụng ngân hàng, sau khi xác minh tài sản của người phải thi hành án có liên quan đến quyền sử dụng đất và nhà ở trên địa bàn, đơn vị có văn bản đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin về tài sản thế chấp và số nợ vay cả gốc và lãi, được phía ngân hàng đáp ứng kịp thời đúng quy định.

Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở: UBND cấp xã cho đến tổ dân phố, khu phố (ấp, làng, bản) thực hiện các thủ tục về thi hành án, như: Giao các văn bản, giấy tờ về thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế và các nhiệm vụ khác trên địa bàn.

6. Kiến nghị và giải pháp trong thi hành án dân sự

Được sự chấp thuận của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện việc tinh giảm biên chế đã gây nên khó khăn rất lớn như hiện nay. Trong khi đó (đặc biệt là những đơn vị đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học), lượng án phải thụ lý đầu vào hàng năm tăng thường xuyên, năm sau luôn cao hơn năm trước. Do vậy, để giải quyết lượng án chuyển kỳ sau là điều khó thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội, Bộ Tư pháp giao. Cần có ý kiến và xem xét tại chỗ trong việc “biệt phái” cán bộ tư pháp cấp xã hoặc các cơ quan khác sang tăng cường hỗ trợ cho cơ quan thi hành án dân sự một thời gian ngắn (thời kỳ thi đua cao điểm) để nhằm giải quyết tình hình biên chế hiện nay, do lượng án tăng thường xuyên mà theo quy định của Đảng, Nhà nước thì phải thực hiện tinh giản biên chế.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý thi hành án toàn diện bằng ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý được tốt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và số liệu hỗ trợ trực tuyến, số liệu tiếp nhận cơ chế 01 cửa.

Tăng cường công tác trọng tâm của ngành là tiếp tục chú trọng việc giải quyết án trên 3 năm và công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), mỗi cán bộ công chức và nhân viên làm một việc cụ thể gắn với nhiệm vụ công tác và chuẩn mực đạo đức của ngành. Phải thường xuyên nâng cao vai trò giáo dục chính trị, tư tưởng cho toàn thể CBCC trong thi hành án dân sự.

7. Kết luận

Hiệu quả đạt được từ việc thực hiện công tác phối hợp trong thi hành án dân sự đó là nhận được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, Chủ tịch UBND cấp huyện trong chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND cấp xã, phối hợp với đơn vị thực hiện nhiệm vụ công tác thi hành án, giúp cho đơn vị THADS đạt được các chỉ tiêu trên giao phó.

Đúc kết kinh nghiệm thực tiễn tại đơn vị và qua tìm hiểu kinh nghiệm của những đơn vị bạn cho thấy, nếu địa phương nào thực hiện tốt công tác chỉ đạo, phối hợp trong thi hành án dân sự, thì nơi đó vị thế của cơ quan thi hành án dân sự được nâng lên, sẽ tạo được sự đồng thuận thống nhất trong giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong thi hành án khi gặp khó khăn phức tạp..., niềm tin vào sự nghiêm minh pháp luật của cấp ủy, chính quyền địa phương được nâng lên. Nhân dân hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự, từ đó góp phần cho đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Có thể khẳng định rằng, Chi cục thi hành án dân sự đạt được kết quả như trên là do sự đóng góp rất lớn của việc thực hiện tốt công tác chỉ đạo, phối hợp trong thi hành án dân sự. Sự chỉ đạo, phối hợp đó đã được sự ủng hộ, quan tâm của cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện và Ban lãnh đạo Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh, chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp nhịp nhàng với đơn vị trong việc tổ chức thi hành án. Phối hợp đó đã phát huy tác dụng một cách rõ rệt, tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự. Kết quả thi hành xong ngày càng lớn, số việc và số tiền thi hành xong năm sau cao hơn năm trước, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, công tác phối hợp trong thi hành án dân sự vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới: Hệ thống pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ phối hợp ngày càng hoàn thiện hơn về quy định những nguyên tắc, hình thức, trách nhiệm phối hợp; các nội dung về phối hợp… đặc biệt là nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc triển khai thực hiện các quy định trong công tác phối hợp. Cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp ngày càng quan tâm sâu sát hơn đối với công tác thi hành án dân sự, đưa nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp trong công tác thi hành án dân sự đối với các cơ quan, đoàn thể có liên quan đến công tác thi hành án dân sự vào tiêu chí chấm điểm xét thi đua, khen thưởng của đơn vị mình hàng năm.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2015), Báo cáo số 566/BC-CP ngày 22/10/2015 công tác thi hành án năm 2015, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  3. Quốc hội (2014), Luật Nhà ở, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  4. Quốc hội (2014), Luật Phá sản, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  5. Quốc hội (2014), Luật Thi hành án dân sự, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  6. Quốc hội (2014), Luật Trọng tài thương mại, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  7. Trường Đại học Luật Hà Nội (2012), Giáo trình Luật thi hành án dân sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

 

ENHANCING THE ROLE OF LOCAL AUTHORITIES

AND RELEVANT AGENCIES IN CIVIL JUDGEMENT ENFORCEMENT

Master. LE DOAN LAM

Faculty of Politics and Law

Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

Civil judgment enforcement in recent years has made a remarkable change with encouraged judgment settlement results thanks to the coordination of many agencies and organizations. This article analyzes a number of typical cases with problems and difficulties in enforcing judgments, thereby proposing solutions for enhancing the role of local authorities and relevant agencies in civil judgment enforcement.

Keywords: Civil judgment enforcement, local authorities, relevant agencies, laws.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]