Hoàn thiện pháp luật về bồi thường đối với cây trồng khi nhà nước thu hồi đất

PGS. TS. Phan Trung Hiền (Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ), Nguyễn Thành Phương (Học viên cao học Luật kinh tế K23, Trường Đại học Cần Thơ)

Tóm tắt:
Bài viết này đi sâu phân tích các quy định pháp luật liên quan đến bồi thường về cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất, trong giới hạn đối với cây hàng năm và cây lâu năm. Trên cơ sở xác định những thiệt hại liên quan đến cây trồng mà người sử dụng đất phải gánh chịu trong quá trình Nhà nước thu hồi đất và những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp cho vấn đề này.
Từ khóa: Bồi thường về cây trồng, thu hồi đất, cây lâu năm, cây hàng năm.

1. Khái quát về thiệt hại và bồi thường thiệt hại về cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất
Về khái niệm thu hồi đất: Theo khoản 11 Điều 3 Luật Đất đai thì: “Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai”. Hiện nay, pháp luật nước ta quy định ba nhóm trường hợp thu hồi đất1, song trường hợp thu hồi đất có bồi thường về cây trồng phổ biến là trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 61 và 62 Luật Đất đai năm 2013.
Về xác định thiệt hại liên quan đến cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất: Khi Nhà nước thu hồi đất thì đối tượng của việc thu hồi là một diện tích đất xác định. Tuy nhiên, thiệt hại của người sử dụng đất không chỉ là một diện tích đất đó. Do đặc tính vốn có và quá trình cải tạo tự nhiên để đáp ứng tốt hơn cho đời sống của mình; con người xây dựng nhà ở, các công trình khác, cũng như thuần hóa gia súc, gia cầm và trồng trọt cây cối, hoa màu trên thửa đất nhằm phục vụ cho các nhu cầu đa dạng của cuộc sống. Vì thế, thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất còn bao gồm thiệt hại về công trình xây dựng, vật nuôi, cây trồng trên đất. Hơn nữa, việc thu hồi một cánh đồng lúa, một khu trồng cây chuyên canh còn phản ánh thiệt hại lớn hơn, đó là sự tác động trực tiếp đến nền sản xuất nông nghiệp; tác động mạnh mẽ đến nghề nghiệp của một bộ phận nông dân.
Về khái niệm bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất: Cho đến nay, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản có liên quan vẫn chưa xác định khái niệm bồi thường tài sản gắn liền với đất nói chung và cây trồng nói riêng khi Nhà nước thu hồi đất. Khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định khái niệm “bồi thường về đất”, cụ thể là: “Việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất”.
2. Thực trạng pháp luật về bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất
2.1. Vấn đề xác định cây hàng năm và cây lâu năm
2.1.1. Vấn đề xác định cây hàng năm
Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn đã quy định việc bồi thường cây trồng bao gồm cây lâu năm và cây hàng năm. Trong đó, tại khoản 8 Điều 2 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, ngày 13/04/2015 của Chính phủ, về quản lý, sử dụng đất trồng lúa quy định: “Cây hàng năm được hiểu là loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá 01 năm, kể cả cây hàng năm lưu gốc để thu hoạch không quá 05 năm”. Khi đó, căn cứ vào Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường để phân loại, cây hằng năm sẽ bao gồm các loại cây có thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng tới khi thu hoạch không quá một năm. Các quy định trên phát sinh một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, vấn đề xác định thời điểm gieo trồng đến vụ thu hoạch. Cơ sở nhận định thời điểm gieo trồng đến vụ thu hoạch trong trường hợp này được căn cứ là thu hoạch lần đầu hay lần cuối trong vòng đời sinh trưởng của cây; điều này chưa được quy định cụ thể. Để làm rõ vấn đề này tác giả xin dẫn chứng ở loài cây đu đủ “vụ thu hoạch” đầu tiên của cây là khoảng 7-9 tháng chăm sóc, vụ thu hoạch cuối cùng của cây rơi vào thời điểm từ 2-3 năm2. Do đó, nếu căn cứ vào vụ thu hoạch đầu tiên thì cây đu đủ thuộc giống cây hàng năm. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào vụ cuối cùng thì cây đu đủ thuộc giống cây lâu năm.
Do đó, việc bổ sung, sửa đổi các văn bản hướng dẫn cho vấn đề vụ thu hoạch của cây là điều tất yếu trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, khó khăn trong việc xác định thời điểm “kết thúc chu kỳ sản xuất”. Quá trình xác định vòng đời sinh trưởng của cây cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể kể đến việc xác định “chu kỳ sản xuất” một phần do người trồng quyết định, cho thu hoạch sau 8 tháng tuổi, tuy nhiên khoai mì lại có thời gian sinh trưởng lên đến hơn 3 năm3. Như vậy, có thể thấy chu kỳ sản xuất trong một số điều kiện nhất định có thể hiểu là giai đoạn người trồng đạt được mục đích ban đầu đề ra, tùy thuộc vào ý chí người canh tác, điều này dẫn đến việc xác định chu kỳ sản xuất của cây còn gặp không ít vướng mắc.
Hiện nay đối với cây hàng năm, căn cứ xác định bồi thường thuộc điểm a khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai năm 2013, trên cơ sở luật hóa Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP. Theo đó: “Mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 03 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất”. Quy định trên đây khi áp dụng vào thực tiễn gặp một số vướng mắc sau:
Thứ nhất, đối với cây hàng năm, “mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch”, theo tác giả chưa mang tính hợp lý. Việc bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch là quá thấp, không đảm bảo được quyền lợi của người nông dân. Khi so sánh với nguyên tắc bồi thường cây trồng từ World Bank có thể nhận thấy cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng do thu hồi đất, bất kể tình trạng sở hữu thì sẽ được bồi thường đầy đủ chi phí thay thế. Khi đó, chi phí thay thế là giá trị đủ để thay thế tài sản bị mất và trang trải đủ các chi phí giao dịch và những mất mát4.
Từ đó, các cơ quan hữu quan cần căn nhắc tính toán lại mức bồi thường, có thể là tương đương với một phần lợi nhuận trong sản lượng thu hoạch của cả thời gian mà người sử dụng đất đã được giao đất thì mới đảm bảo được cuộc sống sau này.
Thứ hai, quy định “căn cứ tính bồi thường được xác định là giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất”cũng gặp không ít vướng mắc như sau:
(i) Giá trung bình theo chế định bồi thường thuộc giá đặc thù của quá trình mua vào hay bán ra của sản phẩm cây trồng? Việc căn cứ lấy mẫu từ bao nhiêu nguồn để tổng hợp được giá trung bình mà pháp luật vẫn chưa quy định cụ thể. Qua đây cũng cần làm rõ vấn đề luật quy định giá trung bình là giá “tại thời điểm thu hồi đất”. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thu hồi đất, bồi thường được ban hành không kịp thời và không đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội. Điều này thể hiện qua các quyết định bồi thường của Bạc Liêu5, Thanh Hóa6, Hà Nam7... Khi các quy định pháp luật đất đai quy định cơ chế bồi thường là giá tại thời điểm thu hồi đất, giá thực tế. Thì đa phần các địa phương lại áp giá bồi thường từ các văn bản trước đó, áp dụng theo phương thức lặp đi lặp lại trong nhiều năm, mà không có cơ chế khảo sát cho từng dự án riêng biệt. Trong điều kiện đó, pháp luật nước ta chỉ cho phép công dân khiếu nại một quyết định hành chính mang tính cá biệt mà không có quyền khiếu nại một quyết định hành chính mang tính quy phạm của cơ quan Nhà nước. Đây có thể là một hạn chế tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
(ii) Đối với các loại cây không phổ biến hoặc chưa từng được canh tác trước đây tại địa phương, người canh tác có thể là người đi đầu trong công tác du nhập, thì khái niệm giá trung bình hay năng suất của 3 vụ liền kề tại địa phương lại không mang tính khả thi. Trường hợp này nếu chỉ căn cứ vào giá trung bình tại địa phương mà không có sự so sánh đối chiếu giữa các đơn vị khu vực vùng lân cận thì khó đưa ra con số chính xác để xác định giá trị bồi hoàn cho người nông dân.
Thứ ba, với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến những địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.
Trường hợp khi di chuyển đến vùng đất mới, không phù hợp với điều kiện canh tác, thì việc di dời cây trong trường hợp này hoàn toàn vô nghĩa. Thiết nghĩ, ngoài việc hỗ trợ chi phí di chuyển, thiệt hại thực tế trong quá trình di chuyển, nên bao gồm khoản hỗ trợ cải tạo đất với các hộ canh tác nông nghiệp mà gắn liền với họ là nông nghiệp. Trường hợp cây trồng không thích ứng được với môi trường mới thì việc bồi thường phải nên bổ sung.
2.1.2. Vấn đề bồi thường đối với cây lâu năm
Về phương diện bồi thường với cây lâu năm, căn cứ xác định được ghi nhận tại điểm b khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai năm 2013: “Mức bồi thường được tính bằng giá trị hiện có của vườn cây...”.
Việc xác định “giá trị hiện có của vườn cây” thực chất không đơn giản. Trên thực tế, vốn đầu tư ban đầu của một số cây quý như sachi, mắc ca lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi ha (hecta). Như đối với cây Mắc ca chi phí đầu tư vào khoảng 100 - 150 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, số tiền quy định về bồi thường của các địa phương cho thiệt hại về cây trồng nói chung và cây lâu năm nói riêng là rất thấp. Ví dụ: Theo ghi nhận từ Quyết định số 30/2017/QĐ-UBND tỉnh Lai Châu, số tiền bồi thường cho diện tích cây mắc ca tương đương chỉ là 43.020.000 đồng- 55.020.000/ha8 cho diện tích canh tác.
Dưới góc độ pháp lý, cách xác định giá trị hiện có của vườn cây được xác định thế nào cho đúng quan điểm, thì vẫn chưa có sự thống nhất. Ví dụ: Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra tiêu chí nhằm xác định giá trị bồi thường của cây lâu năm dựa trên căn cứ đơn vị diện tích, mật độ cây trồng mà UBND tỉnh này đưa ra. Khi đó tại Đắk Lắk9, giá trị hiện có của vườn cây dựa vào 2 tiêu chí kết hợp là chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất dự kiến để phân loại cây vào các nhóm A,B,C,D; từ đó đưa ra giá trị trên một cây trồng.
Việc công nhận giá trị hiện có trên một diện tích cây trồng, đồng nghĩa pháp luật nước ta chỉ công nhận giá thực tại đang có tại thời điểm thu hồi, mà bỏ qua lợi nhuận, hoa lợi có thể nhận được trong tương lai mà đối tượng cây có thể sinh lợi cho người canh tác ở nhiều góc độ trong cùng một vườn cây.
2.2. Về vấn đề xác định mật độ cây trồng
Thực tế cho thấy có một số trường hợp cây trồng được canh tác một cách dày đặc với mục đích là tăng tiền bồi thường về cây trồng. Điều này gây ra lãng phí cho Nhà nước, nếu không bị phát hiện, việc làm này sẽ tạo tiền lệ xấu trong quá trình quản lý nhà nước. Tuy nhiên, thông số bao nhiêu cây trên một diện tích đất là phù hợp trồng trọt là điều không dễ xác định.
Nếu làm phép thử so sánh về mật độ và đơn giá bồi thường cây trồng giữa các tỉnh thành, có thể thấy tỷ lệ chênh lệch cao giữa các địa phương, đơn cử tại tỉnh Khánh Hòa và Bạc Liêu cũng có sự khác biệt. Cụ thể: (Bảng 1) Cùng phép so sánh như trên, áp dụng với loại cây trồng khác. Ta có: Từ những bất cập trên có thể nhận thấy dưới lăng kính của pháp luật đất đai và các quy định pháp luật về bồi thường đều có phương pháp đối phó, chống lại hành vi trồng trọt nhằm đón đầu quá trình thu hồi đất diễn ra. Tuy nhiên, gốc vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cần kiến tạo biện pháp phòng tránh hơn là phương thức đối phó với nạn đón đầu quy hoạch như hiện nay. Từ vấn nạn trên, thiết nghĩ chế định pháp luật cần hình thành quy trình về các biện pháp, thủ tục ghi hình, ghi ảnh hiện trạng khu đất thu hồi làm căn cứ xét bồi thường. Quy định thủ tục này góp phần ngăn chặn tình trạng cố tình tạo lập tài sản đón đầu thu hồi đất để được bồi thường và có căn cứ chặt chẽ trong giải quyết thắc mắc, khiếu nại khi giải phóng mặt bằng.
3. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về bồi thường cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất
Nhìn chung, hệ thống pháp luật đất đai đã có những bước chuyển biến, quy định pháp luật đầy đủ hơn và có tính hệ thống. Tuy nhiên, bên cạnh những quy định mang tính đột phá, tiến bộ, hệ thống pháp luật về đất đai nước ta còn những điểm hạn chế. Để đảm bảo các quy định về bồi thường cây trồng được thống nhất, pháp luật cần có xem xét sửa đổi, bổ sung theo hướng như sau:
Thứ nhất, về thời điểm xác định giá bồi thường cho người bị thiệt sẽ được căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, thời điểm căn cứ xác định giá bồi thường đối với cây trồng và vật nuôi được ghi nhận sau khi quá trình kiểm đếm kết thúc. Song song đó cũng cần quy định chủ thể tiến hành định giá, thiết nghĩ nên thuê tổ chức tư vấn định giá độc lập nhưng phải bổ sung quy định về kinh phí cho hoạt động này, đặc biệt là đối với các dự án nhỏ, tổng chi phí dự án thấp. Địa phương quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình định giá.
Thứ hai, để bao quát nội dung bồi thường một cách thiết thực, phù hợp với bản chất bình đẳng, công bằng và tương xứng, pháp luật nước ta nên xây dựng khái niệm chung về bồi thường đối với đất và các tài sản gắn liền với đất, bổ sung vào khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 như sau: “Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả cho người có đất thu hồi và các chủ thể có liên quan bị thiệt hại trong quá trình thu hồi đất những thiệt hại về quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu, sử dụng đối với công trình, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi và những thiệt hại khác liên quan do việc thu hồi đất gây ra”. Đây là khái niệm được xây dựng dựa trên góc độ thiệt hại của người có đất bị thu hồi và các chủ thể có liên quan phải gánh chịu. Khái niệm này cũng góp phần hoàn thiện tư duy quản lý nhà nước nhà nước theo hướng kiến tạo và phục vụ, thiết lập nội dung bồi thường mang tính bao quát, tương xứng hơn.
Thứ ba, hoàn chỉnh các nguyên tắc trong bồi thường về tài sản gắn liền với đất, bổ sung khoản 3 Điều 88 Luật Đất đai năm 2013. Hiện nay, pháp luật nước ta chỉ quy định nguyên tắc bồi thường về đất mà chưa quy định nguyên tắc bồi thường về tài sản gắn liền với đất. Do đó, nhóm tác giả đề nghị xây dựng nguyên tắc bồi thường về tài sản gắn liền với đất, trong đó có cây trồng trên đất, như sau: “Việc bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và tương xứng với tất cả các thiệt hại do hoạt động thu hồi đất gây ra”.
Thứ tư, cần phải thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật tiêu chí để phân loại cây hàng năm và cây lâu năm. Trong đó việc bồi thường cần xác định: (i) Cây có giá trị kinh tế hay không (ii) Việc trồng cây vì mục đích thương mại là nghề nghiệp chính, nguồn sống chính của nhà đầu tư, hộ gia đình; (iii) Trường hợp trồng cây cho công tác phục vụ nguồn sống, thực phẩm mang tính chất phi thương mại, làm nguyên tắc xác định bồi thường, bởi trên thực tế cách định danh cây hàng năm và lâu năm như hiện nay không thể hiện đúng bản chất giá trị bồi thường.
Thứ năm, căn cứ chức năng nhiệm vụ của các ngành, nhóm tác giả nhận thấy nên có văn bản hướng dẫn quy định cách hiểu thống nhất về chủng loại, đặc tính, quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng; những nội dung mang tính nguyên tắc khi đo đạc, kiểm đếm tính toán các chi phí liên quan đến bồi thường thiệt hại cho người dân có đất bị thu hồi để các địa phương áp dụng được đồng bộ; căn cứ nhằm xác định hành vi vi phạm trong quá trình Nhà nước thu hồi đất liên quan đến cây trồng. Trong văn bản này, các bộ, ngành cần chỉ rõ đơn vị đo lường làm cơ sở xác định bồi thường. Với cây trồng, cây nào được tính đơn vị bồi thường là cây, cây nào được xác định là mét vuông cũng như xác định là bụi với nhóm cây nào.
Thứ sáu, thiết nghĩ nên nghiên cứu vận dụng các nguyên tắc về bồi thường tài sản theo Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 để xây dựng hệ thống nguyên tắc bồi thường đối với cây trồng. Việc xây dựng nguyên tắc chung trong công tác xác định bồi thường thiệt hại về cây trồng cũng như các tài sản khác phải đảm bảo tương xứng, bồi thường phải xác định đúng bằng thiệt hại theo nguyên tắc của ngành Luật Dân sự.
Về lâu dài, nên có đạo luật riêng về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Thực tế cho thấy, thu hồi đất là phạm trù của luật đất đai dựa trên các nguyên tắc về quản lý nhà nước. Trong khi đó, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lại bao hàm rất nhiều tài sản trong đó có đất, công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây trồng, vật nuôi. Đó là chưa kể đến các thiệt hại khác, kể cả tinh thần, có nguồn gốc từ việc thu hồi đất gây ra. Khi đó, đạo luật này sẽ bao hàm các khái niệm, nguyên tắc, các chế định về bồi thường, cách thức để bảo đảm việc bồi thường tương xứng, thống nhất và chính xác hơn.
Tài liệu trích dẫn:
1 Khoản 1 Điều 16 Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất gồm:
a ) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
2 Chu Thị Thơm - Phan Thị Lài, 2005. Trồng cây đu đủ trong trang trại dứa-đu đủ. Nhà xuất bản Hà Nội. Hà Nội. trang 7.
3 I C Onwueme, 1994, FAO plant production and protection paper N.126, 113 pages.
4 Khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự án khắc phục hậu quả thiên tai các tỉnh miền Trung, tháng 4/2017, trang 19.
5 Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND Quy định về định mức cây trồng, vật nuôi và đơn giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
6 Quyết định số 830/2015/QĐ-UBND ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
7 Quyết định số 49/2014/QĐ-UBND quy định đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi khi nhà nước thu hồi đất, trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
8 Nguyễn Công Tạn, 2012. Nghề trồng cây mắc ca, Quyển 25, Nxb Nông nghiệp Hà Nội, Hà Nội, trang 105.
9 Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 20/3/2015 tỉnh Đắk Lắk Quy định về đơn giá bồi thường cây trồng vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Luật Dân sự năm 2015
2. Luật Đất đai năm năm 2013
3. Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 quy định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
4. Thông tư liên tịch số22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 30/6/2016 quy định về cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu.
5. Thông tư số 28/2014/TT-BTNMT ngày 02/06/2014 quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
6. Quyết định số 09/2015/QĐ-UBND ngày 05/03/2015 của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ quy định về đơn giá nhà, công trình, vật kiến trúc, cây trồng và vật nuôi.
7. Quyết định số 57/2016/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An quy định về đơn giá bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi là thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất.
8. Quyết định số 4437/2016/QĐ-UBND ngày 14/11/2016 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa quy định về việc ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng, vật nuôi khi nhà nước thu hồi đất.
9. Chu Thị Thơm- Phan Thị Lài, 2005. Hướng dẫn trồng cây trong trang trại Dứa - Đu đủ. Nhà xuất bản Lao động Hà Nội. Thành phố Hà Nội.
10. Hà Thị Thanh Bình (chủ biên), 2002. Trồng trọt đại cương. Nhà xuất bản Nông nghiệp. Nơi xuất bản Hà Nội.
11. IC Onwueme, 1994, FAO plant production and protection paper N.126, 113 pages.
12. Nguyễn Thành Hối, 2009. Giáo trình cây trồng đại cương. Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ.
13. Nguyễn Công Tạn, 2012. Nghề trồng cây mắc ca, Quyển 25, Nxb Nông nghiệp Hà Nội.
14. Trần Thị Ba, 2015. Giáo trình bảo vệ thực vật, Nhà xuất bản Đại học Cần Thơ. Thành phố Cần Thơ.
15. Võ Thị Gương, Nguyễn Mỹ Hoa, 2010. Một số kết quả nghiên cứu về sử dụng và quản lý đất phèn ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhà xuất bản Nông nghiệp.

IMPROVING THE LAW ON CROP COMPENSATION WHEN THE STATE RECOVERS LAND

Assoc. Prof. PhD. PHAN TRUNG HIEN

Deputy Head of School of Law, Can Tho University

NGUYEN THANH PHUONG

Graduate student of Economic Law K23, Can Tho University

Abstract:

This article explores the legal provisions relating to crop compensation when the State recovers land, within limits for annual and perennial crops. On the basis of determining the damage to crops that the land users have to bear in the process of land recovery by the State and obstacles in the law enforcement process, the authors have suggested the solutions to solve the problems.

Keywords: Compensation when the State recovers land, compensation for perennial trees, compensation for annual trees.