TÓM TẮT:
Những năm qua khu vực đầu tư nước ngoài là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng vào phát triển thị trường quốc tế và hội nhập, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần đáng kể vào thu ngân sách nhà nước so với tổng thu. Song, nhìn nhận khách quan thực trạng hiện nay, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI còn bộc lộ những hạn chế cần được xem xét, đánh giá cụ thể để khắc phục hạn chế, góp phần công bằng xã hội, tăng thu ngân sách… Bài viết nêu rõ thực trạng hoạt động chuyển giá diễn ra tại các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua, đồng thời đề xuất một số giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Từ khoá: chuyển giá, trốn thuế, doanh nghiệp FDI, ngân sách.
1. Tổng quan về hiện tượng chuyển giá
Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu. Bản chất của hoạt động chuyển giá là việc lựa chọn nơi ưu đãi nhất để nộp thuế của một doanh nghiệp mà không làm trái các quy định pháp luật hiện hành. Như vậy, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Hành vi ấy có đối tượng tác động chính là giá cả. Sở dĩ giá cả có thể xác định lại trong những giao dịch như thế xuất phát từ một số lý do sau:
Một là, xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch. Do đó họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn.
Hai là, xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết nên sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể kinh doanh có cùng lợi ích không làm thay đổi lợi ích toàn cục.
Ba là, chuyển giá không làm cho tổng giá trị hình thành trong xã hội thay đổi mà chỉ là sự phân phối lại hay chuyển dịch lợi ích từ chủ thể này sang chủ thể khác. Khi một tập đoàn đa quốc gia thực hiện hành vi chuyển giá thành công, lợi nhuận sau thuế xét trên phạm vi toàn tập đoàn tăng lên, song nguồn thu thuế ở quốc gia áp dụng thuế suất cao giảm xuống, trong khi nguồn thu thuế ở quốc gia áp dụng thuế suất thấp có thể tăng lên, mặc dù phần thuế tăng ở quốc gia sau không bù đắp được phần thiệt hại về thuế ở quốc gia trước. Như vậy, ở đây có xung đột lợi ích giữa một bên là các tập đoàn đa quốc gia thực hiện hành vi chuyển giá và các quốc gia thực thi chính sách thuế thấp với một bên là các quốc gia duy trì hệ thống thuế suất cao. Mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của một tập đoàn đa quốc gia được thực hiện thông qua hành vi chuyển giá ít nhiều có thể vô hiệu hóa quyền đánh thuế hợp pháp của một quốc gia.
2. Hoạt động chuyển giá diễn ra qua tại các doanh nghiệp FDI trong thời gian
Trong những năm gần đây, chính phủ đã áp dụng nhiều quy định và chính sách thuận lợi để thu hút thêm vốn từ đầu tư nước ngoài. Đây là nguồn vốn quan trọng góp phần giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên bên cạnh những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và sự phát triển bền vững vẫn còn tồn tại không ít những hạn chế cần giải quyết. Một trong số đó là hiện tượng chuyển giá tại các loại hình doanh nghiệp FDI gây thất thoát không nhỏ đến nguồn thu của Nhà nước.
Kết quả tiến hành thanh, kiểm tra các đơn vị có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI và có phát sinh liên kết, trong năm 2017, ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 546 doanh nghiệp FDI, truy thu, truy hoàn và phạt 2.020 tỷ đồng, giảm lỗ trên 9.000 tỷ đồng, giảm khấu trừ 74 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.046 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đã truy thu trên 650 tỷ đồng, giảm lỗ 7.392 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 3.825 tỷ đồng.
Năm 2018 tiến hành thanh tra, kiểm tra 526 doanh nghiệp, truy thu, truy hoàn và phạt trên 1.541 tỷ đồng, giảm lỗ 7.035 tỷ, giảm khấu trừ 24 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 9.626 tỷ đồng. Trong đó, thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đã truy thu 633 tỷ đồng và giảm lỗ 5.918 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.388 tỷ đồng.
Năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 đã thanh, kiểm tra 647 doanh nghiệp truy thu, truy hoàn và phạt trên 2.475 tỷ đồng, giảm lỗ 7.685 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 9.000 tỷ đồng. Trong đó thanh, kiểm tra xác định lại thị trường, giá thị trường đã truy thu trên 793 tỷ đồng, giảm lỗ 4.139 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế là 7.793 tỷ đồng. Trong những năm qua cũng đã kiến nghị tăng thu ngân sách 1.180 tỷ đồng, riêng tăng thu thuế thu nhập đối với doanh nghiệp FDI là 657 tỷ đồng. Như vậy chỉ hơn 3 năm qua, kiểm toán ngành Thuế đã huy động nguồn lực tích cực triển khai, song cũng trừ thanh, kiểm tra được khoảng 10% tổng số doanh nghiệp FDI nhưng cũng đã truy thu, truy hoàn và phạt trên 6.036 tỷ đồng, giảm lỗ trên 23.722 tỷ đồng, giảm khấu trừ 188 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 22.675 tỷ đồng. Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đã truy thu 2.078 tỷ đồng và giảm lỗ 17.451 tỷ đồng. Điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế trên 19.000 tỷ đồng.
Trong năm 2020, số lượng doanh nghiệp FDI tại Việt Nam báo lỗ là 14.108 doanh nghiệp, tức là chiếm đến 56% tổng số doanh nghiệp FDI. Trong đó, có không ít doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh nhưng vẫn kê khai thua lỗ. Tổng mức thua lỗ của các doanh nghiệp FDI năm 2020 lên tới 151.064 tỷ đồng. Trong đó phải nói 2 công ty là Airpay và Shopee với doanh thu lần lượt là 4.555 tỷ đồng và 2.329 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong nhóm ngành viễn thông và phần mềm. Đây là mức tăng trưởng mạnh, đạt 2.964 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả hai công ty đều báo lỗ, nên nguồn thu ngân sách nhà nước đối với Shopee đạt 67 tỷ đồng và Airpay đạt 48 tỷ đồng. Và một điều nghịch lý hơn nữa là cho dù khai báo thua lỗ nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn có tổng tài sản tăng 8,1% so với năm trước, đạt 2,91 triệu tỷ đồng. Hoàn toàn trái ngược với số thu ngân sách nhà nước nội địa của doanh nghiệp FDI năm 2020 giảm tới 6.111 tỷ đồng so với năm 2019 và đạt một con số khá khiêm tốn là 206.088 tỷ đồng. Điều này làm chúng ta nhớ lại trường hợp của Coca-Cola, Với Coca-Cola, theo Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, công ty này liên tục báo lỗ cho đến cuối năm 2012. Việc thua lỗ của Coca-Cola Việt Nam không phải do tăng trưởng doanh số yếu, thực tế sản lượng của công ty vẫn tăng trưởng trên 25% mỗi năm. Đến thời điểm tháng 12/2012, tổng số lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu 2.950 tỷ đồng. Như vậy, về mặt kỹ thuật thì lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã phải phá sản. Tuy nhiên, thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam.
Điều này đặt ra cho các cơ quan thuế Việt Nam về nghi án chuyển giá của công ty này. Tuy nhiên, về mặt bằng chứng để chứng minh Coca-Cola Việt Nam chuyển giá là rất yếu. Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013, Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài tình huống điển hình trên đây, còn rất nhiều tình huống chuyển giá khác đã được cơ quan thuế Việt Nam thanh tra và làm rõ được hành vi chuyển giá. Tuy nhiên cũng có rất nhiều trường hợp chưa phát hiện, hoặc hiện đã có nghi vấn nhưng việc thanh tra và kết luận vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức.
3. Đề xuất một số giải pháp
Một là, các cơ quan chức năng siết chặt triển khai, thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế (sửa đổi), xây dựng quy trình hướng dẫn chống chuyển giá để thống nhất áp dụng và cần có quy định quản lý chặt chẽ đối với công chức và cơ quan liên quan để tránh việc chuyển giá, trốn thuế. Việt Nam cần sớm ban hành Luật Chống chuyển giá nhằm thiết lập cơ sở pháp lý đủ mạnh và hiệu lực nhằm hỗ trợ cho công tác đấu tranh chống chuyển giá của cơ quan thuế Việt Nam, đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, rõ ràng và minh bạch để các doanh nghiệp có cơ sở tuân thủ. Các khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá ở Việt Nam cần được xây dựng và hoàn thiện dựa trên các quy tắc, thông lệ và thực tiễn của thế giới gắn với bối cảnh Việt Nam, hạn chế các khác biệt hóa trong các quy định vì điều này có thể gây khó khăn cho vấn đề hợp tác quốc tế về chống chuyển giá.
Hai là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám định chất lượng, giá trị máy móc, thiết bị, công nghệ đầu vào và được sử dụng trong quá trình đầu tư dự án. Tăng cường năng lực đội ngũ thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá theo phương pháp phân tích rủi ro. Xây dựng bộ máy đủ mạnh, đủ năng lực và cơ chế kiểm tra liên ngành chuyên ngành để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng này đối với khối doanh nghiệp FDI.
Ba là, đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc, kiểm toán trực tiếp việc chống chuyển giá đối với các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý thu thuế và các doanh nghiệp tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư FDI. Đồng thời, đánh giá các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư thu hút của nhà nước ta đối với các doanh nghiệp FDI trong thời gian vừa qua. Đồng thời khuyến khích việc minh bạch trong công tác quản lý thuế nói chung, đặc biệt là công tác thu thuế sẽ giúp giảm được các hành vi gian lận thuế do sự thông đồng thuế gây ra. Điều này đầu tiên phải bắt đầu từ nhân viên quản lý thuế. Các nhân viên quản lý thuế có một quyền năng nhất định đối với người nộp thuế và do vậy dễ bị lạm dụng để trục lợi cá nhân. Ở Việt Nam không thiếu các trường hợp đã được phát hiện và xử lý như việc nhân viên thuế thông đồng với doanh nghiệp nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt một phần nghĩa vụ thuế và bỏ túi phần còn lại. Chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật thuế cũng cần được tăng cường. Chế tài phải đủ mức răn đe và trừng phạt thích đáng đối với các hành vi vi phạm, đồng thời có ý nghĩa ngăn ngừa các hành vi dự kiến vi phạm.
Bốn là, đề nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng, kho bạc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng rà soát các giao dịch bất thường có dấu hiệu vi phạm để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong việc kết nối, cung cấp thông tin với cơ quan quản lý thuế liên quan đến giao dịch qua ngân hàng của tổ chức, cá nhân và phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Năm là, cần có chiến lược nâng cao năng lực cho cán bộ thuế nói chung, cả cán bộ thuế chuyên trách chống chuyển giá lẫn không chuyên trách. Ngoài năng lực chuyên môn về chuyển giá, các cán bộ thuế cũng cần được trang bị các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thương lượng, kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết tranh chấp; cập nhật, bồi dưỡng các kiến thức về kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành, trình độ ngoại ngữ,…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2020), Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quá trình quản lý thuế đối với doanh nghiệp có chuyển giá ngày 05/11/2020.
- Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Quốc hội (2019), Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019.
The transfer pricing of foreign invested enterprises in Vietnam
Master. Tran Thanh Thuy
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
Foreign invested enterprises play an important role in the economic development of Vietnam and they also greatly stimulate the integration of Vietnam, contribute to the country’s macroeconomic stability, economic transformation and state budget revenue. However, the state management over foreign invested enterprises in Vietnam has revealed some limitations. This paper presents the current transfer pricing activities of foreign invested enterprises in Vietnam and proposes some solutions to solve this issue.
Keywords: transfer pricing, tax evasion, foreign invested enterprises, state budget.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 3 năm 2023]