Hôm nay CEO đi học

Lẽ thường, đã làm CEO (giám đốc điều hành) có nghĩa là người giỏi nhất trong một tập thể rồi còn cần gì phải học nữa. Nhưng mà không hẳn như vậy. Đã 10 năm nay, các CEO ở Tổng công ty Thuốc lá Việt Na

CEO học gì?

Dù đang là CEO hay đang chuẩn bị làm CEO thì việc được tham dự một khóa đào tạo giám đốc điều hành chuyên nghiệp chính là có cơ hội được hệ thống hóa tất cả các kiến thức về quản trị doanh nghiệp đã có từ bấy lâu nay song có thể bị dàn trải, hoặc được tích lũy phần lớn từ kinh nghiệm thực tế, hoặc đã học từ lâu rồi rơi rụng đi phần nào.

Đó chính là mục đích, tôn chỉ của 6 khóa đào tạo Giám đốc điều hành chuyên nghiệp của Trung tâm đào tạo Vinataba của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) trong suốt hành trình 10 năm qua. Với từng ấy thời gian, đã có gần 200 học viên tốt nghiệp khóa học và tiếp tục cho thấy vai trò, ý nghĩa quan trọng của khóa học đối với sự phát triển của Vinataba.

Kể từ khi bắt đầu khóa đào tạo CEO 1 đến nay chương trình đã đi được một chặng đường tương đối dài, bồi đắp cho mình nhiều kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chương trình học theo dạng các module để ngày càng phù hợp với nhu cầu của các học viên “đặc biệt”.

Với khóa CEO đầu tiên, Trung tâm phối hợp cùng Phòng Tổ chức nhân sự Tổng công ty triển khai ký hợp tác với Trường doanh nhân PACE để lên một giáo trình giảng dạy phù hợp cho các đối tượng học viên là Hội đồng thành viên, ban tổng giám đốc, các trưởng phòng của Tổng công ty, giám đốc, chủ tịch các công ty trong tổ hợp.

Lớp CEO 2 đối tượng là các phó phòng Tổng công ty, các giám đốc đơn vị hoặc phó giám đốc đơn vị được bổ nhiệm nhưng chưa qua khóa học CEO 1.

Các khóa CEO 3 và 4 sau này, Trung tâm đã có sự điều chỉnh chương trình để ngày càng có trọng tâm và thực sự chắt lọc nhằm mang đến những kiến thức thật cần thiết cho các CEO của mình.

Nếu như trước đây, trong giai đoạn đầu ký kết với PACE thì hầu như đó là những chương trình đã có sẵn, còn phần kiến thức bổ sung thêm vào cho các CEO chính là hệ thống hóa lại lý thuyết về kiến thức quản lý một cách đầy đủ và “có trường có lớp”, để giúp học viên hệ thống hóa lại kiến thức thì sau này, với khóa CEO 3 và 4, chương trình đã được cải tiến rất nhiều. Thay vì có 24 module thì đã thu gọn lại, bỏ bớt những module không cần thiết đối với doanh nghiệp… Các nội dung học ngày càng sát với thực tế ngành, thực tế quản trị doanh nghiệp hiện đại, thậm chí còn phân loại đào tạo và lược bỏ nội dung đã học rồi đối với từng học viên. Cứ thế, các chương trình đào tạo mỗi ngày một hay hơn, hiện đại hơn, các kiến thức ngày càng theo sát thực tế phát triển của doanh nghiệp, của ngành Thuốc lá hơn.

Trong bất kỳ một chương trình nào người ta cũng có thể đánh giá về những kết quả học được sau các khóa học nhưng với khóa học CEO này của Trung tâm đào tạo Vinataba thì không dễ. Bởi vì tính chất đặc biệt của nó nên chỉ có thể đánh giá được khi các học viên đem những kiến thức được học để vận dụng trong công việc tại đơn vị của họ. Và thực tế tăng trưởng nhiều năm trở lại đây của Vinataba đã cho thấy một nền tảng năng lực quản trị của hệ thống lãnh đạo luôn ở mức cao, độ chuyên nghiệp thì được giới doanh nhân đánh giá là đẳng cấp. Thành công này có sự đóng không hề nhỏ của các lớp CEO này.

Ai “dám” làm thầy của CEO?

Và cũng bởi vì ngành Thuốc lá là một ngành kinh doanh, sản xuất khá đặc thù nên câu hỏi đặt ra là ai “dám” làm thầy của các CEO?

Có thể chia khóa học làm hai nội dung rõ rệt là lý thuyết và thực tế. Đối với lý thuyết, giáo viên giảng dạy là các chuyên gia thuộc rất nhiều lĩnh vực mà một nhà lãnh đạo phải thông thạo như luật, kinh tế, tài chính, marketing, truyền thông… Phó giám đốc Trung tâm đào tạo Vinataba Phạm Thị Diệu Anh không thể quên được cảm giác hồi hộp của cái thuở Trung tâm mới chập chững với khóa CEO đầu tiên, giảng viên hôm đó mặc dù rất có tên tuổi, song do phương pháp sư phạm yếu nên “Chỉ sau khi vào lớp khoảng 30 phút thôi là tin nhắn chiu chíu “bay” vào điện thoại của tôi. Nào là “Trời ơi em “móc” đâu được giáo viên dạy “hay” thế” hoặc “Yên tâm chỉ một tiếng nữa là không còn ai ngồi đây nữa đâu em ơi”… Áp lực kinh khủng vì chúng tôi đang tổ chức một lớp học mà học viên toàn là các “sếp”, các VIP - những người đã, đang và sắp sửa cầm cân nảy mực cho cả một đơn vị. Giữa chúng tôi - người làm nhiệm vụ đào tạo và các giảng viên tôi nghĩ áp lực là chia đều, không ai kém ai”.

Thế nên ai đủ “trình” để dạy các CEO?

Để có thể có hoàn thành được các khóa CEO cho đến ngày hôm nay thì buộc phải thừa nhận rằng Trung tâm đào tạo Vinataba đã đúc rút biết bao nhiêu kinh nghiệm trong việc lựa chọn, thuyết phục giảng viên cũng như xây dựng chương trình học. Với một lớp học mà học viên “không phải dạng vừa đâu” thì giảng viên cũng sẽ phải là những người “ghê gớm” cũng như giáo trình phải là “đẳng cấp”.

Hồi đầu khi ký kết đào tạo với Trường doanh nhân PACE Trung tâm chưa có kinh nghiệm nên phụ thuộc vào đối tác giáo viên nào họ bố trí dạy là đến module đó dạy. Nhưng qua CEO 1 và 2, Trung tâm Đào tạo đã rút kinh nghiệm và sát sao hơn về việc chọn lựa giáo viên. Thường đối tác sẽ đưa ra 3- 4 hồ sơ cá nhân để chọn lựa. Sau khi mình có sự lựa chọn rồi thì sẽ “kiểm tra” bằng cách dự thính buổi học hay xem clip một buổi giảng dạy của họ để “duyệt” về phong thái, phương pháp sư phạm, thấy ổn rồi thì mới mời giảng viên đó đến để trao đổi chia sẻ thực trạng, đặc thù của ngành để giảng viên nắm rõ thiết kế bài giảng cho phù hợp. “Liên quan đến nội dung cổ phần hóa doanh nghiệp, chúng tôi đã mời tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực… Các chuyên gia tên tuổi, chuyên nghiệp là thế mà nhận lời giảng cho lớp CEO của Trung tâm, các anh cũng thừa nhận áp lực vì tính chất đặc thù của ngành” – bà Diệu Anh chia sẻ thêm.

Nhưng phần cuốn hút nhất là mảng thực tế. Khi học tới nội dung tìm hiểu về TPP, các CEO được nghe người trực tiếp “bếp núc” hiệp định này là ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên Bộ Công Thương giảng dạy. Thậm chí Trung tâm còn dụng công mời được cả Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tới chia sẻ về TPP. Những kiến thức, câu chuyện của những người có mặt trực tiếp trong quá trình đàm phán Hiệp định ý nghĩa này thực sự là kiến thức bổ ích vô cùng cho các cán bộ lãnh đạo Vinataba.

CEO giảng cho CEO

Một phần học, được xem là sát thực nhất chính là những buổi “CEO giảng cho CEO”, có nghĩa là chính các lãnh đạo của Vinataba sẽ chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình trong khóa học. Còn điều gì lý thú hơn khi giảng viên là người của Vinataba và học viên cũng chính là người của Vinataba. Chắc chắn câu chuyện kinh nghiệm và kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế chính là thứ mà các CEO muốn lĩnh hội hơn cả.

Đơn cử như buổi chia sẻ của ông Hồ Lê Nghĩa - ủy viên hội đồng thành viên vừa kiêm trưởng ban kiểm soát nội bộ Tổng công ty đã nói chuyện với các anh chị thuộc ban kiểm soát ở các đơn vị nhà máy. Hoặc liên quan đến nội dung công tác Đảng thì bản thân các anh chị làm về công tác đảng sẽ chia sẻ, cùng với việc mời các anh chị ở các đơn vị bên ngoài nữa thì sẽ giúp các bí thư điều hành công tác này ở đơn vị mình như thế nào. Tóm lại, với tỷ lệ 30% lý thuyết – 70% thực hành và nguyên tắc “lấy học viên làm trung tâm” nên khóa học cứ học đến module nào thì lại mời lãnh đạo của module đó tới chia sẻ, lớp học CEO thực sự mang đến một cách học rất mới, đầy hiệu quả và thiết thực.

Thêm một điểm cộng cho độ chuyên nghiệp của các khóa học CEO này không phải là các chuyến đi thực tế học hỏi kinh nghiệm mà là việc lập nhóm để thực hiện đề án rồi thuyết trình trước hội đồng mà thành viên hội đồng chính là các lãnh đạo cấp cao của Vinataba. Hoặc cũng có khi là viết thành đề án nộp cho hội đồng chấm điểm, nếu đề án hay sẽ được chọn để thuyết trình trong lễ tốt nghiệp – một lễ tốt nghiệp trang trọng và nghiêm túc theo đúng mục đích, tôn chỉ của khóa học.

Nghề chơi cũng lắm công phu. Đã là CEO mà còn đi học làm CEO thì quả thật không thể dễ dàng!


Thuy Miny