Phiên họp có sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và chuyên gia. Đây là một trong những hoạt động nhằm triển khai Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 (Quyết định số 68/QĐ-TTg).
Trong 06 năm triển khai Chương trình (từ năm 2018 đến năm 2023), Bộ Công Thương đã thẩm định và phê duyệt 306 đề án, tập trung vào các hoạt động chính bao gồm: (i) Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kết nối, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; (ii) Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; (ii) Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; (iv) Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; (v) Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.
Việc triển khai Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ trong các năm vừa qua đã bước đầu đem lại những kết quả khả quan và tạo tác động, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế - xã hội. Các hoạt động của Chương trình ngày càng phong phú, đa dạng, đi vào chiều sâu, có tính ứng dụng cao và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Sau khi tham gia các hoạt động hỗ trợ của Chương trình, doanh nghiệp đã thực sự có sự thay đổi, chuyển mình theo chiều hướng tích cực, doanh nghiệp có khả năng tăng năng suất và hiệu suất sản xuất đồng thời cắt giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm khách hàng, đối tác tiềm năng mới.
Chương trình đã hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước và nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia thông qua các diễn đàn, hội thảo, triển lãm quốc tế.
Công tác truyền thông, thông tin về công nghiệp hỗ trợ phủ sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, truyền tải các thông điệp về vai trò và tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là kênh thông tin để các doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp chia sẻ về các khó khăn, thách thức cũng như cơ hội và tiềm năng phát triển của ngành, từ đó nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và cả xã hội.
Phát biểu tại phiên họp, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhận định: “Để nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, cần tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả các giải pháp xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức mang tính cốt lõi, đó là những giải pháp về kết nối kinh doanh, thông tin thị trường, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực…
Những giải pháp vì mục tiêu dài hạn này cần được triển khai đồng bộ với công tác truyền thông, thay đổi và nâng cao nhận thức của các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm hướng đến các mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững.”
Hội đồng thẩm định dự kiến sẽ họp đánh giá các đề án trong tháng 10 và tháng 11 để lựa chọn các đề án tham gia Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ năm 2024.