Hướng đến nền kinh tế carbon thấp tại các quốc gia đang phát triển

Bài báo nghiên cứu "Hướng đến nền kinh tế carbon thấp tại các quốc gia đang phát triển" do ThS. Đặng Bắc Hải (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu về nền kinh tế carbon thấp, vận dụng lý thuyết đường cong Kuznet về môi trường để lý giải một nền kinh tế carbon thấp là như thế nào. Ngoài ra, bài viết cũng trình bày một số kinh nghiệm thực tế tại các quốc gia phát triển về nền kinh tế carbon thấp để xây dựng chính sách cho các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, hướng đến nền kinh tế carbon thấp trong tương lai.

Từ khóa: nền kinh tế carbon thấp, các quốc gia phát triển, các quốc gia đang phát triển, khí thải.

1. Đặt vấn đề

Thực hiện nền kinh tế carbon thấp đã trở thành mối quan tâm chung của giới khoa học, chính trị và người dân trên toàn thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mục tiêu của nền kinh tế carbon thấp chủ yếu nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính do các hoạt động nhân tạo gây ra và giảm thiểu biến đổi khí hậu (Liu và các cộng sự, 2016).

Gần đây, hàng loạt chính sách đã được ban hành nhằm giám sát việc thực hiện nền kinh tế carbon thấp. Chẳng hạn, Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (the United Nations Framework Convention on Climate Change - UNFCCC) được khởi xướng vào năm 1992 nhằm đẩy nhanh việc giảm lượng khí thải carbon.

Các hội nghị thường niên về biến đổi khí hậu được tổ chức và nhiều thỏa thuận, chính sách liên quan đã được thông qua theo Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Huettner va các cộng sự, 2010; Johnston và các cộng sự, 2005). Đặc biệt, trong thỏa thuận Khí hậu Paris, tất cả các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cam kết kiểm soát nồng độ carbon dioxide trong khí quyển ở mức 450 ppm trong nỗ lực hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu đến 2°C (Cai và các cộng sự, 2018).

Ngoài ra, các quốc gia cùng nhau tham gia ký kết hiệp định thư Kyoto nhằm tìm ra những cách tốt nhất để giảm phát thải khí nhà kính (GHG) (Hamilton và Turton, 2002) và chính thức cam kết kiểm soát lượng carbon trong nước của họ phát thải đến một mức nhất định (Wang và các cộng sự, 2011).

Từ các sự kiện trên, có thể thấy vấn đề một nền kinh tế carbon thấp là xu thế tất yếu của các quốc gia trên toàn thế giới phải hướng đến trong một tương lai không xa, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển khi kịch bản giảm khí thải đang trở nên nghiêm trọng hơn những gì mọi người đang nghĩ.

2. Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết đường cong Kuznets, đề xuất bởi Simon Kurnets, được công bố đầu tiên tại cuộc họp thường niên lần thứ 67 của Hiệp hội Kinh tế châu Mỹ vào tháng 12/1954. Lý thuyết này ban đầu mô tả mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bất bình đẳng thu nhập, trong đó bất bình đẳng thu nhập tăng trong các giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế và tình trạng này sẽ giảm nhờ vào phân phối lại khi thu nhập đạt đến một ngưỡng nhất định.

 Lý thuyết đường cong Kuznets bắt đầu được ứng dụng trong các phân tích liên quan đến kinh tế học môi trường từ đầu những năm 1990. Nghiên cứu của Grossman và Krueger (1991) về các tác động tiềm tàng của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã góp phần phổ biến rộng rãi thuật ngữ EKC trong Báo cáo phát triển của Ngân hàng Thế giới 1992. Theo đó, tăng trưởng kinh tế không phải là mối đe dọa, mà là phương tiện nhằm cải thiện môi trường trong tương lai. Cụ thể, ô nhiễm môi trường tăng lên trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế, tuy nhiên qua một mốc thu nhập nào đó - được gọi là giai đoạn sau, chất lượng môi trường được cải thiện và mức độ các chất thải giảm dần. Hình 1 minh họa mối quan hệ giữa biến phát triển kinh tế và biến suy giảm chất lượng môi trường theo hình dạng U ngược.

Hình 1: Đồ thị mối quan hệ giữa môi trường và tăng trưởng kinh tế

cacbon

Nguồn: Uchiyama, K., 2016

Stern (2004) đã dựa vào 4 đặc tính kinh tế là quy mô sản xuất, cơ cấu ngành kinh tế, thay đổi đầu vào và phát triển công nghệ để lý giải các nhánh đối nghịch nhau của đường EKC. Trong đó, gia tăng quy mô sản xuất thường làm ô nhiễm môi trường thêm tồi tệ; ngược lại, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang hướng nền kinh tế tập trung phát triển dịch vụ và công nghiệp nhẹ, hoặc thay đổi các đầu vào gây tổn hại môi trường bằng các đầu vào ít tổn hại môi trường hoặc cải tiến công nghệ làm tăng năng suất và sản lượng, với đầu vào không đổi hoặc thậm chí ít hơn sẽ giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Như vậy, để đánh giá một nền kinh tế của một quốc gia nào đó có phải là nền kinh tế carbon hay không có thể vận dụng lý thuyết đường cong Kuznet về môi trường. Bên cạnh đó, vận dụng phân tích của Stern (2004) các nhà chính sách hay hoạch định có thể đưa ra những khuyến nghị phù hợp để đưa nền kinh một quốc gia nào đó trở thành nền kinh tế carbon thấp.

3. Tình hình nền kinh tế thấp tại một số các quốc gia đang phát triển

Các nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức và Hà Lan đặt mục tiêu dài hạn là giảm lượng khí thải carbon lần lượt 60%, 75% và 80% vào năm 2050, so với mức của năm 1990 (Shimada và các cộng sự, 2007 và Treffers và các cộng sự, 2005). Ngoài ra, chính phủ Mỹ đã giảm khí thải nhà kính khoảng 17% vào năm 2020 so với năm 2005. Đan Mạch cũng đặt mục tiêu trở thành “quốc gia xanh nhất” trên thế giới. Hàn Quốc là một trong những quốc gia có nhiều sáng kiến nổi bật về tăng trưởng xanh, ban hành kịp thời khung chính sách toàn diện về tăng trưởng xanh cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Những hành động sáng tạo và thiết thực vì nền kinh tế ít carbon đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển. Những hành động này chủ yếu tập trung vào năng lượng tái tạo (Dong và các cộng sự, 2018), công nghệ năng lượng sạch (Shimada và các cộng sự, 2007), thị trường carbon, các thành phố carbon thấp và du lịch sinh thái.

Cụ thể hơn, chương trình mua bán phát thải của Liên minh châu Âu (the European Union’s Emissions Trading Scheme - EU - ETS), chương trình quốc tế đầu tiên và lớn nhất được thiết kế để cắt giảm lượng khí nhà kính thải ra trong tất cả ngành công nghiệp, có hiệu lực vào tháng 1/2005, kể từ đó đã thống trị thị trường giao dịch phát thải carbon thế giới. Chính phủ Mỹ cũng đã triển khai đạo luật chống biến đổi khí hậu và áp dụng hạn ngạch khí thải, cho phép các doanh nghiệp xả khí thải thấp hơn hạn ngạch có thể bán phần hạn mức khí thải không dùng hết cho các công ty khác. Cơ chế Phát triển Sạch (The Clean Development Mechanism -CDM) đã được phát triển thành công ở Liên minh châu Âu và trở thành một trong những cơ chế quan trọng nhất của EU-ETS. "Thành phố xanh nhất thế giới" vào năm 2020 do chính quyền thành phố Vancouver xây dựng đã thúc đẩy việc hình thành sự phát triển các thành phố carbon thấp ở các nơi khác.

4. Các gợi ý chính sách giúp các quốc gia đang phát triển hướng đến nền kinh tế carbon thấp

 Ở các nền kinh tế mới nổi (đang phát triển), tình trạng nghèo cùng cực phổ biến hơn nhiều so với các nền kinh tế công nghiệp hóa (Carpio-Thomas, 2020). Hơn nữa, các quốc gia đang phát triển ít có khả năng đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch hơn vì các nguồn tài nguyên tái tạo này có xu hướng đắt hơn để mua so với các nhiên liệu hóa thạch rẻ và sẵn có như than đá[1]. Than đá thường được coi là nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất trong số tất cả, nhưng nó cũng cung cấp năng lượng giá rẻ để cung cấp năng lượng cho cơ sở hạ tầng đang phát triển. Cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển thường mở rộng quá nhanh đến mức không thể lắp đặt các dạng năng lượng sạch hơn và hiệu quả hơn[2]. Dưới áp lực về tăng trưởng kinh tế để cải thiện cuộc sống của người dân và trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu, các quốc gia đang phát triển vẫn tập trung phát triển kinh tế theo quan điểm truyền thống là dựa vào tài nguyên hóa thạch. Kết quả, môi trường như một yếu tố bên ngoài trong quá trình phát triển nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng (Carpio-Thomas, 2020). Hiện nay theo báo cáo của Center for Global Development (Hình 2) cho thấy các nước đang phát triển có lượng khí thải CO2 ra môi trường chiếm 63% trong tổng số nước trên toàn cầu[3]. 

Hình 2: Lượng khí thải CO2 hiện nay giữa các nước đang phát triển và phát triển trong giai đoạn hiện nay

Nguồn: Center for Global Development

Vì vậy, để đạt được nền kinh tế carbon thấp trong tương lai, các quốc gia đang phát triển có thể vận dụng những bài học kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển sao cho phù hợp với tình hình hiện tại quốc gia mình. Do đó, các quốc gia đang phát triển nói chung cần tập trung vào một số chính sách:

Thứ nhất, cần thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường độc lập về năng lượng thông qua nghiên cứu về các chính sách: giảm thiểu hiệu quả phát thải khí nhà kính, giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường độc lập năng lượng và tăng cường năng lực thích ứng với khí hậu thay đổi.

Thứ hai, cần đảm bảo động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu về các chính sách: Phát triển công nghệ xanh, “xanh hóa” các ngành công nghiệp hiện có và thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh, đẩy mạnh cơ cấu công nghiệp để tăng cường dịch vụ và xây dựng cơ sở cấu trúc hạ tầng cho nền kinh tế xanh.

Thứ ba, cần cải thiện mức sống và nâng cao vị thế quốc gia thông qua nghiên cứu về các chính sách: xanh hóa đất, nước và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông xanh, đưa cuộc cách mạng xanh vào cuộc sống hàng ngày và trở thành hình mẫu cho cộng đồng quốc tế với tư cách là người dẫn đầu tăng trưởng xanh.

5. Gợi ý chính sách đối với Việt Nam

Việt Nam có thể tham gia vào phong trào môi trường, đây là một phong trào quốc tế, được đại diện bởi nhiều tổ chức khác nhau, từ quốc gia này sang quốc gia khác. Mục tiêu của phong trào là bảo tồn môi trường và bảo vệ môi trường. Điều này ngụ ý, con người nên sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan và đảm bảo không sử dụng quá mức để chúng không cạn kiệt. Bên cạnh đó, Việt Nam nên bắt đầu áp dụng chứng chỉ xanh trong các ngành công nghiệp như ISO 14000, tòa nhà xanh, chương trình chứng nhận sản xuất xanh cho tất cả các kỹ thuật viên sản xuất tuyến đầu trong mọi lĩnh vực sản xuất. Ngoài ra, nên đưa ra nhiều chính sách môi trường nghiêm ngặt hơn và kèm theo chiến lược xanh bao gồm các sản phẩm xanh, các công ty xanh và liên minh xanh. Chính phủ có thể nghiên cứu nhằm thúc đẩy chính sách tài chính xanh (thuế xanh, trợ cấp xanh), chính sách tiền tệ (như các khoản vay xanh và tài chính xanh) và các chính sách văn hóa và xã hội phù hợp với phát triển bền vững để có thể hoàn thành sớm mục tiêu nền kinh tế carbon thấp.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:


[1]Chris Mooney, Brady Dennis (2016). WHO: Global air pollution is worsening, and poor countries are being hit the hardes. Available at: thttps://www.washingtonpost.com/news/energy-environment/wp/2016/05/12/who-global-air-pollution-is-worsening-and-poor-countries-are-being-hit-the-hardest/

[2]Oluwasola Omoju (2014). Environmental Pollution is Inevitable in Developing Countries. Available at: https://breakingenergy.com/2014/09/23/environmental-pollution-is-inevitable-in-developing- countries/

[3] Jonah Busch (2015). Climate Change and Development in Three Charts. Available at: https://www.cgdev.org/blog/climate-change-and-development-three-charts

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Cai Y., Sam C. Y., & Chang T. (2018). Nexus between clean energy consumption economic growth and CO2 emissions. Journal of Cleaner Production, 182, 1001-11.
  2. Carpio-Thomas C. D. (2020). The interplay between economic growth and the environment: the case of China (Master’thesis, University of Denver, Colorado city).
  3. Dong K., Sun R., & Dong X. (2018). CO2 emissions, natural gas and renewables, economic growth: assessing the evidence from China. Science of The Total Environment, 640-641, 293-302.
  4. Grossman G. , & Krueger A. (1991). Environmental Impacts of a North American Free Trade Agreement. National Bureau of Economics Research Working Paper, 3194. NBER, Cambridge.
  5. Hamilton C., & Turton H. (2002). Determinants of emissions growth in OECD countries. Energy Policy, 30(1), 63-71.
  6. Huettner M., Freibauer A., Haug C., &Cantner M. (2010). Regaining momentum for international climate policy beyond Copenhagen. Carbon Balance and Managenment, 5(2).
  7. Johnston D., Lowe R., & Bell M. (2005). An exploration of the technical feasibility of achieving CO2 emission reductions in excess of 60% within the UK housing stock by the year 2050. Energy Policy, 33(13), 1643-59.
  8. Liu J., Sleeter B. M., Zhu Z., Heath L. S., Tan Z., Wilson T. S., Sherba J., & Zhou D. (2016). Estimating carbon sequestration in the piedmont ecoregion of the United States from 1971 to 2010. Carbon Balance and Managenment, 11(10).
  9. Stern D. L. (2004). The rise and fall of the Environmental Kuznets Curve. World Development Report, 32(8), 1419-1439.
  10. Shimada K., Tanaka Y., Gomi K.,& Matsuoka Y. (2007). Developing a long-term local society design methodology towards a low-carbon economy: an application to Shiga Prefecture in Japan. Energy Policy, 35(9), 4688-703.
  11. Treffers D. J., Faaij A. P. C., Spakman J., & Seebregts A. (2005). Exploring the possibilities for setting up sustainable energy systems for the long term: two visions for the Dutch energy system in 2050. Energy Policy, 33(13), 1723-43.
  12. Uchiyama K. (2016). Environmental Kuznets Curve Hypothesis and Carbon Dioxide Emissions. Japan: Springer Briefs in Economics.
  13. Wang S., Zhou D., Zhou P., Wang Q. (2011). CO2 emissions, energy consumption and economic growth in China: a panel data analysis. Energy Policy, 39(9), 4870-5.

 

Advancing a Low-Carbon Economy in Developing Countries

MASTER. DANG BAC HAI

Ho Chi Minh City University of Natural Resources And Environment

Abstract:

To understand the low-carbon economy, the study applies the environmental Kuznets curve theory to explain what a low-carbon economy looks like. In addition, the article also presents some practical experiences in developed countries on low-carbon economy to make policies for developing countries in general and Vietnam in particular towards low-carbon economy in the future.

Keywords: low-carbon economy, developed countries, developing countries, emissions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2024]