Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 2/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền (Nghị quyết 23) nêu rõ: Khu vực biên giới là một địa bàn trọng yếu, đóng vai trò là “phên dậu” của quốc gia, với đường biên giới trên đất liền trải dài hơn 5.000 km bao gồm nhiều cửa khẩu thông với các nước láng giềng.
Nhiều chuyển biến rõ rệt
Việc phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội trên khu vực này rất quan trọng và cần thiết nhằm phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Qua đó tạo điều kiện cho kinh tế của một vùng, một địa phương cũng như kinh tế của cả quốc gia phát triển, góp phần tăng cường, mở rộng và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa nước ta với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia) và các nước khác trong khu vực.
Trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và chăm lo đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới. Nhờ đó, KT-XH khu vực biên giới đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Theo Nghị quyết, đến nay cả nước đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 03 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc; các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động, chiếm 36,6% cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước; các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo tại các khu vực biên giới đã đóng góp đến 44% tổng sản lượng điện toàn quốc, góp phần củng cố an ninh năng lượng, bảo đảm sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tuyến biên giới được củng cố và giữ vững.
Tuy nhiên, với trình độ và cơ hội phát triển chênh lệch, KT-XH vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung chưa phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu, thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu, hạ tầng thương mại hạn chế,...
Do vậy, để khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế tại khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế biên giới, cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển để điều chỉnh và có những giải pháp phù hợp với thực tế.
Định hướng phát triển trong thời gian tới
Nghị quyết 23 xác định phát triển kinh tế khu vực biên giới phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững KT-XH vùng biên giới, thu hẹp chênh lệch vùng miền là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển KT-XH gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của cả nước và của các địa phương có biên giới, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của các vùng, miền. Đa dạng và tăng cường huy động, thu hút, xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh, bền vững khu vực biên giới, trong đó, ngân sách Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực khác, ưu tiên hợp lý nguồn vốn đầu tư công phù hợp với khả năng cân đối với ngân sách địa phương để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư các dự án, công trình thực sự cấp bách, thiết yếu về y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông phù hợp quy hoạch và có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển KT-XH.
Các cơ chế, chính sách phát triển KT-XH được đề xuất tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho khu vực biên giới; đồng thời có tác động khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào, khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, khá giả, phát triển cùng cộng đồng, cùng đất nước.
Phát triển KT-XH vùng biên giới đất liền gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường tiềm lực và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lãnh thổ. Tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân khu vực biên giới.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triệt để thực hiện phân cấp, giao quyền, xác định rõ và gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và nhân dân trong việc triển khai quyết liệt các chủ trương, chính sách, phát triển bền vững KT-XH một cách toàn diện tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho khu vực biên giới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và chính sách thương mại biên giới.
5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Nghị quyết 23 đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: 1- Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới; 2- Huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút nguồn lực phát triển kinh tế khu vực biên giới; 3- Phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới; 4- Phát triển sản xuất khu vực biên giới; 5- Thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững ở khu vực biên giới.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, vốn viện trợ và vốn vay ưu đãi cho các dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực biên giới. Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các vùng biên giới.
Các bộ, ngành có liên quan và địa phương có biên giới ưu tiên dành nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối từ vùng kinh tế phát triển tới vùng khó khăn; trong đó cần thực hiện việc rà soát và xác định rõ đối tượng, địa bàn cụ thể, những công trình thực sự cần thiết, cấp bách, có tính liên kết vùng tại khu vực biên giới để tạo động lực thúc đẩy phát triển, bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, kéo dài và phù hợp chủ trương “kết hợp quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh”.
Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển logistics tại các cửa khẩu biên giới như: kết nối sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm khu vực biên giới; mở rộng thị trường, hệ thống phân phối hàng hóa trong và ngoài nước. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, hướng dẫn, đôn đốc UBND các tỉnh biên giới triển khai Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thường xuyên nắm bắt tình hình, theo dõi chặt chẽ các hoạt động và chính sách kinh tế, thương mại biên giới để đánh giá tác động, có giải pháp ứng phó phù hợp nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh có biên giới hướng dẫn thực hiện chính sách thuế, phí và lệ phí; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu tạo điều kiện thông quan hàng hóa, phát triển kinh tế khu vực biên giới. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp cho người lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương liên quan xây dựng, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp theo vùng chuyên canh tập trung, có quy mô phù hợp, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng miền gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP); hướng dẫn thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các cây có giá trị kinh tế cao gắn với việc hình thành các vùng chuyên canh, tập trung.
Các địa phương có biên giới lồng ghép các dự án, tiểu dự án phát triển sản xuất trong các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt; tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có kết hợp với nguồn vốn hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với địa bàn từng khu vực vùng biên giới…