Hội thảo là một trong số nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hoá quốc tế 2024” (Viet Nam International Sourcing 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 06-08/6/2024 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC).
Tìm kiếm cơ hội tiếp cận sâu vào hệ thống phân phối nước ngoài
Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thúc đẩy đà phục hồi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm - Cơ hội đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối quốc tế” được tổ chức nhằm cung cấp thông tin cập nhật, nhận định chuyên sâu về những thay đổi trong nhu cầu, thị hiếu, xu hướng tiêu thụ; xu thế phát triển, chuyển đổi của nhóm ngành thời trang, nội thất và gia dụng tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm; cũng như những khuyến nghị cụ thể để doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thích ứng tốt hơn với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia Hội thảo có cơ hội gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ với các Nhà thu mua nước ngoài nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng của Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào hệ thống phân phối quy mô lớn của nước ngoài.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Tạ Hoàng Linh cho biết, về tổng thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng đầy ấn tượng trong những năm qua, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường quốc tế, tạo dựng vị thế vững chắc và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng hiện đại toàn cầu.
Mặc dù chịu những khó khăn chưa từng có tiền lệ hậu Covid-19 khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, tuy nhiên kể từ đầu năm 2024, nhóm ngành hàng này đã đón nhận sự khởi đầu khá tích cực khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm dần phục hồi, qua đó báo hiệu triển vọng khả quan cho hàng thời trang, nội thất và gia dụng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn nội tại và những quy định ngày càng khắt khe từ thị trường xuất khẩu, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn... đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong duy trì đà tăng trưởng ổn định và tìm kiếm các cơ hội xâm nhập sâu hơn, đa dạng hơn vào các hệ thống phân phối lớn toàn cầu.
“Để có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ thị trường quốc tế, giúp lấy lại đà tăng trưởng cho các ngành hàng có thế mạnh kể trên, việc chuyển đổi xanh song song với áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu, không thê đảo ngược và xu thế này đang dần hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư trên bình diện toàn cầu.” - Ông Tạ Hoàng Linh nhận định.
Cần chủ động đầu tư để đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế
Tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhóm ngành thời trang, nội thất và đồ gia dụng Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay vẫn có nhiều lợi thế xuất khẩu, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan của từng thị trường.
Cụ thể, đối với ngành thời trang và nội thất, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh trong 5 tháng đầu năm 2024 ở mức khá cao, đạt 18,5 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng nhóm ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,2 tỷ USD, tăng 40%; kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 175,6 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành gia dụng ghi nhận tốc độ phát triển khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh đối với nhóm ngành máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023; nhóm túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt gần 142 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Trần Phú Lữ, việc xuất khẩu của ngành thời trang, nội thất và đồ gia dụng của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung vẫn đang phải đối diện với những khó khăn thách thức, cụ thể: (i) hạn chế về tài chính và nhân lực khiến việc cạnh tranh với các thương hiệu lớn trên thế giới trở nên khó khăn; (ii) khó khăn trong xây dựng và duy trì thương hiệu đòi hỏi nhiều chi phí và thời gian đầu tư; (iii) phụ thuộc bị động vào chuỗi cung ứng; (iv) thị trường xuất khẩu thế giới thay đổi nhanh chóng đòi hỏi các doanh nghiệp của ngành phải thích ứng liên tục để không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh; và (v) việc đáp ứng tiêu chuẩn xanh hoá, đặc biệt là tiêu chuẩn của Liên minh châu ÂU (EU) đòi hỏi doanh nghiệp phải tạo ra môi trường sản xuất và cung ứng xanh hơn, tuẩn thủ tiêu chuẩn về bền vững đối với các sản phẩm công nghiệp.
Trước những khó khăn thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp thời trang, nội thất, gia dụng cần phải cần định hình lại quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ xanh để tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải. Ngoài ra, việc xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững cũng đóng vai trò quan trọng. Các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các nhà cung ứng để đảm bảo rằng nguyên liệu và sản phẩm được sản xuất và vận chuyển một cách bền vững và hiệu quả.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thời trang, nội thất, gia dụng cũng cần chủ động đầu tư, áp dụng chuyển đổi số và sáng tạo công nghệ vào sản xuất và quản lý. Từ đó tạo ra các cơ hội tiếp cận các thị trường quốc tế.
Song song đó, với những đặc điểm của thị trường trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp ngành Thời trang, nội thất và gia dụng cần xây dựng một số phương án để ứng phó, linh hoạt trong sản xuất và điều hành, bám sát thị trường, đối tác để có những dự báo, xây dựng phương án cho sản xuất, duy trì hoạt động của doanh nghiệp, linh hoạt trong chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường mới tiềm năng.