4 điểm giống nhau
Kết quả kinh doanh những năm gần đây của Cửa hàng bán buôn, bán lẻ Hồng Hải tại tỉnh Hà Giang cho thấy một bức tranh khá thú vị. Trước đây, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 35kg chè búp khô, 15kg dược liệu, và hơn 4 lít mật ong.
Sau khi được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng cửa hàng thành Điểm bán hàng Việt Nam, mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 65 kg chè búp khô; 20 kg dược liệu; 12 lít mật ong. Đây là 1 trong số hơn 100 mô hình thí điểm bán hàng Việt Nam được Bộ Công Thương hỗ trợ trong Chương trình xây dựng mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020.
Cho đến nay, Điểm bán hàng Việt Nam được đánh giá là một điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch. Các điểm này gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với Chương trình bình ổn thị trường, an toàn thực phẩm và các chương trình khác tại địa phương.
Đồng thời, đây cũng là phương tiện để dòng chảy thương mại phát luồng cả chiều đi và chiều về: đưa hàng hóa Việt có chất lượng từ các địa phương khác đến tận tay người tiêu dùng tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản của đồng bào các dân tộc về bán tại các thành phố, đô thị.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp khi tổ chức, xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam đã ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa hoặc khu công nghiệp; khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu tại chỗ vẫn còn mỏng, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng với giá bán cạnh tranh.
Tiêu chí hàng đầu là hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt Nam phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... được thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương. Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10-15% sau khi được hỗ trợ.
Bên cạnh Điểm bán hàng Việt, các địa phương tổ chức nhiều hội chợ, phiên chợ hàng Việt đến với bà con vùng cao. 5 năm gần đây, các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Đăk Nông… đã tổ chức hàng trăm phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt về miền núi vùng cao trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực, dần làm thay đổi thói quen và nhận thức của người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên lựa chọn dùng hàng Việt, đặc biệt là người dân ở các huyện vùng cao.
Có 4 điểm giống nhau tại các phiên chợ, hội chợ này. Một là các doanh nghiệp đều được ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần chi phí vận chuyển hàng, chi phí lắp đặt gian hàng, quảng cáo, điện thắp sáng khi tham gia các phiên chợ, hội chợ.
Hai là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của các tỉnh chủ động tiếp cận với người tiêu dùng vùng cao là bà con các dân tộc. Cùng với việc đăng thông tin trên trang website, quảng bá trên đài phát thanh, truyền hình, báo địa phương, treo băng rôn tại các điểm sinh hoạt công cộng nơi đồng bào dân tộc cư trú, các cán bộ còn đến tận các thôn bản phát tờ rơi (là các loại hàng hóa có bán tại phiên chợ, hội chợ).
Thứ ba, Hàng hóa trưng bày, bán tại các phiên chợ, hội chợ hết sức sát thực với nhu cầu của bà con vùng cao như hàng may mặc (quần áo may sẵn, chăn, ga, gối, đệm …); đồ gia dụng (nhôm, nhựa …); thực phẩm (hàng khô, đồ hộp, nước mắm, bánh kẹo, đường, sữa, nước giải khát), giày dép, máy bơm nước…
Thứ tư, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Quản lý thị trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát, kiểm tra hàng hóa của các đơn vị tham gia phiên chợ, không để hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhái nhãn hiệu lọt vào. Cán bộ thường trực tại phiên chợ trong suốt thời gian trước, trong và sau phiên chợ, hội chợ để phối hợp, giải quyết các công việc có liên quan.
Địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia
Cùng với việc triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt Nam, đưa hàng Việt lên vùng cao, Bộ Công Thương huy động các doanh nghiệp, địa phương tham gia.
TP. Hồ Chí Minh đã mở rộng tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu với các địa phương trên cả nước, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ, hỗ trợ các địa phương đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, đặc biệt hỗ trợ cho các tỉnh miền núi như Đăk Nông, Đăk Lawk, Gia Lai, Lâm Đồng, An Giang.
Hà Nội tổ chức nhiều hội nghị giao thương, kết nối cung- cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố khác. Đưa doanh nghiệp Hà Nội tham gia trên 50 hội nghị, hoạt động giao thương kết nối cung- cầu hàng hóa tại các tỉnh Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, An Giang…;
Bên cạnh các địa phương, Bộ Công Thương cũng huy động doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp phân phối tham gia, điển hình là BigC. Cuối năm 2017, BigC ra mắt Chương trình “Sinh kế cộng đồng”.
Chương trình hoạt động dưới sự hỗ trợ và điều hành của một Ban điều hành độc lập bao gồm các đại diện của Bộ Công Thương, Hiệp hội bán lẻ, Ngân hàng, Viện nghiên cứu, các tổ chức Phi chính phủ và các lãnh đạo của Central Retail.
Tham gia chương trình này, người nông dân được định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và canh tác bởi chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, có cơ hội tiếp cận nguồn tài chính ứng trước cho việc sản xuất, được bao tiêu sản phẩm.
Nỗ lực kết nối cung cầu địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hàng hóa được lưu thông thuận lợi theo hai chiều: mang hàng hóa tiêu dùng, công nghệ phẩm, hàng hóa thiết yếu lên miền ngược; đưa đặc sản của 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn về miền xuôi.
Cuối năm 2020 , nhiều loại đặc sản của vùng cao Yên Bái như bưởi Đại Minh, cá hồ Thác Bà, chè Suối Giàng, măng, thịt sấy, xôi nếp Tú Lệ, gạo Bạch Hà, xôi ngũ sắc, cơm lam, cá sấy hồ Thác Bà, bánh chưng đen, ngô, táo mèo khô, các sản phẩm về quế, chè Bát Tiên… đã hiện diện tại BigC Hà Nội.
Trước đấy, người dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành cũng được tiếp cận các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Sơn La đạt Chứng nhận VietGAP, GlobalGAP của tỉnh Sơn La, như: xoài, bơ sáp, chuối tây Mộc Châu, Nhãn, bí xanh Mộc Châu, mướp hương Mộc Châu, thanh long ruột đỏ, đậu Hà Lan Mộc Châu, tỏi cô đơn Mộc Châu, dưa leo Mộc châu, cà chua Mộc Châu, rau cải mèo Mộc Châu, cải bắp Mộc Châu,…. thông qua Big C
Đặc biệt, nhằm góp phần tạo giá trị thương hiệu cho nông sản an toàn tỉnh Sơn La, Ban tổ chức dành hẳn 1 gian hàng để giới thiệu các sản phẩm rau trái vụ của huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La: Bắp cải, đậu cô ve, su su, cà chua, bí xanh. Đây là các sản phẩm của chương trình Sinh kế cộng đồng có tên “Hỗ trợ nông dân huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La”. Chương trình này nhằm phát triển sản xuất rau trái vụ và hỗ trợ sinh cải thiện sinh kế cho nông dân ở khu vực miền núi Tây Bắc.
Có thể nói, với việc kiến tạo dòng chảy thương mại phát luồng cả chiều đi và chiều về, chưa bao giờ hoạt động kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành phố, các khu đô thị với các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, nơi cư trú và canh tác của đồng bào các dân tộc lại được phát triển mạnh mẽ như thời gian gần đây, kết nối từ doanh nghiệp, hộ nông dân vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đại nhất trải dài khắp cả nước, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại, và nâng cao đời sống, thu nhập của bà con các dân tộc.