Cùng tham dự buổi làm việc còn có Bí thư Đảng uỷ Khối các doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.
Tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh một trong những điểm sáng về kinh tế được đánh giá cao trong năm 2018 là việc Chính phủ đã thành lập và đưa Uỷ ban vào hoạt động.
Nhắc lại khoảng thời gian 5 năm chuẩn bị cho việc thành lập Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định mô hình hoạt động hiện nay của cơ quan này đã được Chính phủ chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý trong và ngoài nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam và việc quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc các bộ, ngành bàn giao 19 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước về Uỷ ban trong năm qua chỉ là bước đầu, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban tiếp tục dày công nghiên cứu truyền thống lịch sử, văn hóa, nắm vững thực trạng, “chân tơ, kẽ tóc” của từng đơn vị để có cách ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ, công chức để có đội ngũ cán bộ tinh, gọn, có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
“Tuyển dụng cán bộ vào làm việc tại Uỷ ban phải bảo đảm các tiêu chí trong sáng, tự trọng và có trách nhiệm. Mỗi vị trí việc làm đều phải bảo đảm đủ khả năng xây dựng được 1 Đề án cải cách cách hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Không đủ các yếu tố này thì không nên vào và tuyển dụng vào làm việc tại Uỷ ban”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết cuối quý I/2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ công bố Sách trắng về thực trạng doanh nghiệp năm 2018, trong đó có nội dung so sánh hiệu quả sử dụng đồng vốn giữa doanh nghiệp Nhà nước với các doanh nghiệp khác, từ đó nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách.
Để đạt được yêu cầu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Ủy ban cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty. Phó Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban thoái toàn bộ vốn không phải lĩnh vực kinh doanh chính ra khỏi các tập đoàn, tổng công ty ở những lĩnh vực, địa bàn không cần nắm giữ (trừ trường hợp đặc biệt), chấm dứt việc phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.
19 doanh nghiệp do CMSC trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu
a) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;
b) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam;
c) Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
d) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam;
đ) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;
e) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;
g) Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
h) Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam;
i) Tổng công ty Viễn thông MobiFone;
k) Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam;
l) Tổng công ty Hàng không Việt Nam;
m) Tổng công ty Hàng hải Việt Nam;
n) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam;
o) Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam;
p) Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam;
q) Tổng công ty Cà phê Việt Nam;
r) Tổng công ty Lương thực miền Nam;
s) Tổng công ty Lương thực miền Bắc;
t) Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam;
u) Các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.