Đòn giáng mạnh lên sản xuất công nghiệp Trung Quốc
Khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc bắt đầu nhen nhóm nguy cơ từ đầu năm 2021, và thực sự bùng nổ vào tháng 6. Việc thiếu hụt nguồn cung than kết hợp với các biện pháp giảm lượng phát thải khí nhà kính trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tại Trung Quốc đang tăng lên đã khiến giá than đá trên thế giới tăng lên mức cao kỷ lục, dẫn tới việc siết chặt sử dụng điện tại nhiều nơi trên khắp Trung Quốc. Ít nhất 20 tỉnh tại nước này đã phải luân phiên cắt điện diện rộng nhằm duy trì hệ thống điện.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Trung Quốc tháng 9 chưa được công bố, nhưng dữ liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy tháng 8 đã ghi nhận mức tăng 5,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo 5,8% và thấp hơn mức 6,4% của tháng 7. Đây là mức tăng thấp nhất của công nghiệp Trung Quốc kể từ tháng 7/2020. Đặc biệt, IIP một số ngành ghi nhận tăng trưởng âm như sản xuất sợi (-2,5%), kim loại đen (-5,3%); một số ngành tăng trưởng chậm như thiết bị vận tải (1,3%), máy móc (1.3%), hóa chất (5,5%).
Trong khi đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 9/2021 của Trung Quốc chỉ đạt 49,6 điểm, thấp hơn mức 50,1 điểm. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ hồi tháng 2/2020, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất chế tạo của nước này giảm dưới ngưỡng 50 điểm, dấu hiệu cho thấy các hoạt động công nghiệp đã bị thu hẹp trong thời gian vừa qua.
NBS cho biết sự sụt giảm chỉ số PMI trong tháng vừa qua chủ yếu do tình trạng thiếu hụt năng lượng, mất điện diện rộng khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Các dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của các lĩnh vực công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng của Trung Quốc như lọc hoá dầu và luyện kim trong tháng vừa qua ở mức dưới 45 điểm, phản ánh sự sụt giảm đáng kể về sản lượng của những ngành này.
Bên cạnh đó, tình trạng giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh khiến hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy gặp khó khăn. Các chỉ số phụ trong bộ chỉ số PMI cho thấy giá nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng trước đạt tới 63,5 điểm, cao hơn nhiều so với mức 61,3 điểm hồi tháng 8. Trong khi đó, chỉ số đơn đặt hàng mới của các nhà máy tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp xuống còn 49,3 điểm.
Việt Nam nhập khẩu những gì từ Trung Quốc?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 72,04 tỷ USD, tăng 46,1% so cùng kỳ năm ngoái, chiếm 33,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch trên 100 tỷ USD.
Trong đó, một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc lớn là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,73 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,49 tỷ USD; vải các loại 6,05 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 5,74 tỷ USD; sắt thép các loại 3,52 tỷ USD; chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo 4,27 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày 2,15 tỷ USD;…
Có thể thấy, trong gần 50 nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp chiếm hơn một nửa số nhóm hàng. Đáng lưu ý, trong tháng 8/2021, cả nước chi 1,89 tỷ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày (bông các loại; vải các loại; xơ, sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may, da giày).
Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 17,7 tỷ USD, tăng 29,4%, tương ứng tăng hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng lên đến 52%, với kim ngạch đạt 9,2 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung nguyên vật liệu chưa bị ảnh hưởng
Với con số này, lo ngại về ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đối với nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu là đầu vào cho các ngành sản xuất của Việt Nam không phải không có cơ sở.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay thời gian qua Bộ đã thường xuyên tổ chức làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp để lắng nghe và trao đổi các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp công nghiệp. Và đến nay, các doanh nghiệp chưa có phản ánh, kiến nghị và lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, trong đó có nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc, cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với Tạp chí Công Thương, một số doanh nghiệp dệt may, da giày và doanh nghiệp ngành nhựa, cao su cũng đã xác nhận rằng nguồn cung đầu vào từ phía Trung Quốc vẫn đang ổn định, chưa có dấu hiệu bất thường.
“Việc này có thể do các nỗ lực hiệu quả nhằm bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa và xuất nhập khẩu của Chính phủ trong thời gian vừa qua, cũng như kinh nghiệm của Chính phủ và các doanh nghiệp trong việc bảo đảm, dự trữ nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất từ kinh nghiệm ứng phó với việc đứt gãy nguồn cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 từ đầu năm 2020”, ông Nguyễn Ngọc Thành nhận định.
“Một số mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, như mặt hàng thép xây dựng, trong nước cũng đã tự chủ được và không cần phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài”.
Mặt khác, tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian qua cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam, phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là tạm ngừng hoạt động do các điều kiện chống dịch của các địa phương, dẫn đến năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm. Nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong thời gian vừa qua do đó chưa phải là vấn đề lớn đối với các ngành sản xuất.
Do đó, nhìn chung, biến động trong ngắn hạn từ phía Trung Quốc trong thời điểm này chưa gây ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước.
Theo Tân Hoa Xã, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đang nỗ lực triển khai các giải pháp để gia tăng nguồn cung than và khí tự nhiên cho các dự án năng lượng lớn của nước này thông qua hợp đồng dài hạn với các mỏ than, đặc biệt tại các tỉnh có thế mạnh về khai thác than như Thiên Tân, Hà Bắc, Nội Mông Cổ, Hắc Long Giang và Hồ Nam, nhằm đảm bảo điện phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Dù vậy, trong dài hạn, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng nhanh trở lại. Bộ Công Thương khẳng định sẽ thường xuyên tổ chức làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp về vấn đề bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu và trong trường hợp cần thiết sẽ tổ chức làm việc, trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng bên phía Trung Quốc để hạn chế các tác động đến nguồn cung nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp trong nước.
“Bộ cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ phía Trung Quốc cho sản xuất trong nước từ năm 2020 đến nay, do đó dự kiến sẽ hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong vấn đề này”, ông Nguyễn Ngọc Thành cho hay.