Khuyến công Hà Nam: Hỗ trợ thiết thực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Thời gian qua, các hoạt động khuyến công của tỉnh Hà Nam ngày càng phát huy hiệu quả hơn, quy mô, chất lượng các đề án được nâng cao . Công tác khuyến công ngày càng được lan tỏa, có nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đăng ký tham gia và được khảo sát, hỗ trợ kịp thời.

Quy mô, chất lượng các đề án được nâng cao

Với hoạt động khuyến công quốc gia năm 2023, Sở Công Thương Hà Nam (gọi tắt là Sở Công Thương) đã tổ chức hỗ trợ cho 15 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng dệt may, cơ khí, chế biến thực phẩm với nguồn kinh phí hỗ trợ là 4,4 tỷ đồng; hỗ trợ 2 cơ sở CNNT về tư vấn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh với nguồn kinh phí 70 triệu đồng/2 cơ sở. 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương đã và đang tổ chức hỗ trợ cho 6 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất hàng dệt may với nguồn kinh phí hỗ trợ là 1,8 tỷ đồng.

khuyến công

Kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 hỗ trợ cho Công ty TNHH nội thất APM ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đồ gỗ

Bên cạnh đó, đối với hoạt động khuyến công địa phương năm 2023, Sở Công Thương đã hỗ trợ cho 4 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất dệt lụa; chế biến sữa; cơ khí; nông sản với tổng kinh phí 1 tỷ đồng; hỗ trợ cho 4 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất gốm; thức ăn chăn nuôi; cơ khí; nông sản với tổng kinh phí 999 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2024, Sở Công Thương đã chỉ đạo triển khai đề án hỗ trợ cho 4 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với nguồn kinh phí hỗ trợ là 1 tỷ đồng.

Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Việc khuyến khích các cơ sở công nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất là rất cần thiết, vừa giúp thực hiện các chính sách của Nhà nước, vừa giúp cơ sở CNNT đẩy nhanh năng suất lao động, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nhân lực, hoàn thành vượt mức kế hoạch giao hàng cho đối tác, từ đó gia tăng nguồn lợi nhuận đáng kể. Từ việc nâng cao năng lực sản xuất cho các cơ sở cũng làm tăng thêm uy tín, thương hiệu đối với thị trường, qua đó gia tăng được các đơn hàng có giá trị cao, tăng thu nhập cho lao động cũng như đẩy mạnh sự phát triển bền vững cho cơ sở CNNT, góp phần phát triển công nghiệp của tỉnh ổn định và bền vững.

Ngoài ra, việc tham gia vào hoạt động khuyến công không những giúp cơ sở CNNT duy trì hoạt động sản xuất, đứng vững, phát triển mà còn góp phần duy trì và phát triển các nghề thủ công truyền thống tại địa phương như nghề sản xuất gốm, dệt vải… đáp ứng nhu cầu thực tế tại địa phương và chính sách phát triển nghề của tỉnh.

Hợp tác xã sông trong ao Hải Đăng ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023

Hợp tác xã sông trong ao Hải Đăng ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023    

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện các đề án khuyến công còn gặp phải một số khó khăn như: Một số cơ sở gặp khó  trong quá trình mua sắm máy móc, thiết bị do đại lý Việt Nam không nhập được máy, khó khăn về huy động nguồn lực tài chính để đầu tư. Nhiều cơ sở có nhu cầu hỗ trợ chưa được thực hiện, một số nội dung hoạt động khuyến công chưa được thực hiện vì nguồn kinh phí trung ương, địa phương dành cho hoạt động khuyến công còn hạn chế.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức hỗ trợ cho 3 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất cơ khí với nguồn kinh phí KCQG hỗ trợ 900 triệu đồng; hỗ trợ cho 4 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 770 triệu đồng; tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng và các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dệt may; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và xuất bản ấn phẩm về sản phẩm OCCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng thời tăng cường công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới Sở Công Thương đặt ra một số giải pháp như: Triển khai nhiệm vụ bám sát các quy định hiện có của nhà nước về khuyến công, các nhiệm vụ được Bộ Công Thương, UBND tỉnh giao; chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành đặc biệt với những đề án điểm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt hoạt động khuyến công, đồng thời hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng hoàn thành tốt các dự án được phê duyệt.

Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các đề án đúng tiến độ, sử dụng kinh phí đúng mục đích theo quy định hiện hành; tập trung hỗ trợ phát triển ngành dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, hình thành các cụm liên kết chuỗi ngành, xây dựng các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tàu, có tính dẫn dắt tại địa phương.

Minh Trí