Bình Định: Đề án khuyến công nhóm giúp phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ hiệu quả

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định đã xây dựng đề án khuyến công địa phương nhóm năm 2024 “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến gỗ” cho 03 đơn vị thụ hưởng tại tỉnh Bình Định với tổng kinh phí thực hiện là 2.259,480 triệu đồng.

Với mục tiêu hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong lĩnh vực chế biến gỗ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, thay thế lao động thủ công bằng máy móc thiết bị tiên tiến, đồng bồ, giảm thời gian sản xuất, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định đã xây dựng đề án khuyến công địa phương nhóm năm 2024 “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến gỗ” (gọi tắt là đề án nhóm) cho 03 đơn vị thụ hưởng tại tỉnh Bình Định gồm: Công ty TNHH tổng hợp Phương Nghi sản xuất tủ bếp, bàn ghế, tủ treo đồ, giường, bàn làm việc,...; Công ty TNHH khai thác và chế biến lâm sản An Sinh sản xuất gỗ ghép cung cấp cho các xưởng gỗ lớn dùng làm hàng nội, ngoại thất; Công ty TNHH MTV Thương mại Minh Quân sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất.

Tổng kinh phí thực hiện đề án nhóm trên là 2.259,480 triệu đồng. Trong đó, kinh phí đầu tư của 03 Công ty là 1.659,480 triệu đồng; kinh phí hỗ trợ từ khuyến công địa phương là 600,000 triệu đồng.

Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến gỗ” do Công ty TNHH tổng hợp Phương Nghi
Ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến gỗ tại Công ty TNHH tổng hợp Phương Nghi đã giúp tiết kiệm được thời gian sản xuất, công xuất ổn định, năng suất tăng, chất lượng sản phẩm được đồng đều chính xác cao

Ông Nguyễn Trung Nhuật - Giám đốc Công ty TNHH tổng hợp Phương Nghi vui vẻ chia sẻ: Sau khi nhận được nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ cùng với vốn đối ứng của Công ty, Công ty đã đầu tư cụm 04 máy gồm: Máy dán cạnh 7 chức năng; máy cưa bàn trượt; máy phay CNC 1 đầu; máy khoan ngang CNC 2 đầu vào sản xuất với công suất dự kiến 6.000m2/năm.

Việc đầu tư mới các máy móc thiết bị trong chế biến gỗ với thiết bị tiên tiến, hiện đại và đồng bộ đã giúp Công ty tiết kiệm được thời gian sản xuất, công xuất ổn định, năng suất tăng, chất lượng sản phẩm được đồng đều chính xác cao, nâng cao giá trị thẩm mỹ. Cùng với đó, tiết kiệm chi phí nhân công và thời gian lên đến 40%; đảm bảo an toàn lao động, giảm giá thành sản phẩm giúp tiến độ bàn giao trở nên nhanh chóng; giải quyết nguồn lao động thiếu tay nghề, phụ thuộc vào thợ.

Đáng chú ý, về hiệu quả kinh tế theo tính toán của Công ty máy móc mới đi vào sản xuất, trung bình Công ty cung cấp cho thị trường khoảng 6.000 m2/năm đồ gỗ nội thất các loại, với lợi nhuận thu được 180 triệu đồng/năm sau khi trừ các khoản chi phí, chỉ số sinh lời đạt 29% và sau 27 tháng Công ty có thể thu hồi vốn, mở rộng sản xuất. Điều đó cho thấy việc Công ty đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất đồ gỗ nội thất là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế.

khuyến công
Từ nguồn khuyến công địa phương hỗ trợ, Công ty TNHH MTV Thương mại Minh Quân đầu tư máy phay CNC 8 trục 32 dao đa năng đã cho năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm đồng đều nhau, cho khả năng gia công có độ chính xác cao và cho sản phẩm hoàn thiện nhất.

Còn đối với Công ty TNHH MTV Thương mại Minh Quân trước đây sản xuất bằng phương pháp cũ chất lượng sản phẩm còn hạn chế, thiếu ổn định và chưa giải quyết triệt để nguồn nguyên liệu; độ chính xác không cao, an toàn vệ sinh môi trường chưa đảm bảo; tốn thời gian và nhân công, giá thành sản phẩm cao. Được hỗ trợ 200.000 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương Công ty đã mạnh dạn đầu tư 01 máy phay CNC 8 trục 32 dao đa năng vào sản xuất đồ gỗ nội, ngoại thất với công suất dự kiến 5.000m3/năm. Ông Hồ Xuân Chính  - Giám đốc Công ty chia sẻ: Đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất đã giúp Công ty gia công 8 trục cùng lúc, cho năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm đồng đều nhau, cho khả năng gia công có độ chính xác cao và cho sản phẩm hoàn thiện nhất; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người.

hờ nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã tạo ra sản phẩm đẹp để khách hàng có nhiều sự lựa chọn sản phẩm.

Việc ứng dụng máy móc vào sản xuất gỗ ghép đã giúp Công ty TNHH khai thác và chế biến lâm sản An Sinh nâng cao năng suất sản phẩm, thẩm mỹ hơn

Là một đơn vị sản xuất gỗ ghép cung cấp cho các xưởng gỗ lớn dùng làm hàng nội, ngoại thất. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương và vốn đối ứng của doanh nghiệp, ông Nông Tuấn Anh - Giám Đốc Công ty TNHH khai thác và chế biến lâm sản An Sinh đã ứng dụng máy bào 2 mặt 610; máy cưa rong Ripsaw lưỡi dưới Yuhfarn; máy ghép dọc 2,5mét vào sản xuất. Từ đó đã giúp Công ty nâng cao năng suất sản phẩm, thẩm mỹ hơn; xử lý triệt để nguồn nguyên liệu. Tân dụng được tất cả các loại gỗ không đủ quy cách bào láng mặt, ghép lại thành tấm có kích thước lớn, dùng để đóng mặt bàn, tủ đồ trang trí nội thất. Giá thành thấp, mẫu mã đẹp, bền, đặc biệt tiết kiệm được nguồn nguyên liệu.

Có thể thấy, đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến gỗ” đi vào hoạt động đã hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế theo hướng tăng dần lao động công nghiệp và dịch vụ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tiến tới hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thực hiện đạt chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Định và sản phẩm làm ra đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hoàng Dương