TÓM TẮT:
Nền kinh tế nói chung, công nghiệp nói riêng của bất cứ quốc gia nào cũng đều chịu tác động của quy luật hiệu suất cận biên giảm dần theo quy mô, chính bởi vậy luôn có một điểm dừng của sự phát triển, mà không thể tăng trưởng mãi mãi. Tuy nhiên, quy mô đạt điểm dừng của mỗi quốc gia là khác nhau; có quốc gia điểm dừng thiết lập tại quy mô rất lớn, sau nhiều năm phát triển; có quốc gia thiết lập điểm dừng ở quy mô khá nhỏ, thời gian rất ngắn, trở nên trì trệ, nghèo nàn và lạc hậu. Sau khi điểm dừng diễn ra, sẽ có nhiều thay đổi về định hướng đầu tư phát triển. Bài báo chỉ ra quy luật phát triển công nghiệp của các nước phát triển, quy luật phát triển công nghiệp của Việt Nam, thời điểm đạt trạng thái dừng, và đưa ra định hướng tốt nhất cho phát triển công nghiệp Việt Nam.
Từ khóa: Công nghiệp Việt Nam, quy luật phát triển công nghiệp, kinh tế Việt Nam.
I. Đặt vấn đề
Nền công nghiệp của một số nước phát triển đã đạt đến đỉnh cao. Sự phát triển ấy nhờ những nhân tố không thể thiếu: tài nguyên, vốn, lao động và công nghệ. Bất kỳ nền công nghiệp nào cũng trải qua các giai đoạn theo một quy luật phát triển nhất định, quy luật này gắn với lý thuyết kinh tế, lý thuyết phát triển mang tính thực chứng cao của những nhà kinh tế học nổi tiếng, các lý thuyết này đã được chứng minh và thừa nhận.
Tính tới nay, ngành Công nghiệp Việt Nam đã trải qua hơn 60 năm phát triển. Trong 60 năm ấy, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn như phát triển thành công nhiều nhóm ngành công nghiệp nhẹ, một số nhóm ngành công nghiệp nặng, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng tăng năng suất,... Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân so sánh thì năng lực phát triển, tốc độ phát triển của ngành Công nghiệp Việt Nam lại thua rất xa những nền công nghiệp của các nước phát triển. Theo thời gian, khoảng cách này ngày càng lớn. Vậy, nguyên nhân do đâu? và hướng đi cho công nghiệp Việt Nam như thế nào để kinh tế Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn?
II. Đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
1. Đối tượng nghiên cứu
Quốc tế (các nước phát triển): Quy luật phát triển công nghiệp của hai nước điển hình đã trải qua thời kỳ đỉnh cao của phát triển công nghiệp là Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Với Việt Nam: Nghiên cứu chọn mẫu, nghiên cứu quy luật phát triển công nghiệp của tỉnh Hải Dương, một tỉnh nhiều năm được quan tâm phát triển công nghiệp.
2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp định tính: Nghiên cứu quan sát, dùng những lý thuyết kinh tế, lý thuyết phát triển như lý thuyết Rowtos, lý thuyết Solow để lý giải các quy luật phát triển.
Phương pháp định lượng: Dùng phương pháp thống kê và hồi quy, tương quan để lượng hóa, sử dụng mô hình kinh điển của phát triển là mô hình Solow, gồm các nhân tố như: năng suất tổng hợp, quy mô vốn, quy mô lao động để phân tích.
III. Kết quả nghiên cứu và diễn giải phân tích kết quả
1. Kết quả nghiên cứu
Mô hình phát triển công nghiệp của Hoa Kỳ nghiên cứu từ năm 1860 - 2015:
Y = 4,70355
Mô hình phát triển công nghiệp của Nhật Bản chia theo 2 giai đoạn từ năm 1870 - 1945 và 1945 - 2015:
- Giai đoạn 1870 - 1945: Y = 7,94327
- Giai đoạn 1945 - 2015: Y = 3,548004
Theo tính toán trong nghiên cứu trên thì thời điểm ngừng có sự tăng trưởng năng suất công nghiệp tại Hoa Kỳ vào năm 1970, còn Nhật Bản vào năm 1960. Đây cũng chính là thời điểm kết thúc giai đoạn trưởng thành, chuyển sang giai đoạn tiêu dùng cao, khi đó ngành Dịch vụ sẽ là ngành mũi nhọn chính, đóng góp phần lớn trong cơ cấu GDP. Tại thời điểm này, trong phân tích của mô hình solow là trạng thái dừng. Trạng thái mà khấu hao đầu tư rất lớn do lượng vốn tư bản khổng lồ, vượt cao hơn cả khả năng đầu tư, tiếp tục đầu tư sẽ không tạo nên tăng trưởng, mà thậm chí làm suy giảm tăng trưởng, gây ra lãng phí vốn.
Tại trạng thái dừng, ngành Công nghiệp sẽ gặp những hiện tượng sau:
- Thứ nhất, chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao. Do khi ngành Công nghiệp có quy mô rất lớn, lượng tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu ở mức rất cao, sẽ làm cạn kiệt nguồn nhiên nguyên vật liệu trong nước, gây ra sự khan hiếm, phải sử dụng nguồn nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài, giá nguyên nhiên vật liệu tăng lên đáng kể.
- Thứ hai, chi phí vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng cao. Hiển nhiên khi quy mô sản xuất lớn, chi phí cận biên rất cao, chi phí này sẽ tăng rất nhiều.
- Thứ ba, chi phí nhân công cao. Sản phẩm sản xuất ra phục vụ tiêu dùng, một trong số lực lượng tiêu dùng sản phẩm chính là những người lao động. Khi trả thù lao quá thấp sẽ làm giảm sức tiêu dùng đáng kể, đây cũng chính là bài học của cuộc khủng hoảng dư thừa giai đoạn 1929 - 1933. Nên buộc các nhà quản lý phải trả những người công nhân một khoản tương xứng, để tạo sự cân bằng trong cung cầu hàng hóa, hàng hóa sản xuất ra phải tiêu thụ được mới tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nền sản xuất công nghiệp tạo nên lượng sản phẩm càng lớn thì chi phí trả cho công nhân càng cao. Hơn nữa, sự xuất hiện của công đoàn và sự đấu tranh của các công nhân cũng buộc các doanh nghiệp phải tăng lương.
Như vậy, kết quả tại trạng thái dừng, chi phí sản xuất tăng rất cao. Tại thời điểm này, các nước phát triển đã phải tìm cách thu hẹp sản xuất trong nước và đẩy các cơ sở công nghiệp ra phát triển ở nước ngoài, những nước công nghiệp chưa thực sự đạt điểm dừng, có chi phí sản xuất thấp hơn. Như vậy tại thời điểm này sẽ thay đổi định hướng đầu tư phát triển công nghiệp như sau: thay đổi cơ cấu đầu tư trong nước, tăng đầu tư phát triển dịch vụ trong nước, tăng đầu tư ra nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp.
Với mô hình phát triển công nghiệp của Việt Nam:
Y = 1,38.K0,61.L0,11
Và với tiềm lực trong nước, trạng thái dừng của công nghiệp Việt Nam diễn ra chỉ ở năm 2002, nếu thu hút được vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay vào công nghiệp có thể chuyển dịch trạng thái dừng tới năm 2048.
Công nghiệp Việt Nam phát triển theo chiều hướng sử dụng nhiều vốn, nhờ các chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút vốn lớn từ trong và nước ngoài, hệ số vốn lớn hơn nhiều hệ số của lao động. Hệ số lao động khá nhỏ cho thấy, Việt Nam sử dụng khá nhiều lao động ở trình độ thấp, vốn nhân lực bị hạn chế là nguyên nhân chính làm cho nền công nghiệp chịu tác động rất mạnh bởi quy luật hiệu quả giảm theo quy mô. Mặt khác, nhân tố năng suất tổng hợp (hệ số A) chỉ ở mức 1,38 đơn vị, khá thấp so với nhiều nền công nghiệp khác, trong đó có công nghiệp của Mỹ, Nhật Bản mà tác giả đã tính toán, phân tích.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, nền công nghiệp của chúng ta đang gặp phải 2 vấn đề nghiêm trọng là năng suất nhân tố tổng hợp thấp và trình độ lao động ở mức thấp. Hai yếu tố này là nguyên nhân căn bản làm nền công nghiệp của Việt Nam bị dừng nhanh chóng. Nhân tố năng suất tổng hợp bị ảnh hưởng bởi công nghệ rất lớn. Tuy nhiên, sự cải thiện công nghệ ở Việt Nam là hết sức chậm chạp do chúng ta có xuất phát điểm thấp và hạn chế về kinh phí nên công tác nghiên cứu phát triển công nghệ gặp nhiều khó khăn, đồng thời việc nhận chuyển giao công nghệ cho người Việt Nam luôn đi sau công nghệ của các nước phát triển. Chúng ta có thể có hình dung sinh động như sau: Vào những năm 1960, các nước phát triển người ta đã di chuyển bằng ô tô, thì Việt Nam được nhận về những chiếc xe đạp. 20 năm sau, khi người dân Việt Nam bắt đầu dùng những chiếc xe máy chuyển giao thì những nước phát triển đã có rất nhiều phương tiện hiện đại hơn như tàu điện ngầm. Và nay, khi người dân Việt Nam đã có nhiều ô tô để đi thì các nước phát triển đã chế tạo ra cả xe ô tô bay. Đó là câu chuyện vui về công nghệ trong tiêu dùng, tuy nhiên cầu mới là nguyên nhân để cung phát triển. Nền công nghệ sản xuất cũng như vậy, chúng ta luôn nhận chuyển giao những công nghệ kém của các nước phát triển bình quân khoảng 40 năm.
2. Diễn giải phân tích kết quả
- Về quy luật phát triển công nghiệp của các nước phát triển:
Theo lý thuyết phát triển kinh tế của Rowtos, sự phát triển kinh tế trải qua 5 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Xã hội truyền thống cũ
Giai đoạn này thuần túy phát triển nông nghiệp, đời sống thấp, thiếu thốn nhiều thứ.
Giai đoạn 2: Chuẩn bị cất cánh
Đây là giai đoạn có sự thay đổi trong khoa học kỹ thuật, bắt đầu xuất hiện các mô hình xí nghiệp, cơ sở công nghiệp. Đây là giai đoạn đầu của quá trình phát triển công nghiệp, tạo nên những đột biến nhất định của nền sản xuất.
Giai đoạn 3: Cất cánh
Công nghiệp phát triển, lĩnh hội sự đột biến của khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển theo hướng năng suất cao, giải phóng sức lao động của con người, tạo ra sản phẩm dồi dào, các ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim phát triển mạnh. Đây là thời kỳ tăng trưởng mạnh của ngành Công nghiệp.
Giai đoạn 4: Trưởng thành
Nền công nghiệp phát triển đến đỉnh cao, hiện đại gắn liền với sự ra đời của tầng công nghệ đột phá về điện tử, tự động hóa.
Giai đoạn 5: Tiêu dùng cao
Nền sản xuất đạt trình độ xã hội hóa cao, quốc gia thịnh vượng, ngành Dịch vụ phát triển mạnh, hay đạt đến xã hội tiêu dùng nhưng lại bị hiện tượng giảm sút sự tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, ngành Công nghiệp tại các quốc gia “xã hội tiêu dùng” đạt điểm dừng của sự phát triển.
Như vậy trên đây là lý thuyết vận dụng để quan sát, từ các quan sát thực tiễn quá trình phát triển công nghiệp của các nước phát triển, tác giả có thể đưa ra nhận định về quy luật phát triển công nghiệp của các nước phát triển, tức các nước đã trải qua thời kỳ đỉnh cao của công nghiệp hóa như sau:
- Giai đoạn chuẩn bị cất cánh, bắt đầu xuất hiện công nghiệp. Ở các nước phát triển diễn ra từ năm 1784, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất, con người chuyển từ lao động chân tay sang sử dụng máy móc như máy hơi nước, máy dệt... Thời kỳ này, đầu tư phát triển các ngành khai thác, công nghiệp nặng phát triển mạnh.
- Giai đoạn cất cánh, công nghiệp phát triển mạnh. Ở các nước phát triển diễn ra từ năm 1840, cuộc CMCN lần thứ II, con người chế tạo ra các loại động cơ đốt trong, chế tạo ra các máy móc sử dụng điện. Thời kỳ này đầu tư phát triển các ngành Cơ khí, chế tạo máy, các ngành công nghiệp sản xuất phát triển mạnh do có công cụ, máy móc hiện đại, năng suất cao.
- Giai đoạn trưởng thành, công nghiệp đạt đến đỉnh cao. Ở các nước phát triển giai đoạn này diễn ra từ năm 1960, cuộc CMCN lần thứ III, con người phát minh ra công nghệ điện tử, viễn thông, mạng internet, máy tính. Thời kỳ này, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.
- Giai đoạn tiêu dùng cao, công nghiệp đạt điểm dừng của sự tăng trưởng. Đến thời điểm này, ở các nước phát triển, công nghiệp bắt đầu dần ngừng tăng trưởng theo chiều rộng, cơ cấu ngành thay đổi, chuyển hướng sang đầu tư phát triển dịch vụ, dịch vụ ở các nước phát triển hiện nay đạt 70% trong cơ cấu kinh tế, tạo nên một xã hội tiêu dùng.
- Về vị trí phát triển của công nghiệp Việt Nam:
Hiện tại, ở hầu hết các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, hầu như mới hoàn thiện ở giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ hai, tức là tương đương thời điểm trước năm 1960 của các nước phát triển. Một số nước cận phát triển như Đài Loan, Malayxia... mới bắt đầu bước sang giai đoạn thứ ba.
Đến đây câu hỏi đặt ra là liệu những nước đang phát triển như Việt Nam có thể đuổi kịp các nước phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay không? Câu trả lời là có hoặc cũng có thể là không bao giờ đuổi kịp. Tất cả tùy thuộc vào nhận thức và đường lối phát triển kinh tế.
Thực tế đã diễn ra, bất kỳ ngành Công nghiệp của nền kinh tế nào cũng chịu tác động bởi quy luật hiệu quả giảm theo quy mô, hoặc có thể hiểu là quy luật năng suất cận biên giảm theo quy mô. Quy luật này làm cho bất kỳ nền kinh tế nào cũng có một điểm dừng của sự phát triển. Tuy nhiên thời gian đi tới điểm dừng này của mỗi nước là khác nhau. Một số nước đạt đến quy mô rất lớn mới đạt trạng thái dừng, một số thì đạt điểm dừng khi quy mô còn rất nhỏ, những quốc gia này đại diện cho các quốc gia nghèo khó và chậm phát triển.
Những nguyên nhân cốt lõi đưa đến sự nghèo khó và chậm phát triển này chủ yếu nằm ở công nghệ, vốn và trình độ lao động. Để làm rõ thực trạng phát triển công nghiệp ở Việt Nam và so sánh với các nước phát triển, tôi đưa ra mô hình nghiên cứu quy luật phát triển công nghiệp theo mô hình phát triển kinh tế của Solow có dạng như sau: Y = AKα Lβ
Với:
Y là GDP do ngành Công nghiệp tạo nên các mốc thời gian quan sát.
K là vốn tư bản hình thành, đầu tư vào ngành Công nghiệp các mốc quan sát.
L là số lượng lao động trong ngành Công nghiệp các mốc quan sát.
A là nhân tố năng suất nhân tố tổng hợp, A tạo tăng trưởng vĩnh viễn.
α cho biết đóng góp của nhân tố vốn cho tăng trưởng sản lượng.
β cho biết đóng góp của nhân tố lao động cho tăng trưởng sản lượng.Đối với nhóm nước phát triển, tác giả đã nghiên cứu đại diện là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Còn với Việt Nam, tác giả chọn mẫu nghiên cứu công nghiệp là tỉnh Hải Dương với lý do tỉnh Hải Dương là một trong những tỉnh công nghiệp được quan tâm phát triển trong nhiều năm qua, có thể lấy đó làm đại diện được.
IV. Kết luận
Theo nghiên cứu mà tác giả đã thực hiện, có thể thấy công nghiệp Việt Nam vẫn luôn có khoảng cách rất lớn với các nước phát triển (hay còn có thể gọi là các nước có nền công nghiệp phát triển). Khoảng cách này được tạo ra bởi hai nguyên nhân chính là: trình độ lao động và công nghệ.
Trình độ lao động có thể được cải thiện nhanh chóng bằng các biện pháp liên quan đến giáo dục đào tạo. Nhưng vấn đề công nghệ thì lại là một vấn đề nan giải với lý do sự phát triển công nghệ phụ thuộc rất lớn sự đầu tư cho phát triển công nghệ, mà sự đầu tư này cần một quy mô vốn rất lớn mới có thể tạo nên sự đột phá nhất định.
Mặt khác, công nghiệp chính là một ngành cần vốn đầu tư rất lớn, kỹ thuật công nghệ cao, khấu hao cao vì chịu tác động mạnh bởi quy luật năng suất cận biên giảm theo quy mô, đầu tư nhiều cho công nghiệp phát triển không phải hướng đi tốt cho việc tận dụng những lợi thế sẵn có của Việt Nam
Theo nhận định của riêng tác giả, lợi thế mạnh nhất của Việt Nam là: Người Việt Nam có sự thông minh, trí tuệ, có sự chủ động sáng tạo rất cao. Thực tế, điều này đã giúp chúng ta có nhiều thắng lợi lớn trong đánh đuổi ngoại xâm, phát triển đất nước. Đặc biệt, điều này phù hợp cho phát triển ngành Dịch vụ. Ngành Dịch vụ không cần quá lớn về vốn vật chất, nhưng lại cần sự thông minh sáng tạo cao, cũng là ngành tạo ra nhiều giá trị GDP với hiệu quả đầu tư cao, lại có thể thay đổi tích cực văn hóa, ít gây tổn hại môi trường tương đối so với ngành Công nghiệp.
Theo nghiên cứu của tác giả, đến một lúc nào đó ở bất cứ quốc gia nào đều tới điểm dừng phát triển công nghiệp và lúc đó ngành Dịch vụ lên ngôi. Theo đó, định hướng phát triển kinh tế với công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung như sau:
Hoàn toàn để các nước phát triển làm công nghiệp thay Việt Nam, trừ một số ngành đặc biệt như công nghiệp quốc phòng, công nghiệp khoáng sản,... Đồng thời, định hướng tư nhân trong nước sang phát triển hoàn toàn ngành Dịch vụ, chiếm lĩnh ngành Dịch vụ.
Làm như vậy sẽ tận dụng được vốn khổng lồ của tư bản kết hợp với công nghệ hiện đại bậc nhất để có một nền công nghiệp hiện đại, năng suất cao. Đồng thời, tư nhân trong nước có thể chiếm lĩnh ngành dịch vụ, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành nước xã hội tiêu dùng phồn vinh và thịnh vượng như Hoa Kỳ, Nhật Bản ngày nay. Ngành Dịch vụ cũng là một ngành tạo ra nhiều giá trị, tạo nhiều GDP. Ngành Dịch vụ yêu cầu cao về vốn nhân lực, có thể khai thác tối đa sự thông minh của người Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nghiên cứu của chính tác giả trong đề tài thạc sĩ “Đầu tư phát triển công nghiệp Hải Dương theo định hướng phát triển bền vững giai đoạn 2010 - 2015”, Đại học Kinh tế quốc dân - 2017.
2. Giáo trình Kinh tế Phát triển - TS. Phạm Ngọc Linh & TS. Nguyễn Thị Kim Dung - NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2015.
3. Giáo trình Kinh tế lượng - TS. Nguyễn Quang Dong - Đại học Kinh tế quốc dân.
3. Từ điển Bách khoa điện tử - www.wikipedia.com
4. Niên giám thống kê của Cục Thống kê Hải Dương
5. Dữ liệu, vốn, lao động sản lượng công nghiệp từ website Trung tâm Thống kê kinh tế Nhật Bản - www.mof.go.jp
6. Dữ liệu, vốn, lao động sản lượng công nghiệp từ website Bộ Thương mại Mỹ - www.commerce.gov
SUITABLE ORIENTATION FOR INDUSTRIAL
DEVELOPMENT IN VIETNAM
PHAM HUY HOANG
Hai Duong Water supply company
ABSTRACT:
The economy in general and the industry in particular of any country, are affected by the law of marginal productivity decreasing in scale hence there is always a developmental stagnation. However, the scale of each nation's economic stagnation is different. There are national establishes economic stop set up at very large scale, after many years of development; There are also countries that set up stops on a fairly small scale in very short time, contributing to the economic stagnation. After the stops, there will be many changes in the direction of development investment. The article points out the industrial development principle of developed countries and Vietnam, the timing for the stops as well as best direction for industrial development in Vietnam.
Keywords: Vietnamese industry, laws of industrial development, Vietnamese economy.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây