TÓM TẮT:
Bài viết này thông qua việc làm rõ khái niệm về kinh tế chia sẻ sẽ nêu ra xu hướng phát triển của một số mô hình kinh tế chia sẻ ở nước ta, đồng thời xác định cơ sở pháp lý điều chỉnh các hình thức kinh doanh thuộc mô hình kinh tế chia sẻ, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các cơ chế pháp lý giúp cho việc phát huy những ảnh hưởng tích cực của mô hình kinh tế hiện đại này tại Việt Nam.
Từ khóa: cơ sở pháp lý, kinh tế chia sẻ, Việt Nam.
1. Khái quát chung về kinh tế chia sẻ và xu hướng phát triển của một số mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
1.1. Khái niệm và các thành tố cơ bản của kinh tế chia sẻ
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng thay đổi nhanh chóng với sự góp sức của ứng dụng công nghệ điện tử và internet, một xu hướng đảo ngược của chủ nghĩa tiêu dùng đã ngày càng lan rộng với sự xuất hiện của thuật ngữ "kinh tế chia sẻ” (tiếng Anh: sharing economy). Thuật ngữ này ngày càng được sử dụng rộng rãi kể từ sau cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu (Great Recession 2007 - 2008) - đó là khi việc ứng dụng công nghệ và internet vào mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội đã trở nên phổ biến, những thách thức của việc gia tăng dân số toàn cầu, vấn đề bảo vệ môi trường và vấn đề cạn kiệt nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng trở nên cấp bách. Khi đó, thực tiễn tiêu dùng trên thế giới cũng đã cho thấy việc chia sẻ và tái phân phối tài nguyên bắt đầu rẻ đi so với mua đồ tiêu dùng mới, vứt đồ cũ đi. Việc áp dụng công nghệ để kết nối người tiêu dùng với nhau nhằm giảm sự lãng phí trong tiêu dùng, hướng tới việc các nguồn tài nguyên, nguồn lực trong xã hội được sử dụng một cách có hiệu quả, tiết kiệm được tiền của người tiêu dùng và tài nguyên của xã hội đã cho ra đời hàng loạt các mô hình kinh tế chia sẻ như eBay, Craiglist, Uber, Airbnb; RelayRides, DogVacay, LiquidSpace… Các công ty này sử dụng công nghệ thông tin (như: điện thoại, GPS, 3G, thanh toán online…) để vận hành kinh tế chia sẻ, từ đó một mặt đã đem lại hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích cho người cung ứng, người có nhu cầu và người trung gian; mặt khác giúp cho công ty có thể tiết kiệm vốn (chẳng hạn: không phải mua ô tô, xây khách sạn…) thông qua việc sử dụng vốn từ cộng đồng (chẳng hạn: xe ô tô của người tham gia, nhà ở của người tham gia…). Điều này đã giúp cho hoạt động của các mô hình công ty vận hành theo mô hình “kinh tế chia sẻ” được phát huy và ngày càng mở rộng trên toàn thế giới.[1]
Có nhiều cách hiểu khác nhau về kinh tế chia sẻ, song cách hiểu phổ biến về kinh tế chia sẻ đó là một hệ thống kinh tế vận hành trên nền tảng ngang hàng được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin để chia sẻ thương mại hoặc phi thương mại các nguồn lực hàng hóa và dịch vụ chưa được sử dụng đúng mức thông qua một bên trung gian mà không phải chuyển giao quyền sở hữu.[2] Thông qua hệ thống vận hành này, người tiêu dùng và các nhà kinh doanh bắt đầu có những thay đổi trong nhận thức tiêu dùng và kinh doanh: thay vì sở hữu, có thể thuê; thay vì phải tự bỏ vốn kinh doanh, có thể khai thác vốn từ cộng đồng…
Trên thực tế, “kinh tế chia sẻ” còn được gọi theo nhiều tên khác nhau như: kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế truy cập (access economy), kinh tế dựa trên các ứng dụng di động (app economy)… Tuy nhiên, tất cả các thuật ngữ liên quan đến mô hình kinh tế này nhìn chung đều có bản chất là phải có sự kết nối để những người tiêu dùng tận dụng được nguồn lực dư thừa của nhau. Trong xã hội hiện đại, các mô hình kinh tế chia sẻ thường có điểm chung là sử dụng công nghệ thông tin nhằm hướng tới tối ưu hóa các nguồn lực từ xã hội thông qua sự tái phân phối, chia sẻ và tái sử dụng các năng lực dư thừa của hàng hóa và dịch vụ. Nói cách khác, đó là việc sử dụng công nghệ (điện thoại, intenet, nền tảng kỹ thuật số,…) để tạo thuận lợi cho việc trao đổi quyền truy cập hàng hóa hoặc dịch vụ giữa 2 hoặc nhiều bên. Xu hướng này được bắt nguồn từ quan niệm cho rằng các bên có thể chia sẻ giá trị từ một nguồn lực hoặc tài sản không được tận dụng. Việc trao đổi giá trị này được diễn ra thông qua một thị trường chia sẻ, nền tảng cộng tác hoặc ứng dụng ngang hàng.
Nhiều kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trong nền kinh tế chia sẻ, để có thể vận hành có hiệu quả sự chia sẻ các nguồn lực, các hàng hóa và dịch vụ, cần phải kích hoạt 3 yếu tố cơ bản sau[3]: Thứ nhất, sự thay đổi trong nhận thức của khách hàng từ nhu cầu sở hữu sang nhu cầu chia sẻ; Thứ hai, mạng lưới liên kết người tiêu dùng; Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin.
Chính sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ được chuyển từ nhu cầu sở hữu sang nhu cầu được chia sẻ khiến cho họ không chỉ đóng vai trò là người mua, mà còn là người bán thông qua thương mại ngang hàng. Sự hợp tác chia sẻ trong tiêu dùng luôn cần thiết phải được kết nối thông qua những mạng lưới liên kết như mạng xã hội trực tuyến, sàn giao dịch điện tử trực tuyến, internet… Các mạng lưới liên kết này cho phép các cá nhân và tổ chức dễ dàng tiếp cận để chia sẻ trực tiếp các nguồn lực sẵn có thay vì chờ đợi các công ty sản xuất, các nhà phân phối cung cấp hàng hóa dịch vụ mà mình mong muốn. Người tiêu dùng thay vì phải mua để sở hữu nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình, thì sẽ tìm những nguồn lực chia sẻ trong cộng đồng để khai thác sử dụng có hiệu quả những tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (ví dụ: sản phẩm đã mua rồi hoặc được cho, tặng nhưng không sử dụng; máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng…). Thực tiễn sự phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ trên thế giới cũng cho thấy, việc thiết lập các mạng lưới liên kết giữa các bên chia sẻ sẽ trở lên thuận lợi hơn khi công nghệ thông tin được ứng dụng và phát huy một cách rộng rãi thông qua các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử… Các mạng lưới kết nối chia sẻ càng mở rộng thì nhu cầu đối với việc sử dụng và phân tích dữ liệu của các khách hàng (các cá nhân tổ chức tham gia chia sẻ) ngày càng cao. Điều này đỏi hỏi các mô hình kinh tế chia sẻ cần phải phát huy có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quá trình vận hành hoạt động của mình.
1.2. Xu hướng phát triển của một số mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến
Ở Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến được vận hành dưới hình thức dịch vụ đặt xe trực tuyến/dịch vụ vận tải sử dụng hợp đồng điện tử thông qua nền tảng số trên thiết bị smartphone. Dich vụ này xuất hiện ở nước ta từ năm 2014, với sự góp mặt của một số ứng dụng kết nối như GrabTaxi (nay là Grab), LiveTaxi, TaxiChiềuVề, Uber, EasyTaxi và đến nay vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh với nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới như VATO, Bee, FastGo, Aber và Go-Viet (nay là Go-Jek Việt Nam) v.v…
Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải trực tuyến cho phép tận dụng những xe ô tô, xe máy và lái xe nhàn rỗi trong xã hội để tạo ra giá trị, giúp tận dụng xe tài sản và người lao động để tạo ra dịch vụ. Đối với người tiêu dùng (người đi xe), mô hình chia sẻ này giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu di chuyển, vận chuyển. Việc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số giúp xóa bỏ đáng kể chi phí giao dịch và các chi phí trung gian khi giúp người mua và người bán (các bên chia sẻ) nhanh chóng kết nối được với nhau.
Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực chia sẻ phòng ở (lưu trú)
Đây là mô hình chia sẻ giúp cho người có nhu cầu sử dụng phòng (người đặt phòng - người sử dụng dịch vụ lưu trú) và người cung cấp (người có phòng khách sạn, biệt thự, căn hộ cho thuê) có thể kết nối với nhau thông qua ứng dụng đặt phòng trực tuyến. Một số công ty nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ này phải kể đến như Airbnb, Homeaway, Expedia, Gotadi,…
Ở Việt Nam, mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú đã hình thành và phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt tại các thành phố lớn và các địa bàn du lịch với hai nền tảng đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam là: Airbnb (là công ty của Mỹ được thành lập từ 2008, bắt đầu tiếp cận thị trường Việt Nam từ 2015); và Luxstay (là một Star-up của Việt Nam, ra đời vào năm 2016). Người Việt Nam cũng đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh này, phát triển mô hình homesharing, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các khu du lịch trên cả nước.
Mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ cho vay ngang hàng (peer to peer Lending - P2P)
Đây là mô hình kinh tế chia sẻ sử dụng các dịch vụ online để kết nối nhà đầu tư với cá nhân hay doanh nghiệp muốn vay vốn. Nền tảng P2P giúp người có nhu cầu mượn tiền từ nhà đầu tư không cần thông qua một tổ chức trung gian truyền thống (tổ chức tín dụng). Khác với mô hình cho vay truyền thống, mô hình cho vay ngang hàng P2P được thiết kế và xây dựng trên nền tảng trực tuyến cùng với hệ thống công nghệ tài chính tiên tiến mà cần thiết phải thành lập một tổ chức tín dụng.
Hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam tuy mới xuất hiện từ năm 2016, nhưng đến nay đã có rất nhiều công ty P2P lending (đến từ nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia…) đang vận hành hoạt động này ở nước ta (gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan,…). Sự tăng trưởng mạnh về số lượng công ty tham gia thị trường cũng như số lượng khách hàng, các hợp đồng vay vốn kết nối thành công, số phí dịch vụ thu được từ cho vay tiêu dùng trong những năm qua cho thấy đây là thị trường có tiềm năng phát triển ở Việt nam.
2. Cơ sở pháp lý và thực tiễn điều chỉnh bằng pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam hiện nay
2.2. Cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ ở nước ta
* Trước hết, có thể thấy, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Quản lý thuế,… và các luật chuyên ngành khác về kinh doanh thương mại (và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành các luật này) là cơ sở pháp lý nền tảng cho các hoạt động kinh doanh thương mại nói chung và các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ nói riêng.
Cùng với các văn bản quy phạm nêu trên, Luật Giao dịch điện tử, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tử (và các văn bản hướng dẫn liên quan) sẽ được coi cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ, bởi các mô hình hoạt động này đều vận hành dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số để hình thành nên các giao dịch điện tử để cung cấp các dịch vụ chia sẻ.
Ngoài ra, có thể xác định được cơ sở pháp lý của các hoạt động kinh doanh trong mô hình kinh tế chia sẻ tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống pháp luật về hoạt động kinh doanh của nước ta (như đã liệt kê nêu trên) hầu như còn bỏ ngỏ đối với mô hình kinh tế chia sẻ.
Dưới góc độ chủ trương, chính sách có thể thấy, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức được xu hướng phát triển tất yếu của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời cũng đã đưa ra những đường lối chỉ đạo, những đề án triển khai nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu, xây dựng các định chế pháp lý thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh tế chia sẻ được phát triển.[4]
Ngày 12/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Quyết định số 999/QĐ-TTg đã bước đầu tạo ra nền tảng pháp lý thể hiện “sự hậu thuẫn” của Nhà nước giúp cho các công ty công nghệ hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ, tạo ra một sân chơi chung, cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty truyền thống và công ty công nghệ.
2.3. Thực tiễn điều chỉnh pháp luật đối với môt số mô hình kinh tế chia sẻ ở nước ta
Cơ sở pháp lý đối với mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận chuyển
Ở Việt Nam, ban đầu việc vận hành xe hợp đồng, dịch vụ đặt xe trực tuyến được triển khai trên cơ sở Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (ban hành kèm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 07/01/2016 của Bộ Giao thông Vận tải). Đề án cho phép các xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (đáp ứng quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT) với thời gian thí điểm là 2 năm (từ ngày 01/2016 đến ngày 01/2018) tài 5 tỉnh/thành phố (bao gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh) được áp dụng hợp đồng điện tử, bên cạnh hình thức hợp đồng bằng văn bản giấy thông thường.
Do dịch vụ vận tải khách hàng bằng xe hợp đồng đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên Đề án không phải là thí điểm một loại hình kinh doanh mới, mà thực chất là thí điểm cho phép áp dụng hình thức “hợp đồng vận tải điện tử” thay thế cho “hợp đồng văn bản giấy” đối với dịch vụ vận tải bằng xe hợp đồng (hay gọi là “xe hợp đồng điện tử”).
Sau một thời gian thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, ngày 17/01/2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2020, đã có thay đổi đáng kể trong lĩnh vực vận tải trực tuyến. Cụ thể là Nghị định này đã bổ sung các quy định mới nhằm ứng dụng mạng mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động vận tải đường bộ, đặc biệt đã giúp phân định rõ ràng doanh nghiệp kinh doanh vận tải với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nền tảng; từ đó giúp doanh nghiệp xác định rõ ràng các điều kiện kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận lợi hơn trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý động này.
Nhìn chung, hệ thống các văn bản pháp lý nêu trên đã giúp các nhà cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe hợp đồng tạo ra một thị trường cạnh tranh hơn với sự trợ giúp của kỹ thuật số.
Cơ sở pháp lý cho các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực chia sẻ phòng ở (lưu trú)
Do thị trường của mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú là dịch vụ phục vụ khách lưu trú (trong đó có khách du lịch), nên cơ sở pháp lý điều chỉnh mô hình kinh tế chia sẻ này trước hết phụ thuộc vào Luật Du lịch[5]. Tuy nhiên, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn luật này không có những quy định cụ thể trực tiếp điều chỉnh quá trình tổ chức, vận hành các hoạt động kinh doanh này.
Đối với việc điều chỉnh pháp luật về thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ này, Bộ Tài chính đã có Công văn số 848/BTC-TCT (ngày 18/01/2017) về chính sách thuế và quản lý thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh của dịch vụ đặt phòng trực tuyến, trong đó có quy định về nghĩa vụ thuế của các chủ thể tham gia mô hình chia sẻ phòng ở. Theo đó, văn bản này yêu cầu cơ sở lưu trú (bên Việt Nam) sẽ nộp thay cho các chủ cung ứng dịch vụ chia sẻ. Tuy nhiên, văn bản này cũng chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật, bởi nó mang tính chất là văn bản hành chính thông thường trong nội bộ ngành.
Cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P)
Mặc dù các công ty hoạt động cho vay ngang hàng P2P ở Việt Nam đang có sự tăng nhanh về số lượng, số lượng khách hàng và hợp đồng vay vốn kết nối thành công ngày một nhiều, tuy nhiên trên thực tế, hầu như chưa có quy định pháp luật cụ thể đối với hoạt động P2P lending. Các công ty hoạt động trong lĩnh vực này chủ yếu đăng ký ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện), tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính… cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.
Thực tiễn hoạt động của các công ty cho vay P2P lending ở Việt Nam đã cho thấy những mặt tích cực của mô hình kinh tế chia sẻ này, như: Cung cấp thêm giải pháp tiếp cận nguồn vốn cho người có nhu cầu vay và đáp ứng nhu cầu vay linh hoạt của người vay; Đa dạng hóa kênh đầu tư với nguồn thu nhập hấp dẫn; Thúc đẩy cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính... Tuy nhiên, nếu không được quản lý, giám sát bởi cơ chế điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật, loại hình kinh doanh này sẽ có thể phát sinh các hình thức biến tướng, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội, làm gia tăng rủi ro nợ xấu.
3. Những hạn chế bất cập trong việc điều chỉnh bằng pháp luật và một số đề xuất cho việc xây dựng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
3.1. Những hạn chế bất cập trong việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với các mô hình kinh tế chia sẻ ở nước ta
* Hạn chế bất cập trong các quy định pháp luật về hệ sinh thái cho sự tồn tại và phát triển của các mô hình kinh tế chia sẻ
Một số phân tích trong phần 2(b) nêu trên cho thấy Việt Nam vẫn chưa có cơ chế pháp luật đầy đủ, chặt chẽ cho việc điều chỉnh, thúc đẩy kinh tế chia sẻ phát triển. Trong điều kiện các thể chế kinh doanh truyền thống chưa được hoàn thiện, việc chiếu cơ chế điều chỉnh của pháp luật đối với các mô hình kinh tế chia sẻ sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột tiềm ẩn giữa các mô hình kinh doanh truyền thống với các mô hình kinh doanh mới.
Hệ thống các văn bản pháp luật về kinh doanh thương mại hiện hành ở nước ta (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các Luật về thuế, Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử 2005, Luật Cạnh tranh…) hầu hết còn bỏ ngỏ các quy định điều chỉnh kinh tế chia sẻ. Điều này được thể hiện ở chỗ:
+ Các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ chưa có một quy định chung thống nhất. Chỉ tồn tại dưới dạng những chính sách (được thể hiện cụ thể ở từng lĩnh vực);
+ Việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc dẫn đến lúng túng trong việc xác định bản chất giao dịch để áp thuế do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh;
+ Chưa có những quy định cụ thể nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú khách sạn, trong khi các chủ thể kinh doanh theo phương thức truyền thống (khách sạn truyền thống...) phải chịu nhiều điều kiện kinh doanh ràng buộc (ngành nghề kinh doanh có điều kiện) thì những chủ thể kinh doanh thông qua Airbnb hay Luxstay lại không phải chịu những ràng buộc tương tự.
+ Ngoài ra, trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn thiếu các qui định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ.
Hạn chế bất cập trong các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các bên gia nhập quá trình vận hành các mô hình kinh tế chia sẻ
Thực tiễn áp dụng Luật về Giao dịch điện tử, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử hiện nay cho thấy, hệ thống pháp luật kinh doanh thương mại ở nước ta còn chưa bao quát được hết các hành vi thương mại điện tử trong kinh tế chia sẻ. Chẳng hạn như các văn bản này còn thiếu các quy định xử lý về trách nhiệm của các bên trong kinh tế chia sẻ (thay vì quan hệ đối tác 2 bên theo các giao dịch truyền thống sẽ là quan hệ “3 bên” trong giao dịch của kinh tế chia sẻ).
Thực tiễn cũng cho thấy, với nhiều loại hình kinh tế chia sẻ (chẳng hạn như Grab, Go-Jek…), người cung ứng dịch vụ (lái xe) không được đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tham gia vào hình thức kinh doanh này không được hưởng bất kỳ quyền lợi lao động nào; chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền lợi người lao động khi xảy ra vấn đề tranh chấp với đơn vị cung ứng nền tảng.
Công tác quản lý nhà nước về thuế đã cho thấy, pháp luật về thuế còn nhiều hạn chế trong việc điều chỉnh thu thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam nhưng có trụ sở ở nước ngoài. Với doanh thu tại Việt Nam, cơ quan thuế chỉ thu được thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương thức trực tiếp do không quản lý được đầu vào ở nước ngoài. Ngoài ra, việc giám sát thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sẽ gặp những khó khăn trở ngại do pháp luật ở nước ta còn thiếu cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới. Tất cả những điều này sẽ gây ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
3.2. Một số đề xuất cho việc xây dựng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh các mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
Với sự phát triển nhanh của kinh tế chia sẻ cùng nền tảng hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ số và thương mại điện tử, nhằm phát huy những lợi ích và tác dụng tích cực của của mô hình kinh tế chia sẻ, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro bất cập của xu thế kinh doanh mới này, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật để điều chỉnh hoạt động của các mô hình kinh tế chia sẻ cần lưu ý những giải pháp sau:
Thứ nhất, trong tư duy quản lý của Nhà nước, hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy, chấp nhận cái mới, đồng thời cho phép thử nghiệm các mô hình tiên phong, mạnh dạn dỡ bỏ các rào cản pháp lý không phù hợp, tuy nhiên, không nhất thiết phải xây dựng một luật cụ thể quy định về mô hình kinh tế chia sẻ. Khi Nhà nước có sự thay đổi trong tư duy quản lý kinh tế, các quy định pháp luật về kinh tế cũng sẽ được hình thành theo xu hướng thay đổi này.
Thứ hai, cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp trong một các luật (và văn bản hướng dẫn) tạo ra hệ sinh thái cho phát triển kinh doanh thương mại nói chung và cho kinh tế chia sẻ nỏi riêng. Cụ thể, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại. Luật Cạnh tranh… và văn bản hướng dẫn thi hành cần bổ sung quy định tạo thuận lợi cho đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ, xác định rõ các loại hàng hóa, dịch vụ được cung cấp trong hoạt động kinh doanh của các mô hình này; Mặt khác, các luật này cần phải có những cơ chế đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách để tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp truyền thống chuyển đổi hình thức kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển tạo lập các nền tảng số, hỗ trợ chuyển đổi số, số hóa ở cấp độ doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Thứ ba, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hướng tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có sử dụng kinh tế chia sẻ. Cụ thể, Bộ luật Dân sự, Luật về Giao dịch điện tử, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cùng các văn bản hướng dẫn thi hành cần phải bổ sung các quy định mới xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; quy định và làm rõ các vấn đề nảy sinh về lao động, việc làm, an sinh xã hội của mô hình kinh tế mới; khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.
4. Kết luận
Kinh tế chia sẻ đã cho thấy rõ những ảnh hưởng đáng kế đến xu thế phát triển của nền kinh tế xã hội ở nước ta. Đây là một xu thế kinh doanh với tiềm năng to lớn nhưng cũng có thể đem lại những thách thức rủi ro đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy cần được điều chỉnh bằng pháp luật. Việc xây dựng hoàn thiện pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này cần đảm bảo việc kiểm soát các hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ diễn ra trong khuôn khổ an toàn, vừa phải khuyến khích được các nhà đầu tư đi theo mô hình kinh tế này hoạt động thuận lợi, có hiệu quả. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có sự rà soát, đánh giá cả về mặt kinh tế và pháp lý đối với các hoạt động kinh doanh theo mô hình này để kịp thời bổ sung những hạn chế, xây dựng mới những thiếu sót của hệ thống pháp luật về kinh doanh thương mại hiện nay, đáp ứng được những yêu cầu phát triển của mô hình kinh tế mới. Việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các luật như: Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật về Giao dịch điện tử, Luật Cạnh tranh… là việc làm cần thiết để giải quyết những bất cập thiếu sót được rà soát.
Tài liệu trích dẫn:
1Hà Quang Thanh (2020), “Nhận thức về kinh tế chia sẻ và một số giải pháp áp dụng ở Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhan-thuc-ve-kinh-te-chia-se-va-mot-so-giai-phap-ap-dung-o-viet-nam-70200.htm
2Schlagwein, Daniel; Schoder, Detlef; Spindeldreher, Kai (2019). "Consolidated, systemic conceptualization, and definition of the "sharing economy". Journal of the Association for Information Science and Technology. 71 (7): 817-838.
3 Nguyễn Thi Loan (2018), “Kinh tế chia sẻ - Tiềm năng và thách thức đối với Việt Nam”, Tạp chí Tài chính online, truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-chia-se-tiem-nang-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html
- Chu Thị Hoa (2019), “Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số vấn đề pháp lý”, truy cập tại: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2515
4 Xem: Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
5 Điều1; Điều 3 Khoản 1,2,3 - Luật Du lịch 2017.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Chính trị (2019). Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
- Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 Về việc Phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
- Hoàng Xuân Lâm (2021), “Kinh tế chia sẻ: Thực trạng và các đề xuất đối với Việt Nam”, truy cập tại https://doanhnghieptiepthi.vn/kinh-te-chia-se-thuc-trang-va-cac-de-xuat-doi-voi-viet-nam-161210330090133947.htm
- Hà Quang Thanh (2020), “Nhận thức về kinh tế chia sẻ và một số giải pháp áp dụng ở Việt Nam”, Tạp chí Công Thương, truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nhan-thuc-ve-kinh-te-chia-se-va-mot-so-giai-phap-ap-dung-o-viet-nam-70200.htm
- Chu Thị Hoa (2019), “Kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số vấn đề pháp lý”, truy cập tại: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2515
- Bùi Thị Bích Hằng (2019), “Xu hướng kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt nam”, Tạp chí khoa học Đại học Hải Phòng, Số tháng 9/2019.
- Schlagwein, Daniel; Schoder, Detlef; Spindeldreher, Kai (2019). "Consolidated, systemic conceptualization, and definition of the "sharing economy". Journal of the Association for Information Science and Technology. 71 (7): 817-838.
- Nguyễn Thi Loan (2018), “Kinh tế chia sẻ - Tiềm năng và thách thức đối với Việt Nam”, Tạp chí Tài chính online, truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/kinh-te-chia-se-tiem-nang-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.html
- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Trung tâm Thông tin - Tư liệu, (2018), “Thực trạng kinh tế chia sẻ tại Việt Nam: Kiến nghị giải pháp quản lý Nhà nước”.
An overview on the legal framework for the sharing economy and some recommendations to promote the development of sharing economic models in Vietnam
Master. Pham Minh Quoc
Faculty of Law, Thuongmai University
Abstract:
This paper is to clarify the concept of the sharing economy, point out the development trends of some sharing economic models in Vietnam, and also determine the legal basis for regulating sharing economic businesses. Based on the paper’s findings, some recommendations are made to improve the legal mechanism in order to promote positive effects of sharing economic models in Vietnam.
Keywords: legal basis, sharing economy, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11 tháng 5 năm 2023