Kinh tế điện mặt trời ước đạt 7GW vào năm 2020

Tổng tiềm năng kinh tế của các dự án điện mặt trời trên mặt đất tại Việt Nam được dự tính đạt tới 7000MW vào năm 2020, gấp gần 10 lần mục tiêu quốc gia đặt ra ở mức 800MW.
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Đó là con số được đưa ra tại Hội thảo tổng kết “Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030” tổ chức sáng ngày 24/01/2018. Hội thảo là một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án Năng lượng Tái tạo và Tiết kiệm Năng lượng (4E) do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (ĐLVNLTT) - Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hợp tác triển khai dưới sự uỷ quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).

Trong hai năm gần đây, Chính phủ cùng các bộ ngành trong nước đã xác định phát triển dự án điện mặt trời là lựa chọn đầu tư tối ưu, đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững bằng cách giảm phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch nhập khẩu như than, than đá và giảm hiệu ứng nhà kính - vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra trên toàn cầu. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng dồi dào để phát triển năng lượng mặt trời và nhân rộng số lượng cũng như quy mô các dự án điện mặt trời trên cả nước, đặc biệt ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hải - đại diện Cục ĐLVNLTT khẳng định nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc hợp tác với Viện Năng lượng Việt Nam, Tổ chức GIZ và Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm xây dựng được hệ thống cơ chế, chính sách phát triển hệ thống năng lượng điện mặt trời. Bộ cũng hy vọng nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho báo cáo đánh giá mang tầm quốc gia, từ đó có thể đưa ra những đối sách thích hợp nhất giải quyết bài toán năng lượng ở nước ta.

Theo bà Sonia Lioret - Trưởng Dự án 4E của GIZ, bản báo cáo về tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời đem đến cho các sở ban ngành và các nhà đầu tư một bức tranh toàn cảnh về tiềm năng điện mặt trời và các địa phương đang phát triển điện mặt trời. Đặc biệt, trong bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam, nguồn tài chính cho các dự án trong lĩnh vực này có thể còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, khi thị trường phát triển mạnh mẽ hơn và chi phí giá thành được giảm thiểu, tốc độ phát triển của nó sẽ tăng lên rất nhanh chóng.

Với vai trò là đơn vị tư vấn trong nước, Viện Năng lượng Việt Nam đã phối hợp cùng Viện Becquerel tổ chức công tác nghiên cứu và đánh giá tiềm năng phát triển điện mặt trời của Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng Việt Nam trình bày kết quả tính toán tiềm năng kinh tế của điện mặt trời tại Việt Nam

Báo cáo của ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng Việt Nam cho thấy, hiện nay có khoảng 115 dự án năng lượng mặt trời quy mô công suất lớn, nối lưới đã và đang được xúc tiến đầu tư tại một số tỉnh có tiềm năng lớn ở các mức độ khác nhau như: xin chủ trương khảo sát địa điểm, xin cấp phép đầu tư, lập dự án đầu tư xây dựng. Nổi bật trong đó, theo công suất đăng ký đến tháng 12/2017, tại tỉnh Khánh Hoà có 18 dự án với tổng công suất 1.060MW, tỉnh Ninh Thuận 15 dự án với 1.892MW tổng công suất, hai tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk đều có 14 dự án với tổng công suất lần lượt là 1.255MW và 6.595MW. Tỉnh Tây Ninh đặc biệt nổi lên với chỉ 1 dự án nhưng công suất lên tới 2.000MW. Ước tính cho tới cuối năm 2017, các nhà máy sản xuất tấm pin PV tại Việt Nam có tổng công suất thiết kế khoảng hơn 6.000MW với sản lượng thực tế hàng năm khoảng gần 300-400MW, phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, sau năm 2020, sẽ có nhiều hơn các dự án điện mặt trời ở khu vực miền Trung và Nam, bao gồm các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Việc thực hiện một công trình điện mặt trời có thể đem lại nhiều tác động tích cực lên môi trường sinh thái và tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Không chỉ giảm khai thác và sử dụng nhiên liệu hoá thạch và giảm phát thải khí nhà kính, việc triển khai dự án điện mặt trời còn đảm bảo nhu cầu điện tại chỗ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân, tạo việc làm cũng như tăng nguồn thu nhập cho người lao động và địa phương. Đây cũng là động lực thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân nhờ gia tăng các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ phụ trợ.

Có thể khẳng định, tuy còn tồn tại một số hạn chế cần được xem xét và giải quyết, điện mặt trời vẫn là nguồn năng lượng sạch và an toàn, mang lại những lợi ích môi trường to lớn. Với tiềm năng của thị trường Việt Nam hiện nay và thời gian tới, các bộ ban ngành trong nước và các tổ chức hợp tác quốc tế đều hy vọng vào một tương lai phát triển mạnh mẽ cho nguồn năng lượng tái tạo này.

Thy Thảo