Mạnh hơn cuộc khủng hoảng 2008
Thời điểm tháng 1/2020, chỉ số PMI tổng hợp toàn cầu đạt 52,2 điểm, cao nhất kể từ tháng 3/2019, tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây tác động tiêu cực trong tháng 2, đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhất là Trung Quốc và Nhật Bản (Trung Quốc, chỉ số PMI nước này đã giảm từ 50 hồi tháng 1 xuống 35,7 trong tháng 2).
Đây là mức thấp nhất từ trước tới nay, thấp hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Dự báo GDP quý I giảm khoảng 2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây, một số nhà máy hoạt động trở lại nhưng chỉ đạt 30 - 50% công suất thông thường.
Nhật Bản có nguy cơ suy thoái với PMI tháng 2/2020 sụt giảm xuống 47 điểm; Hàn Quốc xuất khẩu giảm làm giảm thặng dư thương mại xuống còn 0,62 tỷ USD trong tháng 1/2020, chỉ số PMI ngành chế biến, chế tạo giảm xuống dưới 50 điểm, đồng thời đối diện với nhiều rủi ro từ dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng).
Với vai trò lớn của Trung Quốc trong chuỗi giá trị và tiêu thụ toàn cầu, (theo ước tính của Bloomberg vào tháng 2/2020, dựa trên số liệu của OECD, Trung Quốc đóng góp khoảng 40% hàng hóa trung gian cho các chuỗi cung ứng tại châu Á và 10% cho Hoa Kỳ).
Do đó, từ tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ít nhất trong ngắn hạn, việc tìm kiếm nguồn cung thay thế sẽ đặc biệt khó khăn đối với các sản phẩm mà Trung Quốc là nhà cung cấp chiếm ưu thế trên toàn cầu.
Các tổ chức quốc tế dự báo
Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động mạnh trong quý I và cả năm 2020, mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào việc dịch bệnh sẽ kéo dài bao lâu và mức độ lây lan toàn cầu. Nhiều tổ chức quốc tế điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020.
Tại hội nghị G20, IMF vào ngày 22/2 đã điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng toàn cầu so với trước đó (từ 3,3% xuống 3,2%); HSBC (12/2/2020) điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng toàn cầu.
Theo Deutsche Bank (13/2/2020) dịch covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm khoảng 0,5 điểm trăm trong quý I/2020; Oxford Economics (02/2020) hạ triển vọng tăng trưởng từ 2,5% xuống 2,3%.
Theo Bloomberg (01/2020), dự báo GDP quý I của Trung Quốc chỉ tăng 4,5% và cả năm chỉ tăng 5,6%; trong khi đó Hồng Kong sẽ bị ảnh hưởng nặng nề ngay trong quý I, giảm 1,7 điểm phần trăm tăng trưởng; Hàn Quốc và Việt Nam giảm 0,4 điểm phần trăm; Nhật Bản giảm 0,2 điểm phần trăm.
Giá dầu thế giới dự báo tiếp tục giảm, giá lương thực thế giới ở mức thấp trong bối cảnh nguồn cung gia tăng và cầu thế giới thấp. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2019 (ngày 31/1/2020 là 51,48 USD/thùng).
Ngày 12/2, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2020 là 0,99 triệu thùng/ngày, giảm so với mức dự báo 1,22 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng 01/2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và việc thực thi thỏa thuận hạn chế nguồn cung giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt.
Phản ứng của các nước
Nhiều ngân hàng trung ương lớn như FED, ECB, BoE, BoJ vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành khi chưa đủ thông tin đánh giá mức độ tác động của dịch bệnh nhưng cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến để kịp thời hành động.
Tại châu Á, một số NHTW hạ lãi suất như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines do kinh tế bị tác động lớn khi sản xuất tại Trung Quốc gián đoạn, du lịch, hàng không sụt giảm. Cụ thể: NHTW Trung Quốc đẩy mạnh nới lỏng tiền tệ như hạ dự trữ bắt buộc 0,5% kể từ 1/1/2020, hạ lãi suất thị trường mở, 2 lần hạ lãi suất cho vay cơ bản, bơm thanh khoản ra thị trường.
Đài Loan (Trung Quốc) công bố kế hoạch chi 2 tỷ USD nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt lĩnh vực vận tải và du lịch với các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp tổ chức tour du lịch hay giảm thuế cho các hãng vận tải.
Malaysia dự kiến công bố gói kích cầu tập trung vào 3 lĩnh vực trọng yếu là hàng không, bán lẻ và du lịch; Chính phủ Singapore dự kiến gói ngân sách 800 triệu đô la Singapore để ngăn Covid-19 lan rộng, đồng thời đưa ra 2 gói kích thích kinh tế với tổng quy mô 5,6 tỷ SGD (gấp 24 lần gói kích cầu thời dịch SARS);
Indonesia hôm 25 tháng 2 đã thông báo một loạt các biện pháp trong đó có giải ngân gói 10,3 nghìn tỷ Rupiah (tương đương khoảng hơn 630 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước - những đối tượng chịu thiệt hại kinh tế từ dịch Covid-19.
Trong đó, sẽ dành 4.56 nghìn tỷ Rupiah để hỗ trợ 15,2 triệu hộ gia đình nghèo đói mỗi tháng trong vòng 06 tháng kể từ tháng 3 năm 2020 nhằm giúp 20-30% dân số tăng chi tiêu tiêu dùng và tạo sức ảnh hưởng cấp số nhân lên nền kinh tế.
Đồng thời, sẽ dành khoảng 298,5 nghìn tỷ Rupiah để cùng với các hãng hàng không và đại lý du lịch xúc tiến thu hút khách du lịch nước ngoài đến thăm quan 17 hòn đảo lớn nhỏ và sẽ cung cấp 443,9 tỷ Rupiah để khuyến khích du lịch nội địa, trong đó chú trọng giảm 30% giá vé nội địa đến 10 điểm du lịch nổi tiếng.
Philippines đã tung chiến lược quảng bá du lịch với slogan kêu gọi hưởng ứng của Tổng thống Duterte “Hãy là bạn cùng tôi đi du lịch khắp Philippines”, các thành viên thuộc Hiệp hội du lịch Philippines đã giảm giá 50% chi phí các khách sạn, các hãng hàng không của Philippines giảm giá vé cho khách hàng lên tới 60% cho một số chuyến bay.