Kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Sáng 14/12, tại tỉnh Quảng Nam đã diễn ra lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Tổng kết năm 2024.

Xuất khẩu dệt may cán đích 44 tỷ USD

Lễ kỷ niệm là cột mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành và những thành tựu, đóng góp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vào sự phát triển của ngành, cũng như định hướng phát triển cho năm 2025 và giai đoạn tiếp theo, giai đoạn của sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo, thế giới phẳng; của chuyển đổi số và yêu cầu xanh hóa, phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam.

ễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS)
Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Sự kiện thu hút khoảng 500 khách mời, đặc biệt có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, lãnh đạo ngành dệt may và VITAS qua các thời kỳ, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội dệt may nước ngoài, một số hiệp hội ngành hàng trong nước, các doanh nghiệp hội viên...

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết, từ những bước đi đầu tiên vào năm 1999, VITAS đã trở thành điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của ngành dệt may, góp phần quan trọng đưa ngành này trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.

Trong giai đoạn đặt nền móng (1999-2004), VITAS quy tụ hơn 150 doanh nghiệp thành viên, chủ yếu từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và các doanh nghiệp nhà nước. Thành tựu nổi bật của giai đoạn này là đưa kim ngạch xuất khẩu từ 1,7 tỷ USD (1999) lên 4,4 tỷ USD (2004), tạo thặng dư thương mại 468 triệu USD.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, VITAS đã thực hiện nhiều bước đi chiến lược quan trọng. Hiệp hội đã đổi mới phương thức thu hút đầu tư FDI, đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế thông qua việc tham gia các tổ chức uy tín như AFTEX, AFF, ITMF và SAC. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 dự kiến đạt mốc 44 tỷ USD, minh chứng cho sự phát triển bền vững của ngành.

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 70 tỷ USD vào năm 2030

Theo ông Vũ Đức Giang, thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may & da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giai đoạn mới, với vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam, VITAS sẽ tiếp tục nỗ lực; tập trung trí tuệ, sức sáng tạo, cùng các doanh nghiệp đoàn kết triển khai hiệu quả giải pháp chuyển đổi kép, để xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.

Các đại biểu tham dự chương trình..
Các đại biểu tham dự chương trình.

"Trong thời gian tới, VITAS đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đơn hàng FOB và giảm dần tỷ lệ gia công. Hiệp hội cũng tập trung phát triển công nghiệp thời trang, đào tạo đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp và mở rộng thương hiệu Việt ra thị trường thế giới. Với định hướng này, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm trên 11%. Theo Quyết định 1643/QĐ-TTg, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,8 - 7,2% một năm và đến năm 2030 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 68 - 70 tỷ USD", ông Giang nhấn mạnh.

Sau 25 năm phát triển, VITAS đã tạo dựng được nền tảng vững chắc cho ngành dệt may Việt Nam. Với định hướng phát triển rõ ràng và khát vọng vươn tầm quốc tế, ngành dệt may Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu mà còn hứa hẹn những đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước. Hành trình 25 năm qua là minh chứng cho sự phát triển bền vững và tiềm năng to lớn của ngành dệt may Việt Nam trong tương lai.

Hiệp hội dệt may Việt Nam
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Thông tin tại chương trình, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, ngành dệt may đã thực sự có vai trò lớn trong việc giải quyết việc làm với thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; tăng thu ngân sách cho Nhà nước và các địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm, ngư nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ cả ở những vùng sâu, vùng xa.

Gắn với quá trình phát triển của ngành là sự hình thành và phát triển của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS). 25 năm qua, từ bước khởi đầu đầy khó khăn, các thế hệ lãnh đạo và người lao động của Hiệp hội và của ngành dệt may Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành.

ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)
ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu tại chương trình.

"Kim ngạch xuất khẩu tăng trên 25 lần, từ 1,75 tỷ USD năm 1999, năm thành lập VITAS, lên 44 tỷ USD ước năm 2024; kim ngạch nhập khẩu tăng 16 lần, từ 1,57 tỷ USD lên 25 tỷ USD; đặc biệt, xuất siêu tăng 108 lần, từ 175 triệu USD năm 1999 lên 19 tỷ USD ước năm 2024; sản lượng kéo sợi tăng hơn 15 lần, sản lượng vải tăng 8 lần, sản lượng may mặc tăng trên 100 lần", Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng nói.

Bên cạnh đó, ngành dệt may với sự tham gia tích cực của VITAS đã triển khai thực hiện có trách nhiệm cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Doanh thu nội địa của ngành đã tăng gần 17 lần từ 300 triệu USD năm 1999 lên gần 5 tỷ USD năm 2024. 

Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Nguyên Hùng cũng đề nghị Hiệp hội Dệt may và ngành dệt may Việt Nam cần làm tốt một số nội dung để ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững hiệu quả, hướng tới kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.

Tại sự kiện, các chuyên gia, đại biểu sẽ trình bày các tham luận như: Thích ứng của Việt Nam trước biến động kinh tế - chính sách thế giới và khuyến nghị đối với doanh nghiệp ngành dệt may; Cơ hội, thách thức của chuyển đổi kép đối với doanh nghiệp dệt may; Trải nghiệm sự khác biệt của COTTON USA...

Hạ Vĩ