Dự báo nền kinh tế Đức sẽ suy thoái nhẹ
Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức vừa công bố báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế nước này, nhấn mạnh các thách thức mà nền kinh tế Đức đã và sẽ đối mặt trong thời gian tới. Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo báo cáo, nền kinh tế Đức vẫn đang trong tình trạng khó khăn, sự phục hồi tiếp tục bị cản trở khi nhu cầu yếu và lạm phát cao. Đặc biệt, giá trị gia tăng trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng của nước này như hoá chất, phân bón, luyện kim… vẫn tiếp tục suy giảm mặc dù giá năng lượng đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu từ bên ngoài đối với sản phẩm, hàng hóa của Đức suy yếu.
Trong các cú sốc kinh tế trước đây, nền kinh tế Đức thường phục hồi nhanh chóng nhờ vào sức mạnh của khu vực xuất khẩu vốn dĩ có tính cạnh tranh cao của nước này. Tuy nhiên, điều này dường như đã không lặp lại trong cuộc khủng hoảng kinh tế lần này. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Đức trong tháng 6/2023 đã tăng lên do tình trạng ảm đạm của toàn nền kinh tế.
Sự khó khăn của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh căng địa chính trị gia tăng và môi trường lãi suất cao nhằm ngăn chặn lạm phát đang tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi của nền kinh tế Đức. Ngân hàng Trung ương Đức dự báo nước này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nhẹ trong cả năm nay với mức tăng trưởng GDP âm 0,3% so với năm 2022.
Đồng quan điểm như trên, hai viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức là Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) và Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) cũng đều dự báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay với mức tăng trưởng GDP là âm 0,2% đến âm 0,3%.
Lạm phát cao tiếp tục kìm hãm quá trình phục hồi
Đồng thời, Đức đang đối mặt với tình trạng lạm phát neo cao dai dẳng. Trong tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã có dấu hiệu tăng trở lại, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; cao hơn so với mức tăng 6,1% của tháng 5/2023. Chỉ số giá tiêu dùng lõi (không bao gồm giá thực phẩm và giá năng lượng) trong tháng 6 cũng đã tăng lên 5,8%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng 5/2023.
Lạm phát cao là một trong những nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Đức rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi đầu năm nay. Tình trạng vật giá leo thang khiến người tiêu dùng Đức thắt chặt chi tiêu hơn, kéo theo đó là sự sụt giảm của tổng cầu và khiến hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Hiện Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức nhận định lạm phát tại Đức sẽ quay đầu giảm trong vài tháng tới khi nguồn cung được cải thiện, chi phí đầu vào sản xuất giảm xuống; đồng thời, việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng khiến nhu cầu bị thu hẹp, làm giảm áp lực tăng vật giá.
Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức cũng lưu ý quá trình phục hồi của nền kinh tế Đức còn bị ảnh hưởng bởi động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). ECB hiện vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng trong việc sẽ tăng lãi suất lên đến mức nào; trong khi đó, FED được kỳ vọng sẽ chỉ tăng lãi suất thêm lần cuối cùng trong tháng 7 này.
Đánh giá về triển vọng kinh tế sắp tới, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức cho rằng nền kinh tế nước này sẽ chỉ phục hồi mạnh mẽ khi có những dấu hiệu rõ rệt của sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sức mua tăng trở lại nhờ lạm phát giảm và tiền lương cao hơn. Hoạt động sản xuất công nghiệp tại Đức được kỳ vọng sẽ được cải thiện trong những tháng tới đây.