Tập trung kích cầu nội địa
Theo Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Việt Nam hiện đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, từng bước mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế quốc tế vẫn chưa được hồi phục bởi các nước có quan hệ mật thiết với kinh tế của ta vẫn còn đang ứng phó với dịch. Do đó, kinh tế Việt Nam giai đoạn này sẽ vẫn lấy trọng tâm là thị trường trong nước, tập trung kích cầu nội địa thông qua thúc đẩy đầu tư công.
Bước sang giai đoạn sau, vào cuối năm, khi dịch được khống chế ở tất cả các nước, kinh tế toàn cầu dần ổn định nhưng sẽ phát triển theo quan điểm mới với sự định hình lại của chuỗi giá trị.
Tổ tư vấn mong muốn Bộ Công Thương tiếp tục phát huy vai trò quản lý nhà nước và đại diện cho tiếng nói của người dân, doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đóng góp ý kiến về sự hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, dịch Covid-19 xuất hiện để lại hệ lụy lớn cho kinh tế - xã hội. Vấn đề khôi phục sự phát triển kinh tế thông qua hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang cần sự tham gia tích cực của Chính phủ, Bộ, ngành và các cơ quan quản lý nhà nước hơn bao giờ hết, trong đó có Bộ Công Thương.
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và an sinh xã hội để hỗ trợ cho người dân vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn.
Việc tiếp tục có gói hỗ trợ của Chính phủ trong bối cảnh mới là cần thiết. Song, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn cho rằng, trước khi xây dựng và triển khai các gói hỗ trợ mới, cần nhìn nhận lại hiệu quả của những gói hỗ trợ đã ban hành, từ đó đánh giá tính cấp thiết và nhu cầu dựa trên thực trạng hiện nay của người dân, doanh nghiệp. Chỉ có như vậy mới đưa ra được những hỗ trợ thực chất nhất, trúng nhất, đúng nhất.
Đặc biệt, cần đánh giá đúng tình hình trong giai đoạn mới, với cái nhìn tổng thể, bao quát, đặt nền kinh tế Việt Nam trong những chuyển biến, xu hướng mới về hoạt động thương mại, đầu tư, hội nhập toàn cầu.
Đồng tình với Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng cần làm rõ “trạng thái mới” mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt là thế nào. Theo đó, trạng thái này bao gồm 4 yếu tố chính, là vấn đề đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu; sự thay đổi của phương thức sản xuất và tiêu dùng trong xã hội; sụt giảm của tổng cầu cả nền kinh tế; gia tăng xu thế bảo hộ mậu dịch tại các quốc gia.
Vậy nên, cần xây dựng chiến lược phát triển cho giai đoạn mới với gói hỗ trợ để làm sao “vừa kích cầu, vừa kích cung, vừa hỗ trợ cho sản xuất cũng vừa hỗ trợ cho người tiêu dùng”. Nói cách khác, hỗ trợ hướng đến thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, khơi thông thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ, dịch Covid-19 đã cho thấy ý thức, tinh thần đoàn kết và quan trọng hơn hết là sự ủng hộ của người dân đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, “bởi họ thấy mình làm nghiêm túc, làm vì dân”. Do vậy, nếu có nhiều hơn các giải pháp thực chất, quyết liệt hơn nữa thì sự ủng hộ đó cũng sẽ tiếp tục.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhận định, “ưu tiên hỗ trợ đúng nơi cần trước”. Tức là cần dành gói hỗ trợ cho những lĩnh vực, ngành nghề thâm dụng nhiều lao động trong nước, chịu ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ bởi dịch bệnh trước, tiếp theo đó hỗ trợ theo từng nấc ưu tiên đến các ngành ít khó khăn hơn.
Đồng thời, công tác cải cách hành chính cũng cần được quan tâm thúc đẩy ngay trong thời gian tới.
Nhấn mạnh vai trò của thị trường trong nước trong giai đoạn này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng cần nhìn nhận đúng bản chất và tuân theo những quy luật của nền kinh tế thị trường.
Thứ trưởng cho rằng giờ đây không chỉ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà cả các doanh nghiệp lớn cũng đang rất khó khăn. Vậy nên các chính sách hỗ trợ cần quan tâm thêm đến việc tiếp sức cho các doanh nghiệp đầu tàu để khơi dậy nguồn lực dẫn dắt cả nền kinh tế tăng trưởng trở lại, như chính sách giảm giá điện, giảm tiền điện của Chính phủ vừa qua đã được các doanh nghiệp ủng hộ tích cực bởi lợi ích thiết thực mà nó mang lại.
Thúc đẩy khôi phục phát triển công nghiệp thương mại
Về phía mình, Bộ Công Thương cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch bệnh, coi đây là mục tiêu cơ bản. Từ đó, cụ thể hóa thành các tiêu chí, hướng dẫn biện pháp bảo đảm an toàn để hỗ trợ cho các địa phương, khu vực, doanh nghiệp, tổ chức, người dân đảm bảo phòng chống dịch bệnh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư.
Đồng thời, đánh giá bối cảnh mới tại trong nước và quốc tế dưới tác động của dịch bệnh cũng như các yếu tố khác, tới đây là EVFTA, từ đó xác định rõ yêu cầu và cơ hội.
“Tốt nhất là chúng ta phải định lượng được cơ hội theo từng nhóm, từng lĩnh vực, ngành hàng, từng khu vực để đề ra các mục tiêu và kế hoạch hành động”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Do đó, Bộ Công Thương đang gấp rút xây dựng kế hoạch hành động, xác định rõ chủ thể hướng tới là doanh nghiệp, địa phương và người dân. Từ đó, có cơ chế, chính sách với độ tương thích, phù hợp và khả thi trong thực hiện.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung vào 8 nhóm nội dung trọng tâm trong kế hoạch thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực của ngành Công Thương, khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong tình hình mới.
Một là, khẩn trương xây dựng, ban hành nội dung hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong ngành Công Thương trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Hai là, tiến hành cập nhật đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong tình hình mới để điều chỉnh nội dung và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại.
Ba là, rà soát để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đặc biệt, tạo khung khổ pháp lý, tạo không gian phát triển mới cho các lĩnh vực như kinh tế số, hạ tầng thương mại, thương mại điện tử, công nghiệp hỗ trợ...
Bốn là, tái cơ cấu thị trường, khai thác hiệu quả thị trường xuất nhập khẩu và thị trường trong nước trong tình hình mới.
Đối với thị trường ngoài nước, tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu trong giai đoạn mới, tiếp cận tổng thể từ khâu sản xuất tới xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường và cụ thể cho từng thị trường, từng mặt hàng.
Đối với thị trường nội địa, quán triệt rõ tinh thần lấy đây là nền tảng và động lực chính để phục vụ tăng trưởng trong dài hạn, xác định trọng tâm là trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển thương mại nội địa giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, xây dựng kế hoạch cụ thể cả về hoàn thiện khung khổ pháp lý và cơ chế chính sách thu hút đầu tư, thanh toán điện tử... để tạo được đột phá trong phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế về kinh tế, xây dựng kế hoạch thực thi, tận dụng tối đa lợi ích mang lại từ các FTAs mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Bảo đảm cơ chế phối hợp rõ ràng, hiệu quả và phân rõ trách nhiệm, vai trò của các Bộ ngành, địa phương và cơ quan có liên quan trong việc phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực thi cam kết hội nhập.
Sáu là, bảo đảm trật tự thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng thông qua quản lý thị trường, phòng vệ thương mại,...
Bảy là, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân thông qua tiếp tục đơn giản hóa các giấy tờ, thủ tục hành chính, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến, kết nối trục liên thông quốc gia...
Tám là, rà soát, cập nhật và tổ chức triển khai Kế hoạch hành động của ngành Công Thương về nâng cao năng lực và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Lãnh đạo Bộ Công Thương hy vọng, Tổ tư vấn Thủ tướng và Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, chỉ đạo Bộ Công Thương để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp thúc đẩy khôi phục phát triển công nghiệp, thương mại nói riêng và kinh tế nói chung trong giai đoạn tới.