Biểu dương nỗ lực to lớn của các đơn vị trong thực hiện nghiêm, kịp thời và đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng 3 tháng qua đã ghi nhận trách nhiệm của toàn Bộ Công Thương trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đã chuyển sang trạng thái mới, nhưng đòi hỏi Việt Nam phải bình thường hóa hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống người dân, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra 6 “bài toán” lớn cần tập trung cụ thể hoá thành các nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19, đảm bảo về an toàn tính mạng, sức khoẻ cho người dân; phát huy vai trò trong Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia để bám sát, tổng hợp, tổ chức thực hiện kịp thời những chỉ đạo về phòng chống dịch trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng phải cụ thể hoá các chỉ đạo này trong trạng thái mới của dịch bệnh, xây dựng những bộ tiêu chí và quy định hướng dẫn cho hoạt động kinh tế về công nghiệp, thương mại, năng lượng,…
“Hoạt động sản xuất đầu tư cũng như kinh doanh phải ở trạng thái bình thường nhưng trên nền tảng an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh hiệu quả”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phối hợp xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, thống nhất cùng với Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia để công bố, hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp biết và tổ chức triển khai thực hiện trên cả nước.
Đồng thời, Văn phòng Bộ và các đơn vị cần có quy định và hướng dẫn cụ thể của Bộ Công Thương trong thực thi Chính phủ điện tử và môi trường trực tuyến, bao gồm họp và làm việc trực tuyến, đảm bảo hiệu quả công việc.
Thứ hai, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp dựa trên cơ sở đánh giá năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những gói hỗ trợ cả về tài chính, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp và thậm chí các gói an sinh xã hội để hỗ trợ người dân.
“Cần đánh giá đúng thực chất về hiện trạng, năng lực cũng như nhu cầu hỗ trợ hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp, khi giờ đây không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà các doanh nghiệp lớn cũng đang “lao đao””, Bộ trưởng nhận định, cho rằng cũng cần đánh giá hiệu quả thực chất của các biện pháp, các gói hỗ trợ thời gian qua, từ đó có kiến nghị và báo cáo với Chính phủ, thậm chí báo cáo Quốc hội nếu cần thiết, để có cơ chế chính sách mới giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt khó khăn, trở lại trạng thái bình thường của nền kinh tế cũng như tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.
Đầu tháng 5/2020, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tổ chức hội nghị làm việc với các hiệp hội ngành hàng để đánh giá về các vướng mắc, yêu cầu khi mà đã có “đề bài” cụ thể hơn là khôi phục lại hoạt động của nền kinh tế, của doanh nghiệp để kinh doanh sản xuất có hiệu quả.
Trong lúc doanh nghiệp đang gặp khó nhiều về dòng tiền, cần xem xét, đánh giá và sớm báo cáo Chính phủ về cắt giảm, miễn, giãn, hoãn các khoản thuế, lệ phí trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí liên quan đến giao thông vận tải, logistics…
Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất đảm bảo nguồn cung bền vững, nhất là đầu vào nhập khẩu, thông qua tạo dựng những khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương.
Thứ ba, tập trung ưu tiên khai thông thị trường trong và ngoài nước cho doanh nghiệp.
“Chúng ta cần tập trung ưu tiên nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp khai thông thị trường, kể cả thị trường trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Đối với thị trường ngoài nước, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị có liên quan thuộc Bộ nghiên cứu, đánh giá lại năng lực cạnh tranh và điều kiện tiếp cận thị trường, từ đó chủ động xây dựng các phương án phát triển thị trường trong từng lĩnh vực, dựa trên kịch bản dịch bệnh có thể kết thúc trong quý I/2020 hoặc kéo dài hơn đến hết Quý III, Quý IV.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các ngành hàng có tính ưu tiên, ngành hàng đang có điều kiện tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng thông qua những biến động thị trường do tác động của Covid-19, cụ thể như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, linh kiện ô tô, linh kiện và thiết bị một số ngành công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản khác,… Hay các ngành thế mạnh mà Việt Nam có thể tranh thủ thời gian, điều kiện thuận lợi trong giai đoạn dịch bệnh nhạy cảm, như lương thực thực phẩm.
Với việc EVFTA, CPTPP đã ký kết thành công cùng một số khuôn khổ hợp tác song phương khác, Bộ Công Thương cho biết sẽ ưu tiên những thị trường chính như Trung Quốc, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc,…), châu Âu, châu Mỹ,… Trong đó, nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục khai thác và phát triển công tác xúc tiến thương mại trực tuyến thông qua ứng dụng các nền tảng công nghệ trong thời gian tới.
Bộ trưởng cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch cụ thể để có biện pháp bảo vệ sản phẩm của ta trong quá trình phát triển tại các thị trường ngoài nước, nhất là chủ động đối phó có hiệu quả với việc điều tra, xử lý bán phá giá và trợ cấp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với thị trường trong nước, Bộ trưởng đề nghị xác định mục tiêu và kế hoạch tăng trưởng trong năm 2020 cao hơn, bền vững hơn để phấn đấu thực hiện.
Phối hợp cùng chính quyền địa phương trong các hoạt động hỗ trợ kết nối cung cầu, kiểm soát chất lượng để tạo thuận lợi cho lưu thông sản phẩm hàng hoá trên thị trường
Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng các chương trình bổ sung về xúc tiến thương mại tại những trung tâm kinh tế thương mại lớn của cả nước cũng như những khu vực nông thôn, miền núi còn khó khăn, trong đó có những cơ chế cụ thể để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thuỷ sản, các sản phẩm chế biến của ngành nông nghiệp.
Vụ Thị trường trong nước làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp sớm thống nhất các cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thương mại cũng như hệ thống phân phối, đặc biệt những hệ thống phân phối hiện đại. Cùng với đó, đảm bảo phát huy vai trò của hệ thống phân phối thuộc các doanh nghiệp FDI tại Viêt Nam, nhất là trong mở ra dư địa, dung lượng cho các sản phẩm ngành hàng trong nước và tạo điều kiện để kết nối cung cầu giữa sản xuất nội địa với phân phối nước ngoài.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam thông qua tổ chức lại hệ thống phân phối, xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử.
Vụ Thị trường trong nước phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ thị trường nội địa và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo nguồn cung ứng và bình ổn thị trường phục vụ nhu cầu của người dân và đặc biệt là nghiên cứu để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, không tăng giá các mặt hàng trong năm 2020.
Bộ trưởng cũng lưu ý bám sát diễn biến chung của giá dầu, giá xăng và các biến động chung của kinh tế và thương mại thế giới để đảm bảo sự điều hành linh hoạt và kịp thời, không để ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Thứ tư, đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Kế hoạch chủ trì cùng các đơn vị nghiên cứu, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu các ngành công nghiệp, thương mại ngay trong năm 2020 nhưng hướng tới mục tiêu cụ thể, phù hợp với diễn biến thực tế do dịch Covid-19 gây ra.
“Cần xem xét để có những giải pháp đẩy nhanh hơn tiến độ tái cơ cấu các ngành hàng thông qua hoạt động thu hút đầu tư, đổi mới công nghệ, kể cả trong lĩnh vực dệt may, da giày,… đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ năm, thúc đẩy cải cách hành chính mạnh mẽ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu và thống nhất những biện pháp đẩy nhanh hơn nữa cải cách hành chính của Bộ Công Thương, đặc biệt là tiếp tục đưa hệ thống các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 vào trong cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương cũng như kết nối Cổng dịch vụ công của Chính phủ để đảm bảo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, rà soát, tiếp tục thực hiện việc cắt giảm điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực theo đề án Chính phủ đã phê duyệt.
Thứ sáu, chú trọng chính sách an sinh xã hội, tạo động lực cho người dân tham gia vào sản xuất.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị tiếp tục bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, đối chiếu với trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Công Thương để tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả nhất chính sách giảm tiền điện, giảm giá điện cho người dân, hộ tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Đồng thời, cần quan tâm tạo điều kiện để người dân không những được hưởng an sinh xã hội, mà còn tham gia các hoạt động phát triển kinh tế.
Đặc biệt, khi các FTA mới đây, cụ thể là EVFTA, có rất nhiều nội dung không chỉ hướng tới hỗ trợ cho doanh nghiệp mà còn chú trọng đến quyền lợi của người dân, xã hội, cần chủ động xây dựng các chương trình hành động, triển khai thực hiện sớm và kịp thời để người dân tham gia vào câu chuyện hội nhập chung của cả nước.
Với 6 “bài toán” này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành các hoạt động của ngành Công Thương theo phương án diễn biến dịch bệnh có thể kết thúc vào trước tháng 6 năm 2020 cũng như phương án dịch bệnh kéo dài cho đến hết quý III năm 2020 để chủ động trong việc tổ chức triển khai, thực hiện.
Đặc biệt, các phân tích đánh giá, đề xuất, tham mưu chính sách chỉ đạo, điều hành cần phải có sự đánh giá cụ thể, bám sát theo tình hình thực tiễn, kinh nghiệm vừa qua để có nhận định và quan điểm sát thực, khách quan, trong mọi yếu tố, tình huống đưa ra không nên quá lạc quan hoặc bi quan thì sẽ ảnh hưởng tới trạng thái phát triển của kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.