TÓM TẮT:
Đòi hỏi về nguồn nhân lực du lịch (NLDL) chất lượng cao phục vụ nền du lịch 4.0 đã được các cấp lãnh đạo, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đồng thuận chỉ ra là vấn đề cấp thiết. Liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp (LK.NT&DN) được tán thành là giải pháp khả thi nhất có thể trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo NLDL hiện nay. Bài viết này trình bày khái quát cơ sở lý luận về LK.NT&DN, thực trạng LK.NT&DN trên phương diện pháp quy ở Việt Nam, những hình thức LK.NT&DN trong đào tạo NLDL phổ biến hiện nay, kết quả nghiên cứu được ghi nhận làm cơ sở để tác giả nêu lên các khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo NLDL thông qua LK.NT&DN hiện nay.
Từ khóa: Liên kết, nhà trường, doanh nghiệp, đào tạo, nhân lực du lịch.
1. Mở đầu
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang định hình rõ nét kỷ nguyên du lịch thông minh với sự biến đổi chưa từng có tiền lệ về cung và cầu du lịch trên phạm vi toàn cầu. Cùng với sự phát triển của ngành kinh tế du lịch, yêu cầu về nguồn NLDL liên tục được chú ý bàn luận trong thập niên gần đây trước những bất cập về kiến thức, kỹ năng và thái độ của nguồn lao động mới gia nhập ngành. Tăng cường LK.NT&DN là một trong những giải pháp khả thi nhất, dù vậy, tác giả chưa tìm thấy công trình nào cung cấp minh chứng rõ ràng về cơ sở pháp lý cũng như các hình thức liên kết cụ thể, trên cơ sở đó tác giả bài viết cho rằng việc đặt vấn đề đánh giá thực trạng và có những khuyến nghị nhằm kiện toàn LK.NT&DN để nâng cao chất lượng đào tạo NLDL hiện nay là cần thiết.
2. Thực trạng LK.NT&DN trong đào tạo NLDL
2.1. Liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp
Liên kết (link) là sự liên thông và kết nối, gắn chặt với nhau giữa 2 hay nhiều chủ thể. Từ điển Oxford giải thích liên kết là sự kết nối, là mối quan hệ giữa ít nhất là 2 chủ thể, theo đó LK.NT&DN chỉ sự kết nối giữa một bên là NT và một bên là DN du lịch, một trường có thể liên kết về một hoặc nhiều DN và ngược lại, một DN có thể liên kết với một hoặc nhiều trường theo nhiều hình thức, mức độ khác nhau. Anderson (2004) ghi nhận LK.NT&DN được đề xuất từ những năm 1810 bởi triết gia người Đức Willhelm Humboldt với nhận định NT ngoài chức năng đào tạo phải có chức năng nghiên cứu và hợp tác với các ngành công nghiệp (mô hình ĐH Humboldt), Geiger (2004) đánh giá LK.NT&DN sẽ cung cấp cho người học khả năng cự phách khi giải quyết các vấn đề thực tiễn. Rohrberck & Arnold (2006) phân tích động lực cho LK.NT-DN từ phía NT gồm đẩy mạnh hoạt động giảng dạy, tăng nguồn tài chính/ tài trợ, nguồn tri thức và dữ liệu kiểm chứng, áp lực chính trị, tăng cường uy tín, cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; Từ phía DN nhằm tìm kiếm nguồn công nghệ hiện đại, sử dụng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực với chi phí thấp, chia sẻ rủi ro trong nghiên cứu cơ bản, ổn định các dự án nghiên cứu dài hạn, kênh tuyển dụng quan trọng.
2.2. Liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp ở Việt Nam từ góc nhìn pháp quy
Tầm quan trọng của vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo NLDL được khẳng định rõ trong Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị xác định phát triển NNL du lịch là vấn đề cấp thiết nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 đặt mục tiêu cụ thể về đào tạo và phát triển NLDL là phải “đa dạng hóa phương thức đào tạo, khuyến khích đào tạo tại chỗ, tự đào tạo theo nhu cầu của DN”.
Luật Giáo dục Đại học (2012) quy định tại điều 6 “các trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồm trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”. Khoản 4, điều 12, chương 1, Luật Giáo dục Đại học (2012) về chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học yêu cầu phải “gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với tổ chức nghiên cứu khoa học và với DN”; Khoản 9, điều 28, chương 3, quy định cơ sở giáo dục đại học có quyền và nghĩa vụ “hợp tác với các tổ chức kinh tế” trong và ngoài nước.
Điều lệ trường ĐH (ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ) qui định tại khoản 2, điều 53 rằng, trường ĐH bảo đảm thực hiện chủ trương xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, có giải pháp thu hút các DN “tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; góp ý kiến cho NT về quy hoạch phát triển, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo, phát triển chương trình đào tạo; hỗ trợ kinh phí cho người học và tiếp nhận người tốt nghiệp, giám sát các hoạt động giáo dục và tạo lập môi trường giáo dục lành mạnh”; Khoản 2, điều 54, chương 6 quy định trường ĐH phối hợp với các DN trong và ngoài nước để “xác định nhu cầu đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và tuyển dụng người học đã tốt nghiệp; ký các hợp đồng đào tạo, các hợp đồng khoa học và công nghệ; triển khai ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội”; Khoản c, điều 15, chương 2 qui định rõ Khoa có nhiệm vụ “lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành nghề đào tạo và huy động sự tham gia của DN vào quá trình đào tạo”.
Theo danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân (ban hành kèm theo Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ) thì du lịch, khách sạn là lĩnh vực đào tạo bao gồm các nhóm ngành, nghề tập trung vào các chức năng quản lý, hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu ứng dụng liên quan đến tổ chức vận hành các DN du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cụ thể: du lịch (8101) là nhóm ngành, nghề đào tạo tập trung vào các nguyên lý và vận hành các hoạt động du lịch và lữ hành, nơi ăn ở và các cơ sở vui chơi, giải trí; chiến lược tiếp thị; quy hoạch, quản lý và mua bán lữ hành; quản trị tài chính và các chính sách và quy định về du lịch.
Khách sạn, nhà hàng (8102) là nhóm ngành, nghề đào tạo tập trung vào quy hoạch, quản lý và tiếp thị khách sạn và nhà hàng cung cấp các dịch vụ đón, đưa khách du lịch và phục vụ ăn uống; quản lý các chuỗi khách sạn và nhà hàng, mua bán sang nhượng thương hiệu. Ba ngành được đào tạo phổ biến ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay là Quản trị Dịch vụ du lịch & lữ hành (Travel and Tourism Management), Quản trị Khách sạn (Hotel Management), Quản trị Nhà hàng và dịch vụ ăn uống (Restaurant Management and Gastronomy).
Đề án “Tăng cường công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội trong lĩnh vực du lịch đến năm 2025” (Ban hành theo Quyết định số 844/QĐ-BVHTTDL ngày 11/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề ra phương hướng “nỗ lực huy động mọi nguồn lực tập trung đẩy mạnh đào tạo phát triển NLDL theo nhu cầu xã hội hiệu quả hơn, tạo được chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng”.
2.3. Các hình thức Liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo NLDL phổ biến hiện nay
Quan sát các mô hình LK.NT&DN phổ biến hiện nay, tác giả bài viết ghi nhận LK.NT&DN có những hình thức: Chương trình thực tập (Internship Program); Tour trải nghiệm nghề nghiệp (Career Tour); Ứng viên tiềm năng (Fresher Program); Lớp liên kết (Linkages Training Course); Ngày hội việc làm (Career Expo); Giảng viên thỉnh giảng (Visiting Lecturer); Tập huấn giảng viên (Lecturer Training Workshop); Hội nghị (Conference); Các học bổng (Scholarships), dưới đây là khái quát những hình thức liên kết được xây dựng phổ biến hiện nay:
Chương trình thực tập (Internship Program): Ra đời sớm nhất trong các hình thức LK.NT&DN, chương trình thực tập cuối khóa với mục tiêu giúp sinh viên được tiếp cận với nghề nghiệp mà họ đã lựa chọn, hình dung được công việc cụ thể sau khi ra trường. Đối với sinh viên, thực tập tốt nghiệp là thời kỳ quá độ từ lao động dự nguồn thành một lao động thực thụ, về bản chất đây là hoạt động giáo dục đặc thù nhằm góp phần hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực nghề nghiệp cần thiết của sinh viên theo mục tiêu đào tạo.
Đa phần DN ghi nhận sự đóng góp của sinh viên thực tập như một lao động thời vụ, được chấm công và nhận được thù lao tương ứng theo quy định của từng DN. Kết thúc kỳ thực tập, sinh viên sẽ hoàn thành một Báo cáo kết quả thực tập theo yêu cầu về hình thức và nội dung của NT dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Đồng thời sinh viên nhận được bản đánh giá kết quả, quá trình thực tập của DN (có thể theo mẫu của NT hoặc của DN), cùng với chất lượng Báo cáo kết quả thực tập bản đánh giá của DN là cơ sở để giảng viên hướng dẫn ghi nhận kết quả thực tập bằng điểm số.
Chương trình thực tập là một học phần có điều kiện (muốn đăng ký học phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định trong chương trình đào tạo), thường kéo dài ít nhất 3 tháng. NT sẽ cử giảng viên hướng dẫn chuyên môn cho sinh viên, trong thời gian thực tập, sinh viên phải tuân thủ các quy định của DN về thời gian làm việc, sự phân công công việc, đặc biệt là các quy định nghề nghiệp, an toàn lao động, phía DN cũng sẽ cử cán bộ quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ cho sinh viên.
Tour trải nghiệm nghề nghiệp (Career Tour): Phát triển từ các tour trải nghiệm của sinh viên du lịch lữ hành và hướng dẫn du lịch, 3 năm trở lại đây hình thức tour trải nghiệm nghề nghiệp nở rộ cho ngành quản trị khách sạn với kỳ vọng giúp họ có cái nhìn chính xác và toàn diện về cách hoạt động của DN và định vị vị trí công việc tương lai của họ trong DN với chuyên ngành theo học (các hoạt động tiêu biểu gồm thăm quan, lắng nghe chia sẻ của người lãnh đạo, quản lý DN; Training về kỹ năng, năng lực cần thiết để làm việc; Trải nghiệm, thực tập với vị trí công việc...).
Tour trải nghiệm nghề nghiệp là một chuyến đi ngắn (từ 1 ngày đến 1 tuần) có thể do NT chủ động liên hệ với DN, thiết kế tổ chức (không thông qua trung gian) hoặc NT chọn một đối tác là một DN có kinh nghiệm đứng ra tổ chức và điều hành tour. Sinh viên tham gia tour là một khách hàng của dịch vụ này và thường phải trả một mức phí tùy quy mô tour. Bản chất tour trải nghiệm nghề nghiệp là một chương trình được thiết kế nhằm giúp sinh viên tiệm cận với nghề nghiệp bằng cách đưa sinh viên đến môi trường làm việc thực thụ và chuyên nghiệp.
Các tour trải nghiệm thường được tích hợp vào một học phần thực hành, hoặc được trang bị như một học phần có tính năng bổ sung trong chương trình đào tạo. Kết thúc tour, sinh viên cần hoàn thành một báo cáo ngắn theo yêu cầu về nội dung và hình thức của NT, giảng viên hướng dẫn sẽ đánh giá kết quả sinh viên thông qua thái độ và kỹ năng trong chuyến đi cùng với báo cáo này.
Lớp liên kết (Linkages Training Course): Lớp liên kết là hình thức phổ biến nhất trong đào tạo ngành nhà hàng và dịch vụ ăn uống với các học phần đòi hỏi trang thiết bị phục vụ giảng dạy và yếu tố kinh nghiệm, bí quyết cho sự thành công của nghề nghiệp tương lai. Về bản chất, lớp liên kết là một hình thức chuyển đổi môi trường đào tạo từ NT (thiếu điều kiện) sang DN được chọn làm đối tác (vì đủ năng lực đáp ứng). NT là người tổ chức đào tạo, quá trình quản lý và trực tiếp đào tạo được chuyển sang cho DN. Song song với hoạt động sản xuất - kinh doanh, môi trường chuyên nghiệp của DN trở thành lớp học cho một học phần với thời lượng tương ứng trong chương trình đào tạo.
Ngày hội việc làm (Career Expo): Xuất phát từ mối quan hệ NT là nguồn tuyển dụng cung cấp NLDL dồi dào cho các DN (được xúc tiến bởi các hình thức như DN gửi thông báo tuyển dụng đến các NT, NT chuyển thông tin đến sinh viên, NT tìm ứng viên phù hợp giới thiệu cho DN...), ngày nay liên kết này được thể hiển bởi hình thức quy mô hơn là những Ngày hội việc làm (một sự kiện được tổ chức bởi các trường ĐH, NT và các DN, nhằm hình thành không gian trưng bày, quảng bá thương hiệu, công khai nhu cầu và tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự của DN, sinh viên chủ động sẽ tìm đến nhà tuyển dụng để tìm hiểu về môi trường làm việc của đơn vị muốn ứng tuyển và tìm kiếm cơ hội việc làm).
Nhiều hoạt động về Tư vấn tuyển dụng, Hội thảo nghề nghiệp, giao lưu DN được tổ chức sẽ là cơ hội để sinh viên tiếp cận, giao lưu với chuyên gia tuyển dụng, các khách mời là lãnh đạo, quản lý DN về các cơ hội nghề nghiệp. Đồng thời Ngày hội việc làm chính là dịp để nhà tuyển dụng gặp gỡ trực tiếp một số lượng lớn ứng viên và lựa chọn, sàng lọc những cá nhân ưu tú nhất cho công tác tuyển dụng của DN. Trong hình thức này, NT đóng vai trò nhà tổ chức, cung ứng nguồn sinh viên, ứng viên, các DN đóng vai trò khách mời, nhà tuyển dụng ứng viên phù hợp.
Giảng viên thỉnh giảng (Visiting Lecturer):
Giảng viên thỉnh giảng từ DN là một lựa chọn tốt cho việc nâng cao chất lượng đào tạo NLDL ở các NT hiện nay. Luật Giáo dục (2005) quy định tại điều 74 rằng cơ sở giáo dục được mời người có đủ tiêu chuẩn (phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ là thạc sĩ trở lên; đủ sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; lý lịch bản thân rõ ràng) đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng. Điều 57 của Luật Giáo dục ĐH (2013) quy định giảng viên thỉnh giảng thực hiện các nhiệm vụ và được hưởng các quyền theo hợp đồng thỉnh giảng. Cơ sở giáo dục ĐH được mời giảng viên thỉnh giảng, mời báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân ở trong nước và nước ngoài. NT chủ động mời những chuyên gia, Nhà quản lý DN giàu kinh nghiệm về làm giảng viên thỉnh giảng cho sinh viên mình (mang kinh nghiệm thực tế từ DN đến sinh viên). Một hình thức khác tương tự là các DN chủ động liên hệ các NT - nguồn cung cấp giảng viên đến DN làm báo cáo viên cho các đợt tập huấn nâng cao trình độ nhân lực DN hiện tại hoặc nhằm thực hiện các đề tài nghiên cứu nâng cao hiệu quả hoạt động của DN hay DN liên kết với NT tổ chức các lớp học dạng thức DN đặt hàng NT đào tạo đặc thù cho DN.
2.4. Kết quả ghi nhận
Ở Việt Nam, vấn đề LK.NT&DN cũng nhận được sự chú ý của cả NT và DN nhất là từ khi công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, trên phương diện pháp lý, LK.NT&DN được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo, sự phản ánh LK.NT&DN trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành tuy có nhưng khá mờ nhạt. Về hình thức, LK.NT&DN trong đào tạo NL.DL rất đa dạng, có thể nhận thấy rằng trong bối cảnh cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo nhằm thu hút người học lựa chọn chương trình đào tạo thì các trường đại học đều chú ý xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với DN.
Các hình thức LK.NT&DN có tác dụng khác nhau, theo đó là mục tiêu, các ưu, nhược điểm khác nhau và trong điều kiện hiện nay. Các trường đồng thời áp dụng các hình thức này nhưng tùy điều kiện, năng lực tài chính, năng lực sinh viên mà nội dung, hình thức và mức độ thực hiện rất khác nhau nhằm rèn luyện kỹ năng “mềm” cho người học, gắn đào tạo với hoạt động thực tiễn của DN, tuy nhiên LK.NT&DN trong đào tạo NLDL còn tự phát, chưa mang tính hệ thống nên hiệu quả chưa cao.
Từ góc nhìn DN, các DN du lịch đề cao trách nhiệm xã hội đã chung tay cùng với NT trong đào tạo NLDL thông qua việc tích cực hỗ trợ hoạt động thực tập, hỗ trợ trang thiết bị dạy học, nguồn học liệu chuyên sâu, nguồn giảng viên, chuyên gia cấp cao và nguồn tài trợ lớn… đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học ở các trường thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN du lịch thờ ơ với NT, chỉ đòi hỏi NT phải đào tạo NLDL chất lượng cao và DN chỉ việc tuyển lựa nhân sự phù hợp, chưa đồng hành cùng NT trong đào tạo NLDL.
3. Một số khuyến nghị
CMCN 4.0 đang và sẽ tô đậm nét mô hình dịch vụ du lịch hậu hiện đại (Post-Modern Tourism Paradigm) với trọng tâm là đáp ứng nhanh chóng, chính xác các nhu cầu của khách hàng bằng việc số hóa các sản phẩm, dữ liệu lớn và điện toán đám mây (Moavenzadeh, 2015) kết hợp với thương mại điện tử và tự động hóa dịch vụ sẽ dẫn đến sự thay đổi mô hình sử dụng dịch vụ du lịch theo giao thức truyền thống hiện có. Khách hàng thông minh, thị trường du lịch số hóa đặt vấn đề cần nhanh chóng thay đổi công tác đào tạo NL.DL để bắt kịp xu thế mới, dưới đây tác giả nêu lên 5 khuyến nghị nhằm phát triển LK.NT&DN trong đào tạo NLDL hiện nay:
Một là: LK.NT&DN trong đào tạo NLDL trước tiên cần phải được xác định thành khung hợp tác và những cam kết chiến lược giữa NT và các DN đối tác. Cả hai cần nỗ lực xây dựng các mô hình “NT của DN”, “NT trong DN”, “DN trong NT” vì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo. Các hoạt động tổ chức trong các hình thức liên kết cần được quan tâm đầu tư tổ chức thực chất, tránh hình thức, qua loa hoặc tổ chức vì mục đích tạo những sự kiện phục vụ truyền thông hình ảnh của DN hoặc NT. Yếu tố lợi nhuận của NT và DN thu được thông qua LK.NT&DN là có và chính đáng, tuy nhiên nếu LK.NT&DN đặt yếu tố lợi nhuận từ sự đóng góp chi phí của người học lên hàng đầu sẽ gây hiệu ứng lan tỏa (Halo Effect), khi đó uy tín của cả NT và DN sẽ bị tổn hại không nhỏ.
Hai là: NT cần quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của người học trong việc tiếp cận với DN, tránh tình trạng áp đặt họ vào các hình thức liên kết theo cách cung ứng các sản phẩm mình có chứ không phải là điều người học cần và sẵn lòng chi trả để đổi lấy cơ hội cho mình. CMCN 4.0 mang đến cơ hội tổ chức các khóa học E-Learning tạo điều kiện cho việc học mọi nơi, học mọi lúc, học theo sở thích, và học suốt đời, vai trò của smartphone... Tuy nhiên, tác giả khuyến nghị các trường hết sức thận trọng khi áp dụng hình thức E-Learning trong đào tạo du lịch vì trong thời kỳ mới, 3 yếu tố kiến thức - kỹ năng - thái độ góp phần tương đương nhau trong sự thành công của cá nhân trong khi E-Learning khó tạo lập được kỹ năng và thái độ.
Ba là: NT cần nhận thức rõ sự góp vào khối liên kết thông qua: (1) Tận dụng một cách sáng tạo các cơ hội và nguồn lực từ Nhà nước, DN, để nâng cao năng lực đào tạo, đội ngũ quản lý, giảng viên, cơ sở vật chất...; (2) Kết nối chương trình đào tạo với thực tiễn DN; (3) Kiểm soát chặt quá trình đào tạo, đảm bảo chất lượng dạy và học; (4) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, thương mại hóa kết quả nghiên cứu thông qua chuyển giao công nghệ với DN; (5) Lựa chọn và phát triển các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ số hóa trong đào tạo và đào tạo ứng dụng công nghệ số hóa; (6) Cùng với DN thiết kế các chương trình đào tạo bậc cao, nhất là bậc sau đại học phục vụ đào tạo trực tiếp các nhà quản lý của DN và phối hợp cùng DN đào tạo NLDL chất lượng cao.
Bốn là: DN cần chủ động đóng góp cho khối liên kết thông qua: (1) Phải là người sử dụng NLDL có trách nhiệm, không đứng ngoài cuộc trong công tác đào tạo; (2) Đóng góp xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo qua chương trình “học tại DN", “thực tập tại DN"...; (3) Cung cấp lực lượng
giảng viên có kinh nghiệm thực tế phong phú, tay nghề cao cho các đơn vị đào tạo; (4) Hỗ trợ NT trong việc tiếp cận công nghệ du lịch mới, nối kết với mạng lưới DN du lịch, hiệp hội nghề nghiệp và tổ chức du lịch toàn cầu; (5) Đầu tư xây dựng các trung tâm đào tạo, đảm nhận đào tạo các học phần nghiệp vụ theo tiêu chuẩn quốc tế.
4. Kết luận
Dựa trên nguồn dữ liệu thứ cấp, tác giả bài viết đã hệ thống hóa cơ sở lý luận và phân tích thực trạng LK.NT&DN trên phương diện pháp lý và những đặc điểm chính, ưu điểm, nhược điểm của 5 hình thức LK.NT&DN trong đào tạo NLDL phổ biến hiện nay là Chương trình thực tập (Internship Program), Tour trải nghiệm nghề nghiệp (Career Tour), Lớp liên kết (Linkages Training Course), Ngày hội việc làm (Career Expo) và Giảng viên thỉnh giảng (Visiting Lecturer). Cuối cùng, để năng lực LK.NT&DN trong đào tạo NLDL được nâng cao, 4 khuyến nghị đã được tác giả nêu lên, kỳ vọng rằng bài viết sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các cấp quản lý đào tạo, các NT và DN quan tâm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Anderson, R.D. (2004), European Universities from the Enlightenment to 1914, Oxford Scholarship Online: January 2010.
- Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Geiger, R.L. (2004), Knowledge and Money, Research Universities and the Paradox of the Marketplace, Stanford: Stanford University Press.
- Moavenzadeh, J. (2015), The 4th Industrial Revolution: Reshaping the Future of Production, https://www.eiseverywhere.com/file_ up loads/fe23 8270f05 e2 db f1 87 e2a60cbcd d68e_2_Keynote_John_ Moavenzadeh_World_ Economi c_ Forum.p df , [Access Date:10.03.2019].
- Quốc hội CHXHCN Việt Nam (2005), Luật Giáo dục số 38/2005/QH11.
- Quốc hội CHXHCN Việt Nam (2012), Luật Giáo dục ĐH số 08/2012/QH13.
- Quốc hội CHXHCN Việt Nam (2017), Luật Du lịch số 09/2017/QH14.
The educational institutions - businesses link in training tourism manpower: Models and Recommendations
Master. Nguyen Nu Tuong Vi
Saigon Co.op
Abstract:
The demand for high quality tourism manpower for the tourism 4.0 has been pointed out by leaders, business executives and scientists as an urgent issue. The link between educational institutions and businesses is approved as the most feasible solution that can directly improve the quality of current tourism manpower training. This article presents an overview of the theoretical basis of the educational institutions - businesses link, the current situation of this link in the legal aspect in Vietnam, the common model of the educational institutions - businesses link in training tourism manpower. Based on these issues, this article proposes solutions to improve the training quality of tourism manpower through the educational institutions - businesses link.
Keywords: Link, school, business, training, tourism manpower.