TÓM TẮT:
Bài báo này nhằm mục đích khám phá quan điểm của các doanh nghiệp trong việc phát triển mối liên kết xuyên biên giới giữa đại học và doanh nghiệp trong các nước ASEAN. Nghiên cứu định tính được áp dụng, trong đó thảo luận nhóm tập trung được tiến hành giữa các doanh nghiệp. Dữ liệu nghiên cứu được xử lí bằng phương pháp phân tích theo chủ đề được tạo ra từ nhóm phỏng vấn. Kết quả cho thấy, bốn chủ đề nổi bật là chính sách, quy hoạch tổng thể và/hoặc bản kế hoạch chi tiết; trợ cấp và tài trợ; chính sách ưu đãi thuế; và vai trò của các cơ quan và ban ngành của Chính phủ. Đáng chú ý, những người trả lời tương đối nhấn mạnh vào tầm quan trọng của các khoản trợ cấp và tài trợ, các chương trình ưu đãi thuế, hơn là về vai trò của các cơ quan và ban ngành của chính phủ và các chính sách, quy hoạch tổng thể và/hoặc bản kế hoạch chi tiết.
Từ khóa: Hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp, chính sách, khuyến khích, ASEAN.
1. Giới thiệu
Liên kết xuyên biên giới giữa đại học và doanh nghiệp trong khối ASEAN là một loại hình hợp tác cụ thể, hợp tác giữa trường đại học (ĐH) và doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) và năng lực đổi mới của mỗi quốc gia. Mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tích lũy kiến thức trong trường ĐH và ứng dụng vào các ngành công nghiệp sẽ hình thành nên nền tảng vững chắc cho việc phát huy năng lực và ý tưởng đổi mới. Hơn nữa, điều này cũng thúc đẩy việc chuyển giao kiến thức và kỹ thuật giữa các nhà khoa học và học giả nhằm đạt được sự phát triển vượt bậc về khoa học và nghiên cứu. Tương tự như tác động đối với các loại hình hợp tác khác, các chính sách và ưu đãi có vai trò quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ hợp tác có tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục và DN. Nhìn nhận về thực tiễn khuyến khích hợp tác giữa các trường ĐH và DN trong R&D, một số quốc gia trong khu vực ASEAN, điển hình như Malaysia, đã xây dựng và thực hiện các chính sách và chương trình cụ thể. Trong khi đó, các thành viên ASEAN khác vẫn đang trong quá trình tạo dựng. Các chính sách và ưu đãi vẫn chưa đủ mạnh để tạo động lực cho sự hợp tác giữa các trường ĐH với các DN chắc chắn là cản trở lớn đối với nỗ lực thúc đẩy sự hợp tác trong khu vực, hay còn gọi là khu vực ASEAN trong phạm vi của bài báo này.
Các nghiên cứu gần đây đã xem xét quan điểm phù hợp thực tế của việc thực hiện các chính sách và sáng kiến của chính phủ cũng như kỹ năng thiết yếu để quản lý mạng lưới hợp tác một cách hiệu quả. Thực tế cho thấy, các chính sách hợp tác xuyên biên giới được hình thành và củng cố một cách có hệ thống ở các khu vực châu Âu và Bắc Mỹ nhờ sự tham gia tích cực của nhiều bên liên quan bao gồm DN, các Bộ liên quan và chính phủ các nước. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức ở các khu vực đang phát triển, cụ thể là các nước ASEAN, dẫn đến khả năng theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế của các khu vực phát triển còn yếu. Hơn nữa, rõ ràng là các nước có xu hướng tập trung hơn đến việc đầu tư vào hợp tác R&D ở phạm vi quốc gia so với quy mô khu vực, vì có thể kiểm soát trực tiếp chi phí và lợi ích. Tuy nhiên, sự phát triển của mỗi quốc gia cũng phụ thuộc vào sự tăng trưởng chung của các quốc gia thành viên khác trong khu vực. Trong khi sự hợp tác ở phạm vi quốc gia giữa các DN, giữa trường ĐH và DN, và giữa chính phủ và DN còn yếu ở các quốc gia ASEAN, các chính sách và ưu đãi cũng không được thiết lập đầy đủ để khuyến khích các nỗ lực hợp tác. Chính vì thế, từ quan điểm của quan hệ đối tác xuyên biên giới, điều này làm suy yếu sự hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Bài báo này nhằm mục đích khám phá quan điểm của các doanh nghiệp trong việc phát triển mối liên kết giữa các trường ĐH và DN xuyên biên giới giữa các nước ASEAN, từ đó giúp hiểu rõ các chính sách và ưu đãi trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các trường ĐH trong nước và xuyên biên giới trong khu vực ASEAN. Thông qua cách tiếp cận định tính, các phân tích và kết luận của nghiên cứu này làm cơ sở để khuyến nghị cho các nghiên cứu trong tương lai.
2. Tổng quan các chính sách hành động và ưu đãi đối với hợp tác xuyên biên giới trong khu vực ASEAN
Nhìn chung, động cơ hợp tác giữa trường ĐH và DN được giải thích bởi lý thuyết về lợi thế hợp tác dựa trên những kết quả tích cực mà các đối tác thực sự quan tâm, về khả năng tiếp cận các nguồn lực và chuyên môn, chia sẻ rủi ro và tăng hiệu quả phối hợp. Vai trò của chính sách công trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa trường ĐH và DN là không chỉ trực tiếp cung cấp vốn cho các dự án hợp tác R&D mà còn đặt ra các cơ chế và quy định để quản lý mối quan hệ đối tác đó một cách hiệu quả. Hơn nữa, ở cấp độ vĩ mô, chính sách công cũng hỗ trợ bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng, các tổ chức trung gian và các dịch vụ cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành các dự án R&D của các trường ĐH và các doanh nghiệp.
Hầu hết các quốc gia trong khu vực ASEAN có xu hướng tập trung vào các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung trong khi một số thành viên lại hướng sự chú ý vào các chính sách và ưu đãi cụ thể hơn về R&D cũng như các hoạt động đổi mới. Ví dụ, Singapore khuyến khích các dự án R&D đủ điều kiện được thực hiện ở cả trong và ngoài nước bằng cách ưu đãi khấu trừ hoặc trợ cấp thuế 400%, với giới hạn chi tiêu là 400.000 USD. Đối với Thái Lan, Nội các Thái Lan đã thông qua việc tăng ưu đãi thuế đối với các chi phí phát sinh cho hoạt động R&D công nghệ và đổi mới đủ điều kiện có số tiền thấp hơn mức khấu trừ thuế 300% hoặc phần trăm giới hạn tổng doanh thu. Brunei cũng cung cấp các ưu đãi thuế đầu tư R&D cạnh tranh và sinh lợi cho các nhà đầu tư, các ngành công nghiệp tiên phong và các công ty dịch vụ trong suốt chu kỳ kinh doanh khởi nghiệp, tăng trưởng, hoạt động ổn định và mở rộng dưới hình thức miễn thuế và giảm thuế toàn diện.
Trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, Philippines xác định các hoạt động R&D là ưu tiên đầu tư bằng cách cung cấp cho các DN đủ điều kiện miễn thuế thu nhập (ITH), các ưu đãi tài chính và phi tài chính khác. Tương tự, Luật Đầu tư nước ngoài của Myanmar cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài nhiều khoản khấu trừ, miễn và giảm thuế thu nhập để thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, chính phủ Campuchia cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành R&D các ưu đãi về thuế như miễn thuế, miễn thuế lợi tức, khấu hao đặc biệt và miễn thuế hải quan.
Mặc dù không có chương trình ưu đãi thuế cụ thể dựa trên R&D, nhưng ở Indonesia, việc khấu trừ thuế và miễn thuế nhập khẩu được áp dụng để khuyến khích hoạt động R&D trong các hệ thống, sản phẩm và phát triển công nghệ mới giữa các DN trong nước. Ở Malaysia, các ưu đãi thuế R&D như khấu trừ thuế hai lần, Trợ cấp thuế đầu tư và Miễn thuế do Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia và Cục Doanh thu Nội địa Malaysia thiết kế đã được áp dụng đa dạng trong các hoạt động thương mại của Malaysia. Ở Việt Nam, cùng với quá trình từng bước tự do hóa đầu tư và thương mại, hệ thống thuế cũng được cải cách theo hướng chiến lược, tập trung nhiều hơn vào việc giảm thuế suất và đơn giản hóa phương pháp tính và kê khai, nộp thuế. Mặc dù chưa được thiết kế tốt và vẫn đang trong giai đoạn đổi mới, các ưu đãi thuế, cụ thể là quỹ R&D được khấu trừ thuế tại Việt Nam (lên đến 10% lợi nhuận trước thuế hàng năm), được áp dụng để khuyến khích các hoạt động R&D trong các lĩnh vực, địa điểm và dự án cụ thể. Đáng chú ý là ở Lào, không có chế độ tín dụng thuế nước ngoài nào được đưa ra trong Luật Thuế; thay vào đó, miễn thuế đối với lợi nhuận được quy định theo Luật Khuyến khích Đầu tư 2011 liên quan đến các hoạt động R&D nói chung.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu định tính được áp dụng vì đây được xem là phương pháp thích hợp nhất để thu thập thông tin chi tiết cần thiết bằng cách chỉ tập trung vào một số người được hỏi đang làm việc trong các DN đến từ các nước ASEAN. Cụ thể, các cuộc thảo luận nhóm tập trung được thực hiện chủ yếu với những người chủ chốt tham gia vào các chính sách hợp tác xuyên biên giới bao gồm quản lý từ các công ty. Các bên liên quan từ các DN được mời để chia sẻ quan điểm của họ về các chính sách và ưu đãi hiện đang được áp dụng, nếu có, trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các trường ĐH xuyên biên giới giữa các nước ASEAN. Theo đó, có tổng cộng 24 người từ các công ty thuộc nhiều ngành khác nhau từ chín trong số mười quốc gia thành viên của ASEAN (trừ Brunei) đã tham gia vào thảo luận nhóm tập trung của nghiên cứu này. Phân tích dữ liệu được thực hiện bằng cách sử dụng phương pháp phân tích theo chủ đề được tạo ra từ nhóm phỏng vấn (đại diện từ các DN) làm cơ sở phân tích, so sánh và đối chiếu
4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Kết quả thảo luận nhóm tập trung cho thấy bốn chủ đề nổi bật là chính sách, quy hoạch tổng thể và/hoặc bản kế hoạch chi tiết; trợ cấp và tài trợ; chính sách ưu đãi thuế; và vai trò của các cơ quan và ban ngành của Chính phủ. Đáng chú ý, quan điểm khác nhau về tầm quan trọng của các chủ đề trên trong việc phát huy tính khả thi của việc hợp tác giữa đại học-doanh nghiệp đã được bộc lộ. Theo đó, về phía DN, những người trả lời tương đối nhấn mạnh vào tầm quan trọng của các khoản trợ cấp và tài trợ, các chương trình ưu đãi thuế hơn là về vai trò của các cơ quan và ban ngành của chính phủ và các chính sách, quy hoạch tổng thể và/hoặc bản kế hoạch chi tiết. Phần phân tích dưới đây của bài báo làm rõ các chủ đề đã được bàn luận.
4.1. Chính sách, quy hoạch tổng thể và/hoặc bản kế hoạch chi tiết
Các chính sách hiện tại và bản kế hoạch chi tiết trong tương lai để thúc đẩy đầu tư vào R&D của DN trong khu vực ASEAN và khuyến khích hợp tác giữa các trường ĐH và DN vẫn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các DN thuộc nhiều ngành khác nhau. Theo chia sẻ của đại diện đến từ Myanmar, các chính sách liên chính phủ cần được thực hiện để thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới giữa các nước ASEAN trên cơ sở cùng có lợi, có mục tiêu chung và hỗ trợ lẫn nhau về chuyển giao kiến thức và công nghệ, sử dụng tài nguyên và dịch chuyển việc làm để đổi lấy ưu đãi đặc biệt và trợ cấp thuế liên quan đến đầu tư. Ví dụ, Campuchia có sẵn nguồn tài nguyên nhưng nước này thiếu lao động quản lý và có kỹ năng, vì vậy cần kêu gọi các nước ASEAN khác hỗ trợ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Ngoài ra, các học giả và nhà lý luận trong các cơ sở nghiên cứu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao kiến thức và ứng dụng kiến thức, có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường ĐH và DN một cách hiệu quả giữa các quốc gia ASEAN.
Tại Philippines, các công ty đã thiết lập một nền tảng cơ sở dữ liệu trung tâm để trao đổi với các trường ĐH, nhằm giải quyết sự không tương quan giữa DN và trường ĐH về khía cạnh chương trình đào tạo và yêu cầu của DN. Cụ thể, các DN này đang cần lao động có kỹ năng để bắt kịp với những thay đổi và đổi mới công nghệ mới nhất, trong khi đó, muốn thay đổi thiết kế chương trình giảng dạy trong trường ĐH sẽ phải mất nhiều thời gian để sinh viên có thể được trang bị các kỹ năng thực hiện các hoạt động R&D trong DN. Do đó, đại diện DN đến từ Philippines khuyến nghị rằng các kỹ năng R&D cần thiết đang được giảng dạy ở bất kỳ trường ĐH nào cũng phải phù hợp với các kỹ năng của các trường ĐH khác ở khu vực ASEAN để đảm bảo rằng sinh viên tốt nghiệp có thể hoạt động trong các ngành công nghiệp trong cả khu vực ASEAN. Ngoài ra, Philippines cũng đồng thời cho thực hiện dịch vụ cố vấn (mentorship application), trong đó mời những người làm việc tại các DN và các trường ĐH tình nguyện cùng nhau giúp đỡ, cố vấn tinh thần kinh doanh khởi nghiệp, tạo nền tảng cơ sở dữ liệu cho sự hợp tác tiềm năng giữa các trường ĐH và DN dựa trên lợi ích chung.
Thêm vào đó, một thành viên được hỏi đề xuất rằng cần phát triển một cơ sở dữ liệu trung tâm bao gồm một thư mục điện tử toàn khu vực ASEAN về danh sách dịch vụ chuyên môn cho các DN để tìm kiếm các trường ĐH phù hợp cho việc cộng tác về chuyên môn, năng lực và lĩnh vực nghiên cứu thay vì chỉ cung cấp các khoản tài trợ và các ưu đãi. Nói cách khác, trên cơ sở chiến lược, các DN có thể cung cấp kinh phí cho các trường ĐH đủ điều kiện và năng lực thực hiện nghiên cứu phù hợp với mục tiêu, dựa trên động lực thu hồi vốn đầu tư (ROI), cũng như hợp tác với các trường ĐH trong việc phát triển các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN.
4.2. Trợ cấp và Tài trợ
Phần lớn các bên liên quan làm việc trong doanh nghiệp bày tỏ quan điểm tương tự về sự cần thiết của các khoản trợ cấp và tài trợ để khuyến khích đầu tư vào các hoạt động R&D và hợp tác giữa các trường ĐH và doanh nghiệp. Một đại diện đến từ Myanmar đề cập rằng hiện tại chính phủ không có khoản tài trợ nào được phân bổ để hỗ trợ thực hành nghiên cứu hợp tác giữa các trường ĐH và các DN khởi nghiệp, do đó điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của các trường ĐH và các DN trong việc bắt kịp nhịp độ phát triển của các quốc gia ASEAN khác. Trước đây, Myanmar đã thành lập các trung tâm ươm tạo và công viên phần mềm để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu nguồn tài trợ và trợ cấp cho nghiên cứu nên các trung tâm ươm tạo này không hoạt động hiệu quả. Ở cấp độ khu vực, một thành viên được hỏi đề xuất rằng các khoản tài trợ và quỹ chung nên được ưu tiên phân bổ cho các nước kém phát triển hơn trong khu vực ASEAN hơn là cho Singapore, Thái Lan và Malaysia. Một người tham gia khác đề xuất một khoản tài trợ bổ sung dành cho các nhà nghiên cứu sẵn sàng chia sẻ kết quả nghiên cứu với các thành viên ASEAN khác, vì vậy giúp giải quyết tình trạng thiếu kinh phí hợp tác xuyên biên giới.
4.3 Các chương trình ưu đãi thuế
Liên quan đến việc làm thế nào để thu hút các DN đầu tư vào các hoạt động R&D và hợp tác với các trường ĐH, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về vai trò then chốt của các chính sách ưu đãi thuế. Do sự khác biệt cố hữu trong hệ thống ưu đãi thuế giữa các nước ASEAN, những người được hỏi từ Philippines và Malaysia khuyến nghị rằng các ưu đãi tốt nhất có tác dụng lâu dài đối với một quốc gia cụ thể trong khu vực nên được xem một mô hình áp dụng tốt để thu hút đầu tư vào R&D cho các quốc gia thành viên khác. Thêm vào đó, đại diện của Philippines và Myanmar đặc biệt chỉ ra thông lệ tốt hiện nay của Singapore và Malaysia trong việc miễn thuế cho các công ty thực hiện hoạt động R&D cũng như đẩy nhanh tiến độ của các công ty khởi nghiệp R&D ở nước ngoài. Đại diện từ Thái Lan cũng tiết lộ rằng chính phủ đã cung cấp cho các công ty (bao gồm cả các công ty nước ngoài) các ưu đãi trong một số ngành để thực hiện R&D ở các khu vực khác nhau của Thái Lan. Tuy nhiên, đại diện Myanmar nhận thấy rằng, việc cho phép miễn thuế như nhau đối với cả nông sản và công nghiệp, tương ứng ở các nước kém phát triển và các nước phát triển, có thể dẫn đến nhận thức về sự không công bằng giữa các quốc gia trong khu vực và ảnh hưởng đến hiệu quả của hợp tác xuyên biên giới.
4.4. Vai trò của các cơ quan và ban ngành của Chính phủ
Các cơ quan và ban ngành của Chính phủ được biết đến với vai trò hỗ trợ các DN tiến hành các hoạt động R&D và giải quyết mọi vấn đề phát sinh, thúc đẩy đầu tư vào R&D giữa các DN ở các ngành khác nhau và quan hệ đối tác với các trường ĐH. Khá nhiều người được hỏi đã nhìn nhận một cách tích cực về vai trò quan trọng và hiệu quả của các cơ quan này, ngoại trừ Thái Lan. Theo đó, đại diện từ Thái Lan tiết lộ rằng, Chính phủ đã thiết lập một khoản trợ cấp khởi nghiệp với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA) để khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan tìm ra giải pháp cho các vấn đề trong lĩnh vực hoạt động của họ và cho phép các công ty phát triển và thương mại hóa các phát minh của họ với rủi ro thấp.
Tuy nhiên, một đại diện được hỏi khác tin rằng, các DN thay vì dựa vào các cơ quan chính phủ, có thể chủ động hợp tác với các trường ĐH để trao đổi kiến thức và nhận tư vấn giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở dữ liệu có sẵn và kinh nghiệm thu được từ các nghiên cứu điển hình của các công ty khác. Đại diện Myanmar nói thêm rằng, các trung tâm nghiên cứu hiện có hoạt động không hiệu quả và gợi ý các trường ĐH trên khắp các nước ASEAN có thể hợp tác lẫn nhau trong việc mua và sử dụng thiết bị nghiên cứu và cơ sở thí nghiệm chuyên môn cao thay vì phụ thuộc vào các cơ quan chính phủ. Kết quả là, khả năng nghiên cứu có thể được nâng cao bằng cách phi tập trung hóa các cơ sở như vậy. Đối với việc thiếu cơ sở nghiên cứu, đại diện Campuchia đề xuất thành lập Mạng lưới các trường ĐH ASEAN với vai trò là nền tảng để cung cấp cho các giáo sư sự linh hoạt và cơ hội thực hiện các chuyến trao đổi ngắn hạn hoặc dài hạn để thực hiện nghiên cứu giữa các cơ sở giáo dục đại học ở ASEAN (HEIs).
5. Kết luận
Nhìn chung, phân tích kết quả nghiên cứu liên quan đến thảo luận nhóm tập trung của các bên liên quan làm việc trong các doanh nghiệp đã cho thấy những nhận thức khác nhau về mức độ quan trọng của các chủ đề nổi bật. Cụ thể, việc nhấn mạnh vào tầm quan trọng của các khoản trợ cấp và tài trợ và các chương trình ưu đãi thuế của các đại diện đến từ doanh nghiệp hoạt động trong khu vực ASEAN là cơ sở để các cơ quan quản lí nhà nước có sự quan tâm và chỉ đạo hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, tạo động lực hợp tác R&D với các trường ĐH. Theo đó, chủ trương đầu tư mạnh mẽ vào các gói trợ cấp, tài trợ nghiên cứu từ Chính phủ, ưu tiên hỗ trợ các nước kém phát triển hơn trong khu vực là những giải pháp tình thế mà đại diện các nước ASEAN đề xuất. Kèm theo đó, việc cung cấp nhiều gói ưu đãi thuế cũng có tác động trực tiếp và tích cực đến việc thúc đẩy các doanh nghiệp và trường ĐH tập trung nhiều hơn vào đầu tư hợp tác R&D, qua đó cải thiện một cách toàn diện năng lực R&D của các nước ASEAN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Brimble, P., & Doner, R. F. (2007). University–industry linkages and economic development: the case of Thailand. World Development, 35(6), 1021-1036.
- C Small Solutions (2016). High-Tech Vietnam: Tax Incentives. [online] Available at: http://www.csmall.co.uk/2016/01/24/vietnam-high-tech-incentives [Accessed 26 November 2020].
- Cunningham, J. A., & Link, A. N. (2015). Fostering university-industry R&D collaborations in European Union countries. International Entrepreneurship and Management Journal, 11(4), 849-860.
- EY (2015). Thailand approves increased tax incentive for research and development expenses. [online] Available at: https://www.ey.com/gl/en/services/tax/international-tax/alert--thailand-approves-increased-tax-incentive-for-research-and-development-expenses [Accessed 10 October 2020].
- Garcia, A. & Kok, T.L. (2014). R&D tax incentives in Malaysia. [online] Available at: https://www.bna.com/rd-tax-incentives-n17179882404/ [Accessed 15 November 2020].
- Guimón, J. (2013). Promoting university-industry collaboration in developing countries. Innovation Policy Platform, Policy Brief, OECD and World Bank.
- Indonesia-Investments (2013). Indonesian Government Prepares Seven Incentives to Spur Investments. [online] Available at: https://www.indonesia-investments.com/business/business-columns/indonesian-government-prepares-seven-incentives-to-spur-investments/item967 [Accessed 18 November 2020].
- Inland Revenue Authority of Singapore (IRAS) (2015). IRAS e-Tax Guide Research and Development Tax Measures (Fourth edition). Singapore: Inland Revenue Authority of Singapore.
- Lakitan, B., Hidayat, D., & Herlinda, S. (2012). Scientific productivity and the collaboration intensity of Indonesian universities and public R&D institutions: Are there dependencies on collaborative R&D with foreign institutions? Technology in Society, 34(3), 227-238.
- Muscio, A., Quaglione, D., & Vallanti, G. (2013). Does government funding complement or substitute private research funding to universities? Research Policy, 42(1), 63-75.
- PwC (2018). Worldwide Tax Summaries: Vietnam Corporate - Tax credits and incentives. [online] Available at: http://taxsummaries.pwc.com/uk/taxsummaries/wwts.nsf/ID/Vietnam-Corporate-Tax-credits-and-incentives [Accessed 21 October 2020].
- PwC (2018). Worldwide Tax Summaries: Cambodia Corporate - Tax credits and incentives. [online] Available at: http://taxsummaries.pwc.com/uk/taxsummaries/wwts.nsf/ID/Cambodia-Corporate-Tax-credits-and-incentives [Accessed 13 November 2020].
Cross-border collaborations between university-industry in ASEAN - Views from enterprises
Ph.D Nguyen Nhat Tan
Faculty of International Business Administration
Ho Chi Minh City University of Foreign Languages – Information Technology
ABSTRACT:
This paper aims to explore the views of stakeholders from industries in developing cross-border university-industry linkages between ASEAN member countries. The qualitative research method was applied and focus group discussions were conducted among stakeholders from industries. Research data sets were processed by using the thematic analysis approach generated from the interviewed group. Results showed that four outstanding themes were policies, masterplans and/or blueprints; fundings and grants; tax incentives; and the role of gstate agencies. Notably, respondents from the industries placed comparatively greater emphasis on the importance of grants and funding, tax incentive schemes than on the roles of state agencies and on policies, masterplans and/or blueprints.
Keywords: university-industry collaboration, policies, incentives, ASEAN.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2021]