Long An: Kinh phí khuyến công địa phương “Vốn mồi” tạo sức bật cho doanh nghiệp phát triển

Thời gian qua, tại Long An nguồn kinh phí khuyến công địa phương được xem là “vốn mồi”, hỗ trợ một phần kinh phí để các cơ sở đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất.

 Từ nguồn kinh phí này đã giúp các cơ sở tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

Chương trình khuyến công địa phương năm 2024 (đợt 1) được UBND tỉnh Long An phê duyệt nhằm hỗ trợ 9 đề án với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng. Trong đó có danh mục đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, chế tạo cơ khí phụ trợ,…Việc tổ chức thực hiện, sử dụng nguồn kinh phí khuyến công đúng mục đích và đạt hiệu quả cao góp phần quan trọng vào sự phát triển công nghiệp ở khu vực nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời tiếp sức, tạo đòn bẩy để các cơ sở CNNT từng bước phát triển bền vững.

Hiệu quả từ “ Vốn mồi”

Cụ thể, đối với Công ty TNHH MTV đóng xà lan Nguyên Hồng (Công ty Nguyên Hồng) tại ấp Bà Mía, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, chuyên sản xuất, gia công, chế tạo máy móc nông nghiệp phục vụ cho bà con nông dân như máy gặt đập liên hợp và cơ khí phụ trợ, máy cắt liên hợp, máy thu gom phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch trên cây lúa, máy vớt lục bình trên sông,… Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp đang sản xuất với máy móc thiết bị còn thô sơ, công suất nhỏ không đáp ứng được nhu cầu sản xuất (như trục cuốn của máy vớt lục bình, máy cắt liên hợp, trục láp chân vịt ghe tàu,…) nên phải thuê gia công bên ngoài, tiêu tốn nhiều chi phí, nhân công.

Máy tiện đi vào hoạt động đã giúp sản phẩm Công ty Nguyên Hồng có độ bền và độ đồng tâm chính xác cao, chủ động sản xuất do không phải đi thuê gia công bên ngoài

Máy tiện đi vào hoạt động đã giúp sản phẩm Công ty Nguyên Hồng có độ bền và độ đồng tâm chính xác cao, chủ động sản xuất do không phải đi thuê gia công bên ngoài

Trước những nhu cầu, thách thức trên và để phát triển nghề bền vững, việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm là xu thế tất yếu. Nhận thấy được việc đầu tư máy móc thiết bị là rất cần thiết, được sự giới thiệu từ địa phương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Long An đã khảo sát, xây dựng đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy tiện trong sản xuất, gia công và chế tạo cơ khí phụ trợ” đối với Công ty Nguyên Hồng với tổng chi phí của đề án là 561,6 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ 250 triệu đồng.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ trên Công ty Nguyên Hồng quyết định đầu tư 01 máy tiện có công suất 7.5 Kw, xuất xứ Việt Nam được sản xuất năm 2024 đưa vào quy trình sản xuất.

Ông Ngô Nguyên Hồng - Giám đốc Công ty Nguyên Hồng cho biết: Máy tiện đi vào hoạt động đã giúp gia công được những trục có đường kính lớn (trên 102mm) và dài (trên 3.200mm) mà máy hiện có không đáp ứng được; sản phẩm có độ bền và độ đồng tâm chính xác cao; chủ động sản xuất do không phải đi thuê gia công bên ngoài; rút ngắn thời gian sản xuất và hạ giá thành sản phẩm; cải thiện được điều kiện làm việc của công nhân cũng như giải được bài toán về thiếu lao động có tay nghề như hiện nay; đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, đã giúp thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước để tạo động lực phát triển.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Cùng từ nguồn khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ 150 triệu đồng, cộng thêm vốn đối ứng của doanh nghiệp, Công ty TNHH TV TK TM DV Trường Phát (Công ty Trường Phát) đã thụ hưởng đề án: “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất - gia công đồ trang trí nội thất” với tổng chi phí đầu tư là 330 triệu đồng. Công ty Trường Phát đã đầu tư máy cắt công suất 1.5 Kw; máy phay khóa công suất 2.2 Kw; máy ép góc công suất 1.5 Kw; máy phay đầu đố công suất 2x0.75 Kw vào sản xuất, gia công trang trí đồ nội ngoại thất; các sản phẩm của Công ty sử dụng nguyên liệu chính từ nhôm, nhựa, gỗ,…

khuyến công

Công nhân Công ty Trường Phát vận hành máy ép góc công suất 1.5 Kw cho ra sản phẩm đạt độ chính xác cao

Trước đây, Công ty Trường Phát sản xuất, gia công theo phương pháp thủ công, máy móc thô sơ dẫn đến hiệu quả sản xuất còn thấp, tiêu tốn nhiều chi phí và nhân công; sản phẩm chưa đạt độ chính xác cao, chưa đáp ứng được các đơn hàng lớn hay những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Nhân công đòi hỏi phải có trình độ nghệ thuật cao nhưng hiện nay lại rất khan hiếm, không ổn định nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng và nâng suất.

Bà Nguyễn Thị Đinh Khúc - Giám đốc Công ty Trường Phát vui vẻ chia sẻ: Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ, việc đầu tư máy móc vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu suất lao động, tăng sản lượng sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tiêu hao nguyên vật liệu; giải được bài toán về thiếu lao động có trình độ tay nghề cao như hiện nay, cải thiện được điều kiện lao động của công nhân. Đồng thời, chủ động sản xuất, đáp ứng được năng suất do có thể sản xuất số lượng lớn sản phẩm trong thời gian ngắn, chi phí nhân công giảm và hạ giá thành sản phẩm.

Ông Phạm Văn Phong - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Long An đánh giá về hiệu quả của 02 đề án: Với nguồn vốn hỗ trợ từ kinh phí khuyến công đã hỗ trợ 02 doanh nghiệp trên đã tạo đà cho doanh nghiệp có thêm điều kiện đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, tạo ra giá trị sản xuất chung của ngành cơ khí chế tạo; góp phần chuyển dịch cơ cấu CNNT theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hoàng Dương