Phú Yên: Khuyến công địa phương thúc đẩy phát triển sản phẩm từ nông - thủy sản

Việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất đã giúp các Hộ kinh doanh nâng cao năng lực sản suất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn.

Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, chương trình khuyến công tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ các Hộ kinh doanh sản xuất, chế biến sản phẩm từ nông - thủy sản ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất, từ đó giúp các Hộ kinh doanh nâng cao năng lực sản suất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng và phong phú, đạt tiêu chuẩn cao, đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn.

Hiện nay, nông - thủy sản phổ biến tại tỉnh Phú Yên là hạt sen, hạt macca, cam, khóm (dứa), ... hải sản, … đều nuôi trồng theo các tiêu chuẩn chất lượng hiện hành, các sản phẩm được chế biến ra đa số đã đạt được giấy chứng nhận vệ sinh ANTP, HACCP, ISO, … đạt Ocop 3 sao, 4 sao, … . Tuy nhiên các sản phẩm chưa được phong phú, đa dạng và chế biến còn đơn giản (như tươi, đông lạnh, sấy khô, hoặc bán thô, …) nên giá thành thấp, thời gian bảo quản chưa dài.

Từ thực tế trên, nhằm góp phần mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng và phong phú, chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn cao, giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao uy tín đối với khách hàng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên (gọi tắt là Trung tâm) đã xây dựng đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến các sản phẩm từ nông - thủy sản” tại Hộ kinh doanh hải sản Sông Cầu; Hộ kinh doanh Thi Nga; Hộ kinh doanh Phạm Thị Bích Thủy, với tổng kinh phí thực hiện đề án là 899.780.000 đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ 03 Hộ kinh doanh là 286.000.000 đồng; kinh phí đối ứng của 03 Hộ kinh doanh là 613.780.000 đồng.

khuyến công
Công nhân tại xưởng sản xuất của Hộ kinh doanh hải sản Sông Cầu (thị xã Sông Cầu) vận hành Tủ ủ chả cá

Với ngành nghề kinh doanh là chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Ông Nguyễn Trần Hiếu - Chủ hộ Hộ kinh doanh hải sản Sông Cầu (thị xã Sông Cầu) cho biết: Trước đây sản xuất theo quy trình cũ, máy móc đơn sơ, công suất khoảng 40 tấn sản phẩm/năm, có 6 lao động tham gia sản xuất, chất lượng không đồng đều, sản phẩm không đa đạng, thời gian bảo quản sản phẩm ngắn, năng suất sản xuất thấp không đáp ứng các đơn hàng lớn.

Nhưng từ khi ứng dụng “Máy trộn ngang gia vị; tủ ủ chả cá; máy chiên chả cá băng tải; máy ép tạo hình chả tự động” vào trong sản xuất, đã giúp nâng công suất lên khoảng 100 tấn sản phẩm/năm, số lượng lao động giảm còn 4 lao động (Tiết kiệm được 1 phần chi phí thuê nhân công), chất lượng đồng đều, sản phẩm phong phú đa đạng, nâng cao thời gian bảo quản sản phẩm, năng suất cao đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn hơn và chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng ngoài tỉnh.

Việc đầu tư “Máy sấy thực phẩm” vào trong chế biến sản phẩm từ hạt macca đã giúp Hộ kinh doanh Thi Nga sản xuất ra chất lượng sản phẩm đồng đều, thời gian bảo quản sản phẩm được nâng cao
Việc đầu tư “Máy sấy thực phẩm” vào trong chế biến sản phẩm từ hạt Macca đã giúp Hộ kinh doanh Thi Nga sản xuất ra chất lượng sản phẩm đồng đều, thời gian bảo quản sản phẩm được nâng cao

Đặc biệt, đối với Hộ kinh doanh Thi Nga là cơ sở công nghiệp nông thôn nằm trên địa bàn huyện Sông Hinh là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được xác định tại NĐ số 31/2021/NĐ-CP, là địa bàn ưu tiên được quy định tại mục b, Khoản 1, Điều 3, Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 34/2020/QĐ-UBND. Sau khi nhận được nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 hỗ trợ. Hộ kinh doanh Thi Nga đã mạnh dạn đầu tư “Máy sấy thực phẩm” vào trong chế biến sản phẩm từ hạt Macca.

Bà Bế Thị Nga -  Chủ hộ cho biết: Việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất đã giúp Hộ kinh doanh nâng cao công suất sản xuất khoảng 100 tấn sản phẩm/năm, chất lượng đồng đều, nâng cao thời gian bảo quản sản phẩm, năng suất cao đáp ứng được nhiều đơn hàng lớn hơn, có nhiều lợi thế hơn trong việc cạnh tranh với đối thủ khác.

Các sản phẩm của Hộ kinh doanh Phạm Thị Bích Thủy đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt sản phẩm Ocop 3 sao
Sản phẩm Trà tim sen và Bột hạt sen của Hộ kinh doanh Phạm Thị Bích Thủy đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt sản phẩm Ocop 3 sao

Cùng với đó, là Hộ kinh doanh Phạm Thị Bích Thủy (thị xã Đông Hòa) đã đầu tư ứng dụng “Máy chiên/chần/luộc; máy chiên chân không; máy nén khí; máy ly tâm” vào trong chế biến sản phẩm từ sen. Là sản phẩm mới được chế biến trên địa bàn thị xã Đông Hòa, với công nghệ tiên tiến, công suất trung bình cơ sở sản xuất ra 150 tấn sản phẩm/năm. Từ đó cho ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mang mùi vị đặc trưng riêng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường và các đơn hàng lớn của khách hàng.

Ông Lê Thanh Khanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Tiết kiệm năng lượng Phú Yên cho biết: Sau khi Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến sản phẩm từ nông - thủy sản” đi vào hoạt động đã góp phần đa dạng sản phẩm cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn thị xã Sông Cầu, huyện Sông Hinh và thị xã Đông Hòa. Từ đó quảng bá thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu ngân sách cho địa phương.

Năm 2024, tổng kinh phí khuyến công địa phương là 810 triệu đồng. Tính đến thời điểm này, Sở Công Thương Phú Yên đã phê duyệt kế hoạch sử dụng kinh phí sự nghiệp khuyến công năm 2024 (Đợt 1 và đợt 2), kinh phí phê duyệt là 684 triệu đồng. Các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Phú Yên năm 2024 hiện đang tập trung chủ yếu vào nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Đến nay, đã triển khai hoàn thành đạt 84,8% so kế hoạch đã phê duyệt.

Hoàng Dương