Khuyến công Hậu Giang: Thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn

Chương trình Khuyến công tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2023 đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

Phát triển công nghiệp ở nông thôn có một ví trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chương trình khuyến công hàng năm đã động viên và huy động được các nguồn lực tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện phân công lại lao động xã hội và xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2023 đã triển khai thực hiện với tổng vốn 22,75 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn ngân sách hỗ trợ 9,51 tỷ đồng gồm nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 6,16 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 3,35 tỷ đồng. Vốn đối ứng của các đơn vị thụ hưởng đầu tư là 12,24 tỷ đồng. Từ đó đã hỗ trợ cho 32 lượt cơ sở, doanh nghiệp và hợp tác xã. Toàn tỉnh hiện có 106 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” cấp tỉnh. Trong đó, có 24 sản phẩm “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực”; và có 11 sản phẩm Bộ Công Thương công nhân đạt danh hiệu “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia”.

Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2021 hỗ trợ Hộ kinh doanh Trần Nìm đầu tư “Máy phá kết tinh, khử nấm, hạ thủy phần” vào sản xuất mật ong giúp tăng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần
Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2021 hỗ trợ Hộ kinh doanh Trần Nìm đầu tư “Máy phá kết tinh, khử nấm, hạ thủy phần” vào sản xuất mật ong giúp tăng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần

Ghi nhận từ Hộ kinh doanh Trần Nìm cho thấy, nhằm tạo điều kiện cho Hộ kinh doanh Trần Nìm mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng hoạt động kinh doanh, từ đó tạo điều kiện cho cơ sở phát triển bền vững. Với tổng kinh phí thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất mật ong” là 275 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương năm 2021 hỗ trợ 120 triệu đồng, đơn vị thụ hưởng thực hiện 155 triệu đồng. Hộ kinh doanh Trần Nìm đã đầu tư ứng dụng “Máy phá kết tinh, khử nấm, hạ thủy phần” với công suất 50 lít/mẻ vào sản xuất chế biến thực phẩm.

Ông Trần Minh Nìm, Chủ Hộ kinh doanh Trần Nìm vui vẻ chia sẻ: Sau hơn 3 năm máy móc đi vào sản xuất ổn định. Từ đó đã giúp Cơ sở nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay, giải quyết  được các vấn đề còn tồn đọng của mật ong thô như: thủy phần vượt ngưỡng 20%, nhiều tạp chất lẫn trong mật ong, hay bị đóng đường, để lâu dễ bị lên men và tạo khí gas. Bên cạnh đó, tăng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần. Mặt khác, với việc đầu tư máy móc này còn giúp giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế.

Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 hỗ trợ Công ty TNHH một thành viên Ba Sương Hậu Giang đã đầu tư Máy dò tạp chất bằng tia X vào chế biến nông sản giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm làm ra an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước
Từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 hỗ trợ Công ty TNHH một thành viên Ba Sương Hậu Giang đã đầu tư Máy dò tạp chất bằng tia X vào chế biến nông sản giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, sản phẩm làm ra an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước

Là một trong những đơn vị được thụ hường từ đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông sản” năm 2023, với kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty TNHH một thành viên Ba Sương Hậu Giang đã đầu tư Máy dò tạp chất bằng tia X vào chế biến nông sản nhằm loại bỏ những tạp chất như kim loại nhỏ, sỏi, đá mà mắt thường khó có thể nhìn thấy được trong quá trình sản xuất.

Bà Trần Ngọc Sương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ba Sương Hậu Giang cho biết: Việc chế biến nông sản từ Máy dò tạp chất bằng tia X đã giúp cho Công ty tạo ra được sản phẩm không còn chứa kim loại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài, đặc biệt còn giúp Công ty chủ động trong quá trình nhận các đơn đặt hàng xuất khẩu từ các đối tác ở các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ucraina, … mà không bị phụ thuộc vào đơn vị xử lý công đoạn dò tìm kim loại, giúp công ty tiết kiệm thêm phần chi phí do phải thuê mướn đơn vị khác thực hiện công đoạn dò tạp chất mỗi năm ước tính khoảng 360 triệu đồng.

Ông Hồ Ngọc Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Hậu Giang đánh giá: Nhìn chung các đề án sau khi được hỗ trợ từ nguồn kinh phí Khuyến công, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được thụ hưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã từng bước góp phần phát triển công nghiệp nông thôn tại địa phương, tạo việc làm cho lao động. Thông qua công tác thông tin tuyên truyền đã giới thiệu tới đông đảo các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh về chủ trương, chính sách của Nhà nước, của địa phương về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN), quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển CN - TTCN của tỉnh nhà. Đồng thời thông qua công tác hoạt động Khuyến công, các cơ sở, doanh nghiệp đã nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu; giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp góp phần phát triển CN - TTCN và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết: Năm 2024, là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, với phương châm “Phát triển bứt phá, tận dụng được các cơ hội”, với các động lực tăng trưởng kinh tế đều dự báo có cơ hội tăng trưởng tốt, thị trường và sức mua sẽ được cải thiện. Do vậy, Hậu Giang xác định cần tập trung hỗ trợ các đề án phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao như sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã được tỉnh công nhận, sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của tỉnh, những sản phẩm OCOP và tiền OCOP nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Dương