Việc ứng dụng máy móc sử dụng năng lượng mặt trời đã giúp Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức tại thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Gian tiết kiệm được nguồn điện sử dụng, không gây ô nhiễm môi trường, và bảo vệ môi trường….
Nhận thấy, công nghiệp chế biến thực phẩm là ngành công nghiệp quan trọng của tỉnh Hậu Giang hiện nay vì đây là ngành có thế mạnh lâu dài, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nguồn nguyên liệu tại địa phương và có tác động đến sự phát triển các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trong đó, có sản xuất các sản phẩm từ gạo và thịt heo - nguồn nguyên liệu dồi dào của địa phương, đặc biệt là sản phẩm bún tươi và bún khô, pate, chả lụa… là loại thực phẩm phổ biến được sử dụng hàng ngày trên bàn ăn của người dân Việt.
Bênh cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Hậu Giang cũng khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cũng như tăng cường giới thiệu các giải pháp về công nghệ để các doanh nghiệp ứng dụng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh đảm bảo thiết thực và hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tỉnh cân nhắc, tính toán các lợi ích về chi phí, lợi nhuận… để mạnh dạn thay đổi máy móc thiết bị, các công nghệ lạc hậu, lỗi thời bằng các giải pháp công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại 4.0 hiện nay.
Từ thực tế trên, năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Hậu Giang đã thực hiện đề án nhóm “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến thực phẩm” với tổng kinh phí thực hiện là 2.434.8 triệu đồng, trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 900 triệu đồng; Kinh phí đối ứng của các đơn vị thụ hưởng 1.534.8 triệu đồng, cho 03 đơn vị thu hưởng tại tỉnh Hậu Giang gồm: Hộ kinh doanh Đinh Công; Cơ sở sản xuất chả lụa Thanh Tùng; Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức.
Đáng chú ý, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức tại thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đã ứng dụng 01 Máy sấy bún, hủ tiếu, bánh tráng sử dụng năng lượng mặt trời có công suất 3.1 kW vào trong sản xuất thực phẩm.
Trước đây Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức áp dụng quy trình phơi, sấy truyền thống. Đến nay khi khi áp dụng máy móc thiết bị mới sử dụng năng lượng mặt trời có công suất lớn vào quy trình sản xuất sản phẩm đã giúp cải thiện giai đoạn sấy, giúp rút ngắn thời gian sản xuất. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Việc ứng dụng máy móc thiết bị mới sử dụng năng lượng mặt trời vào sản xuất cũng đã giúp Cơ sở mở rộng sản xuất, tăng năng suất, tối ưu sử dụng nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, giải quyết việc làm ổn định cho trên 10 lao động nữ tại địa phương.
Ông Trương Huỳnh Đức, Chủ Cơ sở sản xuất thực phẩm Huỳnh Đức chia sẻ. “Sau khi đầu tư máy sấy năng lượng mặt trời cơ sở tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm dòng sản phẩm mới đó là sản phẩm bún khô giúp cơ sở mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc đầu tư máy sấy năng lượng mặt trời sẽ giúp cơ sở giảm đáng kể về chi phí sản xuất, do đó giá thành sản phẩm củng được giảm theo, từ đó sức cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên đáng kể. Bên cạnh đó, cơ sở tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ tại địa phương. Đặc biệt, máy sử dụng công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng mặt trời nên không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm được nguồn điện sử dụng, bảo vệ môi trường…” .