TÓM TẮT:
Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển kinh tế xã hội, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, góp phần giải quyết yêu cầu về thủ tục hành chính cho người dân và cung ứng kịp thời đầy đủ các dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu, lợi ích chính đáng về các vấn đề an sinh xã hội. Bài viết phân tích sự cần thiết nâng cao trách nhiệm, khái quát thực trạng về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Từ khóa: trách nhiệm, công chức, viên chức, Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
Trách nhiệm là một yêu cầu tất yếu, thuộc tính quan trọng của hoạt động công việc của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Trách nhiệm phản ánh trình độ và chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hoạt động và thực thi công việc hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính hiện nay.
Mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy cơ quan, đơn vị đều giữ vị trí, vai trò nhất định, do đó, phải có trách nhiệm với cơ quan, đơn vị mà bản thân đã và đang tham gia và là thành viên.
Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức là thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và thực hiện đúng những quy định của pháp luật, quy chế mỗi cơ quan đơn vị đề ra.
Trong những năm qua, các nhà khoa học về hành chính, quản lý vĩ mô luôn quan tâm và đã có nhiều hội thảo, các công trình bàn về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Song cũng còn những vùng, địa phương và một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức về thực trạng và giải pháp đối với trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
TP. Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng là đầu tàu của nền kinh tế, tài chính, khoa học, văn hóa, du lịch, giáo dục và hợp tác quốc tế quan trọng của đất nước. Với tổng diện tích đất tự nhiên 2.095,235 km2, TP.Hồ Chí Minh là thành phố có dân số đông nhất so với cả nước tính đến nay với hơn 9,6 triệu người. Về mặt hành chính, thành phố chia thành 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện. Trong đó, có 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 249 huyện, 58 xã và 5 thị trấn [2].
Trong tiến trình cải cách hành chính nói chung, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ và có nhiều kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, những hiện tượng thiếu trách nhiệm, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng và không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, tác động ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.
Trước thực tiễn nêu trên, vấn đề đặt ra cần phải làm rõ thực trạng trách nhiệm của công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế xã hội là yêu cầu đặt ra có tính khách quan đối với TP. Hồ Chí Minh hiện nay.
2. Thực trạng trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức ở TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua
Theo báo cáo của Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính các cấp đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong xử lý công việc và thực thi nhiệm vụ, có thể nhận thấy những vấn đề về thực trạng trách nhiệm của một bộ phận công chức, viên chức tại TP.Hồ Chí Minh như sau:
2.1. Một số kết quả bước đầu
Thứ nhất, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm và có những chỉ đạo cho thủ trưởng các sở, ngành cơ quan đơn vị hành chính các cấp và các đơn vị sự nghiệp trong phạm vi thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố đã ban hành các văn bản nhằm quán triệt và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố; Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 67/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của UBND Thành phố.
Thứ hai, tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm trong thực hiện trách nhiệm công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc trên địa bàn thành phố.
Thứ ba, tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch
Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giai đoạn 2022-2025, ban hành theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm đến hết năm 2023 phải công khai 100% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Rà soát, trình phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa ít nhất 50% số thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó có phương án phải bảo đảm cắt giảm ít nhất 20% số thủ tục hành chính và 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính [3].
2.2. Một số hạn chế, thách thức và nguyên nhân về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức TP. Hồ Chí Minh
Nhận thức đúng về thái độ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức thông qua những con số như sau:
Thứ nhất, theo kết quả khảo sát về công chức, viên chức thiếu tinh thần trách nhiệm thể hiện sợ trách nhiệm, không dám làm, thiếu tính sáng tạo và đổi mới trong thực hiện chức năng nhiệm vụ thì có tới hơn 50% người dân cho rằng có tình trạng nêu trên. Mặt khác có 34% cho rằng, công chức, viên chức dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám nói, không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thiếu tính kiên định với nội quy, kỷ luật, mục tiêu, lý tưởng, tham nhũng tiêu cực, bè phái và lợi ích nhóm. Có 40% ý kiến cho rằng công chức, viên chức thực dụng, hám lợi, thu vén cá nhân, tác động và ảnh hưởng lớn đến thực hiện chức năng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và tiến trình cải cách hành chính của Thành phố [1].
Thứ hai, tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, cung cấp dịch vụ cho người dân thể hiện trên các biểu hiện như: không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, quyền hạn, nhiệm vụ đã tồn tại trong nhiều năm, những vấn đề mới nhưng có mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật không còn phù hợp thì chưa mạnh dạn, thiếu chủ động tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét.
Thứ ba, trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội với quy mô và tốc độ cao hiện nay, nhiều vấn đề mới, cấp bách đang đặt ra liên quan đến trách nhiệm tham mưu của công chức, viên chức các cấp, nhưng lại xuất hiện tình trạng tham mưu lòng vòng, không nêu rõ chính kiến, tham mưu không rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm với công việc được giao, dẫn đến giải quyết công việc vừa chậm vừa sai quy định hiện hành. Có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và cả người đứng đầu tham mưu đối với những công việc khó, lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên hoặc chuyển nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị khác. Trong khi nhiệm vụ tham mưu đó thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, cá nhân mình. Có trường hợp người đứng đầu né tránh, thoái thác trách nhiệm cho cấp phó trả lời hoặc thậm chí không giải quyết công việc thuộc thẩm quyền ký mà giao cho người khác ký thay. Thậm chí, có hiện tượng người đứng đầu chỉ đạo chung chung, khi có ý kiến khác nhau thì kết luận không rõ ràng, không nêu quan điểm, chính kiến của mình mà lại dây dưa đẩy trách nhiệm cho cấp dưới hoặc thờ ơ, chờ đợi chỉ đạo của cấp trên.
Thứ tư, thiếu nhân sự địa phương đã gặp phải từ những năm trước. Hầu hết các đơn vị hành chính ở cơ sở của TP. Hồ Chí Minh có số dân vượt quá tiêu chí phân loại cấp xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, 245/312 phường, xã, thị trấn của Thành phố có quy mô trên 15.000 người đối với phường và 8.000 người đối với thị trấn. Đặc biệt, Thành phố có 6 phường, xã có quy mô trên 100.000 dân. Với những số liệu nêu trên chính là những vấn đề đặt ra cho lãnh đạo Thành phố, phải có nhận thức đúng, đầy đủ và toàn diện để có những cơ chế, chính sách tháo gỡ giảm áp lực làm việc cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, là những áp lực yêu cầu trách nhiệm cao về khối lượng công việc, quy mô dân số hiện nay ở TP. Hồ Chí Minh hơn 9,6 triệu người (chiếm tỷ lệ 9,6 % dân số cả nước và số lượng cán bộ, công chức tại 312 phường, xã, thị trấn là 6.153 người). Như vậy, bình quân 1 cán bộ, công chức phục vụ 1.554 người dân, gấp 3 lần so với số bình quân cả nước [3]. Đây cũng chính là áp lực tác động đến đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức ở cấp cơ sở (phường, xã, thị trấn) và các đơn vị sự nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính và cung ứng các dịch vụ cho người dân. Công việc quá tải dẫn đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc. Trong khi đó, các loại hình công việc này đòi hỏi phải luôn đảm bảo sự chính xác, kịp thời và nhanh chóng. Theo thống kê, từ ngày 01/01/2020 đến ngày 30/06/2022, TP Hồ Chí Minh có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Trong đó, cán bộ, công chức là 676 người, viên chức là 5.501 người [2].
Chính vì vậy, cần có những giải pháp tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ giải quyết kịp thời yêu cầu và đảm bảo lợi ích cho người dân theo quy định của pháp luật.
Nâng cao trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức là yêu cầu cần thiết. Nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, bổ sung, sửa đổi Điều 2 Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/09/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo đó, Điều 2 của Nghị định đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; viên chức quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó cần bổ sung đối tượng là tất cả cán bộ, công chức và viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị định nêu trên. Bởi vì, trong thực tiễn các đối tượng không là cán bộ lãnh đạo, viên chức quản lý cũng phải nâng cao trách nhiệm trong thực hiện công việc vì lợi ích chung.
Thứ hai, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, khuyến khích quá trình tự đào tạo; bồi dưỡng và rèn luyện nâng cao nhận thức tinh thần trách nhiệm; trang bị kịp thời những kiến thức lý luận, kỹ năng và thực tiễn phù hợp với nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức trong từng giai đoạn. Thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Xây dựng và hoàn chỉnh chương trình đào tạo, bồi dưỡng dựa trên nhu cầu thực tiễn của cán bộ, công chức, viên chức theo từng vị trí việc làm. Từng bước và sớm hình thành tư duy, ý thức tự học, tự rèn luyện bản lĩnh chính trị làm chủ bản thân, khát khao, thôi thúc tự bản thân, tạo động lực để cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Thứ ba, đổi mới, cải tiến chính sách tiền lương, thí điểm áp dụng cơ chế khuyến khích khen thưởng và tiếp tục thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế chính sách đặc thù của Thành phố, tăng định mức chi hoạt động cho các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh và thực hiện cơ chế khoán biên chế, số lượng người làm việc gắn với cơ chế khuyến khích tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây chính là yếu tố tác động quan trọng đảm bảo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và gia đình người hưởng lương. Từ đó, công chức, viên chức có thể thực sự yên tâm, tâm huyết, yên tâm cống hiến, nâng cao tinh thần trách nhiệm, là động lực tăng năng suất lao động và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.
Thứ tư, tạo cơ hội thăng tiến và tạo động lực làm việc, giảm áp lực thực hiện công việc.
Đổi mới, cải tiến phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý theo hướng đẩy mạnh tổ chức thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo, quản lý. Hoàn thiện công tác quy hoạch gắn với chính sách luân chuyển, đưa về cơ sở để rèn luyện. Xây dựng kế hoạch tạo nguồn lãnh đạo, quản lý thông qua quá trình tự rèn luyện, thử thách từ cơ sở. Tạo điều kiện thăng tiến cho cán bộ công chức nếu có năng lực, trách nhiệm và tư duy lãnh đạo quản lý hiệu quả thông qua thi tuyển cạnh tranh.
Về tạo động cơ làm việc, ngoài cơ chế tiền lương tăng thêm nêu trên, cần áp dụng chính sách khuyến khích, khen thưởng kịp thời theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm năng động, sáng tạo, có kết quả làm việc vì lợi ích chung. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Về giảm áp lực công việc, phân bổ khoa học và hợp lý biên chế, số lượng người làm việc theo vị trí việc làm phù hợp với khối lượng công việc và tính đặc thù của Thành phố. Tăng cường thuê dịch vụ và nhân sự quản lý, đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực công, thí nghiệm và gắn với mô hình việc làm không cần có mặt trực tiếp tại cơ quan đơn vị.
Thứ năm, Thành phố triển khai Khoản 5, Điều 9, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. UBND Thành phố cần xây dựng hoàn thiện đề án trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, xem xét ban hành Nghị quyết về Đề án Cơ cấu số lượng cán bộ, công chức và người lao động không chuyên trách theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn. Rà soát các đơn vị sự nghiệp, bổ sung kịp thời số lượng viên chức theo vị trí việc làm, đáp ứng cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân [2].
3. Kết luận
Nâng cao trách nhiệm là một trong những vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong thực hiện có hiệu lực và hiệu quả công việc. Vì vậy những cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, chính sách tăng thêm thu nhập, tạo động lực, giảm áp lực việc làm là động lực cho cán bộ, công chức, viên chức có một môi trường làm việc công bằng, minh bạch, thôi thúc phát huy năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đóng góp vào tiến trình xây dựng, phát triển Thành phố, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu lợi ích chính đáng của người dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO;
- Long Hồ (2024), Thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều chính sách nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức. Truy cập tại https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/tphcm-trien-khai-nhieu-chinh-sach-nang-cao-nang-luc-doi-ngu-can-bo-cong-chuc-1491920924
- Minh Quân (2023), Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất 7 nhóm giải pháp ngăn công chức, viên chức nghỉ việc. Truy cập tại https://laodong.vn/xa-hoi/tphcm-de-xuat-7-nhom-giai-phap-ngan-cong-chuc-vien-chuc-nghi-viec-1258225.ldo/
- Chính phủ (2023), Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/09/2023 quy định về “Khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.
- Q. Huy (2023), Thành phố Hồ Chí Minh giải bài toán một nhân sự phục vụ hơn 1.500 dân. Truy cập tại https://dantri.com.vn/xa-hoi/tphcm-giai-bai-toan-mot-nhan-su-phuc-vu-hon-1500-dan-20240313173440319.htm
- Thảo Lê, Ngô Bình (2023), Tập trung nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Truy cập tại https://ttbc-hcm.gov.vn/tap-trung-nang-cao-trach-nhiem-cong-vu-day-manh-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-32308.html
Discussing the responsibilities of civil servant and employees working for state agencies and public units in Ho Chi Minh City
Do Tu Tai
Abstract:
In the context of promoting administrative reform and socio-economic development, improving the responsibility of cadres, civil servants, and public employees is one of the urgent requirements to ensure the implementation of functions and tasks. It also contributes to solving administrative problems for people and promptly providing a full range of services to serve essential needs and legitimate benefits regarding social security issues. This paper analyzed the need to enhance responsibility and summarized the current situation of the responsibilities of officials, civil servants, and public employees in Ho Chi Minh City. Based on the paper’s findings, some solutions were proposed to improve the responsibility of performing the functions and tasks of officials, civil servants, and public employees in Ho Chi Minh City in the near future.
Keywords: responsibilities, civil servants, public employees, Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2024]