Giống như người miền Nam trước kia gọi xe máy là Honda vì hãng xe Nhật Bản này quá phổ biến trước năm 1975, thì người tiêu dùng Việt đến tận bây giờ vẫn gọi mỳ ăn liền (mỳ gói) là mỳ tôm. Tên gọi này bắt nguồn từ bao bì mỳ Miliket có 2 con tôm chụm đầu vào nhau nên người ta gọi nhiều thành tên.
Mỳ Miliket gắn liền tuổi thơ của thế hệ 6X, 7X và cả 8X ("đời đầu"). Hồi đó nhiều khi đám trẻ con chúng tôi chỉ mong bị ốm để được “thưởng thức” mỳ Miliket. Mấy chục năm đã trôi qua nhưng cho đến tận bây giờ, mỗi khi “nhấm nháp” lại ký ức ngày ấy sao vẫn cay cay sống mũi, vẹn nguyên cảm giác ngọt ngào…
Gói mỳ Miliket gắn liền với tuổi thơ (Ảnh: Internet)
Tôi sinh ra lớn lên ở nông thôn, cũng như bao người nông dân khác, cha mẹ tôi quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời cũng chỉ lo cho các con không đứt bữa, dù lúc giáp hạt, nồi cơm vẫn độn khoai, độn ngô cũng lổn nhổn, vàng rực. Hồi đó nhà nào cũng khó khăn như nhau nên thú thực đến tận lớp 4 tôi cũng chẳng biết mùi vị gói mỳ Miliket ra sao!?.
Cửa hàng lương thực ngoài thị trấn phố huyện hàng hóa cũng lèo tèo, mỳ Miliket cũng mấy khi xuất hiện trên kệ để phân phối hay bán cho người dân. Giới trẻ bây giờ chắc không thể hiểu nổi ngày ấy đến bát phở cũng mua bằng tem phiếu, và có mấy ai hình dung được có loại phởđậu phụ! Tức là chỉ có tí nước dùng có mùi… mỡ, thêm tí mỳ chính, dúm hành và lều phều mấy lát đậu phụ rán mà ai nấy xì xụp, tấm tắc khen.
Nhưng rồi có một ngày tôi cũng được thưởng thức gói mỳ Miliket và đúng là “món ngon nhớ lâu”, mấy chục năm rồi cái buổi tối được ăn gói mỳ ấy bây giờ tôi vẫn chưa quên được hương vị tuyệt đỉnh của nó. Và có một điều rất lạ là bây giờ mỗi khi đói, món ăn nghĩ đến đầu tiên và có thể đánh thức ngay khứu giác của tôi vẫn chỉ là mỳ tôm Miliket!
Hồi đó đang là dịp nghỉ hè, mấy ông anh tôi sau bữa tối đều lượn ra đầu làng chơi với đám bạn chỉ còn tôi ở nhà. Chưa có điện lưới nên hầu hết các gia đình đều ăn cơm sớm để khỏi thắp đèn tốn thêm dầu hỏa. Bố tôi ngồi hút thuốc lào và phì phạch cái quạt mo cau đập muỗi thì nghe tiếng chó cắn nhấm nhẳng ngoài ngõ. Hóa ra chú tôi đi công tác từ Tây Bắc về. Vứt uỵch cái ba lô và cái mũ cối vào góc nhà, chú bảo: “Em đoán cả nhà ăn cơm rồi nên chuẩn bị sẵn mấy gói mỳ đây rồi. Chị nấu em ăn khỏi cơm nước gì cho mệt”.
Chú cho tôi gói kẹo rồi ra ngồi nói chuyện với bố tôi. Một lát sau chú mang quần áo ra giếng dội nước tắm, huýt sáo bài hát gì đó theo giai điệu nước ngoài (sau này thì tôi biết đó là bài “Triệu đóa hồng”). Đang ngồi hít hà gói kẹo và thầm nghĩ bao giờ thì bố mẹ mới cho ăn thì tôi ngửi thấy một mùi thơm rất lạ từ trong bếp. Tôi chạy vào thấy mẹ đang vùi mấy thanh củi vào bếp, bưng cái nồi ra ngoài rồi chế ra một bát to thứ “bánh đa” có sợi dài dài màu vàng nhạt, trên bàn vẫn để 2 cái vỏ giấy có chữ Miliket và hình hai con tôm châu đầu vào nhau...
- Ôi, ngon thế mẹ ơi, con một bát – tôi nuốt nước miếng thèm thuồng nói.
- Con ăn cơm rồi đó thôi, đi chơi đi. Mẹ nói vậy nhưng vẫn múc ra cho tôi một bát toàn nước lõng bõng nhưng cũng có một chút mỳ ở trong. Trời ơi, ngon tuyệt đỉnh!. Sợi mỳ dai dai, nước ngọt đến tê dại đầu lưỡi. Chỉ trong vài ba phút sau, khi mẹ quay lại thì tôi đã đánh sạch cả nước lẫn cái.
Tôi vẫn nhớ như in vị ngon của bát mỳ Miliket "thượng hàng" đó (Ảnh: Internet)
Sau bữa được thưởng thức món mỳ Miliket “thượng hạng” đó, tôi bắt đầu mơ ước và thi thoảng mè nheo mẹ mua nhưng do nhiều lí do, hiếm khi anh em chúng tôi được ăn mỳ tôm. Có lần tôi bị ốm, sốt cao cả tuần, ăn gì nôn ra thứ đó, mẹ sốt ruột, cuống cuồng thịt cả con gà đang ấp nấu cháo, tôi cũng không nuốt nổi. Đúng lúc đó, mẹ lại nhớ ra cái món mỳ tôm...
Không biết bằng cách nào bà kiếm được 2 gói mỳ Miliket mang về giấu các ông anh tôi nấu cho tôi một bát. Khỏi phải tả sự sung sướng của tôi khi đó, ngồi dậy đánh một lèo hết bay bát mì Miliket. Ăn xong, mồ hôi vã ra như tắm, ngủ đẫy một giấc sáng ra thấy khỏe de… Và cũng từ đó, mỳ Miliket trở thành thứ “thần dược” cho mấy anh em chúng tôi mỗi khi ốm đau…
Ngày nay thật khó hình dung trong ẩm thực xã hội hiện đại lại thiếu mỳ gói. Mỗi năm người Việt thổi bay hơn 5 tỷ gói mỳ, tiêu thụ đứng thứ tư châu Á, và nằm trong top những nước ăn nhiều mỳ ăn liền nhất thế giới.
Mỳ ăn liền hiện có hàng chục loại với các thương hiệu khác nhau nhưng mỳ Miliket vẫn là một thương hiệu đẹp khó quên trong thói quen tiêu dùng của người Việt. Mỳ ăn liền phát triển rất mạnh ở Việt Nam với hàng chục thương hiệu khác nhau với mẫu mã đẹp, bao bì bắt mắt. Từ khi ra đời (1983 được sản xuất bởi Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket) đến nay, dòng mỳ Miliket vẫn thủy chung với mẫu mã từ hơn 30 năm trướcvà ít có những “chiêu” đột phá trong tiếp thị, lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu khác…nên từ chỗ chiếm đến 90% thị phần mỳ ăn liền trong nước những năm 90 trở về trước, hiện nay mỳ Miliket không được nhiều người tiêu dùng, nhất là giới trẻ lựa chọn.
Trong siêu thị tại các thành phố, đô thị lớn hiện rất hiếm thấy hình ảnh gói mì ăn liền 2 con tôm ở các sạp hàng nhưng nó vẫn tiêu thụ khá ở phân khúc bình dân (thị trường nông thôn, miền núi). Thậm chí nhiều quán lẩu ngon ở Hà Nội giờ vẫn chỉ sử dụng mì Miliket vì đối với thực khách khó tính, trung tuổi, chỉ duy nhất mì Miliket mới đủ độ đậm, dai, không nát và có lẽ hơn tất cả nó còn là một món ngon, một ký ức tuổi thơ đẹp đẽ, trong sáng…