Tóm tắt:
Lãi suất được coi là một công cụ quan trọng trong điều hình chính sách tiền tệ qua đó tác động đến tăng trưởng kinh tế. Các kết quả nghiên cứu mối liên hệ giữa lãi suất và tăng trưởng còn có sự khác nhau ở các quốc gia, các khu vực và các thời kỳ khác nhau. Nghiên cứu này thực hiện tìm kiếm mối quan hệ giữa lãi suất và tăng trưởng tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2021, bằng các công cụ thống kê và công cụ kinh tế lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lãi suất và tăng trưởng không có mối liên hệ trong dài hạn, nhưng có mối liên hệ ngược giữa lãi suất và tăng trưởng trong ngắn hạn.
Từ khóa: lãi suất, tăng trưởng, mối tương quan ngắn hạn và dài hạn.
1. Đặt vấn đề
Để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, chính phủ các nước đã tung các gói hỗ trợ lớn: Mỹ tung gói hỗ trợ gần 3 nghìn tỷ đồng; toàn khối EU tung gói hỗ trợ 4,8 nghìn tỷ EUR. Tại Việt Nam, quy mô gói hỗ trợ khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.
Sau những gói hỗ trợ lớn như vậy, những quý đầu năm 2022, nhiều nước đã phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát cao. Tại Mỹ hay châu Âu, lạm phát tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua. Tại Việt Nam, lạm phát cơ bản tăng 1,25%.
Với mức lạm phát tăng kỷ lục, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới sử dụng công cụ lãi suất suất, nhằm thu hút dòng tiền trong lưu thông để giảm giá hàng hóa nhằm ổn định lại lạm phát. Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất, đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%/năm. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất 50 điểm cơ bản lần đầu tiên trong 11 năm. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh các mức lãi tăng 1% so với trước.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa lãi suất và tăng trưởng kinh tế thể hiện hiệu quả của các chính sách này vẫn còn những tranh cãi. Các nghiên cứu trước cho rằng lãi suất tác động đến tăng trưởng kinh tế, đến lượt nó tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng đến lãi suất, 2 biến ảnh hưởng lẫn nhau. Về nguyên tắc, lãi suất chính là chi phí của vốn đầu tư. Khi lãi suất tăng, chi phí đầu tư tăng, dẫn đến đầu tư giảm. Lãi suất tăng khuyến khích người tiêu dùng tăng tiết kiệm, dẫn đến tiêu dùng giảm. Về mặt vĩ mô, lãi suất tăng thì tăng trưởng sẽ giảm và ngược lại. Khi lãi suất giảm sẽ khuyến khích mở rộng đầu tư và tiêu dùng. Maiga (2017) tìm ra mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa 2 biến số này. Đồng quan điểm với Maiga (2017), Moazzami (1991) cũng cho biết giữa lãi suất và tăng trưởng có mối quan hệ nghịch. Sự thay đổi của lãi suất tác động trực tiếp đến mức đầu tư và vốn tích lũy. Yếu tố này cùng với công nghệ kích thích tái sản xuất mở rộng trong nền kinh tế.
Sự tác động ngược trực tiếp của lãi suất đến giá trị đầu tư và vốn tích lũy theo xu hướng cũng được D'Adda and Scorcu (2001) tìm ra. Thông qua phân tích số liệu lãi suất và tăng trưởng của 20 nền kinh tế phát triển trong giai đoạn 1965-1994, nhóm tác giả cho biết nếu lãi suất thực tăng 1% sẽ khiến cho tăng trưởng trung bình giảm 5%.
Davcev và cộng sự (2018) cho rằng, lãi suất tăng khuyến khích tăng tiết kiệm và thu hút dòng ngoại tệ, nội tệ tăng giá. Điều này đặc biệt đúng với những nước nhỏ có nền kinh tế mở, với tỷ giá hối đoái linh hoạt và vốn lưu động tương đối. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu cho rằng giữa lãi suất và tăng trưởng có mối liên hệ dương như McKinnon (1973) và Shaw (1973) cho rằng, lãi suất thực tăng sẽ khiến cho tiết kiệm gia tăng sẽ liên tục dẫn khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Cũng có những nghiên cứu không tìm ra mối liên hệ giữa lãi suất và tăng trưởng như Tomas (2017).
Một số nhà nghiên cứu cho rằng có mối liên hệ phụ thuộc trực tiếp giữa tăng trưởng và lãi suất khi cho rằng tăng trưởng tăng, lãi suất sẽ tăng. Một mặt, khi nền kinh tế phát triển mạnh, sẽ có nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ra đầu tư hơn. Nhu cầu về vốn tăng lên có thể dẫn đến nhu cầu tín dụng và lãi suất cao hơn. Mặt khác, khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng, lạm phát nói chung sẽ tăng lên. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng lãi suất để theo kịp với lạm phát.
Mối quan hệ thuận giữa tăng trưởng và lãi suất được các nhà nghiên cứu đồng tình như Pollin (2012), Kinsey (2019). Tuy nhiên, giữa tăng trưởng và lãi suất không có mối liên hệ nào cũng được khẳng định trong một số nghiên cứu như Hassan và cộng sự (2014), Tomas (2017).
Với tình hình vĩ mô như vậy, nghiên cứu này thực hiện nhằm xác định những tác động của lãi suất đến tăng trưởng. Nghiên cứu tìm kiếm mối liên hệ giữa lãi suất và tăng trưởng thông qua các công cụ thống kê và công cụ kinh tế lượng gồm các kiểm định về tính ổn định của GDP và lãi suất bằng kiểm định Dickey Fuller and Philips-Perron, xem xét mối liên hệ trong dài hạn bằng kiểm định Johansen và xác định mối liên hệ ngắn hạn bằng mô hình vec tơ tự hồi quy VAR.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Số liệu nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng GDP đại diện cho tăng trưởng kinh tế, lãi suất cho vay đại diện cho biến lãi suất của Việt Nam. Các số liệu này lấy từ Ngân hàng Thế giới (WB); GDP được tính bằng đô la Mỹ, lãi suất được tính bằng phần trăm. Số liệu được ghi nhận theo năm. Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của các chỉ tiêu này từ năm 2000 đến năm 2021. Để giảm phương sai sai số thay đổi, nghiên cứu sử dụng giá trị logarit cơ số tự nhiên của 2 chuỗi thời gian này. Một số chỉ tiêu thống kê của mẫu nghiên cứu được trình bày trong Bảng 1.
Bảng 1. Mô tả thống kê mẫu nghiên cứu
Trong đó: lGDP là logarit cơ số tự nhiên của tăng trưởng GDP; lINT là logarit cơ số tự nhiên của lãi suất.
Nguồn: WB và GSO
Bảng 1 cho thấy số quan sát trong nghiên cứu là 22 năm, giá trị trung bình lGDP là 25,5416, giá trị trung bình của lINT là 1,85552.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sẽ sử dụng các công cụ kinh tế lượng để kiểm định mối liên hệ giữa lãi suất với tăng trưởng với tăng trưởng bao gồm: kiểm định Dickey Fuller and Philips-Perron về tính dừng (ổn định) của lGDP và lINT tại mức giá trị và sai phân bậc 1 (1st differenced); Kiểm định đồng liên kết Johansen (Johansen cointegration test), mô hình VAR, kiểm định nguyên nhân kết quả Granger.
Mối liên hệ tương quan giữa lãi suất với GDP được thể hiện trong Bảng 2. Dựa vào bảng 2 cho thấy giữa mối liên hệ giữa lãi suất và GDP là -0.1626, tức là giữa chúng tồn tại mối liên hệ nghịch, tức là khi lãi suất tăng GDP của Việt Nam giảm và ngược lại. Mức độ tương quan của lãi suất đến tăng trưởng của Việt Nam ở mức trung bình.
Bảng 2. Hệ số tương quan giữa các biến
3. Kết quả nghiên cứu và phân tích
3.1. Lựa chọn độ trễ tối ưu
Để thực hiện các kiểm định về nghiệm gốc đơn vị, mô hình vector hiệu chỉnh sai số hồi quy và kiểm định nguyên nhân kết quả, cần lựa chọn độ trễ tối ưu. Để thực hiện kiểm định này, một số tiêu chí kiểm định được thực hiện gồm tiêu chuẩn Akaike (Akaike Information Criterion, AIC), tiêu chuẩn Schwarz-Bayesian (Schwarz-Bayesian Criterion, SBIC), tiêu chuẩn Hannan-Quinn Criterion (HQIC), sai số dự đoán cuối cùng (FPE) và kiểm định LR (likely ratio). Các kiểm định có giá trị càng nhỏ càng tốt. Kết quả kiểm định được trình bày trong Bảng 3.
Bảng 3. Lựa chọn độ trễ tối ưu
Trong đó: dấu * thể hiện lựa chọn độ trễ tối ưu (ý nghĩa 5%) của các tiêu chuẩn kiểm định
Dựa trên kết quả của các tiêu chuẩn kiểm định, ta thấy các tiêu chuẩn kiểm định FPE, AIC, HQIC và LR cho cùng kết quả kiểm định với giá trị độ trễ tối ưu là 3, trong khi đó tiêu chuẩn kiểm định SBIC cho kết quả là độ trễ tối ưu của mô hình là 2. Với kết quả kiểm định của các tiêu chuẩn khác nhau, nghiên cứu sẽ lựa chọn độ trễ tối ưu cho mô hình là 3.
3.2. Kiểm định nghiệm đơn vị
Tính ổn định trong dãy số thời gian là điều kiện để thực hiện các kiểm định nguyên nhân kết quả hay các mô hình hồi quy để tìm kiếm mối liên hệ nguyên nhân kết quả trong ngắn và dài hạn. Do vậy, để đưa ra kết quả chính xác về mối liên hệ giữa lãi suất với GDP, nghiên cứu kiểm định tính ổn định của số liệu. Để kiểm định tính dừng của dãy số thời gian, nghiên cứu sử dụng 2 kiểm định là Dickey-Fuller bổ sung (ADF) và Philips-Perron (PP) với giả định Ho là dãy số có nghiệm đơn vị và giả định đối nghịch là H1 là dãy số dừng (ổn định). Kiểm định nghiệm gốc đơn vị được thực hiện với giá trị logarit cơ số tự nhiên và sai phân bậc 1 của GDP và lãi suất. Kết quả kiểm định được trình bày tại Bảng 4.
Bảng 4. Kết quả kiểm định nghiệm đơn vị
Bảng 4 cho thấy, ở mức giá trị logarit của GDP và lãi suất, kết quả kiểm định ADF và PP cho thấy giá trị tuyệt đối của tiêu chuẩn kiểm định nhỏ hơn giá trị kiểm định có ở mức ý nghĩa 5%. Điều này chứng tỏ hai dãy số này là chuỗi không dừng. Kết quả kiểm định khi lấy sai phân bậc 1 của chúng thì cả kiểm định ADF và PP cho kết quả là hai chuỗi thời gian này dừng (ổn định). Kết quả này đảm bảo cho việc kiểm định đồng liên kết giữa các chỉ số vĩ mô trong dài hạn, trong dài hạn chúng có sự biến đổi cùng nhau hay không, hay nói cách khác chúng tích hợp theo cùng một thứ tự.
3.3. Kết quả kiểm định Johansen
Kiểm định Johansen cho phép chúng ta kết luận về sự liên kết giữa các biến số GDP và lãi suất trong dài hạn. Kết quả kiểm định được kiểm định bằng 2 tiêu chuẩn kiểm định là trace và maximum với giả thiết H0 là dãy số có 0, 1, 2, 3 đồng liên kết; H1 là bác bỏ giả thiết H0. Nếu giá trị kiểm định nhận được nhỏ hơn tiêu chuẩn thống kê sẽ chấp nhận H0 và ngược lại nếu giá trị kiểm định lớn hơn tiêu chuẩn thống kê sẽ bác bỏ giả thiết H0 (chấp nhận giả thiết H1). Nếu dãy số không có đồng liên kết tức chúng không có mối quan hệ nguyên nhân kết quả trong dài hạn và ngược lại. Kết quả kiểm định đồng liên kết Johansen được trình bày trong Bảng 5.
Bảng 5. Kết quả kiểm định Johansen
Bảng 5 cho thấy tiêu chuẩn kiểm định trace và tiêu chuẩn kiểm định max đều chấp nhận giả thuyết H0 của mô hình, tức là giữa lãi suất và tăng trưởng kinh tế không có mối liên hệ nguyên nhân và kết quả trong dài hạn. Vì không tìm được mối liên hệ nguyên nhân kết quả của hai biến số vĩ mô này, nghiên cứu sẽ sử dụng mô hình vec tơ tự hồi quy VAR để tìm kiếm mối liên hệ trong ngắn hạn giữa 2 biến số.
3.4. Kết quả mô hình VAR
Kết quả ước lượng về mối liên hệ nhân quả giữa GDP và lãi suất được thể hiện trong Bảng 6. Trong Bảng 6 thể hiện hai mô hình, mô hình 1 là trong đó GDP là kết quả còn lãi suất là nguyên nhân, hay nói cách khác lãi suất chính là nhân tố tác động tới GDP trong ngắn hạn; mô hình 2 là trong đó lãi suất là kết quả còn GDP là nguyên nhân, tức là sự thay đổi của GDP dẫn đến sự thay đổi của lãi suất. L1, L2 và L3 trong mô hình chính là các giá trị độ trễ của biến GDP và lãi suất tác động đến GDP. Trên cơ sở kết quả trình bày ở Bảng 1 cho thấy, giá trị GDP năm trước có ảnh hưởng đến sự biến động của GDP năm nay, tuy nhiên độ trễ chỉ là 1 năm; trong khi đó lãi suất của các năm trước đều ảnh hưởng đến sự biến động của GDP, tuy nhiên mối liên hệ ngược tìm thấy trong năm 1 và năm 3; năm 2 lại cho kết quả mối liên hệ thuận. Nhưng tổng tác động của lãi suất đến GDP cho kết quả âm.
Trong khi đó, mô hình 2 cho thấy giá trị GDP của năm trước sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi lãi suất trong năm nay theo chiều hướng thuận, còn lãi suất năm trước và năm nay không có mối liên hệ nào.
Bảng 6. Kết quả ước lượng mô hình VAR của GDP và lãi suất
Để đo lường sự tác động cùng nhau của các biến trễ đến biến phụ thuộc, nghiên cứu sẽ sử dụng kiểm định Granger. Kết quả của kiểm định sẽ cho kết luận về sự tác động đồng thời của các biến trễ đến biến phụ thuộc. Cụ thể trong nghiên cứu là tác động đồng thời của lãi suất các năm trước (độ trễ tối ưu là 3) đến GDP và tác động của GDP đến lãi suất. Giả thiết H0 trong kiểm này là tác động đồng thời của biến độc lập (hệ số ước lượng) bằng 0, hay tổng tác động là bằng 0; ngược lại giả thiết H1 là tác động đồng thời của chúng khác 0. Kết quả kiểm định được trình bày trong Bảng 7. Dựa trên kết quả kiểm định ở Bảng 7, sự biến động của lãi suất các năm trước ảnh hưởng quan trọng đến GDP của năm nay; và sự biến động của GDP các năm trước cũng sẽ tác động đến quá trình điều hành lãi suất của năm nay. Với giá trị kiểm định đạt mức ý nghĩa 5%.
Bảng 7. Kết quả kiểm định Granger
Như vậy, với kết quả ước lượng trên có thể thấy, giữa lãi suất và tăng trưởng có mối liên hệ tác động qua lại với nhau. Lãi suất sẽ tác động ngược chiều với tăng trưởng, nhưng tăng trưởng lại tác động cùng chiều với lãi suất.
4. Kết luận
Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách tăng lãi suất cơ bản nhằm kiểm soát lạm phát. Mục tiêu lạm phát có bị hi sinh mục tiêu tăng trưởng hay không? Nghiên cứu này góp một phần trả lời câu hỏi trên. Thông qua công cụ thống kê và kinh tế lượng cho thấy tại Việt Nam giữa lãi suất và tăng trưởng không có mối liên hệ trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn mối liên hệ này là mối liên hệ ngược. Độ trễ tối đa lựa chọn là 3 năm.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên việc đưa ra một số hướng cho Chính phủ Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách về việc ảnh hưởng của tăng lãi suất trong điều kiện hiện tại của nền kinh tế. Việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến đầu tư, thị trường chứng khoán, tiêu dùng, khiến cho tổng cầu trong nền kinh tế giảm. Để giữ được nhịp độ tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu đưa ra mức tăng lãi suất hợp lý để tránh những cú sốc cầu của nền kinh tế trong thời điểm hiện tại.
Tài liệu tham khảo:
- Davcev, L., Hourvouliades, N. và Komic, J. (2018). Impact of Interest Rate and Inflation on GDP in Bulgaria, Romania and FYROM. Journal of Balkan and Near Eastern Studies, 131-147.
- Hassan, M., Nassar, R., và Liu, C. (2014). Effect of government deficit spending on the gdp in the United States. Journal of Economics and Economic Education Research, 15(3), 103.
- Maiga, F. K. (2017). Impact of Interest Rate on Economic Growth in Nigeria. Journal of Business and Finance Management Research, 3 (3), 98-111.
- McKinnon, R.I. (1973). Money and Capital in Economic Development. Washington, D.C: Brookings Institution.
- Moazzami, B. (1991). The Fisher equation controversy re-examined. Applied Financial Economics, 1(3), 129-133.
- Kinsey, A. (2019). The Effect of Real GDP on Interest Rate. Available at: https://bizfluent.com/about-6632885-effect-real-gdp-interest-rate.html.
- Robert Pollin (2012). US Government deficits and debt amid the great recession: What the evidence shows. Cambridge Journal of Economics,36(1), 161-187.
- Shaw, E (1973). Financial Deepening in Economic Development. New York: Oxford University Press.
- Tomas A. (2017). Does Lowering the Interest Rate Stimulate Economic Growth? An Analysis of Current Macroeconomic Policy. Honors Undergraduate Theses. 206. Available at: https://stars.library.ucf.edu/honorstheses/206.
- Kiều Hữu Thiện (2022). Tác động của các gói hỗ trợ chống suy thoái do đại dịch Covid-19 và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng (tháng 5/2022).
RELATIONSHIP BETWEEN INTEREST RATE AND GROWTH IN VIETNAM FROM 2000 TO 2021
Pham Ngoc Duy
School of Economics and Management
Hanoi University of Science and Technology
Abstracts:
Interest rates are considered an important tool in monetary policies to control economic growth. The results of researches on the relationship between interest rates and economic growth at different countries and regions are mixed. This study is to explore the relationship between interest rates and economic growth in Vietnam from 2000 to 2021 with the use of statistical tools and econometric tools. The study finds out that there is no relationship between the interest rates and the economic growth in the long-run but there is an inverse relationship between these two factors in the short-run.
Keywords: interest rates, economic growth, relationship in the long-run and short-run.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2022]