TÓM TẮT:
Hệ thống tài chính có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống tài chính cũng là khu vực chịu ảnh hưởng từ diễn biến của tăng trưởng. Sau gần 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6,5%, góp phần cải thiện nhanh chóng mọi mặt đời sống xã hội. Song, tăng trưởng kinh tế cũng gây áp lực suy yếu hệ thống tài chính, dẫn đến những nguy cơ biến động bất lợi ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng trong tương lai nếu không có những giải pháp phù hợp đảm bảo tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, đồng thời củng cố an toàn cho hệ thống tài chính Việt Nam.
Từ khóa: Tăng trưởng kinh tế, hệ thống tài chính, bội chi ngân sách.
1. Hệ thống tài chính
Cùng sự phát triển của nền kinh tế, hệ thống tài chính ngày càng phát triển đa dạng và phức tạp, tuy nhiên những chức năng cơ bản nhất của hệ thống tài chính là: (1) Tạo ra kênh kết nối các khoản tiết kiệm của khu vực hộ gia đình tới khu vực doanh nghiệp và phân bổ các quỹ đầu tư tới khu vực sản xuất, (2) Tài trợ cho nhu cầu chi tiêu và đầu tư của nền kinh tế, (3) Đồng thời, hệ thống tài chính giúp san sẻ rủi ro của các khoản đầu tư giữa khu vực hộ gia đình và các doanh nghiệp. Một cách tổng quát nhất, hệ thống tài chính quốc gia được định nghĩa là bộ phận nhằm phân bổ các nguồn tài chính trong nền kinh tế hiện đại [1].
Thông thường, cấu trúc của hệ thống tài chính bao gồm 2 bộ phận cơ bản:
Các tụ điểm vốn: Là nguồn cung cấp vốn nhàn rỗi và cũng là nơi tiếp nhận những nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu và đầu tư. Có 4 tụ điểm vốn cơ bản trong nền kinh tế, đó là: Khu vực Chính phủ, khu vực hộ gia đình, khu vực doanh nghiệp và khu vực nước ngoài.
Bộ phận dẫn vốn: Là hệ thống truyền dẫn, điều phối các khoản phối giữa các tụ điểm vốn, từ nơi dư thừa tới nơi thiếu hụt. Thông thường có hai kênh truyền dẫn vốn: (1) kênh trực tiếp: giúp vốn luân chuyển trực tiếp giữa các tụ điểm vốn, bộ phận thực hiện chức năng này là thị trường tài chính; (2) kênh gián tiếp: thực hiện chức năng thu hút các khoản vốn nhàn rỗi từ các tụ điểm vốn và tiến hành tìm kiếm và phân bổ vốn thu hút được cho những nơi cần vốn. Bộ phận thực hiện chức năng này là các định chế tài chính.
- Các tụ điểm vốn: Là bộ phận mà ở đó nguồn tài chính được tạo ra, đồng thời cũng là nơi thu hút trở lại các nguồn vốn, tuy nhiên ở các mức độ phạm vi khác nhau, bao gồm: Tài chính doanh nghiệp; Ngân sách nhà nước; Tài chính dân cư (tài chính hộ gia đình) và các tổ chức xã hội khác; Tài chính đối ngoại.
- Bộ phận dẫn vốn: Bộ phận dẫn vốn trong hệ thống tài chính thực hiện chức năng truyền dẫn vốn giữa các tụ điểm vốn trong hệ thống, bao gồm: thị trường tài chính và các tổ chức (định chế) tài chính trung gian.
2. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam và những ảnh hưởng tới hệ thống tài chính quốc gia
Sau gần 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến toàn diện với những thành tựu đáng ghi nhận, đem lại những tác động tích cực, góp phần cải thiện nhanh chóng mọi mặt đời sống xã hội. Với những nỗ lực trong triển khai mô hình và chính sách tăng trưởng hợp lý, Việt Nam liên tục duy trì được tăng trưởng dương trong vòng 30 năm, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6,6%; cao hơn một số nước trong khu vực như Malaixia là 6%, Thái Lan là 5,3%, Hàn Quốc là 6,1%... Từ một trong những nước nghèo nhất thế giới, Việt Nam đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2010. Tăng trưởng kinh tế giúp tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam giảm đáng kể qua các năm. Theo thống kê của WB, nếu như năm 1993, hơn một nửa dân số sống dưới 1,90 USD/ngày, đến nay, tỷ lệ đói nghèo đã giảm xuống còn 3%. Tỷ lệ dân số sống dưới chuẩn nghèo quốc gia (TCTD-WB) giảm từ gần 60% năm 1993 xuống còn 13,5% trong năm 2014. Mặc dù, trong những năm cuối của giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế.
Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua cũng còn nhiều bất cập. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và chậm cải thiện. Trong thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có chiều hướng tăng đáng kể, tốc độ tăng năng suất bình quân giai đoạn 2001 - 2010 đạt khoảng 4,8%/năm, nhưng với mức năng suất lao động hiện nay, Việt Nam còn kém năng suất lao động của Trung Quốc khoảng 2,6 lần và Thái Lan 4,3 lần. Đồng thời, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam còn yếu. Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao trong 10 năm qua, nhưng các báo cáo đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia toàn cầu cho thấy, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa được cải thiện nhiều trong những năm gần đây.
Để có được những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, sự phát triển của hệ thống tài chính đã phát huy vai trò luân chuyển vốn trong toàn xã hội, góp phần kích thích sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, quá trình tăng trưởng kinh tế với những chính sách và mô hình theo chiều rộng cũng ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển hệ thống tài chính Việt Nam. Cụ thể là:
a. Đối với các kênh dẫn vốn
Mô hình và các chính sách tăng trưởng thời gian qua với các giải pháp kích thích đầu tư và chi tiêu đóng vai trò trọng yếu thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển về quy mô. Chính vì vậy, theo báo cáo FSAP của WB, đối với một quốc gia có thu nhập trung bình thấp thì hệ thống tài chính của Việt Nam là lớn, với tổng tài sản lên đến 200% GDP vào năm 2011. Trong đó, khu vực ngân hàng bao gồm cả Ngân hàng Chính sách chi phối hệ thống tài chính, với tổng tài sản tương đương 183% GDP và 92% tổng tài sản của các định chế tài chính. Tăng trưởng kinh tế đã có tác động tích cực đến tỷ lệ tiết kiệm trong dân cư, khiến tổng lượng tiền gửi có sự gia tăng đáng kể qua các năm.
Bên cạnh những tác động tích cực, mô hình tăng trưởng dựa vào sự gia tăng số lượng vốn mà chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn gây ra hiệu ứng đầu tư quá mức. Trong điều kiện quản lý hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) còn lỏng lẻo và việc dòng vốn ồ ạt chảy vào những lĩnh vực không tương xứng với năng lực sản xuất sẽ gây ra những bất ổn cho hệ thống tài chính, thể hiện qua một số điểm sau:
+ Thứ nhất, cơ cấu nguồn vốn phân bổ không hợp lý tại các tổ chức tín dụng (TCTD) giữa ngắn hạn và dài hạn, giữa cho vay đầu tư vào phi sản xuất và đầu tư vào sản xuất. Bên cạnh đó, các TCTD sử dụng vốn huy động ngắn hạn để tài trợ cho dự án trung và dài hạn.
+ Thứ hai, tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng do chất lượng sử dụng vốn không cao, hệ thống NHTM còn non trẻ, năng lực giám sát tài chính còn yếu và chưa có một mô hình giám sát hiệu quả khiến nợ xấu diễn biến phức tạp.
+ Thứ ba, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, sức hấp dẫn của thị trường mới nổi đã thu hút các luồng vốn đổ vào hệ thống tài chính Việt Nam với hệ quả không mong muốn như: Đầu tư thái quá, giá tài sản tăng ảo… nguy cơ bong bóng tài chính, nền kinh tế đối mặt với rủi ro khủng hoảng.
+ Thứ tư, hiệu lực giám sát tài chính còn nhiều bất cập. Cụ thể là, các công cụ phục vụ cho giám sát tài chính hiện đại ở nước ta chưa được sử dụng và các công cụ hiện tại đã lạc hậu… Các mô hình định lượng hầu như chưa được áp dụng để giám sát.
b. Đối với các tụ điểm vốn
* Khu vực ngân sách nhà nước
Song hành cùng mô hình và các chính sách tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là mục tiêu đảm bảo hiệu lực của chính sách tài khóa (CSTK), hệ thống chính sách quản lý tài chính công tiếp tục được đổi mới trên nhiều phương diện, từng bước tiếp cận với chuẩn mực chung của thông lệ quốc tế, bao gồm cả quản lý thu - chi NSNN cũng như các vấn đề liên quan tới đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia. Cụ thể là: Hệ thống thu ngân sách đã được cải cách mạnh mẽ, góp phần động viên hợp lý các nguồn lực từ các khu vực vào NSNN.
Tuy nhiên, mô hình và chính sách tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua đã có những tác động không nhỏ đến ngân sách nhà nước. Bội chi ngân sách có xu hướng tăng mạnh kể từ năm 2013 với mức bội chi kỷ lục là 1.909.40 tỷ USD vào năm 2015.
* Khu vực tài chính tư nhân
Bên cạnh khu vực NSNN, khu vực tài chính tư nhân, bao gồm doanh nghiệp và hộ gia đình cũng có sự phát triển đáng kể nhờ các chính sách tăng trưởng kinh tế thời gian qua. Hệ thống tài chính kết nối các khoản tiết kiệm, tiêu dùng và đầu tư ngày càng đa dạng khiến hoạt động tài chính doanh nghiệp và tài chính hộ gia đình phát triển mạnh mẽ. Trong những năm 2008, năm 2009, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã phần nào tháo gỡ những khó khăn hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chính sách từ phía cung nhằm hỗ trợ cho khu vực sản xuất và giảm sự can thiệp của Chính phủ như khuyến khích nghiên cứu và phát triển, tăng cường cạnh tranh và thương mại, cổ phần hóa các DNNN, cải thiện môi trường kinh doanh...; trong đó, có phát triển của hệ thống tài chính đã giúp cho nhu cầu chu chuyển các dòng vốn tiết kiệm và đầu tư được cải thiện. Sự minh bạch hóa hệ thống tài chính làm giảm dần số lượng doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, trong đó có doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, các chính sách hướng tới ổn định tài chính đã làm kỳ vọng của hộ gia đình cũng như nhà đầu tư tăng, từ đó gia tăng tiêu dùng và đầu tư tư nhân, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển.
Mô hình tăng trưởng dựa trên số lượng, đặc biệt là số lượng vốn cũng gây nên những hệ quả xấu đối với khu vực tài chính doanh nghiệp. Mô hình tăng trưởng dựa vào gia tăng số lượng vốn và chính sách tăng trưởng dựa vào tổng cầu, dẫn đến tình trạng số lượng và quy mô của các doanh nghiệp mở rộng quá mức trong giai đoạn 2000 - 2006. Nhu cầu vốn gia tăng cộng thêm sự cộng hưởng từ những số nhân chi tiêu và số nhân tiền tệ tạo nên sự bùng nổ tín dụng.
Sau thời kỳ bùng nổ tín dụng và phát sinh nợ xấu chính là thời kỳ thoái nợ. Các doanh nghiệp vay nợ nhiều trước đây không thể vay thêm được nợ, một phần là vì nợ xấu không trả được cho ngân hàng, phần khác là không có nhu cầu mở rộng đầu tư trong điều kiện kinh tế suy giảm và sức cầu của nền kinh tế suy yếu. Hàng tồn kho tăng cao làm cho khả năng xoay vòng vốn của doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính điều này phần nào làm cho tắc nghẽn dòng tiền khiến cho doanh nghiệp không trả được nợ ngân hàng. Tạo nên sự mất cân đối giữa tăng trưởng tiền gửi và cho vay trong nền kinh tế, điều này làm cho tiết kiệm không chuyển hết vào đầu tư mà ứ đọng ngoài vòng chu chuyển của nền kinh tế.
* Khu vực tài chính quốc tế
Mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư và lợi thế lao động dồi dào, giá rẻ, tài nguyên thô đã đem lại cho Việt Nam những lợi thế so sánh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ sản xuất cho doanh nghiệp, cũng như chính sách tiền tệ và tỷ giá được sử dụng khá linh hoạt đem lại cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong suốt thời gian qua, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu có xu hướng diễn biến tích cực. Bên cạnh sự phát triển của hoạt động ngoại thương, phải kể đến tiến trình tự do hóa tài khoản vốn của Việt Nam. Năm 2006, với sự ra đời của Pháp lệnh ngoại hối và Nghị định 160/2006/NĐ-CP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình tự do hóa tài khoản vốn. Theo đó, các giao dịch vốn dần được nới lỏng hơn, đặc biệt là dòng vốn FDI và dòng vốn FPI. Kể từ đó, ngoại trừ năm 2007, do ảnh hưởng của thị trường tài chính thế giới đổ vỡ bởi khủng hoảng kinh tế, dòng vốn FDI sụt giảm mạnh mẽ, còn lại trong các năm sau, lượng FDI đổ vào Việt Nam, mặc dù có biến động khá thất thường, nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn giai đoạn trước.
Mô hình tăng trưởng dựa vào yếu tố vốn trong điều kiện tích lũy trong nước còn thấp, tất yếu dẫn đến nhu cầu thu hút các nguồn vốn bên ngoài cho tăng trưởng, bao gồm cả các khoản vay nợ nước ngoài và các khoản đầu tư trực tiếp FDI. Đối với các khoản nợ nước ngoài, khối lượng nợ có xu hướng tăng liên tục trong suốt giai đoạn nghiên cứu. Trong tổng dư nợ nước ngoài, phần nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh (nợ công nước ngoài) chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 85 - 90% tổng nợ nước ngoài trong giai đoạn trước năm 2007). Từ năm 2007 đến nay, tỷ trọng nợ công nước ngoài có xu hướng giảm dần nhưng vẫn chiếm đến gần 70% tổng dư nợ nước ngoài.
Đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù các chính sách thu hút đầu tư và xu thế tự do hóa tài khoản vốn nhằm khai thác các nguồn vốn ngoại đã khiến FDI đổ vào Việt Nam gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2006 đến nay so với giai đoạn 2000 - 2005. Tuy nhiên từ năm 2007 đến nay, diễn biến FDI biến động khá phức tạp với biên độ dao động rất lớn. Hiện nay dòng vốn FDI có xu hướng thuận chu kỳ, không bền vững và có xu hướng đầu cơ: khi nền kinh tế tăng trưởng dòng vốn có xu hướng chảy mạnh vào đất nước và khi nền kinh tế suy thoái dòng vốn tháo chạy. Xu hướng đảo chiều của các dòng vốn ngoại không chỉ ảnh hưởng tới thị trường tài chính, còn gây áp lực đối với sự biến động của tỷ giá hối đoái, gây nên rủi ro về tỷ giá, ảnh hưởng xấu tới hệ thống tài chính quốc gia.
Như vậy, bên cạnh những tác động tích cực, mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian qua cũng đã đặt vô số áp lực lên hệ thống tài chính Việt Nam, bao gồm cả bộ phận dẫn vốn và áp lực tài chính đối với từng tụ điểm vốn, gây nên những bất ổn tài chính, là nguyên nhân dẫn đến những rạn nứt và thất bại của thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt từ năm 2007 đến nay, sau khi chúng ta gia nhập WTO và chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Những bất ổn trong hệ thống tài chính, đến lượt nó, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng. Chính vì vậy, phát triển hệ thống tài chính lành mạnh là yêu cầu quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực điều hành vĩ mô của Chính phủ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Tóm lại, tăng trưởng kinh tế thời gian qua đã đem lại những thành tựu đáng ghi nhận cho sự phát triển hoạt động tài chính - tiền tệ song song với sự phát triển của hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Sự gia tăng yếu tố vốn cho tăng trưởng cùng các chính sách tăng trưởng đã góp phần xây dựng một hệ thống tài chính Việt Nam sôi động - dần tiếp cận với thị trường và tiêu chuẩn thế giới, hỗ trợ ngược trở lại cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
3. Một số khuyến nghị
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển tài chính. Đồng thời, xây dựng hệ thống tài chính vững mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng, có thể tập trung một số chính sách sau:
- Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng: Trong thời gian tới, cần tập trung phát triển hiệu quả nguồn nhân lực và đẩy mạnh phát triển công nghệ. Đây là hai yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững, đặc biệt trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển và lan rộng nhanh chóng. Cần tập trung nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho KH&CN vào các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các thành phần kinh tế.
- Triển khai lộ trình tự do hóa các giao dịch vốn một cách thận trọng và phù hợp: Tự do hóa các giao dịch vốn là một lộ trình phù hợp với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đồng thời giúp Việt Nam tiếp cận với các khoản vay nước ngoài bằng nhiều hình thức khác khi các khoản vay ưu đãi đang giảm dần đối với ta. Tuy nhiên, tự do hóa giao dịch vốn như một con dao hai lưỡi, một mặt hỗ trợ cho nhu cầu vốn nước ngoài góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mặt khác nếu các bước đi không thận trọng và an toàn thì nền kinh tế nội địa có thể bị hủy hoại bởi sự đảo chiều bất ổn định của các dòng vốn ngoại, gây bất ổn tài chính và khủng hoảng kinh tế. Xây dựng một lộ trình tự do hóa giao dịch vốn phù hợp cũng là một giải pháp giúp Việt Nam tận dụng được lợi ích của các khoản vay nước ngoài hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và giảm bớt được những tác động bất lợi đối với ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó góp phần đảm bảo nợ nước ngoài bền vững.
- Xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho công ty quản lý tài sản của TCTD. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với TCTD, giám sát chặt chẽ, thực chất sở hữu chéo, đầu tư chéo để xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh.
- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư: Xây dựng, triển khai các đề án cụ thể và hệ thống chính sách khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có sinh lời thay dần cho đầu tư công, quy định mức tối thiểu giá trị dự án, công trình phải kêu gọi đầu tư từ thành phần ngoài Nhà nước, trường hợp các nhà đầu tư ngoài Nhà nước không tham gia thì mới thực hiện đầu tư công. Nghiên cứu hoàn thiện các hình thức hợp tác công tư (PPP). Xây dựng đề án sử dụng nguồn vốn thu được từ quá trình cổ phần hóa DNNN đầu tư cho một số dự án, công trình cấp bách để giảm gánh nặng nợ công. Hoàn thành đúng kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN; hoàn thiện cơ chế đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Rà soát để xác định hợp lý kế hoạch và lộ trình cổ phần hóa đối với loại hình doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, thực hiện xã hội hóa tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xã hội phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Agénor and Luiz A. Pereira da Silva (2011), Macroeconomic Stability, Financial Stability, and Monetary Policy Rules.
2. Allen, Franklin; Douglas Gale (2001), Comparing Financial Systems, Cambridge, MA 02142-1493, USA: MIT press. p.520.
3. Ngân hàng thế giới (2014), Báo cáo đánh giá khu vực tài chính Việt Nam.
4. Viện Nghiên cứu toàn cầu Mc Kinsey (2012), Giữ nhịp tăng trưởng bền vững tại Việt Nam: Thách thức về năng suất.
THE RELATIONSHIP BETWEEN ECONOMIC
GROWTH AND FINANCIAL SYSTEM IN
VIETNAM - SITUATION AND RECOMMENDATION
● DANG THI HUYEN ANH
Division of Economics, Banking Academy
ABSTRACT:
Financial system plays an important role in economic growth. However, the financial system is also affected by the development of the economy. After nearly 30 years of renovation, Vietnam economy has remarkable achievements with an average growth rate of 6.5%, contributing to the rapid improvement of all aspects of social life. However, economic growth also put pressure on the financial system, causing the adverse changes affecting future growth if there are no suitable solutions to ensure continuity.
Keywords: Economic growth, financial system, budget overspending.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây