Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

TS. ĐOÀN QUANG ĐÔNG - ThS. CAO XUÂN QUẢNG - CN. LÊ THỊ VÂN ANH (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương)

TÓM TẮT:

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra đời và có hiệu lực được gần 10 năm, là công cụ pháp lý quan trọng giúp ngăn ngừa, hạn chế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Trong quá trình triển khai, hoạt động công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được những kết quả đáng nghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa phát huy được hết vai trò cũng như chưa thực hiện được đầy đủ nội dung của luật quy định.

Bài nghiên cứu đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ khóa: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

1. Khái quát về các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Tổ chức xã hội (TCXH) là một thành tố của cơ cấu xã hội, hoặc là một dạng hoạt động, hay là mức độ trật tự nội tại, sự hài hòa giữa các thành phần của một chỉnh thể, là một thành tố của cơ cấu xã hội. Do đó, TCXH có thể là một hệ thống các quan hệ, tập hợp liên kết cá nhân nào đó để đạt được một mục đích nhất định.

Hiện nay, có nhiều TCXH được thành lập, nhằm đáp ứng yêu cầu của các hội viên cũng như nhằm bảo vệ quyền lợi của các hội viên, tuy nhiên không phải TCXH nào cũng được gọi là TCXH tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD).

Để một tổ chức được gọi là TCXH tham gia BVQLNTD cần đáp ứng hai tiêu chí: Thứ nhất, thành lập theo đúng quy định pháp luật về hội; Thứ hai, hoạt động của hội phải tuân thủ theo quy định của Luật BVQLNTD. Trên thực tế, các TCXH tham gia BVQLNTD thường được đặt tên là Hội BVQLNTD. Nghĩa là, Hội BVQLNTD là tập hợp của công dân, tổ chức Việt Nam có chung mục đích là tham gia vào hội để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh chân chính.

Đặc thù của Hội BVQLNTD là hội không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thành viên mà hội còn bảo vệ cho tất cả người tiêu dùng khác bị vi phạm quyền lợi. Hội BVQLNTD phần lớn không thu hội phí của các hội viên hoặc có thu chỉ mang tính tượng trưng, bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất chân chính thông qua các hoạt động của hội để chống hàng nhái, hàng giả, chống các hoạt động vi phạm pháp luật về cân đong đo đếm, dán nhãn mác, tiêu chuẩn, quy chuẩn,… góp phần cho sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế đất nước. Đây là điểm khác biệt cơ bản của Hội BVQLNTD với các Hội xã hội nghề nghiệp khác. Bởi các Hội xã hội nghề nghiệp có thu phí hoạt động của các hội viên, thành lập nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của các hội viên.

Hiện nay, trên cả nước có 11 Hội Tiêu chuẩn và BVQLNTD các tỉnh, 01 Hội Đo lường và BVQLNTD cấp tỉnh (Hội thành phố Hải Phòng), và 45 Hội BVQLNTD các tỉnh.

Ở Việt Nam, theo quy định của Điều 28, 29 Luật BVQLNTD, Hội BVQLNTD được thực hiện những nội dung sau: Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng; Tư vấn, giúp đỡ, giải quyết khiếu nại người tiêu dùng; Đại diện người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng; Cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về hành vi vi phạm quyền lợi NTD; Độc lập khảo sát, thử nghiệm; Công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; Tham gia xây dựng chính sách pháp luật về BVQLNTD; Thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao.

2. Thực trạng hoạt động của các TCXH tham gia BVQLNTD

Công tác BVQLNTD thời gian qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận đó là có sự đóng góp tích cực của các Hội BVQLNTD trên cả nước, cụ thể:

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các chủ thể về công tác BVQLNTD cũng là hoạt động trọng tâm, được các Hội BVQLNTD chú trọng thực hiện thường xuyên.

Báo cáo của Hội BVQLNTD Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2020, các hoạt động tuyên truyền đã được các Hội thực hiện đa dạng về hình thức và phong phú về chủ đề, đơn cử các hoạt động của Hội BVQLNTD Việt Nam, trước đây là Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Về số lượng và hình thức tuyên truyền: Trong giai đoạn 2011 - 2018, Hội đã phổ biến pháp luật cho 51 lớp, gần 10.700 học viên, thực hiện ít nhất 730 cuộc trả lời phỏng vấn, tư vấn và tham gia các diễn đàn do báo chí, đài phát thanh, truyền hình tổ chức dưới nhiều hình thức, trong đó, có nhiều đơn vị có thương hiệu lớn, phạm vi đưa tin trên cả nước như: Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng thông tin Chính phủ, TTXVN, Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Công an nhân dân, Việt Nam NEWS, VnExpress, VietnamNet, Dân trí,… Ngoài ra, nhằm xã hội hóa công tác tuyên truyền, Hội đã chủ động kết nối với một số đơn vị để phối hợp thực hiện. Ví dụ: Phối hợp với Công ty Niên giám điện thoại trang vàng giải đáp trên 8.800 cuộc gọi của NTD; kết nối trên 2.300 cuộc gọi của người tiêu dùng tới doanh nghiệp, Hội và cơ quan; hỗ trợ NTD khiếu nại thành công 820 cuộc; vận động hàng trăm doanh nghiệp tham gia Tháng hành động vì người tiêu dùng của Hà Nội; treo gần 1.000 pano, phát hơn 20.000 tờ rơi; tổ chức tọa đàm trên truyền hình Hà Nội; được thành phố giao tổ chức Lễ mít tinh Ngày quyền của người tiêu dùng hàng năm; trung bình hàng năm tổ chức tập huấn tại 5 quận, huyện của Hà Nội, mỗi lớp từ 300 - 500 cán bộ.

Về nội dung tuyên truyền rất đa dạng như: Hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, An toàn Thực phẩm, Giá cả tiêu dùng, Tổ chức tư vấn kiến thức tiêu dùng,…

Ngoài ra, hàng năm, Hội còn tích cực hưởng ứng phong trào BVQLNTD thế giới và dành sự quan tâm đến công tác BVQLNTD ở Việt Nam, căn cứ chủ đề của Tổ chức Quốc tế người tiêu dùng (CI) và phát động của Bộ Công Thương, Hội đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng tiêu dùng và tự bảo vệ chính mình cho người tiêu dùng.

Công tác hướng dẫn, tư vấn giải quyết khiếu nại là một hoạt động thường xuyên của các Hội nhằm BVQLNTD trong các trường hợp cụ thể. Trong giai đoạn 2011 - 2019, các Hội trên cả nước đã tư vấn, giải quyết 13.294 vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Tỷ lệ giải quyết thành công trên 80%; số vụ còn lại không đủ chứng cứ hoặc không thuộc thẩm quyền đã chuyển sang cơ quan chức năng giải quyết. Vụ khiếu nại nào có dấu hiệu trục lợi thì được giải thích để tránh vi phạm nguyên tắc BVQLNTD không được xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Giá trị hàng hóa được giải quyết thành công trong giai đoạn 2015 - 2017  là  10,436 tỷ đồng. Số vụ khiếu nại đến Hội tăng nhanh, năm 2015 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011, năm 2012.

Đại diện người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng là một trong nhiệm vụ mang tính đặc thù, chỉ giao cho Hội BVQLNTD. Theo đó, bước đầu đã ghi nhận sự vào cuộc của các Hội. Cụ thể, Hội BVQLNTD tỉnh Bến Tre đã hướng dẫn, hỗ trợ người tiêu dùng khởi kiện trách nhiệm của chủ cửa hiệu bánh mì. Theo đó, 170 người tiêu dùng mua bánh mì tại Tiệm bánh mì Minh Tuyến (TP. Bến Tre) đã bị ngộ độc sau khi sử dụng. Người tiêu dùng đã khởi kiện vụ việc ra Tòa án TP. Bến Tre. Quá trình tranh luận tại Tòa có sự tham gia trực tiếp của đại diện Hội BVQLNTD tỉnh Bến Tre với vai trò là đại diện ủy quyền của người tiêu dùng, đồng thời, một số quy định của Luật BVQLNTD đã được vận dụng để BVQLNTD như quy định về việc người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Kết quả người tiêu dùng đã thắng kiện.

Độc lập khảo sát, thử nghiệm và công bố kết quả khảo sát: Trong giai đoạn 2011 - 2019, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng đã tổ chức hàng chục cuộc khảo sát, thử nghiệm để cảnh báo cho người tiêu dùng, cung cấp thông tin và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhiều vấn đề, cụ thể như sau: Khảo sát tồn dư hóa chất độc hại trong thịt lợn siêu nạc, về các mặt hàng sữa, Pin TOSIBA RO3-AA, dây điện bọc nhựa PVC, dây điện lưỡng kim nhôm bọc đồng; các chỉ tiêu kim loại nặng và vi sinh trong dầu gội đầu; nhóm hóa chất Beta-agonist trong thức ăn chăn nuôi, trong thịt lợn; chất làm sáng quang học tinopal trong bún, bánh phở; chất lượng mũ bảo hiểm; tồn dư hóa chất trong một số loại rau củ, quả trên thị trường. Khảo sát, xây dựng dự thảo quy chuẩn Việt Nam về điều kiện vệ sinh an toàn nước uống đóng chai.

Tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về BVQLNTD: Thời gian qua, các Hội BVQLNTD đã tham gia đóng góp ý kiến các văn bản chính sách, văn bản quy phạm pháp luật... dưới nhiều hình thức khác nhau như: Hiến pháp năm 1992 sửa đổi; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Quảng cáo; Luật Giá; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; Luật An toàn vệ sinh lao động; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật Việc làm; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi; Luật Tố tụng dân sự sửa đổi; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Quy hoạch; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật (Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân, Luật thuế tài nguyên); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009 về quyền tác giả và quyền liên quan; dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi); dự thảo Luật Phòng chống tác hại của Rượu, bia; Pháp lệnh Quản lý thị trường; dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật BVQLNTD trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế”.

Thực hiện nhiệm vụ do cơ quan nhà nước giao: Các Hội BVQLNTD đã chủ động trong việc kết nối với các cơ quan nhà nước, xây dựng các đề án trình UBND các tỉnh, thành phê duyệt. Trên cơ sở đó, cấp ngân sách nhà nước để giao các Hội thực hiện một số nhiệm vụ liên quan. Trên cả nước có 7 Hội đặc thù được cấp kinh phí thường xuyên hoạt động và 16 địa phương được ký hợp đồng thường xuyên để giao nhiệm vụ theo quy định tại Điều 29 Luật BVQLNTD.

Một số tồn tại:

- Công tác khởi kiện vụ án dân sự vì quyền lợi người tiêu dùng với vai trò là đại diện người tiêu dùng chưa được triển khai nhiều, trên thực tế các vụ việc vi phạm số đông người tiêu dùng rất nhiều.

- Họat động của Hội ở một số địa phương chưa thực sự hiệu quả do hạn chế về kinh phí, nguồn lực.

- Chưa thể hiện rõ là cánh tay nối dài của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này thể hiện ở việc số Hội được giao nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước cho hội chưa nhiều.

- Chưa thực sự là cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

3. Một số đề xuất để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCXH tham gia BVQLNTD

 “BVQLNTD là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” điều đó có nghĩa, BVQLNTD là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước mà của tất cả cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cần phát huy mọi nguồn lực để thực hiện tốt công tác BVQLNTD, trong đó cần phát huy mạnh mẽ và đầy đủ vai trò hoạt động của các TCXH tham gia BVQLNTD như “cánh tay nối dài” của cơ quan quản lý nhà nước và là “cầu nối” giữa cơ quan quản lý nhà nước với các các doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Thứ nhất, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCXH tham gia BVQLNTD phải bám sát, cụ thể hóa nội dung liên quan trong Luật BVQLNTD và Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác BVQLNTD về hoạt động của Hội đó là cần phát huy đầy đủ vai trò của các Hội BVQLNTD. Muốn vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu sửa đổi chính sách để có cơ chế phù hợp, giúp đỡ các Hội BVQLNTD về kinh phí, nhân lực và vật lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Ban hành các chính sách để các tổ chức, cá nhân sẵn sàng phối hợp, đầu tư vào các hoạt động của Hội BVQLNTD.

Thứ hai, các giải pháp hướng tới việc xây dựng một hệ thống các TCXH tham gia BVQLNTD thống nhất, tinh gọn, hiệu quả, thực hiện đúng và tốt các nhiệm vụ được quy định trong Luật BVQLNTD. Đầu tiên là tái cơ cấu các Hội theo hướng thống nhất về tên gọi, tôn chỉ mục đích theo quy định của Luật BVQLNTD. Với những địa phương chưa thành lập hội cần xúc tiến thành lập hội, các địa phương đã có hội cần phát triển xuống cấp huyện, cấp xã để giúp đỡ người tiêu dùng nhiều hơn.

Thứ ba, bản thân các Hội BVQLNTD cũng cần chủ động, năng động hơn nữa trong việc tìm kiếm, tiếp cận sự hỗ trợ của các cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế. Bản thân các Hội cũng cần tự nâng cao vị thế của mình thông qua hoàn thành tốt các nhiệm vụ được quy định trong Luật BVQLNTD và nâng cao chất lượng cán bộ của Hội.

Thứ tư, cần có sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh đối với Hoạt động của Hội BVQLNTD. Bên cạnh việc ban hành chính sách, các cơ quan này cũng cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp, hỗ trợ các Hội BVQLNTD triển khai các hoạt động chuyên môn.

Thứ năm, tăng cường mối quan hệ giữa Hội với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc rằng người tiêu dùng là đích cuối cùng của việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Các Hội BVQLNTD sẽ giúp đỡ doanh nghiệp truyền tải thông tin tốt đến người tiêu dùng và cũng giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp sâu và chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động hướng đến người tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2020). Báo cáo công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 56 địa phương trong cả nước qua các năm.
  2. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương (2020). Báo cáo tổng kết công tác BVQLNTD qua các năm.
  3. Bộ Công Thương (2018). Báo cáo tổng kết công tác BVQLNTD giai đoạn 2011-2018.
  4. Trung ương Đảng (2019). Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác BVQLNTD.
  5. Quốc hội (2010). Luật số 59/2010/QH12: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, ngày 17/11/2010.
  6. Chính phủ (2010). Nghị định số: 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
  7. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

SOME SOLUTIONS TO ENHANCE

THE PERFORMANCE OF SOCIAL ORGANIZATIONS

IN PROTECTING CONSUMER RIGHTS

• Ph.D DOAN QUANG DONG

• Master. CAO XUAN QUANG

• LE THI VAN ANH

Vietnam Competition and Consumer Authority, Ministry of Industry and Trade

ABSTRACT:

The Law on protection of consumers' rights has been implemented for nearly 10 years in Vietnam. This law is considered an important legal framework to prevent and handle infringements upon consumer rights and interests. The law implementation has achieved encouraging results.

However, associations for protection of consumer rights in Vietnam have not fully implemented the law on protection of consumers' rights due to many objective and subjective reasons. Therefore, this paper proposes some solutions to improve the performance of associtaions in protecting consumers' interests.

Keywords: Protecting the rights and the interests of consumers, social organizations, Law on protection of consumer' interests.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 29+30, tháng 12 năm 2020]