Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

TRẦN MINH TRANG (Giảng viên Bộ môn Luật, Trường Đại học Hồng Đức)

TÓM TẮT:

Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990 mà không bảo lưu điều, khoản nào. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi, xuất hiện vấn đề mới tác động đến trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (TECHCĐB). Việc thực hiện những quy định pháp luật về bảo vệ TECHCĐB đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, không đáp ứng yêu cầu của các vấn đề mới phát sinh cần sự điều chỉnh của pháp luật. Vì vậy, cần có những thay đổi nhất định về quy định của pháp luật để bảo vệ TECHCĐB.

Từ khóa: trẻ em, hoàn cảnh đặc biệt, hoàn thiện pháp luật.

1. Thực trạng quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Hệ thống pháp luật liên quan đến Quyền trẻ em và TECHCĐB ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013; Luật Giáo dục năm 2019; Luật Trẻ em năm 2016; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình năm 2022… và còn được quy định ở nhiều văn bản dưới luật khác nhau như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn… Do vậy, quyền trẻ em và TECHCĐB được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, đó là một trong những nguyên nhân làm cho quá trình thực hiện quyền của các em trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn và chưa phát huy hiệu quả.

Theo quy định tại Khoản 10 Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016: TECHCĐB là trẻ em không đủ Điều kiện thực hiện được quyền sống, quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng”. Bên cạnh đó, tại Điều 10 Luật Trẻ em năm 2016 cũng đã liệt kê những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, đó là: Trẻ em mồ côi cha mẹ; Trẻ em bị bỏ rơi; Trẻ em không nơi nương tựa; Trẻ em khuyết tật; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em vi phạm pháp luật; Trẻ em nghiện ma túy; Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; Trẻ em bị bóc lột; Trẻ em bị xâm hại tình dục; Trẻ em bị mua bán; Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc. Đây là nhóm TECHCĐB, vì vậy Chính phủ quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với từng nhóm trẻ em trên.

Quyền của trẻ em có nói chung, bao gồm cả TECHCĐB được quy định từ Điều 12 đến Điều 36 Luật Trẻ em năm 2016 có những quyền cơ bản là Quyền sống; Quyền được khai sinh và có quốc tịch; Quyền được chăm sóc sức khỏe; Quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; Quyền vui chơi, giải trí; Quyền giữ gìn, phát huy bản sắc; Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; Quyền về tài sản; Quyền bí mật đời sống riêng tư; Quyền được sống chung với cha, mẹ; Quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ; Quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; Quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; Quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; Quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; Quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy; Quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; Quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang; Quyền được bảo đảm an sinh xã hội; Quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; Quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp; Quyền của trẻ em khuyết tật; Quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.

Luật Hôn nhân và Gia đình, nơi TECHCĐB là thành viên của gia đình chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ (Điều 69), cha mẹ nuôi (Điều 78), của cha dượng - mẹ kế (Điều 79); hơn nữa, còn quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ, bổn phận của trẻ em. Ngoài ra, có điều khoản quy định về chăm sóc trẻ em sau khi ly hôn tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này. Vợ, chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Như vậy, sau khi ly hôn việc nuôi con, chăm sóc con, nuôi dưỡng con do vợ chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định những điều cấm và thông qua đó để bảo vệ lao động trẻ em, quy định độ tuổi tối thiểu được tuyển dụng lao động. Ngoài ra, Luật Lao động có những quy định về người chưa thành niên, trong đó có quyết định về việc tuyển chọn, sử dụng lao động là người chưa thành niên.

Luật Giáo dục năm 2014, quy định về quyền học tập của trẻ em, trong đó có TECHCĐB và trách nhiệm của các chủ thể khác nhau trong việc bảo đảm quyền học tập của trẻ em. Quy định chế tài đối với hành vi cản trở việc học tập của trẻ em tại Điều 26 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em là phạt tiền khi cố ý hủy hoại sách vở, đồ dùng hoặc tập hoặc có hành vi cản trở việc trẻ em đến trường, dụ dỗ lôi kéo trẻ em bỏ học.

Để thực hiện các quyền trẻ em một cách hiệu quả, theo tinh thần của Công ước, pháp luật Việt Nam đã có những quy định rõ ràng trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TECHCĐB. Gia đình là nơi vừa thực hiện các quyền này của trẻ em vì trẻ em được sinh ra và được nuôi dạy trong môi trường gia đình nhưng cũng là nơi trẻ em có thể bị bỏ rơi. Do vậy, các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm chăm sóc cho trẻ em trưởng thành về mặt thể chất và trí tuệ, đồng thời có trách nhiệm giải thích cho trẻ em hiểu rõ bổn phận của mình, giáo dục trẻ em biết quan tâm, chăm sóc cuộc sống của những người khác trong gia đình và cộng đồng.

Song song đó, nhà nước và xã hội có nhiệm vụ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sự tôn trọng của trẻ em. Việt Nam đã xây dựng một bộ máy các cơ quan nhà nước để đảm bảo việc thực hiện quyền trẻ em. Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp ban hành luật nhằm xây dựng một khung pháp lý, khởi động cho cơ chế thực hiện quyền trẻ em, đồng thời giám sát toàn bộ quá trình thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan đến trẻ em. Chính phủ và các bộ ngành có trách nhiệm thực thi các quy định của pháp luật về quyền trẻ em, cũng như các chính sách liên quan đến quyền trẻ em.

2. Một số bất cập khi thực hiện quy định của pháp luật về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Quy định của pháp luật về TECHCĐB còn chưa được quan tâm nhiều. Những quy định của pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê nhóm TECHCĐB, các quyền cơ bản của TECHCĐB cũng giống như quyền của trẻ em thông thường mà chưa đề cập đến những quy định riêng về TECHCĐB.

Thứ nhất, đối với Luật Trẻ em có những quy định chỉ mang tính khái quát mà chưa có sự cụ thể, rõ ràng:

- Chưa có sự thống nhất về độ tuổi của trẻ em trong hệ thống văn bản pháp luật quốc gia.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Tuy nhiên, ở một số ngành, luật cũng có những quy định khác nhau về độ tuổi của trẻ em như Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi và khái niệm trẻ em được hiểu là người chưa đủ 15 tuổi (Điều 143), Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 qui định người từ đủ 14 tuổi trở lên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (Điểm a Khoản 1 Điều 5)… Như vậy, chưa có sự thống nhất về độ tuổi cụ thể của trẻ em trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, độ tuổi 16 đến dưới 18 tuổi đang bị bỏ ngỏ, chưa có quy định rõ ràng.

- Chưa có quy phạm quy định về trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi việc ly hôn của gia đình.

Đối với những gia đình, khi cha mẹ ly hôn, phản ứng của trẻ lúc này là sự hoảng sợ, có những suy nghĩ lệch lạc như không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính mình. Giai đoạn tâm lý này có thể diễn biến làm cho trẻ gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình quay trở lại cuộc sống bình thường, như: học tập, thích ứng với hoàn cảnh sống mới, khó khăn trong các mối quan hệ xã hội và giao tiếp,… Sự thay đổi hoàn cảnh sống sau ly hôn của cha mẹ không chỉ tác động lớn đến trẻ nhỏ mà còn ở những trẻ lớn hơn, khó khăn đối với chúng lại thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè. Tâm lý của các em mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng thu mình với bên ngoài. Ngoài ra, đối với các em là nam giới, việc này có thể để lại cho em là xu hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình sau này.

Thứ hai, Luật Giáo dục năm 2019 chưa có những quy định riêng về nhóm TECHCĐB, các trường chuyên biệt chỉ có trường dành cho người khuyết tật và trường giáo dưỡng, mà chưa đề cập được hết nhóm TECHCĐB, như: Trẻ em bị bóc lột; Trẻ em bị xâm hại tình dục; Trẻ em bị mua bán; Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo,… Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, những quy định phù hợp để vừa khuyến khích, vừa tạo cho các em có môi trường thuận lợi để tiếp tục đi học.

Thứ ba, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ của cha mẹ khi chấm dứt hôn nhân chủ yếu tập trung vào nghĩa vụ cấp dưỡng mà chưa đề cập nhiều đến việc sau khi ly hôn, nghĩa vụ chăm sóc của cha mẹ dành cho con. Nghĩa vụ chăm sóc trẻ em vẫn còn “thỏa thuận” về “nghĩa vụ” mà không quy định nghĩa vụ “phải thực hiện”. Điều này có thể dẫn đến việc người chăm sóc trốn tránh nghĩa vụ của mình, hoặc buộc trẻ thôi học, hoặc có hành vi xâm hại đến trẻ em.

Thứ tư, Bộ luật Lao động năm 2019 chưa có khái niệm thống nhất về lao động trẻ em và trẻ em lao động sớm cũng chưa có sự phân loại rõ ràng. Tại Việt Nam, các công việc của trẻ em thường làm có thể phân thành những trường hợp sau: trẻ em làm các công việc giúp đỡ cha mẹ hoặc làm việc theo sự phân công của cha mẹ; trẻ em lang thang tự kiếm sống như đánh giầy, bán báo, bán vé số, nhặt rác…; trẻ em đi làm thuê cho các chủ sử dụng lao động. Như vậy, có thể thấy chỉ có trường hợp thứ ba ở trên mới là quan hệ lao động và thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Vì vậy, cần quy định rõ về những quan hệ lao động mà trẻ em có thể tham gia phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe và sự phát triển tâm - sinh lý, thể chất và xã hội của mình.

3. Giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Thứ nhất, cần quy định tuổi trẻ em là người dưới 18 tuổi khác với quy định hiện hành là “trẻ em là người dưới 16 tuổi” cho phù hợp với Công ước Quyền trẻ em, qua đó có thể mở rộng đối tượng trẻ em được hưởng chính sách chăm sóc, bảo vệ của nhà nước. Do đó, nên sửa Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 như sau: “Trẻ em quy định trong Luật này là công dân Việt Nam dưới 18 tuổi”. Như vậy, việc thống nhất xác định độ tuổi trẻ em trong các quy định của pháp luật là cần thiết, vì Nhà nước ta là một trong những nước sớm nhất công nhận và phê chuẩn Công ước Quyền trẻ em. Việc thay đổi như vậy sẽ có sự thống nhất về độ tuổi cụ thể của trẻ em trong pháp luật quốc gia, để phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em và các văn bản pháp lý có liên quan tại Việt Nam. Ngoài ra, cần bổ sung thêm nhóm trẻ em bị ảnh hưởng sau ly hôn vào nhóm TECHCĐB và bổ sung một số quyền cơ bản, đặc thù về trẻ em; cụ thể hóa các chính sách Nhà nước dành cho nhóm trẻ em này để bảo vệ và tăng khả năng phòng ngừa, ngăn chặn các em có nguy cơ sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Thứ hai, có thể nghiên cứu xây dựng 1 chương riêng trong Luật Giáo dục dành cho trẻ em và TECHCĐB. Tại chương này, quy định đầy đủ về quyền và bổn phận của trẻ em trong lĩnh vực giáo dục cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong việc bảo đảm các quyền này của các em. Ngoài trường giáo dưỡng và trường dành cho người khuyết tật cần bổ sung thêm các trường dành cho TECHCĐB. Ví dụ như trường hợp trẻ em bị nhiễm HIV, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị mua bán. Đây là nhóm trẻ em có khiếm khuyết về tâm lý, không tự tin và rất xấu hổ khi phải học chung với các bạn đồng trang lứa, vì vậy nên chăng có một hệ thống trường học dành cho nhóm trẻ em này. Điều này sẽ khắc phục được những hạn chế đã nêu và tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi pháp luật bảo đảm quyền trẻ em và TECHCĐB trong lĩnh vực giáo dục. Cơ chế giám sát, xử lý các chủ thể xâm hại đến quyền học tập hòa nhập của TECHCĐB cũng cần phải quy định trong Luật Giáo dục hoặc các văn bản hướng dẫn.

Thứ ba, việc chăm sóc con là nghĩa vụ của cha mẹ, mặc dù cha mẹ có ly hôn thì nghĩa vụ của cha mẹ vẫn phải là chăm sóc, nuôi dưỡng cho con. Không nên có quy định về “thỏa thuận nghĩa vụ”, bởi vì cho dù con cái do bên nào trực tiếp nuôi dưỡng thì bên còn lại vẫn phải có nghĩa vụ chăm sóc con một cách tốt nhất. Có như vậy, mới đảm bảo được quyền lợi của trẻ em, do đó cần thiết phải bỏ quy định về “thỏa thuận nghĩa vụ” để bảo vệ trẻ em và để cha hoặc mẹ không thoái thác trách nhiệm cho người trực tiếp nuôi dưỡng.

Thứ tư, đối với hệ thống pháp luật về lao động trẻ em, cần thống nhất khái niệm, phân loại trẻ em làm việc, lao động trẻ em và trẻ em lao động sớm để phù hợp với thực tiễn xã hội ở Việt Nam hiện nay. Đối với nhóm trẻ em các công việc giúp đỡ cha mẹ cần phải quy định độ tuổi, loại công việc và thời gian đi học của trẻ; đây là nhóm trẻ em làm việc cần được bổ sung thêm vào Bộ luật Lao động. Với nhóm thứ hai là trẻ em lang thang, cơ nhỡ, cần phải cương quyết loại bỏ bằng cách phối hợp với các cơ quan bảo vệ, chăm sóc trẻ em đưa các em vào các trung tâm hoặc trường học phù hợp với lứa tuổi. Nhóm trẻ lao động sớm cần có quy định cụ thể như điều kiện đi làm phù hợp với tâm sinh lý của trẻ em, không ảnh hưởng xấu tới sự phát triển bình thường của trẻ, điều kiện làm việc không nguy hiểm, thời gian làm việc không được ảnh hưởng tới việc học tập của trẻ em.

4. Kết luận

Pháp luật Việt Nam là cơ sở pháp lý, là công cụ không thể thiếu trong lĩnh vực bảo vệ quyền cơ bản của trẻ em. Vì lẽ đó, sự cần thiết hiện nay là phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là chăm sóc và giáo dục TECHCĐB. Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về trẻ em và cần tổng rà soát, bãi bỏ những quy định của pháp luật lạc hậu, bất cập, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn xã hội. Sự bất cập, không phù hợp với cuộc sống và mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích của trẻ em và TECHCĐB cần phải loại bỏ để đạt được chất lượng, hiệu quả của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền trẻ em nói chung và TECHCĐB nói riêng theo định hướng phù hợp với các công ước quốc tế và pháp luật Việt Nam được xem là một nhiệm vụ quan trọng để bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2016), Luật Trẻ em năm 2016.
  2. Quốc hội (2019), Luật Giáo dục năm 2019.
  3. Quốc hội (2014), Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
  4. Chính phủ (2021), Nghị định số 130/2021/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em.
  5. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2007), Chính sách và dịch vụ xã hội đối với các nhóm yếu thế, NXB Lao động - Xã hội, Hà Nội.
  6. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021-2030.
  1. Nguyễn Đăng Dung, (2011), Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  1. Lê Thị Phương Nga (2015), Giáo dục pháp luật cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ, Học viện Khoa học Xã hội.

Some solutions to strengthen provisions for the protection of children in special circumstances

Tran Minh Trang

Lecturer, Department of Law, Hong Duc University

Abstract:

Vietnam is the second country in the world and the first Asian country to ratify the United Nations Convention on the rights of the child in 1990 without reservation. However, as the country’s socio-economy has changed significantly, new problems have emerged affecting the rights of children, especially those in special circumstances. The enforcement of provisions for the protection of children in special circumstances has revealed some limitations and inadequacies. It is necessary to amend these provisions to regulate newly arising issues in order to better protect children in special circumstances.

Keywords: children, special circumstances, completing the law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]