Khó khăn ở cả thị trường mới và truyền thống
Bắc Giang là một trong hai địa phương (cùng với Hải Dương) sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước, chiếm tới 50% tổng sản lượng vải thiều cung ứng cho thị trường.
Số liệu của Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó vải đầu mùa 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng ước đạt 115.000 tấn.
Hiện nay toàn tỉnh Bắc Giang có 15.000 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng. Quả vải chứng nhận Global GAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.
Trong đó, Nhật Bản đã chấp thuận 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha thuộc các xã như Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp (Lục Ngạn), Phúc Hòa (Tân Yên) của 107 hộ dân.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, việc xuất khẩu quả vải sang thị trường khó tính như Nhật Bản sẽ gặp nhiều trở ngại. Bởi, ảnh hưởng từ Covid-19, phía Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi.
Linh hoạt các giải pháp, Bộ Công Thương đã có công hàm gửi cho các cơ quan của chính quyền Nhật Bản đề nghị có những biện pháp linh hoạt để có thể thúc đẩy xuất khẩu lô hàng vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong mùa vụ năm nay.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ trao đổi thêm với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cơ quan đầu mối, cùng phối hợp với phía Nhật Bản để có thể đưa ra nhóm giải pháp phù hợp nhất.
Không chỉ khó khăn tại thị trường mới, mà tại thị trường truyền thống là Trung Quốc, hoạt động xuất khẩu vải thiều năm nay được dự báo không nhiều thuận lợi.
Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh và Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, do thời tiết, mùa vải năm nay tại Trung Quốc bắt đầu thu hoạch sớm hơn khoảng nửa tháng so với mọi năm và dự kiến sẽ kéo dài thêm khoảng 2 tháng, kết thúc vào khoảng đầu tháng 7.
Hiện trên thị trường và các trang bán hàng trực tuyến tại Trung Quốc đều đã bán quả vải. Quả vải Hải Nam hiện được thu hoạch sớm nhất, tiếp đến là Quảng Đông và các địa phương khác.
Điều đáng quan tâm, là ở đây, mùa vụ vải thiều ở Trung Quốc không lệch quá nhiều so với vải thiều Việt Nam. Chưa kể, năm nay, do thời tiết thuận lợi hơn nên sản lượng vải của nước này dự báo sẽ trở lại bình thường.
Dự báo sản lượng quả vải bán ra thị trường vào các tháng như sau: tháng 4 khoảng 55,8 nghìn tấn; tháng 5 khoảng trên 536 nghìn tấn (giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước); tháng 6 khoảng 1,11 triệu tấn (tăng 115,8%); tháng 7 khoảng 109 nghìn tấn (giảm 25,6%). Dự kiến tổng sản lượng quả vải tại Trung Quốc năm 2020 đạt khoảng 2,55 triệu tấn, tăng 11,3% so với 2019 và xấp xỉ sản lượng của năm 2018 (khoảng 2,6 triệu tấn).
Không những vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Trung Quốc còn cho biết, nửa đầu tháng 4/2020, Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, phía Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đối với các lái xe từ Việt Nam sang giao nhận hàng hóa.
Đồng thời điều chỉnh thời gian thông quan đối với hoạt động trao đổi cư dân biên giới dẫn đến việc nhiều xe hàng bị ách tắc tại cửa khẩu, trong đó chủ yếu là trái cây và nông sản. Do đó, dịch bệnh sẽ tiếp tục gây gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu.
Sẵn sàng “kích hoạt” các kịch bản
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, để có vụ vải thiều thắng lợi, việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng quả vải, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho quả vải...
Do đó, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng nhiều phương án để không làm gián đoạn việc tiêu thụ, xuất khẩu quả vải.
“Phương án 1, khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở cả trong nước và thế giới; Phương án 2, khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng giảm nhưng chưa hết dịch; Phương án 3, khi dịch bệnh được ngăn chặn hiệu quả, các hoạt động xuất nhập khẩu trở lại bình thường.
Cả 3 phương án trên đều bảo đảm cho người dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra”, đại diện UBND huyện Lục Ngạn nhấn mạnh, đồng thời cho biết, trong tình huống dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, huyện chú trọng khai thác thị trường nội địa, chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị lớn, sấy khô, bảo quản lạnh, ép nước... Cùng đó xây dựng phương án đón, phòng dịch đối với thương nhân người nước ngoài đến huyện Lục Ngạn tiêu thụ vải thiều.
Về phía UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Dương Văn Thái cũng khẳng định, tỉnh đã chủ động, đánh giá những khó khăn, tác động của dịch bệnh và đã xây dựng 3 kịch bản tương ứng với từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh.
Kịch bản thứ nhất được cho là thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu thuận lợi sang tất cả các thị trường, cả thị trường truyền thống và thị trường mới.
Kịch bản thứ 2, tuy có khó khăn, trở ngại hơn nhưng vẫn sẽ xuất khẩu được sang thị trường mới và thị trường truyền thống
Kịch bản khó khăn nhất, đó là không xuất khẩu được vải thiều trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thì vải thiều sẽ tập trung tiêu thụ trong nước.
“Đó là 3 kịch bản chúng tôi rất coi trọng và đưa ra phương án để chủ động triển khai. Bắc Giang sẵn sàng kích hoạt cả 3 kịch bản này để chủ động, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Chúng tôi luôn đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản khác của tỉnh", Chủ tịch UBND Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định.
Ngoài ra, Chủ tịch Dương Văn Thái cũng thông tin, trong trường hợp phải áp dụng kịch bản thứ 3, là khi xuất khẩu khó khăn thì thị trường trong nước vẫn sẽ là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân. “Nếu khai thác tốt thị trường nội địa, việc tiêu thụ quả vải thiều Bắc Giang sẽ không còn trở ngại gì”.