Doanh nghiệp hài lòng hơn với thủ tục xuất nhập khẩu
Đó là thông tin quan trọng được đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo kết quả cuộc khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất, nhập khẩu năm 2018, diễn ra sáng ngày 8/1/2019 tại Hà Nội.
Cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện đã phần nào phản ánh những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực hiện thủ tục hành chính hải quan trong năm, cũng như những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp đối với ngành hải quan trong thời gian tới.
Theo đó, cuộc khảo sát được thực hiện với 3.061 doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có 46% từ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, 33% thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 17% từ khối doanh nghiệp nhà nước với các tiêu chí gồm: tiếp cận thông tin, thực hiện thủ tục hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan, thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành…
Thông qua kết quả khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá, đã có sự thay đổi tích cực trong cảm nhận của doanh nghiệp về mức độ thuận lợi khi thực hiện các thủ tục hành chính hải quan so với năm 2015.
Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá về mức độ thuận lợi khi thực hiện là thủ tục nộp thuế trong thông quan là 50%, cao gấp đôi so với khảo sát năm 2015. Đối với khâu kiểm tra hồ sơ trong thủ tục thông quan, điều tra năm 2018 thì có đến 25% doanh nghiệp đánh giá là rất dễ hoặc dễ trong khi năm 2015 tỷ lệ này chỉ chiếm 10%.
Đáng chú ý, ngày từ tháng 8/2018, Tổng cục Hải quan đã bắt đầu triển khai thí điểm hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM). Với hệ thống này, việc thực hiện kết nối, trao đổi thông tin bằng phương thức điện tử với cơ quan kinh doanh cảng, kho, bãi tại một số đơn vị lớn được thực hiện dễ dàng, thuận tiện.
Tính đến ngày 8/8/2018, Hệ VASSCM được thực hiện tại 5 cục hải quan địa phương gồm: Hải Phòng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh với 81 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng và đến tháng 11/2018, Hệ thống VASSCM cũng đã được triển khai tại 25/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố cho 192 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi.
Mặc dù vậy, kết quả sát còn cho thấy vẫn có 56% doanh nghiệp cho biết đã từng gặp vướng mắc khi tìm hiểu thông tin về thủ tục hành chính xuất nhập khẩu (năm 2015 là 54%); 53% doanh nghiệp gặp khó khăn trong các thủ tục kiểm tra và xác định mã số HS; 30% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục kiểm tra, xác định giá trị hải quan và có đến 38% doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành trong năm vừa qua...
Ngoài ra, báo cáo cũng tổng hợp có tới 70% doanh nghiệp kiến nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, 53% doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; 48% kiến nghị về việc tăng cường quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp và hải quan; 43% doanh nghiệp mong muốn tăng tính công khai minh bạch cũng như kỷ cương, chuyên môn của cán bộ công chức và còn khoảng 30% doanh nghiệp kiến nghị cải thiện hệ thống cơ sở vật chất đối với ngành hải quan.
Đánh giá về những kết quả khảo sát trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, mức tích cực của doanh nghiệp về thủ tục hải quan năm 2018 đã tăng gấp đôi so với năm 2015, đây là sự thay đổi rất lớn của ngành hải quan, nhưng không gian cải cách vẫn còn nhiều.
Theo ông Tuấn, cơ quan hải quan vẫn cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện thủ tục, nhất là với một số thủ tục có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá là khó vẫn cao hơn tỷ lệ được đánh giá là dễ và rất dễ. “Cơ quan Hải quan cần nỗ lực nhiều hơn trong một số lĩnh vực như hoàn thuế và không thu thuế, kiểm tra sau thông quan vì khi đánh giá việc thực hiện các thủ tục này, tỷ lệ doanh nghiệp cho đây là khâu khó khăn vẫn còn rất lớn.
Một số khó khăn cụ thể của các doanh nghiệp thường gặp bao gồm quy định hay thay đổi, doanh nghiệp phải in, nộp giấy tờ thuộc hồ sơ hải quan, sự hướng dẫn chưa đầy đủ hay sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan hải quan và các cơ quan nhà nước khác. Vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp phản ánh họ được yêu cầu nộp thêm giấy tờ ngoài quy định”, ông Tuấn cho biết.
Chi phí ngoài quy định - vướng mắc cản trở
Về vấn đề chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, khảo sát năm 2018 cho thấy có 56% doanh nghiệp cho biết không chi trả loại chi phí này. Bên cạnh con số 26% doanh nghiệp lựa chọn phương án “Không biết”, có 18% doanh nghiệp thừa nhận là có trả chi phí ngoài quy định.
Cũng theo số liệu khảo sát được đưa ra trong báo cáo, có 52% doanh nghiệp cho biết không bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí ngoài quy định và có 34% doanh nghiệp không biết có bị phân biệt đối xử hay không. 15% doanh nghiệp cho rằng bị phân biệt đối xử nếu không trả chi phí ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu.
“Trong số các doanh nghiệp nhận thấy bị phân biệt đối xử, hình thức phổ biến là kéo dài thời gian làm thủ tục (93%). Ngoài ra, 69% phản hồi cho rằng doanh nghiệp có thể bị gây khó khăn trong lần làm thủ tục sau. Các hình thức phân biệt khác bao gồm: yêu cầu giấy tờ, chứng từ không theo quy định (48%) và thái độ không văn minh lịch sự (41%)”, kết quả khảo sát nêu rõ.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, ngành hải quan đặc biệt quan tâm đến chi phí ngoài quy định của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt quan tâm đến việc chống phiền hà, sách nhiễu tiêu cực trong nội bộ.
Hiện, Tổng cục đã quy định rõ ràng về công tác thanh tra, kiểm tra và đã ban hành quyết định định danh 300 hành vi tạm gọi trong ngành là những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu. Cùng đó, ngành Hải quan cũng đã giảm việc kiểm tra hàng hoá thủ công bằng cách sử dụng hệ thống máy móc kỹ thuật hiện đại, như: hệ thống máy soi container, máy soi hành lý, camera giám sát và đặc biệt là thực hiện chương trình giám sát hải quan tự động, ông Cường nhấn mạnh.