Mức độ tương thích trong quy định về quyền riêng tư tại Bộ luật Dân sự năm 2015 so với công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966

ThS. NGUYỄN NGỌC THẢO PHƯƠNG (Giảng viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Tôn trọng, bảo vệ đời sống riêng tư của cá nhân là nguyên tắc đạo đức và cũng là nguyên tắc của pháp luật trong một xã hội văn minh. Đây được xem là một trong những điều kiện quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích công dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Trên cơ sở phân tích mức độ tương thích trong quy định về quyền riêng tư của Bộ luật Dân sự năm 2015 so với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, tác giả đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ đời sống riêng tư của cá nhân tại Việt Nam.

Từ khóa: quyền riêng tư, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, tương thích, Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Đặt vấn đề

Quyền riêng tư (Right to Privacy) là một trong những quyền cơ bản của con người, là nền tảng để tôn trọng phẩm giá con người. Các vấn đề đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là quyền con người cần được bảo vệ. Pháp luật của hầu hết các quốc gia đều ghi nhận quyền này. Đối với Việt Nam, những vấn đề về quyền riêng tư cần được nghiên cứu đầy đủ để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành những quy định cần thiết góp phần điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến quyền riêng tư theo đúng quy luật phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.

Để thực hiện bài viết này, tác giả áp dụng phương pháp phân tích - tổng hợp và so sánh pháp lý. Trong đó, phương pháp phân tích - tổng hợp được sử dụng xuyên suốt để làm rõ nội dung của các quy phạm pháp luật về quyền riêng tư trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 và Bộ luật Dân sự 2015. Từ đó, tác giả sử dụng phương pháp so sánh pháp lý nhằm đánh giá mức độ tương thích trong quy định về quyền riêng tư của 2 văn bản quy phạm pháp luật trên.

2. Quy định về quyền riêng tư trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966

Quyền riêng tư là một trong những quyền nhân thân quan trọng đối với mỗi cá nhân. Hầu hết quốc gia đều công nhận quyền này là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người. Quyền riêng tư đã manh nha xuất hiện trong xã hội chiếm hữu nô lệ thông qua “Lời thề Hippocrate”. Cụ thể, đối với các y sinh trước khi được công nhận trở thành thầy thuốc, phải tuyên thệ giữ bí mật, không tiết lộ những thông tin về bệnh nhân mà mình đã biết trong khi hành nghề. Tuy nhiên, trong giai đoạn này và cả trong chế độ phong kiến thì quyền riêng tư không được pháp luật chính thức ghi nhận, mà chỉ có những tầng lớp cao quý trong xã hội như: chủ nô, vua chúa, lãnh chúa phong kiến… mới được hưởng. 

Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights, viết tắt: UDHR) đã đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình phát triển pháp luật về quyền con người nói chung. Trong đó, quyền riêng tư cũng được chính thức ghi nhận tại Điều 12 với nội dung: “Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tùy tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy” [3, tr. 255].

Từ đó, quy định về quyền riêng tư tiếp tục được tái khẳng định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR). Đây là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày16tháng 12năm1966và có hiệu lực từ ngày 23tháng 03năm1976. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Công ước ICCPR) nêu tổng quan các quyền dân sự và chính trị cơ bản của con người. Theo đó, các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân. Công ước ICCPR được xem là một phần quan trọng của hệ thốngluật nhân quyền quốc tế.

Cụ thể, Điều 17 của Công ước ICCPR khẳng định:

“1. Không ai bị can thiệp một cách tùy tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín.

2. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy”. [3, tr. 255].

Quy định này làm phát sinh nghĩa vụ của quốc gia trong việc quy định các biện pháp bảo hộ quyền riêng tư của cá nhân trong hệ thống pháp luật quốc gia mình. Một số khía cạnh liên quan đến nội dung này đã được Ủy ban quyền con người Liên Hiệp Quốc (UN Human Rights Council - HRC) làm rõ trong Bình luận chung số 16 thông qua tại phiên họp lần thứ 31 năm 1988, bao gồm những điểm quan trọng sau:

Thứ nhất, các khía cạnh của quyền riêng tư bao gồm: đời sống riêng tư, gia đình và nhà ở, thư tín và dữ liệu cá nhân, danh dự và uy tín.

Có thể thấy, đời sống riêng tư là một khái niệm tương đối khó xác định. Các chủ thể khác nhau, dựa vào các điều kiện, tiêu chí khác nhau sẽ có cách hiểu về đời sống riêng tư không giống nhau. Trong các Bình luận chung và các phán quyết, Ủy ban quyền con người Liên Hiệp Quốc vẫn chưa đưa ra được định nghĩa về sự riêng tư hoặc đời sống riêng tư tại Điều 17 Công ước ICCPR.

Đối với khía cạnh gia đình và nhà ở, trong đoạn 5 Bình luận chung số 16, Ủy ban quyền con người Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng thuật ngữ “gia đình và nhà ở” cần được hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những yếu tố liên quan đến gia đình, thành viên gia đình, nơi ở và sinh hoạt của gia đình.

Bên cạnh đó, tính toàn vẹn và bảo mật của thư tín, dữ liệu cá nhân phải được đảm bảo cả về mặt pháp lý lẫn thực tế. Các hành vi bóc, mở thư từ; nghe trộm điện thoại, điện tín, xem dữ liệu cá nhân bất hợp pháp,… đều bị nghiêm cấm. Các quốc gia thành viên có trách nhiệm ban hành các quy định cần thiết để bảo vệ danh dự và uy tín của cá nhân. Những quy định này cho phép mọi người có khả năng tự bảo vệ trước những sự xâm phạm bất hợp pháp xảy ra và có cơ chế hiệu quả chống lại những người có hành vi xâm phạm.

Thứ hai, mục đích của quyền riêng tư là ngăn chặn những hành vi xâm phạm tùy tiện, bất hợp pháp quyền riêng tư của cá nhân.

Theo đó, thuật ngữ “xâm phạm tùy tiện, bất hợp pháp” dùng trong Điều 17 hàm nghĩa là bất kỳ sự can thiệp nào vào đời tư, gia đình và nhà ở, thư tín và dữ liệu cá nhân, danh dự và uy tín mà không được quy định trong pháp luật của các quốc gia thành viên hoặc không phù hợp với các quy định khác của Công ước ICCPR.

Thứ ba, quyền riêng tư không phải là quyền tuyệt đối.

Cá nhân có quyền được bảo vệ đối với đời sống riêng tư. Tuy nhiên, đây không phải là quyền tuyệt đối, bất khả xâm phạm. Các quốc gia có thể thu thập thông tin riêng tư của cá nhân trong trường hợp cần thiết, vì lợi ích chung của xã hội. Việc Nhà nước thu thập và lưu giữ các thông tin cá nhân trong trường hợp cần thiết phải được quy định cụ thể. Nhà nước phải có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo những thông tin cá nhân đó không rơi vào tay những người không được pháp luật cho phép và không bị sử dụng vào những mục đích trái với Công ước.

3. Đánh giá mức độ tương thích trong quy định về quyền riêng tư tại Bộ luật Dân sự năm 2015 so với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966

Trên tinh thần nội luật hóa quy định của Công ước ICCPR, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) quy định về quyền riêng tư như sau:

“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

3.1. Về tên gọi

BLDS năm 2015 có sự khác biệt trong cách gọi tên điều luật so với Công ước ICCPR. Theo quy định của Công ước ICCPR, cá nhân có quyền được bảo vệ về đời sống riêng tư, gọi chung là quyền riêng tư. Điều 38 BLDS năm 2015 đã gọi tên quyền riêng tư trong Công ước ICCPR là “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”.

Tuy nhiên, sự khác biệt này không vi phạm các nguyên tắc chung của Công ước ICCPR đặt ra cho các quốc gia thành viên. Đồng thời, về mặt thuật ngữ, quy định tại Điều 38 BLDS năm 2015 hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, Điều 21 của Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình;… Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Điều 38 BLDS năm 2015 đã đảm bảo tính hợp hiến và thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật trong cách gọi tên điều luật.

3.2. Về các khía cạnh của quyền

Theo Điều 17 Công ước ICCPR, quyền riêng tư bao gồm các khía cạnh: đời sống riêng tư, gia đình và nhà ở, thư tín và dữ liệu cá nhân, danh dự và uy tín. Điều 38 BLDS năm 2015 quy định cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Cá nhân được đảm bảo an toàn và bí mật đối với những thông tin, tư liệu thuộc về đời tư, thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức thông tin điện tử khác. 

Có thể thấy, nội hàm của quyền đối với đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình tại Điều 38 BLDS năm 2015 khá tương đồng với quy định tại Điều 17 Công ước ICCPR. Cả 2 điều luật này đều khẳng định pháp luật bảo vệ sự riêng tư của cá nhân về đời sống, gia đình, thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu cá nhân,…

Tuy nhiên, dù được xem là đối tượng được bảo vệ của quyền riêng tư, nhưng cách hiểu về sự riêng tư hay đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình không được ghi nhận hoặc hướng dẫn trong một văn bản quy phạm pháp luật nào, cả trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Việc không có khái niệm thống nhất để luận giải dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, tùy tiện trong áp dụng và thực hiện pháp luật. Đây là một trong những khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền riêng tư.

3.3. Về hành vi xâm phạm

Xác định hành vi xâm phạm quyền riêng tư có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sự riêng tư của cá nhân. Đây được xem là cơ sở để áp dụng hậu quả pháp lý đối với hành vi này, đảm bảo quyền và lợi ích của cá nhân bị xâm phạm.

Điều 17 Công ước ICCPR nghiêm cấm các hành vi xâm phạm tùy tiện, bất hợp pháp vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, dữ liệu cá nhân, danh dự và uy tín của cá nhân mà không được quy định trong pháp luật của các quốc gia thành viên hoặc không phù hợp với các quy định khác của Công ước ICCPR. Riêng đối với trường hợp xâm phạm thư tín, điện thoại, điện tín, Bình luận chung số 16 của Ủy ban quyền con người Liên Hiệp Quốc liệt kê cụ thể các hành vi bóc, mở thư từ; nghe trộm điện thoại, điện tín, xem dữ liệu của cá nhân một cách bất hợp pháp… đều bị nghiêm cấm.

Đối với quy định tại Điều 38 BLDS 2015, có thể xác định những nhóm hành vi sau đây bị xem là hành vi xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: 

Một là, hành vi thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai các thông tin, tư liệu liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, nhưng không được sự đồng ý của cá nhân.

Hai là, hành vi thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai các thông tin, tư liệu liên quan đến bí mật gia đình nhưng không được sự đồng ý các thành viên trong gia đình.

Ba là, hành vi bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân.

Nhìn chung, dựa vào quy định tại Công ước ICCPR, BLDS năm 2015 đã liệt kê các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Tuy nhiên, một vài hành vi cần được giải thích cụ thể. Chẳng hạn, thế nào là hành vi thu thập thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân? Việc tiết lộ, công bố thông tin ở mức độ nào được xem là công khai thông tin riêng tư của cá nhân theo Điều 38 BLDS năm 2015?

Riêng đối với hành vi xâm phạm thư tín, BLDS năm 2015 đã quy định “bóc mở” là một hành vi. Trong khi đó, Bình luận chung số 16 của Ủy ban quyền con người Liên Hiệp Quốc về Công ước ICCPR xem “bóc, mở thư tín” là 2 hành vi riêng biệt. Thực tế, không ít trường hợp người có hành vi “bóc” nhưng chưa “mở” thư tín hoặc là người “mở” nhưng không phải là người “bóc” và ngược lại. Như vậy, theo quy định của BLDS năm 2015, hành vi của người này có bị xem là xâm phạm thư tín không?

Như vậy, mặc dù BLDS năm 2015 đã liệt kê cụ thể hơn các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình so với Công ước ICCPR. Tuy nhiên, những biểu hiện của hành vi cũng cần được thống nhất trong cách hiểu để việc xác định các trường hợp xâm phạm đúng đắn và phù hợp hơn.

4. Một số kiến nghị

Nhìn chung, BLDS năm 2015 đã cụ thể hóa tinh thần của Điều 17 Công ước ICCPR về quyền riêng tư. Tuy nhiên, quy định tại Điều 38 BLDS năm 2015 cần được hướng dẫn cụ thể để khắc phục sự lúng túng của các cơ quan chức năng khi áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề xâm phạm đời sống riêng tư của cá nhân. 

Trước hết, cách hiểu thế nào là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 BLDS năm 2015 cần được giải thích thống nhất.

Về bản chất, sự riêng tư hay đời sống riêng tư luôn thay đổi theo sự phát triển kinh tế - xã hội và quyền tự do cá nhân. Do đó, việc đưa ra khái niệm cụ thể là rất khó khăn. Pháp luật các quốc gia (Liên bang Nga, Nhật Bản, Bồ Đào Nha,…) thường không định nghĩa sự riêng tư, đời sống riêng tư trong Bộ luật Dân sự, mà cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự Liên bang Nga không quy định rõ thế nào là quyền riêng tư, mà chỉ liệt kê các khía cạnh của quyền này dưới dạng khách thể của quan hệ dân sự tại Điều 150. Theo đó, tính mạng, sức khỏe, thân thể, uy tín, danh dự, nhân phẩm, thông tin riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền tác giả và các quyền của cá nhân khác luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ [7, Art.150]. Tương tự, Bộ luật Dân sự Nhật Bản cũng không đề cập đến quyền riêng tư mà xác định một trong những nội dung liên quan đến sự riêng tư là thông tin cá nhân thông qua việc ban hành Luật về bảo hộ thông tin cá nhân.

Tác giả đồng tình với quan điểm không nên nêu định nghĩa “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình” trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, cần thống nhất cách hiểu, cách xác định thế nào là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nhằm tạo ra cơ sở để cá nhân cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan bảo vệ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình một cách hiệu quả hơn.

Theo tác giả, đời sống riêng tư được hiểu là toàn bộ những hoạt động, thông tin, sự kiện gắn liền với một cá nhân nhất định tạo thành cuộc sống, sinh hoạt riêng tư của cá nhân bao gồm: các yếu tố vật chất, yếu tố tinh thần, các mối quan hệ,… Trong đó, những thông tin, tư liệu liên quan đến cá nhân, được cá nhân xem là bí mật, không trái pháp luật và đạo đức xã hội được xác định là bí mật cá nhân. Trường hợp thông tin, tư liệu liên quan đến gia đình, được gia đình xem là bí mật, không trái pháp luật và đạo đức xã hội sẽ được xác định là bí mật gia đình. Các yếu tố này được nhà nước và pháp luật bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm.

Thứ hai, các biểu hiện của một số hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình cần được hướng dẫn. Tác giả đề xuất:

Về nhóm hành vi thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai các thông tin, tư liệu liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

- “Thu thập” được hiểu là hành vi tìm kiếm, góp nhặt và tập hợp thông tin, tư liệu, có thể bao gồm những biểu hiện cụ thể như: chụp ảnh, quay phim, copy, tiếp cận thông tin tư liệu,… mà không được sự đồng ý của chủ thể có liên quan.

- “Công khai” các thông tin, tư liệu liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được hiểu là việc tiết lộ, công bố thông tin trên diện rộng, gây ra những ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng cho cá nhân, gia đình của cá nhân.

Với hành vi xâm phạm thư tín, tác giả cho rằng cần giải thích rõ hành vi “bóc mở” thư tín như 2 hành vi riêng biệt. Vì “bóc” và “mở” là 2 hành vi có thể tồn tại thành 1 quá trình, có thể tồn tại độc lập và đều ảnh hưởng đến sự an toàn của thư tín nên chỉ cần chủ thể thực hiện 1 trong 2 hành vi này xem như đã xâm phạm bí mật thư tín của cá nhân, gia đình của cá nhân.

Nhìn chung, Điều 17 Công ước ICCPR và Điều 38 BLDS năm 2015 đều hướng đến mục đích tôn trọng, bảo vệ sự riêng tư của cá nhân. Các hành vi xâm phạm một cách tùy tiện, bất hợp pháp vào sự riêng tư của cá nhân đều bị nghiêm cấm. Bên cạnh sự tương thích với Công ước ICCPR, BLDS năm 2015 có một số quy định khác biệt về tên gọi, các hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ đời sống riêng tư của cá nhân. Việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 BLDS năm 2015 cần được tiếp tục hoàn thiện, tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để cá nhân, gia đình của cá nhân có thể lựa chọn phương thức và biện pháp cụ thể, hữu hiệu nhất bảo vệ vấn đề riêng tư của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Japanese Parliament. (1896). Civil Code, Act No.89 of April 27 as amended in 2003.
  2. Japanese Parliament. (2003). Act on the Protection of Personal Information, Act No. 57 of 2003 as amended in 2015.
  3. Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội (2012), Giới thiệu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966), Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  4. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội.
  5. Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành ngày 28/11/2013.
  6. Quốc hội (2015), Luật số 91/2015/QH13: Bộ luật Dân sự năm 2015, ban hành ngày 26/11/2015.
  7. Russian Federation. (1994). The Civil Code of the Russian Federation, as last amended in 2003.
  8. United Nations. (1948). Universal Declaration of Human Rights, passed 1948/12/10.
  9. United Nations. (1966). International Covenant on Civil and Political Rights, passed 1966/12/16.

THE COMPATIBILITY BETWEEN VIETNAM’S

CIVIL CODE 2015 AND THE INTERNATIONAL COVENANT

ON CIVIL AND POLITICAL RIGHTS REGARDING

TO PRIVACY PROVISIONS

• Master. NGUYEN NGOC THAO PHUONG

Lecturer, Faculty of Economic Law, Banking University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Respecting and protecting an individual's private life are moral principles and also legal principles in a civilized society. These principles are considered the most important conditions to protect the rights and interests of citizensm and improve the quality of life of individuals in particular and of the wole society in general. This paper analyzes the compatibility between Vietnams Civil Code 2015 and the International Covenant on Civil and Political Rights regarding to privacy provisions. Based on the paper’s findings, some recommendations are presented to improve the effectiveness of Vietnam’s privacy protection provisions.

Keywords: privacy, private life, personal secrets, family secrets, compatibility, the Civil Code 2015.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]