Một số vấn đề về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định trong Bộ luật Dân sự: Nghiên cứu trường hợp Covid-19

ThS. ĐÀO THỊ NHUNG (Khoa Luật - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid-19 đã và đang là vấn đề nhận được sự quan tâm bậc nhất của toàn thế giới hiện nay. Dưới góc độ pháp lý, liệu dịch Covid-19 có được xem là sự kiện để các chủ thể hợp đồng viện dẫn nhằm miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hay đàm phán chấm dứt hợp đồng hay không?

Bài viết phân tích, chứng minh sự kiện Covid -19 không hoàn toàn là sự kiện bất khả kháng mà có thể là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015”. Từ đó, chỉ ra một số vướng mắc khi áp dụng Điều 420, cũng như đưa ra một số khuyến nghị cho các cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện hợp đồng gặp khó khăn trong “thời kỳ Covid-19”. 

Từ khóa: Dịch Covid-19, sự kiện bất khả kháng, thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, Bộ luật Dân sự 2015.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid-19 đã và đang là vấn đề thời sự của toàn thế giới. Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới cũng như Việt Nam đã công bố dịch do virus Corona chủng mới là đại dịch trên toàn cầu (đại dịch Covid-19). Được biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để thiết lập lại nhiều quan hệ kinh tế, xã hội trong bối cảnh mới.

Trong lĩnh vực kinh tế, một số ý kiến cho rằng, Covid-19 được công bố là đại dịch thì đó là sự kiện bất khả kháng (SKBKK) và cá nhân, doanh nghiệp sẽ viện dẫn yếu tố này để được miễn trách nhiệm của mình khi hủy bỏ hay chấm dứt các giao dịch. Tuy nhiên, không phải giao dịch nào cũng có thể áp dụng, bởi lẽ dịch Covid-19 không hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện của một SKBKK trong một số trường hợp.

Theo quy định hiện hành, dịch Covid-19 có được xem là SKBKK để các chủ thể viện dẫn nhằm miễn trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hay đàm phán, chấm dứt hợp đồng hay không? Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích, chứng minh sự kiện Covid -19 không hoàn toàn là SKBKK mà còn là hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS). Từ đó, chỉ ra một số vướng mắc khi áp dụng Điều 420, cũng như đưa ra một số khuyến nghị cho các cá nhân, doanh nghiệp khi thực hiện hợp đồng gặp khó khăn trong “thời kỳ Covid-19”. 

2. Đại dịch Covid-19 là SKBKK hay là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”?

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhiều hợp đồng đã được ký kết, việc thực hiện những hợp đồng này được diễn ra bình thường theo thỏa thuận. Khi đại dịch Covid -19 xảy ra, nhiều hợp đồng đã phải tạm dừng hoặc không thể thực hiện được do hoàn cảnh đã có sự thay đổi lớn. Như vậy, dịch Covid-19 là SKBKK hay “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” để các chủ thể hợp đồng có thể áp dụng trong việc giải quyết những khó khăn mà đại dịch gây ra.

2.1. Đại dịch Covid-19 là SKBKK?

Ngay sau khi các văn bản của cơ quan có thẩm quyền ban hành, chính sách “giãn cách xã hội” được áp dụng trên toàn quốc, biên giới đóng cửa1. Một số biện pháp phòng chống mạnh mẽ được triển khai như cấm xuất khẩu một số mặt hàng, không mở cửa hàng kinh doanh trừ các dịch vụ thiết yếu, hạn chế đi lại, nhiều khu vực bị phong tỏa;… Những biện pháp này lập tức tác động đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều hợp đồng trong các lĩnh vực như dân sự, thương mại,... khó có thể tiếp tục thực hiện. Vì thế, nhiều doanh nghiệp, người dân đều viện dẫn dịch Covid-19 như là “SKBKK” để nhằm miễn trừ nghĩa vụ trong hợp đồng đang thực hiện.

Theo quy định hiện hành, để được coi là SKBKK thì phải thỏa mãn ba điều kiện được quy định tại Khoản 1 Điều 156 BLDS: (i) Là sự kiện xảy ra một cách khách quan và không thể lường trước được; (ii) Không thể khắc phục được; (iii) Đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép mà không thể khắc phục được.

Như vậy, khi dịch bệnh xảy ra, nhất là sau khi các văn bản của cơ quan chức năng ban hành về việc cấm các cá nhân, tổ chức kinh doanh không được hoạt động trong một thời hạn (trừ một số lĩnh vực thiết yếu) đã làm cho Covid-19 trở thành SKBKK. Hay nói cách khác, dịch Covid-19 đã thỏa mãn các điều kiện để trở thành một SKBKK, bởi lẽ, nó xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Khi dịch Covid-19 được coi là SKBKK thì hậu quả pháp lý của hợp đồng là miễn trừ nghĩa vụ của các bên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 351 BLDS: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do SKBKK thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Tạm thời không bàn đến trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, khi xảy ra SKBKK, bên bị ảnh hưởng được miễn trách nhiệm với bên kia. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu xem Covid-19 như là SKBKK thì thật sự không thỏa đáng, ví dụ như nghĩa vụ thanh toán trong các hợp đồng như hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê nhà,… Điều đó được chứng minh qua ví dụ (ví dụ số 1) sau:

X là chủ doanh nghiệp, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, X đã ký kết một số hợp đồng như sau: (1) Ký hợp đồng thuê nhà dài hạn với Y để làm mặt bằng mở nhà hàng tại một thành phố du lịch; (2) Ký hợp đồng với nhà cung cấp Z để mua thực phẩm phục vụ cho nhà hàng;… Khi dịch xảy ra, liệu X có thể chấm dứt các hợp đồng nêu trên mà không phải bồi thường? Giả định thành phố nơi X mở nhà hàng không cấm hoạt động kinh doanh đối với nhà hàng, chỉ hạn chế số lượng khách sử dụng dịch vụ tại quán, nhưng vì dịch xảy ra nên khách du lịch không có, nhà hàng hầu như không đón được khách trong thời gian dài khiến hoạt động kinh doanh thua lỗ. Trong trường hợp này, X có thể trả mặt bằng mà không phải bồi thường không? Hoặc X có thể đơn phương hủy hợp đồng với nhà cung cấp nguyên liệu không? Rõ ràng, X không thể viện dẫn SKBKK trong trường hợp này để miễn trừ nghĩa vụ của mình được, bởi lẽ X không thể chứng minh là mình đã thực sự áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép mà vẫn không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng này.

2.2. Đại dịch Covid-19 là hoàn cảnh thay đổi cơ bản?

Sự phân tích ở ví dụ 1 cho thấy sự kiện Covid-19 không thể coi là SKBKK để miễn trừ nghĩa vụ trong một số trường hợp. Tuy nhiên, trong những trường hợp này, nếu hợp đồng vẫn tiếp tục thực hiện thì quả là khó khăn cho các chủ thể. Hợp đồng có được tiếp tục thực hiện hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các chủ thể, có thể mang lại lợi ích cho chủ thể này nhưng bất lợi cho chủ thể khác và ngược lại. Giải pháp hữu hiệu trong trường hợp này là các bên có thể áp dụng Điều 420 BLDS để giải quyết, nghĩa là có thể xem dịch Covid -19 là “hoàn cảnh thay đổi cơ bản”.

Phải thừa nhận rằng khái niệm “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” được quy định tại Điều 420 có nhiều điểm giống với SKBKK. Đó là đều yêu cầu phải là sự kiện khách quan, các bên không thể lường trước tại thời điểm ký kết hợp đồng, bên bị ảnh hưởng phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết,… Sự khác nhau cơ bản giữa hai vấn đề này là nếu tại SKBKK, bên bị ảnh hưởng phải chứng minh rằng mình “không thể khắc phục” được; còn đối với khái niệm “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” thì bên bị ảnh hưởng vẫn có thể khắc phục được, tức là vẫn có thể thực hiện hợp đồng.

Theo đó, khi ký kết hợp đồng, dịch Covid-19 chưa xuất hiện, việc sản xuất kinh doanh diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra đã làm cho hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có sự thay đổi lớn. Rõ ràng, sự kiện Covid-19 đã thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 420, bởi lẽ:

Thứ nhất, sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Dịch Covid -19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A hết sức nguy hiểm. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành chính sách “giãn cách xã hội”, lệnh cấm nhiều hoạt động theo đó được triển khai. Yếu tố dịch bệnh lây lan, bùng phát có tính chất khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của các chủ thể trước khi ký kết hợp đồng. Sự kiện này có thể được xem là nguyên nhân khách quan khiến cho hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có sự thay đổi khác nhiều so với những gì diễn ra trước khi hai bên hợp tác.

Thứ hai, tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Rõ ràng, không ai có thể biết được đại dịch Covid-19 có thể xuất hiện. Các chủ thể không thể tiên lượng về việc thực hiện các thỏa thuận đã thống nhất trong bối cảnh dịch bệnh xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu như vậy.

Thứ ba, hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác. Mọi hoạt động trong xã hội được đặt trong “trạng thái cách ly” là sự thay đổi hiển nhiên so với hoàn cảnh trước đó. Chắc chắn rằng, nếu biết được dịch bệnh xảy ra với sự ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy thì các chủ thể sẽ không thể ký kết với các thỏa thuận trước đó.

Thứ tư, việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Khi cả nước hoặc một số địa phương áp dụng “chính sách cách ly” thì nếu hợp đồng đã ký trước đó tiếp tục thực hiện sẽ gây thiệt hại cho một bên. Ví dụ (ví dụ số 2) như: Công ty X có trụ sở tại Đà Nẵng đã ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa cho công ty Y có trụ sở tại Thừa Thiên Huế. Khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, địa phương này bị “phong tỏa”, Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản về phòng chống dịch trong đó có việc yêu cầu xe chở hàng hóa vào địa phận Thừa Thiên Huế thì phải thay đổi tài xế ở chốt kiểm dịch, phí phát sinh cho việc thuê tài xế này là gần 800.000 đồng/ lượt. Qua đó, ta thấy nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng giữa Y và X thì sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty X.

Thứ năm, bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Đây là điểm mà nhiều trường hợp không thỏa mãn để coi là SKBKK, mà phải xem xét cho trường hợp thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

 Qua ví dụ số 2, ta thấy nếu X không thể viện dẫn SKBKK để chấm dứt hợp đồng với Y (bởi lẽ Thừa Thiên Huế không cấm xe chở hàng đi vào địa phận), và nếu phải tiếp tục thực hiện theo hợp đồng thì X sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng bởi phí phát sinh rất cao. Do vậy, đàm phán lại hợp đồng trong trường hợp này là cần thiết và hợp lý. Quả thật, Điều 420 sẽ là giải pháp hữu hiệu cho X trong trường hợp này.

2.3. Một số vấn đề bất cập khi áp dụng quy định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Thực tiễn áp dụng cho thấy, quy định thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn cho các bên liên quan.

Về quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng quy định tại khoản 2, Điều 420 BLDS có quy định: “Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý”2. Tuy nhiên, thời hạn hợp lý là bao lâu thì luật chưa quy định cụ thể. Quy định về thời hạn không mang định tính này sẽ gây khó khăn cho việc áp dụng, nhất là đối với hoàn cảnh Covid-19. Giả sử rằng, nếu quá thời hạn nhất định mà bên bị thiệt hại không gửi yêu cầu đàm phán lại hợp đồng thì có được coi là đã từ bỏ quyền của mình và chấp nhận thiệt hại xảy ra hay không?

Về cơ chế giải quyết tranh chấp khi các bên đàm phán lại hợp đồng không thành công, quy định hiện hành chỉ trao quyền giải quyết cho Tòa án. Có lẽ quy định này đã thiếu xót khi không trao quyền giải quyết thêm cho một chủ thể khác cũng có quyền giải quyết tranh chấp là Trọng tài. Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài”3. Có lẽ khi xây dựng Điều 420, những nhà lập pháp với lý lẽ là “Trọng tài chỉ được giải quyết những tranh chấp về thương mại” mà đây là giải quyết tranh chấp về hợp đồng thì trao quyền cho Trọng tài có hợp pháp hay không? Vì vậy, ở đây xuất hiện một số mâu thuẫn, thiếu đi mối liên hệ giữa quy định tại Điều 420 BLDS và quy định tại Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Về phạm vi thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi cho phép sửa đổi, chấm dứt hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản: “Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi”4. Như vậy, cơ sở để Tòa án đưa ra hướng giải quyết là sửa đổi hay chấm dứt hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi là phải dựa trên việc xác định mức độ thiệt hại và chi phí ảnh hưởng đến lợi ích của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, các chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục, sẽ rất khó để xác định việc chấm dứt hợp đồng có thiệt hại hơn so với chi phí để sửa đổi hợp đồng, gây khó khăn cho việc áp dụng hay không.

Chính vì vậy, có thể nhận thấy quy định của pháp luật còn nhiều lỗ hổng, chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Điều 420 BLDS nên gây nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng thực tế.

3. Một số kiến nghị, đề xuất

Để khắc phục được những bất cập, vướng mắc nêu trên, chúng ta cần thực hiên một số kiến nghị, đề xuất sau:

Một là, Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Điều 420 BLDS là quy định mới và khá phức tạp nên cần ban hành văn bản để hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn về một số vấn đề như:

- Cần quy định chi tiết hơn về “thời hạn hợp lý” để tạo nên sự thống nhất trong quá trình áp dụng. Trên cơ sở quy định chi tiết đó, các chủ thể hợp đồng mới có thể vận dụng để yêu cầu hay từ chối đàm phán lại hợp đồng liên quan đến hoàn cảnh dịch Covid-19.

- Cần cho phép Trọng tài tham gia giải quyết khi phát sinh tranh chấp mà các bên đàm phán lại nội dung hợp đồng không thành công trong trường hợp hợp đồng có tính chất kinh doanh thương mại (hay thường gọi là hợp đồng thương mại). Việc bổ sung thêm chủ thể Trọng tài sẽ khắc phục mâu thuẫn giữa Điều 420 BLDS và Luật Trọng tài thương mại năm 2010, cũng như phù hợp hơn với pháp luật quốc tế. Thủ tục giải quyết bằng Trọng tài nhanh, gọn sẽ phù hợp hơn với các hợp đồng được thực hiện trong hoàn cảnh dịch Covid -19.

- Cần có quy định giới hạn phạm vi thẩm quyền của Tòa án trong việc sửa đổi hợp đồng, được thay đổi một số nội dung cần thiết để cân bằng lợi ích của các bên nhưng không được làm thay đổi về mặt bản chất của hợp đồng, nếu không sẽ vô tình biến Tòa án thành cơ quan toàn năng có thể thay đổi hoàn toàn ý chí của các bên khi hợp đồng đã được thiết lập.

Ngoài những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, cần phải sửa đổi để thống nhất những quy định liên quan ở những văn bản quy phạm pháp luật khác. Có như vậy, mới tạo được sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật để áp dụng có hiệu quả hơn.

Hai là, Đề xuất giải pháp cho chủ thể hợp đồng nhằm hạn chế tranh chấp khi có sự kiện bất ngờ như dịch Covid-19.

Khi có sự kiện bất ngờ xảy ra như dịch Covid-19 hay sự kiện tương tự khác, các chủ thể hợp đồng cần đánh giá từng nội dung thỏa thuận, từng hoàn cảnh phát sinh của từng hợp đồng để linh hoạt trong việc áp dụng pháp luật. Tùy từng trường hợp, có thể xem đó là SKBKK hoặc là hoàn cảnh thay đổi cơ bản để đưa ra những quyết định hợp lý, hợp tình và bảo vệ lợi ích tốt nhất cho mình. Khi thỏa thuận hợp đồng, các bên trong hợp đồng nên định nghĩa rõ ràng về: (1) Hoàn cảnh thay đổi cơ bản, (2) Liệt kê nguyên nhân khách quan, chủ quan, (3) Quy định rõ trách nhiệm của các bên phải thực hiện khi xảy ra sự thay đổi cơ bản, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoàn cảnh đó. Việc thỏa thuận rõ ràng những vấn đề này sẽ giúp cho việc giải quyết tranh chấp (nếu có) sẽ thuận lợi hơn, dù là đàm phán hay tài phán.

Điều 420 BLDS về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản là quy định mới, phù hợp với thực tiễn xã hội, có ý nghĩa quan trọng khi bảo vệ quyền lợi của bên bị thiệt hại trong quan hệ hợp đồng, phân chia rủi ro và lấy lại sự cân bằng vốn có của địa vị bởi các chủ thể trong hợp đồng. Nó tạo ra khung pháp lý mềm dẻo, linh hoạt trong quá trình thực hiện hợp đồng thay vì áp dụng nguyên tắc có tính chất ràng buộc, cứng nhắc. Tuy nhiên, thực tế áp dụng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Vì vậy, để hoàn thiện quy định này, cần có sự nỗ lực của cơ quan có thẩm quyền cũng như cần có sự hiểu biết, thiện chí của người dân nhất là cộng đồng doanh nghiệp thì quy định này mới đi vào trong cuộc sống một cách có hiệu quả như kỳ vọng.

BLDS mới có hiệu lực hơn 3 năm nên khó để sửa đổi, bổ sung Điều 420. Chính phủ cũng không thể ban hành Nghị định để hướng dẫn bởi Điều 420 không quy định. Nên chăng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết để giải thích, hướng dẫn và bổ sung những nội dung cần thiết khác nhằm làm rõ nội dung Điều 420, mới hy vọng quy định này được áp dụng thuận lợi trong thực tiễn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

2Khoản 2 Điều 420 Bộ luật Dân sự

3Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010

4Điểm b Khoản 3 Điều 420 Bộ luật Dân sự

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Luật số 91/2015/QH13: Bộ luật Dân sự, ban hành ngày 24/11/2015.
  2. Quốc hội (2010), Luật số 54/2010/QH12: Luật Trọng tài thương mại, ban hành ngày 17/6/2010.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, ban hành ngày 31/3/2020.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, ban hành ngày 01/4/2020.
  5. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2020), Công văn số 6668/UBND-VH ngày 28/7/2020 về việc khẩn trương triển khai Công văn số 7286/BGTVT-VT ngày 27/7/2020 của Bộ Giao thông Vận tải; Công văn số 6830/UBND-CT ngày 1/8/2020, Công văn số 7186/UBND-GT ngày 11/8/2020 về phương án vận chuyển, cung ứng hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
  6. Lê Minh Hùng (2009), Điều khoản điều chỉnh hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi trong pháp luật nước ngoài và kinh nghiệm cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, 06, 41- 50.

CARRYING OUT CONTRACTS WHEN SUBSTANTIAL

CHANGES IN CIRCUMSTANCES OCCUR ACCORDING

TO THE 2015 CIVIL CODE IN THE CONTEXT

OF THE COVID-19 PANDEMIC

• Master. DAO THI NHUNG

Faculty of Law, School of Economics, University of Da Nang

ABSTRACT:

The on-going Covid-19 pandemic is one of the most concerning issue in the world. From the legal perspective, should the Covid-19 pandemic be considered as an event which allows parties of the contract to waive their liabilities or terminate the contract? This paper is to prove that the Covid-19 pandemic is viewed as a “substantial changes in circumstances” rather than an “entirely force majeure event” according to the Article No. 420 of the 2015 Civil Code. This paper points out problems and disagreements when applying the 0Article No.420 in practice, and also gives some recommendations for individuals and enterprises on solving difficultties when carrying out contracts in the context of the Covid-19 pandemic.

Keywords: Covid-19 pandemic, force majeure event, the performance of contract when circumstances change substantially, the 2015 Civil Code.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2020]