TÓM TẮT:
Đời sống kinh tế của người dân vùng biên giới An Giang năm 2020 ảnh hưởng rất lớn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nền kinh tế của Tỉnh vẫn duy trì sự tăng trưởng, dù ở mức thấp nhưng đó cũng là sự nỗ lực rất lớn trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu suy kiệt. Thế mạnh của vùng biên giới An Giang là nông nghiệp và du lịch tâm linh, trong những năm qua, tỉnh đã đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối với các điểm du lịch, những hoạt động văn hóa đa dạng, độc đáo để thu hút lượng khách trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Tỉnh còn quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của người dân. Nhờ vậy, đời sống kinh tế của người dân vùng biên giới được cải thiện.
Từ khóa: vùng biên giới An Giang, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, du lịch tâm linh.
1. Đặt vấn đề
An Giang là tỉnh miền Tây Nam Bộ của Tổ quốc. Tỉnh có đường biên giới dài trên 100km tiếp giáp với Campuchia. Ngoài đường bộ, tỉnh còn có nhiều sông ngòi chạy qua biên giới thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của 2 nước. Tỉnh có 114..400 dân tộc thiểu số chủ yếu là người Khmer, Chăm và Hoa chiếm 5,17% dân số tạo nên nét văn hóa đặc sắc của tỉnh. Hoạt động kinh tế của tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và du lịch.
Chính quyền tỉnh có nhiều chính sách chăm lo đời sống tinh thần và phát triển kinh tế được người dân hưởng ứng tích cực, số lượng hộ nghèo giảm hàng năm, bộ mặt vùng biên giới An Giang trong những năm qua đã có những chuyển biến khả quan.
Năm 2020, tuy dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống người dân của tỉnh, các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch bị đình trệ, thời tiết mưa lũ, hạn hán bất thường ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nhưng nhờ có những chính sách kịp thời, tỉnh đã duy trì được mức tăng trưởng, dù không cao như kế hoạch nhưng phần nào đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp không bị gián đoạn và đời sống kinh tế người dân không lâm vào cảnh cùng cực.
2. Đời sống người dân tỉnh An Giang hiện nay
Tỉnh An Giang có gần 28.500 hộ dân tộc thiểu số Khmer, Chăm, Hoa, với khoảng 112.000 người, chiếm 5,26% tổng dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc Khmer chiếm 3,98% tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung nhiều nhất ở 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Dân tộc Chăm chiếm 0,59% so với tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung khá đông ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Riêng dân tộc Hoa, An Giang có gần 5.250 người, sống chủ yếu ở khu vực thành thị. Ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, người Khmer sử dụng đan xen cùng lúc tiếng Việt và tiếng Khmer; người Chăm cũng sử dụng đan xen tiếng Việt và tiếng Chăm.
Nguồn thu nhập của đồng bào Khmer chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi gia đình, làm thuê mướn theo thời vụ, nghề chài lưới, buôn bán nhỏ và dệt thủ công truyền thống. Một bộ phận lớn sống bằng nghề kinh doanh thương mại, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có cuộc sống ổn định, có thu nhập khá hơn so với các dân tộc khác.
Những năm qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang có nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Men Pholly cho biết: “An Giang có 4 dân tộc Kinh, Chăm, Hoa, Khmer đã bao đời cùng chung sống hòa thuận và xây dựng quê hương tươi đẹp như hôm nay. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các ngành, đoàn thể cũng như cơ quan thông tin đại chúng quán triệt trong nội bộ, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các vị chức sắc tôn giáo về chính sách dân tộc, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận, đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh, phát triển các mặt đời sống kinh tế - xã hội, giữ vững chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh”.
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn lực khác trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã vùng sâu nhằm thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân,… Trong đó, Chương trình 135 (giai đoạn 1999-2017) đã thực hiện 402 công trình, với tổng giá trị đầu tư gần 300 tỷ đồng kết hợp với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn, như: các công trình thủy lợi, công trình điện, trường, chợ, trạm y tế, nhà văn hóa. Nổi bật là các công trình thủy lợi vùng cao cho huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với tổng kinh phí gần 50 tỷ đồng. Qua đó, giúp bà con chủ động nguồn nước tưới, tăng 40% diện tích đất ruộng trên sản xuất 3 vụ/năm. Ngoài ra, trong thực hiện Quyết định số 134, đã xây dựng 5.420 căn nhà cho đồng bào DTTS nghèo, 54 công trình cấp nước sinh hoạt tại vùng cao, vùng xa, với tổng kinh phí 54 tỷ đồng.
Trong công tác đào tạo nguồn nhân lực trí thức trong đồng bào DTTS, tỉnh đã đầu tư xây dựng 1 Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú cấp tỉnh (TP. Châu Đốc) và 2 trường phổ thông cơ sở dân tộc nội trú tại huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Hiện nay, toàn tỉnh có 21 trường thực hiện chương trình dạy tiếng DTTS, tạo điều kiện để học sinh là người dân tộc phát huy tối đa khả năng tiếp thu tri thức. Đặc biệt, An Giang còn phối hợp Bệnh viện 121 tổ chức đào tạo các lớp y sĩ dành cho học sinh là đồng bào DTTS Khmer, Chăm và bố trí việc làm cho đối tượng này sau khi tốt nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng đồng bào DTTS.
Ông Chau Chên (người uy tín trong đồng bào DTTS Khmer tại xã Cô Tô, Tri Tôn) chia sẻ: “Đảng và Nhà nước ta xác định chính sách dân tộc có vị trí đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng nên đã đề ra những định hướng, chiến lược đúng đắn trong việc chăm lo đời sống bà con. Chúng tôi được các cấp, ngành quan tâm thăm hỏi trong những dịp lễ, Tết quan trọng của đồng bào DTTS Khmer, được thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhân dịp họp mặt cán bộ lãnh đạo, cơ sở tôn giáo và người có uy tín tại địa phương. Bản thân tôi luôn cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và vươn lên khá giả trong tương lai”.
Bên cạnh những thành quả trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, An Giang còn thực hiện tốt hoạt động đào tạo nghề, chăm lo phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tỉnh đặc biệt quan tâm. Các địa phương luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo đúng pháp luật. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS ổn định; ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được nâng lên và công tác đào tạo, sử dụng cán bộ người DTTS được quan tâm thực hiện tốt. Ông Men Pholly Trưởng ban Dân tộc tỉnh xác định: “Cần lồng ghép các chương trình, dự án nhằm huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của họ. Đồng thời, tập trung chăm lo công tác giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ dân trí trong vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, cần nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và chú trọng hiệu quả của công tác tuyên truyền, phát huy vai trò người uy tín trong cộng đồng DTTS, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương…”..
Tính đến nay, toàn tỉnh có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn “xã nông thôn mới”; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 930 triệu USD, tăng 4,49% so với cùng kỳ, đạt 100% so với kế hoạch năm. Toàn tỉnh có 768 doanh nghiệp thành lập mới và 495 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 6.040 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn là 6.765 tỷ đồng, đạt 100,12% so dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao, đạt 94,14% so với cùng kỳ.
Tỉnh thu hút được 47 dự án đăng ký đầu tư mới (gồm 01 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, 46 dự án đầu tư trong nước) với tổng vốn đăng ký mới khoảng 9.826 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai kịp thời chỉ đạo của Chính phủ theo Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19,...
3. Giải pháp phát triển kinh tế tỉnh An Giang
Theo lãnh đạo tỉnh An Giang, trong năm 2021, tỉnh tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Xác lập các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp vớitình hình thực tiễn và tầm nhìn đến năm 2030. Cung ứng giống nông nghiệp cho các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, đầu tư nhà máy, kho bảo quản để chế biến sản phẩm tại điạ phương, hình thành một tổ doanh nghiệp nông nghiệp giữ vai trò dẫn dắt. Tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các dự có quy mô lớn đi vào hoạt động.
Xây dựng các tuyến đường liên kết giữa các tỉnh và các thành phố lớn, hoàn thiện hệ thống logistic. Triển khai các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với nông dân như phiên chợ ẩm thực, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn,...
Tằng cường công tác đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho người dân trong tỉnh An Giang nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, hạn chế sự dịch chuyển nguồn lao động từ nông thôn lên các đô thị lớn. Cụ thể từ năm 2014 đến nay, Tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 5.476 người dân tộc thiểu số, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và giảm tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh.
Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mở rộng công tác đối ngoại với các tỉnh bạn Campuchia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới quốc gia.
Cơ cấu lại ngành nghề để phát huy đối đa tiềm năng của Tỉnh, tạo lợi thế so sánh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể:
Thứ nhất, cơ cấu lại ngành Ngư nghiệp.
An Giang nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Kông, là tỉnh đầu nguồn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản. An Giang là tỉnh dẫn đầu cả nước về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra. Tỉnh xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn nên đã quy hoạch vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Sự phát triển mạnh của ngành Thủy sản đã được các nhà đầu tư quan tâm, cụ thể có 2 tập đoàn lớn là, Tập đoàn Việt - Úc và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cá tra giống, cung cấp con giống khỏe mạnh, tăng trưởng cao cho đồng bằng sông Cửu Long.Với con giống mới này, cá tra có sức đề kháng tốt nên nông dân ít phải dùng thuốc, hạn chế được rủi ro khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Để tạo động lực cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển dự án góp phần để cá tra con phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển mạnh nghề nuôi cá truyền thống là các làng bè tại thành phố Châu Đốc-An Giang. Ngoài việc nuôi cá cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu, làng bè còn là một điểm du lịch độc đáo, thu hút khách du lịch đến tham quan. Phía trên bè, người dân dùng để ở, phần dưới là lồng nuôi cá. Tổng số có hơn 300 bè nuôi các loại cá, như:cá tra, cá ba sa, cá bông, cá he, cá mè dinh, cá mú, cá chim,… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2019, ngành hàng cá tra nhiều gặp khó khăn, người nuôi liên tục thua lỗ. Trước tình hình đó, tỉnh An Giang đã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp, mời các doanh nghiệp có uy tính trong lĩnh vực nuôi cá tra theo hướng công nghệ cao đầu tư như Tập đoàn Việt Úc, Công ty TNHH Nam Việt, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi nhằm đảm bảo chất lượng con giống cá tra của tỉnh. Toàn bộ vùng nuôi được đầu tư trang thiết bị hiện đại, trong đó công nghệ sục khí nano và chất xúc tác bakture để xử lý nước, công nghệ này giúp người nuôi cá không xả thải nước ao nuôi ra môi trường, không nạo hút bùn đáy ao bằng phương pháp cơ học. Năm 2020, Châu Đốc sản xuất khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của cả nước.
Để giúp các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện mở rộng mô hình sản xuất cá tra theo chuỗi, liên kết giữa sản xuất cá giống và nuôi cá thương phẩm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp và người nuôi cá.
Nhờ chính sách đúng đắn và kịp thời, nghề nuôi cá trong tỉnh đến nay vẫn phát triển mạnh, đem lại cuộc sống khá giả cho người dân trong tỉnh.
Thứ hai, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
Là vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, diện tích đất nông nghiệp là 296.720 ha chủ yếu trồng lúa chiếm đa số với diện tích 242.337ha, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn vì sản xuất nông nghiệp lạc hậu “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Mặc khác, trong việc tiêu thụ sản phẩm người dân phải thông qua các thương lái để tìm đầu ra nên rất dễ bị ép giá, việc liên kết trong chuỗi cung ứng chưa chuyên nghiệp, sự kết nối giữa sản phẩm nông nghiệp với các sàn giao dịch điện tử còn hạn chế.
Xác định nông nghiệp không thể phát triển nếu không hướng tới công nghiệp hóa, Tỉnh đã đề ra nhiều chính sách ưu tiên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan. Sau 5 năm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, Tỉnh đã sản xuất được một số giống sạch, chất lượng cao, giá thành giảm, thay thế giống nhập khẩu từ nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong Tỉnh, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, từ hộ cận nghèo lên hộ có thu nhập cao và trung bình khá. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng tăng cường hoạt động kết nối cung - cầu, đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử. Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và triển khai dự án cho kỹ thuật viên địa phương, giúp các địa phương tiếp nhận, ứng dụng công nghệ hiệu quả nhất.
Kết quả đạt được từ các chương trình ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong Tỉnh, một số sản phẩm đã trở thành hàng hóa chủ lực trên thị trường, tạo đà phát triển và nhân rộng mô hình cho các vùng sinh thái khác.
Thứ ba, cơ cấu lại ngành Du lịch.
Tỉnh An Giang có nhiều di tích văn hóa - lịch sử độc đáo thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia như: lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang,… Ngoài ra, Tỉnh còn phát triển các khu du lịch như: Khu du lịch quốc gia núi Sam, Khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm. Nhiều hoạt động lễ hội phong phú mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước như: đua thuyền rồng, thả diều, thả đèn hoa đăng trên ngã ba sông Châu Đốc, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, làng nghề thủ công truyền thống và các loại hình nghệ thuật dân gian làm thỏa lòng du khách. Với địa hình núi non hùng vĩ bao quanh vùng đồng bằng trù phú và hệ thống kênh đang xen, tạo nên bức tranh thiên nhiên độc đáo, mãn nhãn sự hiếu kỳ của du khách khi đến tham quan vùng đất tâm linh này. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, hàng năm đón hàng triệu du khách, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho thị Xã Châu Đốc và sự phát triển chung của tỉnh, Tỉnh đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, hoàn thiện sản phẩm du lịch, kêu gọi đầu tư nhằm phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, Tỉnh còn tiến hành cải tạo, nâng cấp, bảo dưỡng và xây mới các hạng mục hạ tầng du lịch. Tăng cường kết nối các điểm du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh và trải nghiệm. Nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội. Siết chặt công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự cho du khách đến tham quan. Để tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch sẵn có, Tỉnh đã đề ra những chính sách phát triển, cụ thể như:
- Tăng cường quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm và du lịch tâm linh. Xây dựng websize thông tin du lịch của Tỉnh.
- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng các công trình phục vụ hoạt động khám phá du lịch.
- Kêu gọi đầu tư các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các dự án đã phê duyệt cần khẩn trương thực hiện. Liên kết các hộ kinh doanh triển khai tổ chức tham quan làng bè, tham gia các lễ hội truyền thống,...
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di lịch.
Tỉnh An Giang xác định phát triển du lịch nhưng cần phải gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, các giá trị ấy là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
4. Kết luận
Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng đời sống người dân tỉnh An Giang còn nhiều khó khăn đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp chính quyền quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Vận động nhân dân chủ động phát triển kinh tế, gia tăng sản xuất, nhưng phải bảo vệ môi trường sinh thái, cùng chung sức xây dựng kinh tế - xã hội của Tỉnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Thu Phương (2020). Phương hướng phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Truy cập tại https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx? UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=45010
- Quốc hội (2009). Luật số 36/2009/QH12: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2009.
- Phòng Pháp chế và Chính sách(2020). Một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Truy cập tại http://noip.gov.vn/vi_VN/mot-so-giai-phap-cu-the-nham-nang-cao-hieu-qua-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-theo-chien-luoc-so-huu-tri-tue-en-nam-2030
IMPROVING THE ECONOMIC WELL-BEING AND QUALITY
OF LIFE OF PEOPLE LIVING IN BORDER AREAS
OF AN GIANG PROVINCE
• Master. VU THI LAN PHUONG
Institute of Business and Management
Hong Bang International University
ABSTRACT:
The Covid-19 pandemic severely affected the economic well-being and quality of life of people living in border areas of An Giang province in 2020. Despite the global economic downturn, An Giang provinces economy still achieved a low growth rate thanks to its great effort. A strength of An Giang provinces border areas is agriculture and spiritual tourism. The province has invested in the transport infrastructure to connect tourist attractions with each other, and has developed and diversified unique cultural activities to attract domestic and international visitors. In addition, the province has supported the production and consumption of local products. As a result, the economic well-being and quality of life of people living in border areas of An Giang province have been improved.
Keywords: border areas of An Giang province, infrastructure, agriculture, spiritual tourism.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]