Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Hội nghị là một trong hai sự kiện nhằm cụ thể hóa các Chỉ thị, Nghị quyết và triển khai các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.
Đây cũng là diễn đàn để các địa phương, đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai công tác bảo vệ người tiêu dùng thời gian qua.
Hoàn thiện hành lang chính sách
Ngày 22/1/2019, Ban bí thư Trung ương đã ký Chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chỉ thị số 30-CT/TW đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tình hình mới.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, để triển khai thực hiện và sớm đưa Chỉ thị số 30-CT/TW vào cuộc sống nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã chủ động ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCSĐ ngày 13/9/2019 lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của Bộ Công Thương triển khai học tập, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả Chỉ thị.
Bộ Công Thương cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW.
Nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 82/NQ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1907/QĐ-BCT ngày 21/7/2020 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP, nêu ra 5 nhóm giải pháp chính.
Một là, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua xây dựng và ban hành văn bản giám sát.
Hai là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách; nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông.
Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng. Trong đó, tập trung kiểm soát, hạn chế lưu thông hàng hóa, không đảm bảo chất lượng ra thị trường.
Năm là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trong các hoạt động hợp tác về bảo vệ người tiêu dùng trong khuôn khổ ASEAN, APEC và các Hiệp định Thương mại tự do và quốc tế.
Ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết 82 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước của các đơn vị có liên quan trong ngành Công Thương đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mặt khác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Địa phương phát huy vai trò tích cực
Tại Hội nghị, đại diện Sở Công Thương các địa phương cho rằng, sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cũng như nỗ lực tích cực của Bộ Công Thương trong tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo vệ người tiêu dùng là rất rõ ràng. Tuy nhiên, sự phối hợp từ phía các địa phương cũng vô cùng cần thiết để triển khai công tác bảo vệ người tiêu dùng có hiệu quả.
Số liệu từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho thấy, đến nay, đã có 20 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW và 15 tỉnh, thành phố thực hiện triển khai Nghị quyết số 82-NQ/TW.
Tại Hà Nội, Sở Công Thương Thành phố đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường để đảm bảo chất lượng của sản phẩm lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm khi phát hiện các vi phạm.
Đặc biệt, Thành phố đã yêu cầu ủy ban các quận huyện theo dõi sát sao để kịp thời tiếp nhận và xử lý phản ánh của người tiêu dùng, giao các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ trong triển khai hiệu quả các hoạt động, giải pháp bảo vệ người tiêu dùng trên địa bàn theo thẩm quyền, nhiệm vụ của đơn vị.
Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng chia sẻ, trong 7 nhiệm vụ trọng tâm tại Chương trình hành động của UBND thành phố thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, Hải Phòng tập trung tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách và pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các Hội nghị tập huấn, đào tạo về quyền người tiêu dùng trên địa bàn thành phố; đăng tin bài tuyên truyền về chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại địa phương…
Bên cạnh đó, Hải Phòng cho biết đã đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nhờ vậy, năm 2019 - 2020, có khoảng trên 200 doanh nghiệp trên địa bàn ký cam kết với Sở Công Thương doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ đảm bảo quyền người tiêu dùng, trên 1.000 hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ ký cam kết với Ban quản lý chợ, UBND các quận huyện đồng hành vì ngưuời tiêu dùng.
Năm 2019, Hội đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã giải quyết 75 vụ khiếu nại, khiếu kiện, chủ yếu liên quan đến chế độ bảo hành, chất lượng sản phẩm. 6 tháng đầu năm 2020, Hội đã giải quyết 16 vụ khiếu nại trên địa bàn với tổng giá trị hàng hóa khiếu nại đã giải quyết xong là 202.000.000 đồng.
Các địa phương cho rằng, một trong những khó khăn hiện nay là nhiều người tiêu dùng còn chưa hiểu hết về quyền lợi, trách nhiệm của mình, dẫn đến khó khăn cho cơ quan quản lý trong xử lý các vụ việc hay giải quyết phản ánh. Do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Mặt khác, cần tăng cường quản lý chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cam kết gắn hoạt động của mình với bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Việc triển khai tốt kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 30/CT-TW và Nghị quyết số 82-NQ/TW sẽ là nền tảng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng của công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian tới, nhằm tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và có hệ thống từ Trung ương tới địa phương về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phía mình, Bộ Công Thương khẳng định sẵn sàng phối hợp tích cực với địa phương, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong quá trình này.