Nâng cao hiệu quả của các học phần thực địa cho sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành - Nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. PHẠM THỊ THẮM - ThS. PHẠM NGỌC DŨNG (Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận chung đã được công bố trên các tạp chí để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập của sinh viên. Thông qua phương pháp quan sát thực địa để đánh giá hiệu quả của học phần thực địa, bài viết đã tập trung phân tích phương pháp đánh giá, vai trò của giảng viên và thái độ học tập của sinh viên, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của các học phần thực địa cho sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành.

Từ khóa: thực địa, thực hành, du lịch, lữ hành, hiệu quả học tập, sinh viên, đào tạo du lịch.

1. Đặt vấn đề

Đào tạo du lịch đã được coi là một ngành đào tạo đặc thù [1]. Về bản chất, chương trình đào tạo ngành Du lịch phải có một lượng kiến thức thực hành, thực tập ở một mức độ được quy định sẵn so với tổng dung lượng của chương trình đào tạo theo cơ chế đào tạo ngành đặc thù. Ngoài các học phần thực hành, thực tập ở trên lớp và doanh nghiệp, sinh viên ngành Du lịch nói chung và lữ hành nói riêng còn có các học phần thực địa. Học phần thực địa thường được thực hiện vào các học kỳ gần cuối khóa đào tạo, sau khi sinh viên đã có một lượng kiến thức nhất định về ngành nghề. Mặc dù học phần được tổ chức vào thời điểm phù hợp trong kế hoạch đào tạo của chương trình đào tạo nhưng để đạt hiệu quả cao đối với các học phần này, nhóm tác giả cho rằng cần phải thay đổi một số vấn đề trong hoạt động tổ chức học tập thực địa. Nghiên cứu này được tiến hành với các sinh viên ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành của Khoa Du lịch và Ẩm thực - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh. Tác giả sử dụng phương pháp quan sát trực tiếp trong các chuyến dẫn sinh viên đi thực địa và phỏng vấn nhóm với 8 sinh viên thuộc 4 khóa đã tham gia các học phần thực địa để xác định mức độ nhận thức và hiệu quả của các học phần thực địa. Trên cơ sở các dữ liệu có được, tác giả phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả học tập các học phần thực địa.

2. Những vấn đề lý luận

2.1. Kết quả học tập và hiệu quả học tập

Các nghiên cứu khác nhau chỉ ra những quan niệm khác nhau về kết quả học tập, cơ bản sự khác nhau này thể hiện ở cách đánh giá. Phan Thị Hồng Thảo dẫn nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu An và cộng sự cho rằng kết quả học tập của sinh viên phản ánh quá trình học tập rèn luyện của sinh viên trên giảng đường đại học tức là thông qua điểm tích lũy [2]. Đinh Thị Hóa được dẫn bởi Phan Thị Hồng Thảo cho rằng kết quả học tập là đánh giá tổng quát sinh viên về kiến thức, kỹ năng họ có được trong quá trình học [2]. Đinh Thị Hóa cho rằng kết quả học tập là đánh giá tổng quát của chính sinh viên về kiến thức và kỹ năng họ thu nhận được trong quá trình học tập môn học cụ thể tại trường [3]. Như vậy, kết quả học tập thường quan tâm đến sự đo lường của các đại lượng định lượng cho một thành tích nào đó, những đại lượng đó chính là điểm số đạt được sau khi thực hiện một nhiệm vụ học tập.

Theo nghĩa rộng, hiệu quả (efficiency) liên quan đến việc người thực hiện nhiệm vụ nhận được đúng những điều đã thực hiện [11]. Hiệu quả học tập thực địa được đo bằng tương quan giữa kỳ vọng của các bên khi tham gia vào hoạt động thực địa với kết quả đạt được thông qua sử dụng các nguồn lực phục vụ cho học phần thực địa. Đánh giá hiệu quả học tập mang tính định tính nhiều hơn so với đánh giá kết quả học tập. Hiệu quả của việc học một học phần nào đó thể hiện ở khả năng nắm bắt thông tin, vận dụng vào thực tế thông qua phương pháp giáo dục của giảng viên đối với của học phần đó.

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập

Hướng dẫn viên đi theo chương trình bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn viên của mình, còn phải thuyết minh nhiều hơn so với dẫn tour du lịch. Theo Hà Nam Khánh Giao, năng lực phục vụ có ảnh hưởng đến sự hài lòng của người học [4].

Điều kiện thực địa cũng ảnh hưởng đến sự hài lòng và chất lượng của các chuyến thực địa [5]. Các trường có đào tạo du lịch thường sắp xếp mỗi xe 1 giảng viên đi kèm theo để quản lý và hướng dẫn sinh viên trong hoạt động thực địa.

Về phương pháp học tập ngoài trời hay còn gọi là phương pháp học tập thực địa, được đánh giá là có ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên [2], [3]. Sinh viên đi thực địa sẽ thực hiện các hoạt động quan sát, trải nghiệm các dịch vụ du lịch từ tham quan, vui chơi giải trí, lưu trú, ăn uống, vận chuyển. Sinh viên cũng được trực tiếp trải nghiệm cách vận hành 1 chương trình du lịch dài ngày. Động cơ học tập của sinh viên có ảnh hưởng đến kết quả học tập [3] không kém phương pháp học, đặc biệt đối với các chuyến đi thực địa xác định đúng động cơ học tập sẽ có định hướng đúng đắn.

Công tác tổ chức hoạt động thực địa thường được thực hiện theo mô hình của chương trình du lịch thông thường. Chương trình thực địa (tour thực địa) sẽ được gửi đến sinh viên trước, sau đó sẽ tổ chức họp đoàn, để công ty tổ chức giải đáp các thắc mắc về chương trình du lịch và tổ chức chương trình. Giảng viên có nhiệm vụ thông báo về nội quy chuyến đi và hướng dẫn các nội dung, nhiệm vụ học tập thực địa. Phương pháp giảng dạy của giảng viên hướng dẫn đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả của thực địa [2], trong đó mức độ tương tác của giảng viên với sinh viên cũng được đánh giá có ảnh hưởng đến hiệu quả học tập [5].

Từ các công bố, chúng tôi nhận thấy, đối với các học phần thực địa có 5 nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả học tập môn học, bao gồm: năng lực phục vụ của nhà tổ chức chương trình thực địa; điều kiện thực địa; phương pháp học thực địa; động cơ học tập của người học; vai trò của giảng viên hỗ trợ. Năng lực phục vụ được hiểu là khả năng tổ chức của nhà điều hành bao gồm đội ngũ phục vụ trên thực địa như lái xe, hướng dẫn viên. Điều kiện thực địa ở đây được hiểu là chương trình thực địa, bao gồm: tiến độ, các điểm thực địa, phương tiện tham quan. Phương pháp học thực địa là các phương pháp được cung cấp cho sinh viên qua các môn học, là công cụ giúp sinh viên thực hiện hoạt động thu thập thông tin trong quá trình thực địa. Động cơ của người học được hiểu là sự xác định đúng đắn nghĩa vụ học tập trong quá trình thực địa, ý thức được nhiệm vụ học tập, tích cực quan sát, tìm kiếm, phỏng vấn các bên liên quan trong quá trình thực địa. Vai trò của giảng viên đi theo đoàn là vai trò định hướng, hỗ trợ định hướng phương pháp, nội dung thực địa cho người học.

2.3. Học phần thực địa

Thực địa (field) là phương pháp học tập nhằm thu thập thông tin từ thực tế hay còn gọi là phương pháp điền dã nhằm phân tích các vấn đề trong thực tế trên cơ sở lý thuyết đã được trau dồi trước đó. Phương pháp thực địa được sử dụng trong nghiên cứu khoa học du lịch chủ yếu bao gồm phương pháp quan sát trực tiếp; phương pháp quan sát người tham gia, phương pháp phỏng vấn định tính và phương pháp nghiên cứu điển hình [6].

Ngành Du lịch nói chung và Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành nói riêng rất đề cao kiến thức thực tiễn, điều này được thể hiện trong cơ chế đào tạo ngành đặc thù [7]. Trong chương trình đào tạo ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành ngoài các học phần thực hành, các chương trình đào tạo luôn có các học phần thực địa nhằm giúp sinh viên tìm hiểu kiến thức thực tế và phương pháp nghiên cứu thực địa [8], [9], [10]. Tuy tên gọi có thể khác nhau, nhưng chúng mang các đặc điểm giống nhau, đó là đều sử dụng các phương pháp của nghiên cứu thực địa để thực hiện các học phần này. Chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành của Khoa Du lịch và Ẩm thực - Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh có 3 học phần thuộc học phần thực địa, bao gồm: Kiến tập, Thực địa tour trong nước và Thực địa tour nước ngoài [9]. Khác với các học phần thực hành hoặc thực tập, những học phần này đòi hỏi người học phải thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất nghề nghiệp, trong khi thực địa chỉ sử dụng các phương pháp quan sát, thu thập thông tin.

3. Thực trạng hiệu quả các học phần thực địa

Tác giả thực hiện thảo luận nhóm với 8 sinh viên đã tham gia các học phần thực địa xoay quanh các nội dung về công tác tổ chức chuyến đi; điều kiện hỗ trợ thực địa; sự hỗ trợ của giảng viên đối với sinh viên, thái độ của sinh viên trước và trong chuyến đi thực địa, hiệu quả của chuyến thực địa với mục tiêu nghề nghiệp.

Vấn đề công tác tổ chức chuyến thực địa, các sinh viên tham gia thảo luận đều cho biết phía công ty tổ chức và nhà trường có tổ chức họp đoàn trước khi đi và hướng dẫn các nội dung học thực địa cho sinh viên. Tác giả thu được 6 ý kiến thảo luận, các thảo luận quan tâm đến việc hướng dẫn mục tiêu của các chuyến thực địa. Các thành viên được phỏng vấn cho rằng việc hướng dẫn mục tiêu thực địa chưa được rõ ràng, dẫn đến nhiều sinh viên đi thực địa tin rằng chuyến đi này phục vụ nghề hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh đó, sinh viên cũng mong muốn ngoài việc thuyết minh thông tin như một hướng dẫn viên, có 3 ý kiến cho rằng hướng dẫn viên cần phải nêu thêm các thực tế nghề hướng dẫn, 2 ý kiến chia sẻ sâu hơn về các chính sách du lịch, tài nguyên tại điểm đến và sự nổi bật tài nguyên của điểm đến. Việc xác định mục tiêu học tập cho sinh viên chưa thấu đáo, cộng với việc thực hiện chuyến đi như một chương trình du lịch dễ làm sinh viên nhận thức chưa đúng về các nghề trong ngành Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành. Bên cạnh đó, những yêu cầu khác biệt của việc dẫn đoàn sinh viên du lịch khi học tập thực tế cũng đặt ra đối với nhà tổ chức.

Về điều kiện thực địa, tác giả thu được 4 ý kiến đồng ý về tiến độ thực hiện chương trình, điểm tham quan và thời gian tại các điểm tham quan là hợp lý để thực hiện các nhiệm vụ học tập, còn lại không có ý kiến. Mong muốn của sinh viên trong các chuyến đi là các dịch vụ ăn uống, vận chuyển hành lý tại các điểm dịch vụ cần được sắp xếp hoàn hảo, tránh làm mất thời gian của sinh viên.

Về phương pháp học tập thực địa, tác giả thu được 7 ý kiến cho rằng mình hiểu và phương pháp học thực địa. Khi hỏi thêm về các các phương pháp cụ thể, người được phỏng vấn tỏ ra rè rặt trong việc hiểu được các phương pháp học thực địa như phương pháp quan sát và phương pháp phỏng vấn. Đặc biệt, ở phương pháp phỏng vấn, người học có hiểu nhưng không áp dụng nhiều trong chuyến thực địa. Khả năng sử dụng thông tin từ các phương pháp học thực địa còn hạn chế.

Trước khi đi thực địa sinh viên chưa xác định đúng đắn động cơ học tập. Hầu hết sinh viên cho rằng đó là chuyến đi nhiều mục đích vừa đi học, vừa đi chơi (tham quan), nhưng chơi là chủ yếu. Các thảo luận cho thấy sinh viên mất khá nhiều thời gian (hơn 1 tiếng cho đến tới khi thực hiện chuyến đi) cho việc lựa chọn trang phục chuyến đi. Trong khi đó, chỉ có 1 chia sẻ cho rằng đã dành hơn 7 giờ để nghiên cứu về chương trình du lịch thực địa, tìm hiểu thông tin các điểm tham quan trong chương trình thực địa, trong khi đó phần lớn các thành viên tham gia phỏng vấn giành dưới 2 giờ cho công việc này. Ở trên xe, phần lớn sinh viên ít tập trung nghe hướng dẫn viên thuyết minh và không đặt câu hỏi thắc mắc. Hoạt động tại điểm tham quan thảo luận thu được 14 ý kiến, trong đó 9 ý kiến thảo luận, coi mình như một du khách đi tham quan, chụp hình, còn 4 ý kiến có quan tâm tìm hiểu các dịch vụ tại điểm tham quan.

Sinh viên kỳ vọng giảng viên hỗ trợ, chia sẻ kiến thức nhiều hơn hướng dẫn viên, những kiến thức sinh viên mong muốn nhận được từ giảng viên là các kiến thức về nghề nghiệp của ngành lữ hành. Bên cạnh đó, giảng viên cần chỉ ra những nội dung mà hướng dẫn viên chưa hoặc quên giải thích. Điều đó cho thấy sinh viên kỳ vọng rất lớn ở vai trò của giảng viên. Điều này cũng hợp logic khi hướng dẫn viên du lịch có thế mạnh về việc hướng dẫn, nên các em sinh viên nhận thức về nghề này rất rõ ràng, dẫn đến các ngộ nhận về ngành. Vai trò của giảng viên hướng dẫn chưa cao trong chuyến đi, ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tiếp nhận mục tiêu học tập môn học.

Về hiệu quả của các chuyến học tập thực địa, về điểm số có 5/6 ý kiến thu được hài lòng và có 1 ý kiến cho rằng cao hơn so với kỳ vọng. Về mặt nhận thức, có 6 ý kiến cho rằng đã có những nhận thức mới, bổ ích sau chuyến đi. Có 3/5 ý kiến cho rằng có khả năng so sánh dịch vụ của các điểm tham quan. Khả năng liệt kê các dịch vụ tại điểm tham quan chỉ đạt từ 25 đến 75% dịch vụ tại một điểm. Khả năng vận dụng kiến thức thực địa vào thực tế cho thấy 2/4 ý kiến thu được cho rằng có thể sử dụng các kiến thức thu được tại điểm tham quan để phục vụ việc phát triển sản phẩm. Ngoài ra, các ý kiến khác cho rằng sinh viên có nhận thức rất rõ về nghề hướng dẫn viên, nhưng các nghề khác như điều hành, quản trị điểm đến, marketing, sale thì chưa có nhận thức rõ ràng. Có 1 ý kiến cho thấy nhờ các chuyến đi mà đã xác định chính xác hơn lựa chọn nghề nghiệp của bản thân. Kết quả thảo luận cho thấy hiệu quả mang lại của các học phần thực địa chỉ đạt được một nửa kỳ vọng. Số lượng ý kiến phản hồi thảo luận hài lòng về mức độ nhận thức cũng như khả năng vận dụng các kiến thức thực địa vào định hướng học tập, nghề nghiệp trong thực tế chưa cao.

4. Những giải pháp nâng cao hiệu quả các học phần thực địa

Trong công tác tổ chức, bên cạnh việc họp đoàn để phổ biến nội dung chương trình tour, quy định chuyến đi, bộ môn nên tập trung vào định hướng mục tiêu của học phần, để đảm bảo sinh viên biết được các mục tiêu và lựa chọn các mục tiêu phù hợp với định hướng công việc của bản thân. Vai trò của hướng dẫn viên rất quan trọng đối với việc cung cấp thông tin điểm đến cho sinh viên thực địa. Hầu hết hướng dẫn viên thực hiện dẫn đoàn cho sinh viên đã làm rất tốt nhiệm vụ của 1 hướng dẫn viên du lịch trong việc cung cấp thông tin cho khách du lịch. Rất khó đòi hỏi hướng dẫn viên làm nhiều hơn những gì thuộc về kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ của họ. Chính điều này làm sinh viên dễ dàng ngộ nhận chuyến đi của sinh viên là một chuyến đi du lịch, hoặc nếu có nhận thức về việc học thì nó sẽ được hiểulà làm hướng dẫn viên, xa hơn một chút sẽ là công tác tổ chức 1 chương trình du lịch. Những nhận thức khác về hành trình, sản phẩm dịch vụ, đặc trưng tài nguyên du lịch rất khó nhận thức nếu không có sự truyền tải logic và có hệ thống theo chương trình du lịch. Hướng dẫn viên có lợi thế trong việc cung cấp thông tin về điểm đến, họ hiểu rất rõ sự thay đổi của dịch vụ du lịch tại điểm đến, đối tượng khách thường xuyên tại điểm đến. Do đó, hoạt động thực địa của sinh viên nên tăng cường khai thác thế mạnh này của hướng dẫn viên để hỗ trợ sinh viên các kiến thức thực tế, làm nổi bật sự phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch của điểm đến.

Điều kiện thực địa không hoàn hảo là một trong những bài học thực tế. Trong thực tế dẫn đoàn sinh viên, chúng tôi nhận thấy, nếu dịch vụ hoặc lịch trình hoàn hảo, sinh viên sẽ không được đặt vào tình huống có vấn đề trong thực tế. Điều này không kích thích khả năng tư duy thực tế của sinh viên. Tuy nhiên, điều này dễ làm cho sinh viên hiểu nhầm về năng lực của nhà tổ chức hoặc điều kiện thực địa không tốt. Vai trò của người dẫn dắt trên xe, giảng viên chính là người gợi mở tình huống có vấn đề để sinh viên hiểu ý đồ của chương trình du lịch và giải pháp giải quyết các vấn đề của thực tế.

Giảng viên là người chịu trách nhiệm lớn nhất cho thành công về mặt chất lượng của học phần thực địa, trách nhiệm này thể hiện qua vai trò tổ chức và đào tạo. Trong 2 vai trò trên, vai trò quan trọng nhất đối với giảng viên là vai trò đào tạo, bao gồm: dẫn dắt, định hướng, khai mở sự khám phá các thông tin mà hướng dẫn viên trình bày dưới dạng thông tin cung cấp cho khách du lịch; hoặc bổ trợ thêm các kiến thức chuyên ngành mà hướng dẫn viên không nắm được trong chương trình đào tạo. Những định hướng về phương pháp học thực địa, khám phá vấn đề sẽ cung cấp cho sinh viên phương pháp học tập thực địa. Những định hướng về nội dung của giảng viên sẽ thu hẹp phạm vi thực địa để các em tập trung quan sát, tìm hiểu, vấn đáp, tạo ra nhận thức mới. Thông thường, các định hướng này sẽ được thực hiện ngay tại buổi họp đoàn với sinh viên, sinh viên nắm được điều này. Nhưng trên tour, giảng viên phải thường xuyên định hướng kéo sinh viên trở về với thực tế nhiệm vụ học tập.

Để nâng cao hiệu quả nhận thức và áp dụng thực tế, công tác đánh giá có tác động rất lớn đến hiệu quả của chương trình học thực địa. Bởi vì hoạt động ngoài trời nên nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ ở khâu đánh giá thì sẽ rất khó phản ánh thực chất của nhận thức. Chúng tôi nhận thấy việc phân chia các hạng mục đánh giá là thái độ trên chuyến đi và kết quả báo cáo tiểu luận như đã làm là cần thiết và đúng hướng. Ưu điểm của phương pháp này là dễ dàng đánh giá mà không mất nhiều thời gian, nội dung đánh giá chính chỉ là báo cáo thực địa. Tuy nhiên, hạn chế của nó là, trong điều kiện hiện tại, không làm rõ được sự khác biệt về mức độ nhận thức của người học. Với cách tổ chức như vậy, sinh viên cũng không thể phát huy thế mạnh hoặc mong muốn định hướng nghề nghiệp của mình để tìm hiểu trong thực địa. Chúng tôi nhận thấy cần phải có các đánh giá đa dạng hơn, như đánh giá nhận thức mỗi hành trình (đơn vị là ngày/đêm) thực hiện ngay khi kết thúc 1 đơn vị thời gian. Điều này đảm bảo giúp sinh viên tập trung vào nhiệm vụ học tập, tăng tính chủ động của sinh viên trong hỏi đáp. Tiếp đó là đánh giá chuyên đề nội dung, đánh giá này sẽ tập trung vào các mảng nghề nghiệp của ngành Dịch vụ du lịch và lữ hành, giúp các em thực hiện hoạt động khám phá theo đúng sở trường mong muốn của mỗi cá nhân hoặc nhóm. Cuối cùng là đánh giá kết thúc thực địa bằng báo cáo thực địa, đánh giá báo cáo này nên tập trung vào các nghiệp vụ lữ hành và quản lý điều hành, nó rất khó đánh giá những kỹ năng nghề nghiệp khác. Cùng với 3 đánh giá trên, còn là thái độ của người học trên chuyến đi trong việc tích cực tìm hiểu, vấn đáp hướng dẫn, giảng viên hoặc người bản địa. Sự khó khăn khi triển khai cách đánh giá này là giảng viên sẽ phải hoạt động nhiều để xây dựng phương án, bài tập đánh giá và đánh giá kết quả làm việc của sinh viên trong suốt quá trình đi tour.

5. Kết luận

Nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố có ảnh hưởng đến hiệu quả của việc học thực địa thông qua kết quả thảo luận nhóm. Thực tế học tập thực địa cho thấy công tác tổ chức chuyến đi bao gồm đơn vị đào tạo và công ty tổ chức; điều kiện hỗ trợ thực địa nổi bật là vai trò của hướng dẫn viên và sự hỗ trợ của các dịch vụ; phương pháp học tập thực địa; sự hỗ trợ của giảng viên đối với sinh viên; nhận thức, thái của sinh viên đối với môn học.

Nghiên cứu nhận thấy công tác tổ chức, vai trò giảng viên góp phần quan trọng trong việc định hướng mục tiêu học tập thực địa của người học. Tập trung vào công tác tổ chức và công tác hỗ trợ sẽ định hướng được mục tiêu của người học khi học thực địa, giúp sinh viên xác định được mục tiêu học tập.

Vai trò của hướng dẫn viên và chương trình thực địa giúp người học khám phá những cái mới thông qua các phương pháp học tập được giảng viên hỗ trợ.

Để điều chỉnh thái độ và hiệu quả học tập của các học phần thực địa, chúng tôi đề cao vai trò của giảng viên dẫn đoàn và các phương pháp, công cụ đánh giá của môn học sẽ giữ tâm thế của sinh viên hướng đến mục tiêu học tập thay vì đi du lịch.

Hạn chế của nghiên cứu đó là chưa thực hiện bước định lượng với số mẫu lớn hơn để đánh giá cụ thể những nhân tố nào sẽ tác động đến hiệu quả của việc học các học phần thực địa vàđo lường mức độ tác động của các nhân tố này đối với hiệu quả học thực địa. Trong tương lai, đây sẽ là hướng nghiên cứu tiếp của đề tài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

  1. Quốc hội XIX (2017). Luật Du lịch. NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
  2. Phạn Thị Hồng Thảo và cộng sự (2020). Các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên. Nghiên cứu trường hợp tại Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh, Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, số 129, tr.69-80.
  3. Đinh Thị Hóa và cộng sự (2018). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên Khoa Kinh tế trường Đại học Đồng Nai. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Đồng Nai, số 11, tr.18-29.
  4. Hà Nam Khánh Giao, Nguyễn Văn Thắng (2020). Sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng thí nghiệm - Thực hành tại Trường Đại học Sài Gòn. Tạp chí Công Thương, số 26, tr.208-213.
  5. Nguyễn Quốc Nghi và cộng sự (2012). Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của sinh viên đối với chất lượng đào tạo ngành du lịch của các trường đại học ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 2012:22b, tr.265-272.
  6. Trần Đức Thanh (2008). Nhập môn khoa học du lịch. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  7. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017). Công văn số 4929/BGDĐT-GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch.
  8. Trường Đại học Văn Hiến (2019). Chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành. Truy cập tại: https://vhu.edu.vn/vi/gioi-thieu-chuong-trinh-1272/khung-chuong-trinh-dao-tao-ap-dung-tu-khoa-2019.
  9. Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (2020). Chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành. Truy cập tại: https://dulichamthuc.hufi.edu.vn/dao-tao/chuong-trinh-khung-nganh-quan-tri-dich-vu-du-lich-va-lu-hanh-2020.
  10. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (2017). Chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành. Truy cập tại: https://ussh.vnu.edu.vn/vi/dao-tao/qtdv-du-lich-va-lu-hanh/khung-chuong-trinh-16328.html.
  11. Peter F. Drucker (2006). The Effective Executive: The Definitive Guide to Getting the Right Things Done. New York: Collins.

 

IMPROVING THE QUALITY OF THE FIELD COURSE

FOR STUDENTS MAJORING IN TOURISM

AND TRAVEL SERVICE MANAGEMENT - CASE STUDY IN

HO CHI MINH CITY UNIVERSITY OF FOOD INDUSTRY

Master. PHAM THI THAM1

Master. PHAM NGOC DUNG1

1 Ho Chi Minh City University of Food Industry

ABSTRACT:

This paper uses qualitative research methods and examines published general theoretical issues in journals to determine the factors affecting the learning efficiency of students. By using the field observation method to evaluate the learning efficiency of students in the field course, this paper analyzes the assessment method, the role of the lecturer, and the learning attitude of the student. This paper is expected to improve the quality of the field course for students majoring in Tourism and Travel Service Management

Keywords: fieldwork, practice, travel, tourism, learning effect, student, tourism huamn resource training.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2022]