Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education và tầm nhìn giai đoạn 2022-2027

CHẾ NGỌC BẢO TRÂN (Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education) - TS. NGUYỄN QUỐC HUY (Đại học Trưng Vương )

Tóm tắt:

Trong thời k hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Giáo dục được đầu tư phát triển và hứa hẹn sẽ trở thành một trong những lĩnh vực trọng điểm. Dù kinh doanh giáo dục có những đặc thù riêng, song hiệu quả kinh doanh vẫn là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá chất lượng doanh nghiệp. Thông qua đánh giá thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education trong giai đoạn 2017- 2022, tác giả đưa ra phương hướng, những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh cho Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education trong những giai đoạn tiếp theo.

Từ khóa: hiệu quả kinh doanh, kinh doanh giáo dục, đầu tư phát triển nhân sự, hiệu quả sử dụng vốn, Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education.

1. Đặt vấn đề

Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education là đơn vị được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ giáo dục không xác định theo cấp độ tại các trung tâm đào tạo bồi dưỡng. Với tinh thần tự hào dân tộc luôn không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo trong việc xây dựng một môi trường học tập yêu thương, tích cực, sự ra đời của Công ty không chỉ giúp các em học sinh phát triển một cách toàn diện cả kiến thức, kỹ năng, thái độ, mà còn tạo điều kiện cho các giáo viên trẻ đầy khát vọng được yêu thương, được cống hiến và mang đến những giá trị tuyệt vời cho nền giáo dục nước nhà với 5 mảng chính, bao gồm: luyện thi cho học sinh cấp 3 (NQH cấp 3), luyện thi cho học sinh cấp 2 (NQH Cấp 2),  đào tạo bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho mọi lứa tuổi (NQH IELTS), dịch vụ gia sư (NQH Tutor) và Anh ngữ thiếu nhi (NQH Junior).

Song, với môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong cùng ngành nghề, lĩnh vực để có thể tồn tại và phát triển một cách bền vững thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh đối với Công ty trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Xuất phát nhận thức đó, thông qua nghiên cứu dành cho Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education, bài nghiên cứu sẽ là nguồn tham khảo để các doanh nghiệp định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn 2022-2027.

1. 1. ­­­Đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education trong giai đoạn 2018 - 2022 

Về kết quả kinh doanh tổng hợp, Công ty đã có sự chú trọng trong việc đầu tư chi phí để mở rộng quy mô kinh doanh và nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty, tỷ suất chi phí hoạt động trên tổng doanh thu thuần của Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education trong giai đoạn năm 2018 - 2022 luôn cho con số rất khả quan.

Công ty dạt mức tổng doanh thu tăng vọt trong giai đoạn 2018 - 2022 với điểm đáng chú ý là tổng doanh thu của năm 2022 (hơn 63 tỷ đồng) cao gấp hơn 21 lần doanh thu của năm 2018 (khoảng 3 tỷ đồng). Điều đó cho thấy Công ty đã có chính sách đầu tư vào việc nắm bắt xu hướng thị trường.

Về hiệu quả kinh doanh bộ phận, hiệu quả sử dụng lao động của Công ty đã có sự cải thiện theo chiều hướng tăng nhanh cả về năng suất và số người lao động. Sắp tới, công ty đang có xu hướng tăng số lượng người lao động để đáp ứng cho mục tiêu mở rộng quy mô kinh doanh trong thời gian tới.

Một trong các điểm đáng lưu ý nhất trong chính sách phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education là vấn đề tăng nguồn vốn cố định đầu tư của Công ty ở mức đáng kể trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022. Nếu như năm 2018, con số này chỉ là 4 tỷ đồng, thì đến năm 2021 là 51 tỷ đồng và năm 2022 là 94 tỷ đồng. 

2. Những kết quả đạt được

Nhìn chung, trong giai đoạn 2018 - 2022, Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education (Hệ thống giáo dục NQH) đã gặp rất nhiều khó khăn từ những yếu tố khách quan như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt dẫn đến kết quả kinh doanh bị suy giảm. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đội ngũ nhân sự khi thành lập bộ phận marketing chuyên biệt, đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, phấn đấu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng dịch vụ, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đã giúp Công ty đạt được những kết quả khả quan. Khả năng thanh toán được duy trì ở mức ổn định, hạn chế tối đa những rủi ro tài chính có thể xảy ra. Tốc độ luân chuyển của vốn lưu động luôn ở mức cao nhờ việc tìm các nguồn tài trợ với lãi suất phù hợp. Công ty đã huy động nguồn vốn trung và dài hạn từ việc sử dụng vốn vay cả ngắn, trung và dài hạn làm giảm khó khăn tạm thời về vốn, giảm một phần chi phí và tăng lợi nhuận, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và hiệu quả kinh doanh. 

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education

3.1. Mục tiêu phát triển của Công ty đến năm 2025

Trong mục tiêu đến năm 2025 Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education sẽ triển khai kế hoạch phủ sóng thương hiệu và hình ảnh của Công ty khắp các tỉnh thành lân cận như: Bình Dương, Tây Ninh, Long An,... và hợp tác đầu tư bằng nguồn vốn FDI mở trường Dân lập Quốc tế từ cấp 1 đến cấp 3. Ngoài ra, Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education sẽ tập trung phát triển mảng kỹ năng sống (NQH Skill Academy) trong các trường công lập tại TP. Hồ Chí Minh và chuỗi bán trú vệ tinh.

Bên cạnh đó, ngoài việc hợp tác mở rộng lĩnh vực giáo dục, Công ty đang thực hiện và đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục nhượng quyền thương mại đối với thương hiệu The Yummy và phát triển thêm chuỗi kinh doanh cà phê - trà sữa phủ sóng trên toàn phạm vi địa bàn TP. Hồ Chí Minh. 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, Công ty đặt ra các nhóm mục tiêu gồm: tăng doanh thu hàng năm, hoạch định chính sách và kế hoạch ổn định, nâng cao chất lượng đội ngũ người lao động của Công ty. Cụ thể:

- Phấn đấu để có 1 vị trí lãnh đạo quản lý đạt trình độ tiến sĩ và các vị trí điều hành - quản lý Công ty, tất cả đều cần đạt trình độ thạc sĩ, phấn đấu đạt 10% giảng viên có trình độ tiến sĩ; người lao động phải đạt trình độ cử nhân đại học.

- Về doanh thu và lợi nhuận sau thuế: Công ty cố gắng đạt tăng trưởng về doanh thu theo nguyên tắc năm sau phải cao hơn năm trước nhưng ít nhất phải đạt tỷ lệ tăng trưởng 3% đến 5% hàng năm.

- Phấn đấu trở thành một trong những Công ty về giáo dục có uy tín, chất lượng và chiếm thị phần cao trong khu vực TP. Hồ Chí Minh.

- Đạt tỷ lệ tăng thu nhập bình quân đầu người của đối với đội ngũ lao động của công ty. Cụ thể 1 người lao động của Công ty phải đạt tổng mức lương trong 1 tháng ít nhất là 10 triệu đồng/người, nhằm để đảm bảo nhân viên có cuộc sống tốt, gắn kết với Công ty và làm việc một cách có hệ quả.

3.2. Các nhóm giải pháp

3.2.1. Giải pháp giảm chi phí

Trong bối cảnh hậu đại dịch, những giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp nói chung trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu nhằm tối ưu hóa và sử dụng nguồn vốn hợp lý được tiếp cận ở các góc độ sau:

Thứ nhất, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh và quản lý. Cụ thể, doanh nghiệp có thể tổ chức những cuộc họp trực tuyến, sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến miễn phí như PayPal, Venm hay sử dụng Google Drive hoặc Trello để lưu trữ tài liệu và quản lý dự án hiệu quả.

Thứ hai, tối ưu hóa các thủ tục và quy trình hành chính doanh nghiệp thông qua các văn bản, chứng từ, form mẫu. Công ty có thể áp dụng các công nghệ, ví dụ như RPA để rút ngắn thời gian, công sức và chi phí cho Công ty.

Thứ ba, giảm chi phí văn phòng: những chi phí văn phòng như mực in, giấy tờ, thư từ, bưu phí là con số nhỏ, nhưng nếu phát sinh liên tục trong thời gian dài sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ tư, tối ưu chi phí marketing: cắt giảm chi phí trong Công ty nhưng vẫn giữ được giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm, cụ thể là sử dụng những kênh quảng cáo dịch vụ với chi phí hợp lý.

Thứ năm, tuyển dụng đội ngũ nhân viên có chọn lọc: Công ty cần xây dựng lộ trình tuyển dụng phù hợp, dễ dàng chọn lọc ứng viên, rút ngắn thời gian và chi phí đào tạo.

3.2.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Xây dựng kế hoạch và sử dụng vốn sẽ giúp doanh nghiệp tổ chức các nguồn tài trợ và sử dụng chúng một cách hiệu quả.

Thứ nhất, Công ty cần xác định chính xác nhu cầu vốn lưu động bằng cách phân tích chính xác các chỉ tiêu tài chính của kỳ trước, những biến động chủ yếu trong vốn lưu động, mức chênh lệch giữa kế hoạch và thực hiện về nhu cầu vốn lưu động ở các kỳ trước. Tiếp đó, Công ty cần lên kế hoạch huy động vốn: xác định khả năng tài chính hiện tại của Công ty; số vốn còn thiếu; so sánh chi phí huy động vốn từ các nguồn tài trợ để lựa chọn kênh huy động vốn phù hợp, kịp thời, lãng phí hoặc thiếu vốn làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của Công ty, đồng thời hạn chế rủi ro có thể xảy ra.

Thứ hai, chủ động khai thác, sử dụng nguồn vốn kinh doanh và vốn lưu động thông qua nguồn vốn liên doanh, liên kết với các đối tác trong khu vực và trong phạm vi cả nước. Một nguồn vốn quan trọng là vốn chiếm dụng (bao gồm khoản phải trả cho công ty, khách hàng trả tiền trước, các khoản phải trả khác), nhưng cần cẩn trọng khi sử dụng khoản vốn này vì doanh nghiệp chỉ có thể chiếm dụng tạm thời.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý các khoản phải thu, hạn chế tối đa lượng vốn bị chiếm dụng bằng cách lập sổ theo dõi chi tiết các khoản nợ học phí, dịch vụ chưa đóng, để công tybiện pháp hối thúc khách hàng thanh toán. Tổng kết định kỳ để tránh các khoản thu rơi vào tình trạng nợ khó đòi.

Thứ tư, xây dựng các biện pháp phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra bất ngờ như lạm phát, dịch bệnh,… để có biện pháp phòng ngừa, hạn chế phần nào những tổn thất có thể xảy ra. Cụ thể trích lập quỹ dự phòng tài chính.

Thứ năm, xây dựng các biện pháp sử dụng có hiệu quả vốn bằng tiền tạm thời nhàn rỗi, cụ thể như việc đầu tư cho các hoạt động khác hứa hẹn nhiều lợi nhuận như kinh doanh tài chính, bất động sản…

3.2.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng lao động

Việc nâng cao hiệu quả sử dụng lao động là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường và mở rộng thị phần, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Các giải pháp được triển khai cụ thể bao gồm:

Thứ nhất, đảm bảo không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của cán bộ công nhân viên, tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, khuyến khích năng lực sáng tạo của người lao động, thúc đẩy người lao động cả về mặt vật chất và tinh thần.

Thứ hai, xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng con người (nhân viên, đội ngũ giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng), luôn nghiên cứu để nắm bắt được nhu cầu của người lao động thì họ mới chủ động tạo ra nhiều giá trị cho Công ty.

Thứ ba, đưa ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng về đào tạo và tập huấn nhân viên thường xuyên. Để đánh giá hiệu suất nhân viên chính xác cần có các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, thường xuyên đào tạo để nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn cho nhân viên.

3.2.4. Một số giải pháp khác

Bên cạnh các giải pháp cắt giảm chi phí và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education có thể áp dụng thêm các giải pháp sau:

Một là, tăng cường công tác truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh, uy tín và thương hiệu của công ty: việc tuyên truyền, quảng bá không chỉ để công chúng biết đến các sản phẩm, dịch vụ, thế mạnh của Công ty, mà còn biết được những chiến lược và định hướng vươn lên trở thành một trong những hệ thống giáo dục hàng đầu tại Việt Nam.

Hai là, tăng cường quản trị chiến lược kinh doanh và phát triển Công ty: kinh tế thị trường luôn biến động, muốn tồn tại và phát triển đòi hỏi các doanh nghiệp cần có một chiến lược kinh doanh và phát triển thể hiện tính chủ động và tấn công nhằm có đối sách thích hợp.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hiệu quả bộ phận tài chính của Công ty: điều chỉnh tài chính cho phù hợp với doanh nghiệp để quản lý chi phí và hiệu quả hoạt động; giải quyết vấn đề hao phí quá thời gian và nguồn lực, lập dự báo cho các dự án không mang lại nhiều giá trị gia tăng,…

Bốn là, tăng cường các giải pháp quản trị và phát triển nguồn nhân lực của Công ty: Với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục như hệ thống giáo dục NQH, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất. Công ty có thể thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

- Tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác xây dựng, phát triển nguồn nhân lực: đẩy mạnh thực hiện các dự án phát triển nhân sự đã được phê duyệt; nghiên cứu kỹ đặc điểm, nhu cầu từng loại đối tượng lao động, dự báo xu hướng phát triển để tham mưu cho Ban giám đốc về xây nguồn nhân lực cho những yêu cầu trước mắt và lâu dài

- Triển khai công tác quản trị nhân sự theo JD (Job Description - Mô tả công việc) và JS (Job Specification - Chi tiết công việc: Thông qua JD, nhà quản trị sẽ biết từng vị trí ở thang bậc lương nào, có dải lương và phúc lợi ra sao, đối chiếu với các tổ chức tương tự khác thì ở mức cao, thấp hoặc trung bình? Qua đó xây dựng chính sách nhân sự nói chung, chính sách lương và phúc lợi phù hợp cho tổ chức trong từng thời kỳ và quan trọng là đảm bảo sự công bằng giữa công việc và phúc lợi cho các vị trí. 

Tuy nhiên, trong xu hướng mới ngày nay, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang xây dựng JP (Job Profile - tạm dịch là “hồ sơ công việc”) cho các chức danh để thay thế cho các JD truyền thống. Khác với JD - thường liệt kê khá nhiều công việc mà nhân viên phải làm, JP chỉ liệt kê những lĩnh vực (nhóm) công việc chủ yếu. Cả JP và JD đều là những công cụ quản trị tổ chức, đặc biệt là phát triển tổ chức. Giám đốc phát triển tổ chức (Organization Development Manager - ODM) là một chức danh mới đang ngày càng trở nên phổ biến trong các tập đoàn lớn, nơi vai trò của công tác phát triển tổ chức rất được coi trọng. Không ai khác, chính ODM là người chịu trách nhiệm chính trong việc truyền đạt, giải thích, hỗ trợ xây dựng, triển khai thực hiện, theo dõi đánh giá các JP cùng với các giám đốc chức năng và đảm bảo triển khai từng bước đánh giá đúng người đúng việc giúp để công tác quản trị nhân sự ngày càng được hoàn thiện hơn.

- Xây dựng các chính sách, chương trình, kế hoạch dựa trên cơ sở so sánh dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong kế hoạch dài hạn và nguồn nhân lực sẵn có.

- Tiếp tục đổi mới quy trình, nâng cao hơn nữa chất lượng và tính chuyên nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động: Những năm tới, ban lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education cần chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển dụng - khâu đầu tiên có ý nghĩa quyết định chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, xây dựng và đưa vào áp dụng bộ quy trình chuẩn trong tuyển chọn cho từng đối tượng cụ thể như tiếp tục tổ chức thi tuyển vào các vị trí chức danh, chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, điều hành và chuyên gia, giảng viên giỏi. 

- Hoạch định tài chính cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu chung là trung bình chi phí khoảng 10% quỹ tiền lương cho mỗi năm (1.0 - 1,5% doanh thu) để đầu tư phát triển hệ thống công nghệ đào tạo hiện đại phù hợp với xu thế hội nhập và đáp ứng được những đổi thay của môi trường bên trong và bên ngoài.

- Chú trọng thực hiện các giải pháp về quy hoạch, sắp xếp, sử dụng, đổi mới công tác quản lý nhân sự và các chính sách đãi ngộ: thực hiện quy hoạch theo hướng mỗi chức danh quy hoạch nhiều người và một người có thể quy hoạch vào một số chức danh có khả năng đảm nhiệm; chủ động phát hiện, đào tạo có định hướng đối với cán bộ trẻ có triển vọng và mạnh dạn bổ nhiệm, trao quyền trên các cương vị lãnh đạo, quản lý. 

- Xây dựng chiến lược kinh doanh song song với chiến lược phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo động lực để nhân viên gắn bó và không ngừng cống hiến.

3.3. Một số đề xuất, kiến nghị

3.3.1. Đối với Nhà nước

Thứ nhất, tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của Nhà nước như đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ và giấy tờ khác trong việc vay vốn ngân hàng; giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; ban hành chính sách khuyến khích đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh,…

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo, ban hành luật riêng về kinh tế tuần hoàn, gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Thứ ba, thúc đẩy các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dành cho các doanh nghiệp: trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ tư, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền các cấp: Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo, tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở hoạt động nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

3.3.2. Đối với cơ quan quản lý nhà nước TP. Hồ Chí Minh

Cơ quan quản lý nhà nước TP. Hồ Chí Minh nên ban hành quy định và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong và ngoài nước; đảm bảo thu ngân sách nhà nước và chi thường xuyên; đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống cho người lao động.

4. Kết luận

Với những kết quả mà Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education đạt được trong giai đoạn 2018-2022, chúng ta tin rằng những giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh doanh mà tác giả đề ra là khả thi và hoàn toàn phù hợp với tình hình Công ty. Bài nghiên cứu còn đem đến cho người đọc những góc nhìn mới để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nói chung có thể tham khảo, vận dụng một cách linh hoạt các chính sách, chương trình, kế hoạch để nâng cao năng hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh trên thị trường và thích ứng tốt với những tác động bất ngờ từ môi trường bên ngoài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education (2022), Báo cáo tài chính của Công ty TNHH Phát triển giáo dục NQH Education trong giai đoạn năm 2020 đến năm 2022.
  2. Tô Hà (2022). Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, <https://nhandan.vn/tim-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-doanh-nghiep-nha-nuoc-post690416.html>.
  3. Tăng Tạo (2022). Các biện pháp nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất kinh doanh, <https://sapuwa.com/7-bien-phap-huu-ich-nang-cao-hieu-qua-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep.html>.
  4. Dương Thu Minh (2017). Nghiên cứu lý luận về hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, < https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-ly-luan-ve-hieu-qua-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep.html>.
  5. Đặng Kiều Anh (2016). Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty CP Cảng Dịch vụ Dầu khí Đình Vũ, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Đại học Hàng hải Việt Nam, Hải Phòng.
  6. Nguyễn Văn Phúc (2016). Giải pháp tài chính nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp xây dựng thuộc Tổng công ty Sông Đà, Luận án tiến sĩ Kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội.
  7. NQH Tutor, (2022). Hệ thống giáo dục NQH, <https://nqhtutor.edu.vn/he-thong-giao-duc-nqh>.
  8. Lê Thị Hào, Trần Thanh Thủy (2022). Nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4, <https://tapchitaichinh.vn/nang-cao-hieu-qua-quan-tri-doanh-nghiep-trong-thoi-dai-cach-mang-cong-nghiep-4-0.html>.
  9. NQH Tutor, (2022). Hệ thống giáo dục NQH, <https://nqhtutor.edu.vn/he-thong-giao-duc-nqh>.

Improving the performance of NQH Education Education Development Co., Ltd in the period from 2017 to 2022

Che Ngoc Bao Tran1

Ph.D Nguyen Quoc Huy2

1NQH Education Development Co., Ltd

2Trung Vuong University

Abstract:

During the current international economic integration process, the education sector have attracted invesment and it has the potential to become one of key bussiness fields. Although the education business has its own characteristics, business performance is still one of the most important criteria to evaluate the quality of a business. Through assessing the performance of NQH Education Education Development Co., Ltd in the period from 2017 to 2022, this study proposes orientations and solutions for improving the performance of the company in the coming time.

Keywords: business efficiency, education business, human resource development investment, capital use efficiency, NQH Education Education Development Co., Ltd.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6  tháng 3 năm 2023]