Hội thảo được tổ chức nhằm kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu chuỗi và các tập đoàn đa quốc gia có chiến lược nội địa hóa, tiếp cận các nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo nền tảng cho các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp dệt may, da giày, hình thành mạng lưới các nhà sản xuất nhỏ và vừa trong nước.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.
Thời gian qua, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đạt được những kết quả nhất định, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước.
Mới đây nhất, ngày 6/8/2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Ngành dệt may, da giày có vai trò quan trọng, sử dụng số lượng lao động rất lớn, đến 4,3 triệu người.
Xuất khẩu của ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch quốc gia, năm 2019, 2 ngành này đã xuất khẩu 62 tỷ USD, tương đương 24% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Không thể phủ nhận, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định, đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.
“Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, nhìn chung quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu”, ông Ngô Khải Hoàn nhìn nhận.
Mặt khác, trong thời gian qua, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ.
Do đó, việc thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty cung ứng nước, doanh nghiệp đầu chuỗi trong nước và nước ngoài; nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu là một trong những giải pháp quan trọng nhất.
Đáng chú ý, năm 2020 chứng kiến những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế và các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đặt ra yêu cầu tái cấu trúc đối với các tập đoàn đa quốc gia theo hướng tăng tỉ lệ nội địa hoá và phân tán rủi ro.
Những thay đổi này đặt ra cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tự chủ và năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng mới hình thành.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Văn Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC) cho biết, thời gian qua, IDC đã triển khai Chương trình Hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung ứng trong chuỗi sản xuất dệt may, da giày thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020 với mục tiêu nâng cao năng lực và tổ chức kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước với các doanh nghiệp bên mua trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, với sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo dựng và củng cố mối liên hệ, kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp Việt Nam trong tương lai.
Hội thảo Kết nối doanh nghiệp công nghiệp Dệt may, Da giày năm 2020 được tổ chức nằm trong khuôn khổ thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2020, hướng đến tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu chuỗi và các tập đoàn đa quốc gia có chiến lược nội địa hóa, tiếp cận các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, tạo nền tảng cho các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp, hình thành mạng lưới các nhà sản xuất nhỏ và vừa trong nước.